Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

“Người hùng” trong giới bảo tàng - VOV1

Cập nhật : 8:55 15/12/2015

Trò chuyện cùng PGS TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người đã góp phần làm thay đổi quan niệm của mọi người về hoạt động bảo tàng, biến các hoạt động của bảo tàng từ trạng thái “tĩnh” sang “động”, thu hút ngày một nhiều hơn sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. 

Đài Tiếng nói Việt Nam VOV1
http://vov1.vov.vn/chuyen-dem/nguoi-hung-trong-gioi-bao-tang-14122015-c91-22321.aspx

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Phóng sự "Quy hoạch hệ thống Bảo tàng"


Phóng sự "Quy hoạch hệ thống Bảo tàng" trên VTV1 đánh giá về hoạt động của ngành bảo tàng Việt Nam trong thời gian qua. Phóng sự chỉ ra những ưu và nhược của bảo tàng công lập đồng thời nêu ra vai trò của sự hình thành các bảo tàng ngoài công lập trong bối cảnh hiện nay.

http://vtv.vn/video/phong-su-quy-hoach-he-thong-bao-tang-104490.htm

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Thư ngỏ - Hợp tác giáo dục


Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2015

            Kính gửi: Ban Giám hiệu các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục

            Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên trân trọng kính mời ông/bà và quý cơ quan tới tham quan, trao đổi và hợp tác trong hoạt động giáo dục dành cho các học sinh tiểu học (từ lớp 4 đến lớp 5), học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
            Sau 10 tháng thử nghiệm, đến nay Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên chính thức mở cửa đón học sinh các trường học đến tham quan và trải nghiệm. Bảo tàng giới thiệu về cuộc đời của nhà khoa học, nhà giáo, cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Qua Bảo tàng này, học sinh không những học hỏi nhiều điều về nhân cách và phẩm chất của một con người mà còn có cơ hội hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của đất nước trong suốt thế kỷ 20. Tìm hiểu về cuộc đời của ông Nguyễn Văn Huyên, thế hệ trẻ có thêm niềm tự hào về quê hương.
            Bảo tàng đã thiết lập một chương trình giáo dục tại bảo tàng theo cách tiếp cận mới nhất nhằm giúp thầy cô giáo tổ chức cho học sinh chủ động và tích cực tham quan và khám phá bảo tàng. Các chuyến tham quan là cơ hội để kết hợp với các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Chắc chắn rằng, mỗi chuyến thăm Bảo tàng sẽ đưa lại những hiệu quả tích cực cho học sinh.
           Bảo tàng sẵn sàng cử chuyên gia đến các trường, trao đổi với các thầy giáo cô giáo để hiểu thêm và ứng dụng về phương pháp giáo dục ở bảo tàng, khai thác bảo tàng một cách hiệu quả nhất.
           Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên mở cửa thường xuyên vào thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần. Bảo tàng có chương trình đặc biệt dành cho các trường đưa học sinh đến thăm Bảo tàng vào các ngày trong tuần theo hẹn trước.
          Mọi thông tin liên quan có thể tham khảo trên trang web của Bảo tàng.

                                                                                                                 GIÁM ĐỐC

                                                                                                                     (đã ký)

                                                                                                     PGS. TS. Nguyễn Văn Huy
Ấn vào đây để tải thư ngỏ
Chương trình giáo dục (tại đây

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham quan Bảo tàng nhân dịp 20/11

Ngày 17/11/2015, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền và 9 trường đại học trên địa bàn Hà Nội tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

On November 17, 2015, students from 10 universities in Hanoi led by the Academy of Journalism and Communication visited the Nguyen Van Huyen Museum. This is also an activity in celebrating the Educators' Day in Vietnam. It was first celebrated in 1958 as the Day of the International Manifest of Educators; in 1982 the day was renamed Vietnamese Educators' Day.


Bản tin 23h ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội


Video clip cho chính các bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Phủ Tổng đốc Vi Văn Định

Lời dẫn: Cụ Vi Văn Định là thân phụ của bà Vi Kim Ngọc, phu nhân của GS. Nguyễn Văn Huyên.
 
Tàn tích biệt phủ tổng đốc Vi Văn Định - VNExpress
 
Xuất thân trong gia đình quý tộc Tày gốc Việt lâu đời, luôn trấn ải vùng biên giới, Tổng đốc Vi Văn Định nổi tiếng vì nghiêm minh, chính trực. Biệt phủ của ông ở Lạng Sơn rộng hơn một ha, nay chỉ còn lại tàn tích.
 
Ông Vi Văn Định (1878-1975) tự Ngọc Khuê, thuộc đời thứ 13 của họ Vi, một dòng họ lớn người Tày được triều đình giao trọng trách trấn giữ biên cương tại Lạng Sơn. Ông từng được triều đình cử đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tri châu Lộc Bình, trợ tá tỉnh vụ Lạng Sơn, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên, Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, Tổng đốc tỉnh Thái Bình, Tổng đốc tỉnh Hà Đông, được tấn phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu Bảo rồi nghỉ hưu năm 1942. Ông nổi tiếng là vị Tổng đốc nghiêm minh, chính trực. Sau này, ông đi theo Cách mạng, là Ủy viên Trung ương Hội Liên Việt. Kháng chiến thành công, ông Vi Văn Định về sống ở Hà Nội, làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là nhạc phụ của 2 trí thức nổi tiếng thời bấy giờ là giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Đại Y Hà Nội; tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giáo dục.
 
 
Dòng họ Vi làm thổ ty Lạng Sơn 13 đời, đến đời thứ 8 mới dời đến Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, lập thái ấp. Trong ảnh là biệt phủ Tổng đốc Vi Văn Định ở thôn Bản Chu.
 
 
Tổng đốc Vi Văn Định xây dựng biệt phủ từ đầu thế kỷ XX. Trải qua thăng trầm, hiện nay khu biệt phủ chỉ còn lại hai cổng cách nhau khoảng 30 m.
 
 
Cổng chính biệt phủ họ Vi được xây bằng gạch nung, vôi, cát. Theo ông Lộc Văn Chú (nguyên Chủ tịch xã Khuất Xá), sau khi Tổng đốc Vi Văn Định rời khỏi Lạng Sơn, nơi đây không ai coi sóc, từng trở thành căn cứ của bộ đội. Năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, biệt phủ bị san lấp hoàn toàn bởi đạn pháo đối phương. 
 
 
Mạch tường làm bằng hỗn hợp tro, đường phên và nhựa dây tơ hồng bền chắc, khó bong tróc theo thời gian.
 
 
Cửa gỗ đã bị tàn phá nay còn trơ lại trụ sắt.
 
 
Kiến trúc mái vòm của cổng chính biệt phủ.
 
 
Cổng ngoài của biệt phủ. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, hiện tỉnh đã xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ dấu tích khu biệt phủ.
 
 
Giếng nước cổ Bó Lài nằm cạnh nhánh sông Kỳ Cùng được Tổng đốc Vi Văn Định xây năm 1910 với 42 bậc lên xuống bằng đá cuội.
 
 
Thành giếng cao khoảng 2 m, xây bằng gạch nung không có họa tiết cầu kỳ. Giếng mang hình dáng chiếc trống đồng với “đai trống” là 2 vòng tròn đắp nổi.
 
 
Theo ông Lộc Văn Chú, nước giếng Bó Lài trăm năm nay chưa bao giờ cạn. Ngày nay, người dân bản Chu vẫn sử dụng nước giếng cho ăn uống, sinh hoạt. Người từ phương xa cũng đến làng mang theo can, thùng xin nước giếng đem về.
 
Hồng Vân

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Phim tài liệu "Điều còn mãi"


Phim tài liệu "Điều còn mãi" được thực hiện nhân dịp kỉ niệm 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

This documentary film is produced for the 70th anniversary of the educational tradition and the 20th anniversary of the University of Social Sciences and Humanities.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Huyên tại buổi lễ Khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam (15-11-1945)

Speech of Professor Nguyen Van Huyen at the opening ceremony of the Vietnam National University on November 15, 1945, just more than 2 months after the Declaration of Independence of the Democratic Republic of Vietnam on September 2, 1945.


70 năm đã trôi qua kể từ buổi lễ Khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam (15-11-1945). Để nhìn nhận lại sự kiện trọng đại này trong nền giáo dục Việt Nam và chào mừng ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam (20-11), Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên xin trích đăng lại lời phát biểu của GS. Nguyễn Văn Huyên với tư cách là Tổng Giám đốc Đại học vụ, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xác lập những nhiệm vụ và đường hướng phát triển nền đại học lúc bấy giờ.

"Thưa Cụ Chủ tịch,
Thưa các ngài,
Thưa các bạn,

Tôi rất lấy làm vui mừng và cảm động, được thấy cử hành ở đây buổi lễ long trọng mở đầu một kỷ nguyên mới cho nền Đại học nước Việt Nam ta.
(...)
Nhưng buổi lễ hôm nay anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kì kháng chiến, phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc ven bể Thái Bình Dương này.
(...)
Và cũng vì tin tưởng rằng nền Đại học là một trong những nền tảng của công cuộc kiến thiết quốc gia, anh em chúng tôi cùng hội họp ở đây hôm nay, trước sự khuyến khích long trọng của liệt vị quý khách, chúng tôi cảm thấy cùng có một trách nhiệm luyện tập tinh thần cho một số khả quan đại chúng chọn ở một tầng lớp dân chúng, không kì là trai hay gái, là quý hay tiện, là giàu hay nghèo để giúp vào công cuộc xây dựng nền văn hóa mới cho nước Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy cùng có trách nhiệm đào tạo một số đông những người có đủ đức tính và khả năng để lãnh đạo cho quần chúng, những bậc quân tử, nếu các ngài cho phép tôi dùng một chữ cổ, trong nghĩa cổ, của một nền văn minh Đông phương, những người vừa biết trau dồi về kiến thức để có thể tự biết phẩm bình mọi lực lượng văn minh, vừa biết xử sự về thực tế để có thể đem áp dụng ngay trong đời sống những điều hiểu biết của mình, để cùng anh chị em đồng bào các giới nêu cao ngọn quốc kì trong mọi cơn giông tố, và trong mọi cuộc hội họp quốc tế về văn hóa trên nền hòa bình, công lí, tự do, hạnh phúc, bác ái xán lạn của nhân loại mai sau.

Vì thế chúng tôi sẽ hành lễ khai giảng đại học này một cách giản dị và trang nghiêm để tất cả anh chị em hiểu rõ nhiệm vụ và cùng cố gắng."

(Lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Huyên tại buổi lễ Khai giảng trường Đại học quốc gia Việt Nam, 15-11-1945; Hồ sơ lưu trữ của Trường Viễn đông bác cổ Pháp, hồ sơ Nguyễn Văn Huyên, cặp P14, bản thảo viết bút máy và bút chì, 10 trang)

Đăng lại trong Nguyễn Văn Huyên toàn tập - Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, tập 3, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005.

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: "Không nên hiện thực hóa huyền tích"

KTĐT - Với một bản quy hoạch được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cùng nhiều giải pháp “dài hơi”, người ta kỳ vọng Khu di tích lịch sử Cổ Loa sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ của Hà Nội mà của cả nước trong một vài năm tới.
Thế nhưng, kỳ vọng ấy có thể trở thành hiện thực hay không, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Còn phụ thuộc vào cách chúng ta kể câu chuyện lịch sử hơn 2.000 năm bằng phương pháp gì.

Di tích không chỉ là bãi khảo cổ
Trong bản Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) mới được cống bố đã chọn cộng đồng dân cư là yếu tố cốt lõi để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Điều này cũng nảy sinh lo ngại dân cư sống trong lòng di tích sẽ hủy hoại đến di sản. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi ủng hộ quan điểm để người dân sống trong lòng di tích. Bởi vì, di tích xen kẽ với dân chính là một thực thể sống, tạo sự sinh động của di sản đó. Cũng có những ý nghĩ, di dời toàn bộ người dân ra khỏi di tích sẽ làm lộ diện giá trị về mặt lịch sử, các kiến trúc cũ, tạo điều kiện cho công tác khảo cổ. Nhưng đó là một quan niệm chưa hẳn đúng, cần phải nghiên cứu. Du khách đến với di tích, ngoài việc ngắm nhìn hiện vật của lịch sử, còn cần bao quát những gì diễn ra xung quanh nó. Tách con người ra khỏi di tích sẽ không còn cuộc sống gắn với nó cả ngàn năm, mà chỉ là bãi khảo cổ.


Cổ Loa đang sở hữu rất nhiều hiện vật, hệ thống đền thờ vua An Dương Vương, giếng Ngọc, am Bà Chúa, hoạt động lễ hội diễn ra hàng năm… PGS có cho rằng những giá trị vật thể và phi vật thể này đã đủ sức tạo nên sức hấp dẫn trong lòng di tích?
- Tôi không hy vọng ở đó trình diễn lễ hội sẽ có sức hút. Lễ hội Cổ Loa chỉ diễn ra vào đầu tháng Giêng hàng năm. Nếu bây giờ biến lễ hội thành sản phẩm trình diễn thường xuyên thì chắc không nên. Lễ hội Cổ Loa là cuộc sống, niềm tin và văn hóa của người dân, nó phải gắn với cộng đồng dân cư, vẫn giữ nhiều nét đẹp dân giã. Chúng ta không nên sân khấu hóa lễ hội này.


Theo ông, làm cách nào vẫn có thể duy trì cuộc sống của người dân trong lòng di tích mà không ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn?
- Ở Việt Nam đã có hai bài học. Bài học không thành công là Đường Lâm (Hà Nội), và bài học tốt là Hội An (Quảng Nam). Ngoài việc tăng cường nghiên cứu, trưng bày các hiện vật, các cơ quan chức năng cần thường xuyên cung cấp kiến thức, hiểu biết về thành Cổ Loa nói riêng và toàn bộ khu di tích nói chung. Những kinh nghiệm bảo vệ di tích trong nước và quốc tế đến cộng đồng dân cư ở đây. Tôi cho rằng đây là một hướng đi bền vững. Khi người dân hiểu về giá trị di tích thì họ sẽ chủ động tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Ngoài ra, trong quy hoạch cũng đã tính đến việc giới hạn số lượng người dân sống trong lòng di tích, giới hạn chiều cao của các ngôi để không phá hỏng không gian kiến trúc… Đó là những giải pháp nếu làm tốt sẽ bảo vệ được di tích.

Nhiều cách khai thác giá trị di tích
Hà Nội đang có rất nhiều điểm du lịch di sản còn chưa khai thác hiệu quả. Di tích Cổ Loa lại nằm xa trung tâm, điều kiện phục vụ du lịch chưa thuận lợi. Mong muốn biến nơi đây thành công viên sinh thái, lịch sử, nhân văn liệu có khả thi?
- Tôi cho rằng đây là địa điểm lịch sử thú vị vì gắn với di tích của thời An Dương Vương, vua Ngô Quyền và những truyền thuyết rất cảm xúc. Câu chuyện đấy đáng để khai thác, để bảo vệ. Hơn nữa, nơi đây là di tích thành cổ bậc nhất Đông Nam Á. Vấn đề là chúng ta thể hiện chất liệu ấy như thế nào để di tích Cổ Loa là nơi hấp dẫn.


Dưới con mắt của nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, theo ông, chúng ta nên thể hiện chất liệu ấy như thế nào để làm nổi bật giá trị di tích?
- Để làm nổi bật giá trị di tích cần thể hiện bằng phương pháp đa chiều, đa thanh. Trong đó có cả câu chuyện An Dương Vương xây thành, mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy… Nhưng chất liệu không thể sử dụng tư duy trình diễn như chúng ta quen gọi và thường thấy. Tôi từng thăm một thành cổ của Canada, nơi xưa kia xảy ra trận chiến rất ác liệt giữa quân Anh và quân Pháp hình thành đất nước Canada. Thành đó bị bỏ quên, đến những năm 1980, người ta mới sực nhớ và phục dựng lại. Ngay sau đó, di tích này được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thu hút rất đông du khách. Ở nơi ấy, câu chuyện của trận chiến được kể trong phòng bảo tàng bằng phương pháp 3D, vừa thực và vừa ảo. Công tác phục dựng cũng rất tôn trọng chất liệu hiện có, không mang tính hoành tráng – căn bệnh phục dựng của Việt Nam thường mắc phải. Câu chuyện thành cổ Hyderabad ở Ấn Độ cũng được kể bằng âm thanh và ánh sáng, thu hút rất đông khách hàng đêm.
Cổ Loa là huyền tích không nên hiện thực hóa. Những cái gì còn thì phải giữ để bảo lưu. Những chỗ nào bị phá, nếu còn nhiều cơ sở khoa học có thể phục hồi. Còn những cái quá xa vời như: Chỗ ở của vua, của quan, của cung tần mỹ nữ… không nên phục dựng. Bởi vì, ai có thể hình dung hiện thực diễn ra như thế nào khi lịch sử đã là mấy ngàn năm. Bởi vì, cái cốt lõi hấp dẫn di tích là thành đất cổ và các huyền thoại của nó.

Xin cảm ơn ông!
Linh Anh thực hiện

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Tưởng nhớ ông Nguyễn Văn Huyên


Ngày 15 tháng 9 âm lịch là giỗ ông Nguyễn Văn Huyên. Hình ảnh những tháng cuối cùng của ông chúng tôi còn nhớ mãi.

Không thể quên được vẻ mặt ông và lời nói vui mừng biết bao cùng cả nhà chia sẻ, theo dõi từng giờ phút kết thúc cuộc chiến 30 năm. Ông kiếm một bánh pháo về đốt.

Bức thư cuối cùng ông gửi ông Hồ Trúc, thứ trưởng Bộ Giáo dục, từ bệnh viện ở Berlin, nói về công việc và bày tỏ sự tiếc nuối không thể cùng anh chị em ở Bộ gánh vác công việc nặng nề phát triển giáo dục khi đất nước thống nhất. Ông nhờ gửi lời thăm đến ông Nguyễn Hữu Dụng và anh chị em làm giáo dục ở miền nam. Bức thư này ông Hồ Trúc tặng lại gia đình, nay đang lưu ở Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, như một lời vĩnh biệt của ông cho toàn ngành Giáo dục.

Ông có thói quen uống cà phê nên đi đâu cũng mang cà phê và phin pha cà phê theo mình. Trong những ngày kháng chiến gian khổ nhất cho đến những ngày nằm ở bệnh viện Berlin thói quen này vẫn được giữ. Ông tự pha cho mình. 40 năm qua mỗi lần giỗ ông chúng tôi đều không quên pha một phin cà phê đặt trên bàn thờ. Ở Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên cũng có một phin với chiếc cốc và chiếc thìa ông vẫn quen dùng.

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Kỷ niệm 20 thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Bài phát biểu của PGS. TS Nguyễn Văn Huy thay mặt thế hệ đầu xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTHVN) tại lễ Kỷ niệm 20 thành lập Bảo tàng DTHVN ngày 24 tháng 10 năm 2015.


Trong lúc này nhớ lại 20 năm trước khi nhận quyết định của Chính phủ thành lập BTDTHVN những người thuộc thế hệ đầu tiên của Bảo tàng chỉ 18-20 người vô cùng phấn khởi và cũng rất lo lắng trước một nhiệm vụ quá to lớn mà chưa có ai từng làm bao giờ. Trên mảnh đất này lúc đó chỉ là đồng không mông quạnh, thậm chí không có đường vào. Kinh phí thì ít ỏi. Hiện vật thì không có gì. Làm thế nào đây? Đó là câu hỏi day dứt tất cả thế hệ chúng tôi.

Điều đầu tiên với chúng tôi là xây dựng quyết tâm vì một mục tiêu- xây dựng một bảo tàng tốt nhất trong điều kiện có thể. Tất cả đều quyết tâm, đều làm việc với trách nhiệm cao nhất. Mọi người thực sự đều say sưa với công việc. Càng làm càng say sưa, càng hứng thú. Sự hứng thú đi cùng với mỗi thành công và cứ thế cứ thúc đẩy lẫn nhau. Mọi người đều đồng tâm học, làm và sáng tạo.

Chúng tôi, cả một tập thể cũng hiểu rằng chỉ có đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau thì mới hoàn thành được nhiệm vụ to lớn này. Đó còn là sự hợp tác cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã làm được điều đó.

Bảo tàng khi đó được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Trung tâm KHXH và nhân văn quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm KHXHVN. Bao khó khăn của bảo tàng đã được lãnh đao Trung tâm và cao hơn là cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước quan tâm, trực tiếp giải quyết tiếp.

Nhờ tất cả những điều đó BT đã từng bước hình thành và phát triển. Bảo tàng xây dựng dần được thương hiệu trong xã hội. Thương hiệu: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Những thế hệ kế tiếp đã tiếp tục những công việc của chúng tôi một cách đáng tự hào. Thương hiệu được giữ vững và ngày càng nâng cao.

Hôm nay, kỷ niệm 20 thành lập BT, chúng ta lại mở ra một chương mới bằng việc được Đảng và nhà nước đánh giá cao, trao tặng huân chương cao quý; và mở ra khai trương 2 trưng bày đặc biệt về văn hóa Đông Nam Á và Văn hóa thế giới ở tòa nhà Cánh Diều. Thế hệ chúng tôi luôn tin tưởng và mong rằng Bảo tàng của chúng ta sẽ luôn luôn vững bước phát triển, xứng đáng với sự tin cậy của Nhân Dân.

Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên nhận Huân chương Lao động

Ngày 24 tháng 10 năm 2015, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên nhận Huân chương Lao động hạng Nhì về những đóng góp của ông trong việc xây dựng và phát triển Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (1995-2006).


Ths. Nguyễn Đức Tăng (Văn phòng UNESCO Hà Nội): "PGS.TS. Nguyễn Văn Huy không chỉ đóng góp xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Dù đến với ngành bảo tàng muộn, ông đã giúp quốc tế biết đến bảo tàng Việt Nam. Bảo tàng của ông trở thành hình mẫu cho nhiều bảo tàng trên thế giới. Ông biến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam non trẻ trở thành lựa chọn số một của người dân Hà Nội khi tìm kiếm đến một nơi cho con cái họ vừa chơi vừa học đúng nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của ông, Bảo tàng DTHVN đã trở thành con chim đầu đàn về đổi mới và luôn luôn học hỏi những điều mới. Quan trọng hơn, ông đã tạo ra cảm hứng và động lực cho nhiều thế hệ cán bộ bảo tàng Việt Nam trong phát triển nghề nghiệp của mình."

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Berlin, 19 tháng 10 năm 1975

Ngày 19 tháng 10 năm 1975 (40 năm trước) ông Nguyễn Văn Huyên qua đời sau một ca phẫu thuật ở Berlin, CHDC Đức. Ông tin tưởng ở nền y học Đức, không nghĩ là mình sẽ ra đi mãi trong chuyến đi này nên không một lời căn dặn, từ biệt mẹ và các con.


Trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên có trưng bày một tờ lịch 19/10/1985 được bà Vi Kim Ngọc dán trong cuốn Nhật ký của mình bên cạnh những tâm sự của bà 10 năm xa cách ông.


Tấm ảnh dưới chụp tại Matxcova trong chuyến đi đầy kỷ niệm của ông bà trước khi ông mất 2 tháng.

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

the Nguyen Van Huyen Museum on ASEMUS

Vừa trở thành 1 trong 5 bảo tàng Việt Nam tham gia Mạng lưới bảo tàng Á-Âu (ASEMUS), Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên góp thêm một viên gạch nhằm xây dựng quan hệ, trao đổi tri thức giữa các dân tộc ở châu Á và châu Âu thông qua hoạt động văn hóa.

Nguyen Van Huyen Museum, Hanoi

Nguyen Van Huyen Museum - inside1 Nguyen Van Huyen Museum - Outside
The Nguyen Van Huyen Museum, Hanoi, presents the life and career of Professor Nguyen Van Huyen, a Minister of Education of Viet Nam (1946-1975). Established by his son, Professor Nguyen Van Huy, the Museum is located in Professor Nguyen’s home village, in Lai Xa village, Hoai Duc district, Hanoi. Professor Nguyen Van Huy is also the founding director of the Vietnam Museum of Ethnology, established in 1995.
The Nguyen Van Huyen Museum has 150 square meters for its permanent exhibition. Consisting of about 400 objects, the permanent exhibition is organised into four floors, and four subsections or themes. The objects include family notebooks, photos, diaries, dissertations, books and furniture that tell a number of stories about the life of Mr. Nguyen Van Huyen, a key figure in the history of the establishment of the educational system of the Democratic Republic of Viet Nam (currently the Socialist Republic of Viet Nam).
The objects are dated from the late 19th century until the late 20th century. Throughout the exhibition, many stories are told using the voices of the children of Prof. Nguyen Van Huyen. This makes the museum distinct from other state-run museums in Viet Nam and other countries.
Coming to the Nguyen Van Huyen Museum, visitors not only learn about the life and career of Prof. Nguyen Van Huyen, but also get to know a national history and changes through the life of a political figure. This is in line with the Museum’s motto: ‘the history of the country begins from each individual’.
Permanent collections: legal documents, personal records, paintings, photos and video clips presenting the life and work of Professor Nguyen Van Huyen (1905-1975) as a French-educated scholar and a minister of Education of the Democratic Republic of Viet Nam (1946-1975).

View all Asia-Europe Museum Network (ASEMUS) members in Viet Nam

http://asemus.museum/museum/nguyen-van-huyen-museum-viet-nam/

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Hội thảo khoa học "Nhân học ở Việt Nam: Lịch sử, Hiện trạng và Triển vọng"

Hội thảo dành một tiểu ban gồm các tham luận phân tích về những đóng góp khoa học và hoạt động giáo dục của GS. Nguyễn Văn Huyên trong việc xây dựng ngành dân tộc học/nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Tiểu ban: Nguyễn Văn Huyên và Nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Chủ trì:
GS.TS. Ngô Văn Lệ
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy

1. TS. Olivier TESSIER, Những bước đi đầu tiên của ngành Dân tộc học ở Việt Nam: Vai trò quan trọng của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp
2. GS.TS. Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Văn Huyên và việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam
3. PGS.TS. Đỗ Lai Thúy, Di sản Nguyễn Văn Huyên, hôm nay nhìn lại
4. TS. Đinh Hồng Hải, Những tri thức bác học của Nguyễn Văn Huyên (Một số dẫn liệu từ bộ sách Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam)
5. PGS.TS. Nguyễn Phương Ngọc, Nguyễn Văn Huyên với việc tổ chức nghiên cứu và đào tạo
cho ngành Nhân học trước năm 1945
6. Ths. Nguyễn Mạnh Tiến, Xác lập căn cước dân tộc - Trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX đối
diện với sự kiện Hát đối đáp, trường hợp Nguyễn Văn Huyên

Thời gian: 10h30-12h, phòng 506 nhà E, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội


Trên phạm vi quốc tế, nhân học là một ngành khoa học cơ bản, ra đời từ thế kỷ XIX, có vị trí học thuật quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt sâu sắc, đã và đang được triển khai đào tạo ở nhiều trường đại học trên thế giới. Với đối tượng nghiên cứu là con người, nhân học bao quát nhiều chủ đề, từ khía cạnh sinh học đến văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục, nghệ thuật, pháp luật, sức khỏe, v.v. ở các không gian và thời gian khác nhau.

Ở Việt Nam, truyền thống dân tộc học theo mô hình của Pháp đã được định hình từ đầu thế kỷ XX. Trong nửa sau thế kỷ XX, truyền thống dân tộc học theo mô hình Xô-viết từng bước được xây dựng, phát triển và có những đóng góp quan trọng cho nhà nước và xã hội. Từ đầu những năm 1990, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, xu thế đổi mới, mở rộng dân tộc học thành nhân học đã mở ra một chương mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của ngành học. Quá trình đổi mới, phát triển và mở rộng đối tượng nghiên cứu và đào tạo của ngành học trong những thập kỷ vừa qua vừa mang lại những cơ hội mới, song cũng chứa đựng những thách thức, cần được trao đổi, phân tích và phải có hướng giải quyết một cách hiệu quả.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) phối hợp với Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Viện Dân tộc học và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tổ chức hội thảo quốc tế nhằm mục đích: (i) Đánh giá về lịch sử, hiện trạng, thành tựu và thách thức của ngành, đề ra các giải pháp thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, xây dựng thể chế và phát triển ngành học; (ii) Công bố kết quả nghiên cứu mới về một số chủ đề cơ bản của ngành; và (iii) Tăng cường hợp tác giữa các nhà nhân học/dân tộc học, các đơn vị nghiên cứu và đào tạo nhân học/dân tộc học ở trong nước và nước ngoài, thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo, công bố khoa học, trao đổi tài liệu, v.v.

CÁC CHỦ ĐỀ CỦA HỘI THẢO
-         Lịch sử, thành tựu và thách thức trong công tác xây dựng thể chế ngành học (các bộ môn, khoa, viện nghiên cứu, tạp chí, hội, bảo tàng, v.v.), công tác đào tạo và nghiên cứu của ngành.
-         Vị trí, vai trò và đóng góp của một số nhà nhân học đầu đàn, đầu ngành trong quá trình xây dựng ngành học trong thế kỷ XX.
-         Kết quả nghiên cứu mới về các chủ đề: tộc người, đô thị hóa, sinh kế, các thể chế văn hóa và biến đổi xã hội.

THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM CỦA HỘI THẢO
-        Thời gian: 29 tháng 9 năm 2015
-        Địa điểm hội thảo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

CÁC MỐC THỜI GIAN QUAN TRỌNG
-         6/4/2015: Thông báo lần 1 mời nộp tóm tắt báo cáo tham gia hội thảo
-         31/5/2015: Hạn nộp tóm tắt báo cáo
-         8/6/2015: Thông báo lần 2 mời viết báo cáo tham gia hội thảo
-         31/8/2015: Hạn nộp toàn văn báo cáo
-         10/9/2015: Thông báo lần 3 về Chương trình hội thảo
-         29/9/2015: Hội thảo

THỂ LỆ BÁO CÁO
-         Báo cáo tóm tắt dài 200 - 350 từ.
-         Báo cáo toàn văn dài không quá 10.000 từ.

ĐỊA CHỈ NHẬN TÓM TẮT, BÁO CÁO TOÀN VĂN VÀ LIÊN HỆ HỘI THẢO

PGS.TS. Nguyễn Văn Sửu, Chủ nhiệm Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: nvsuu@yahoo.com.

WEBSITE CÁC ĐƠN VỊ TỔ CHỨC
Website Khoa Nhân học: http://nhanhoc.edu.vn
Website Viện Dân tộc học: http://viendantochoc.vass.gov.vn
Website Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên: www.nguyenvanhuyen.org.vn

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Tết Trung thu

Lời dẫn: Trung thu không chỉ là tết dành cho trẻ em như chúng ta thường thấy trong xã hội hiện đại. Từ xa xưa, nó được coi là ngày lễ của những người làm nông nghiệp và dần được gắn những quan niệm mới, ước vọng mới của xã hội khiến nó trở nên sinh động và gần gũi với mọi tầng lớp. Quan trọng hơn, mặt trăng, biểu tượng của khả năng sinh sản và người bảo trợ của đời sống vợ chồng, khiến cho Tết Trung thu cũng là dịp để nam nữ tìm hiểu nhau qua những câu hát đối, hoạt động vui chơi trong đêm trăng rằm. Nhân dịp Tết Trung thu sắp đến, chúng ta cùng đọc lại trích đoạn bài "Tết Trung thu" của GS. Nguyễn Văn Huyên đăng trên tạp chí Indochine năm 1942 để cùng thưởng thức sự phức tạp và thú vị của ngày Tết dân gian này.

Nguyễn Văn Huyên
Indochine, Hebdomadaire, Illustré, số 108, 24/7/1942
(bản dịch của  Đỗ Trọng Quang)

(…) Mặt trăng, được coi là biểu tượng của khả năng sinh sản, trở thành người bảo trợ của phụ nữ và đời sống vợ chồng. Trên mặt trăng có cung của ông Nguyệt lão và bà Nguyệt, cả hai đều quyết định việc hôn nhân của mọi người trên trái đất. (…) Chính bằng những sợi chỉ tơ hồng mà ông tơ rằng buộc các cặp vợ chồng tương lai. Ông tơ càng buộc chặt, họ càng xích gần nhau, càng yêu nhau. Trai gái chỉ chắc chắn về tình yêu của họ và được gắn bó với nhau trong tương lai bằng hôn nhân nếu sợi được se để thành chỉ. Họ còn ngập ngừng khi chỉ bị rối. Có trường hợp Nguyệt lão se sẵn chỉ trước, buộc cặp vợ chồng tương lai. Chính vì vậy mà một số cuộc cưới xin được dễ dàng: người ta không cần phải đợi cho đến khi chỉ được se xong.

Dù sao, Trung thu, tết của mặt trăng, đồng thời cũng là tết dạm hỏi, lúc cả nam và nữ đều tìm cách làm vừa ý người khác và tìm thấy trong đám đông người bạn đời tương lai của mình. Họ tụ tập từng nhóm từ sáu đến tám người, ngay lúc sẩm tối, trước cửa hay trong sân nhà mình. Họ đứng thành hai phe, một phe nữ, một phe nam. Và họ vừa hát đối vừa ngắm trăng. Người con trai (hay người con gái) có thể bị loại vì hát tồi, hay vì không tìm được câu thơ đáp lại đối phương. Cuộc thi hát đối đáp này chỉ kết thúc khi tất cả những người hát của một phe đều bị loại, chỉ trừ một. Lúc mỗi bên chỉ còn một người hát, thì ai thắng được giải nhất, còn người kia được giải nhì. Phần thưởng này là tiền, lụa, chè hay cái quạt.


Tiếp theo những cảnh hát đối đáp này thường là lễ dạm hỏi và cưới xin: người con gái vừa có sắc vừa có tài được đối phương mình lấy làm vợ, hoặc được một chàng trai đã dự hội dạm hỏi. Nếu những cuộc hát đối đáp này không được kết thúc bằng dạm hỏi thì ít nhất đây cũng là cơ hội để trai gái làm quen nhau.

Ở các gia đình giàu có và danh giá, con trai và con gái không được phép hát như thế. Tuy nhiên, những cô gái thuộc gia đình thượng lưu, để tỏ tài mình trước mắt các chàng trai và các bà mẹ chồng tương lai, đều nhân dịp tết tháng Tám, cũng gọi là tết trẻ em, để đua tài bằng cách làm đủ loại đồ vật với bột, giấy, hoa quả, v.v.

Đêm Trung thu, cả nhà tưng bừng. Cửa mở toang và tất cả những ai ăn mặc tươm tất đều có thể vào nhà. Cô gái có vai trò tích cực nhất trong việc chuẩn bị tết thì lui vào một căn phòng có mành che kín. Trẻ con nô đùa xung quanh bàn dưới sự chỉ dẫn của các anh trai và chị dâu. Khách có thể tự do đi xung quanh bàn. Họ bình phẩm, cười vui. Rồi sau khi khen ngợi và cảm ơn chủ nhà, họ đi ra và tới các gia đình khác. Các vị quý khách thì được cha mẹ tiếp. Và các cô gái chỉ ra khi bố mẹ gọi bưng nước mời khách.

Như vậy, tết Trung thu, trong một quá trình diễn biến lâu dài của tư tưởng và phong tục, đã trở thành ngày hội lớn của tuổi trẻ, trong đó trai gái gặp gỡ nhau và hát đối đáp giữa các đám đông và dưới ánh trăng. (…) Trong các cuộc hát đối đáp đó, họ tha hồ tìm hiểu nhau. Những lời thề thốt được trao đổi trịnh trọng trước ánh trăng rực rỡ xuất hiện uy nghi như một vị thần chứng giám. Và như vậy, ở cuộc đấu tao nhã này nảy nở một tình yêu và những giá trị. Có trường hợp những mối dây chắc chắn ràng buộc các lứa đôi này và những đám cưới được cử hành vào ngày lành tháng tốt của mùa xuân sau.

(…) Đêm đó, khi trăng đã lên ngự uy nghi ở điểm cao nhất của bầu trời, vào thời kỳ này thường rất quang và trong vắt, các nhà thơ tụ họp nhau để uống “rượu hoa vàng” dưới bóng những cây trúc, và nhắm những con ốc ở tháng này của mùa thu thường béo hơn ở những thời kỳ khác, và để cùng nhau ứng tác những vần thơ ca ngợi thiên nhiên vĩnh cửu và tuyệt đẹp. (…)

Trái lại, những thanh niên đã hoặc sắp sửa học hành thành tài lại vui tết Trung thu theo kiểu của họ. Đối với họ, đây là ngày tết của tương lai, ngày tết mở đầu cho các kỳ đỗ đạt sắp tới của họ. (…) Cây đa che cho chú Cuội của dân gian trở thành cây nguyệt quế có hoa nở về mùa thu và đôi khi rụng xuống mặt đất. Cái cây hiếm hoi này, với những cành nhanh oai vệ, là biểu tượng của sự đỗ đạt vinh quang. Đêm đó, ai cũng mong muốn lên cung trăng, qua giấc mộng, bằng một chiếc thang “mây”, mây đan hay mây trời, để hái một cành kỳ diệu của nó.

Vì thế, ở tết Trung thu này, người ta bày lên bàn dành cho trẻ em tất cả các hình trạng nguyên, tiến sĩ… của những khoa thi ngày xưa, hình bàn thờ gia tộc, các đình làng, là những nơi các vị tân khoa sẽ phải đến long trọng làm lễ khi vinh quy về làng.

Trung thu ở nước Việt Nam này đã trở thành một ngày tết mang tính chất phức tạp thú vị, đến nỗi cũng như tất cả các lễ hội có đặc tính dân gian khác, nó làm cho ai cũng quan tâm và sung sướng, bất kể họ thuộc giai tầng nào hay lứa tuổi nào trong nước. Thoạt tiên được coi là ngày lễ của người làm ruộng chỉ lo lắng đến vụ thu hoạch của mình, nó đã được những quan niệm mới và ước vọng mới của xã hội làm trẻ lại và trở nên sinh động. Là ngày tết của dạm hỏi, nó góp phần to lớn làm cho xích lại gần nhau các nhóm và các gia đình sống tách biệt hẳn nhau sâu sắc kể từ sau những ngày lễ hội của Tết Nguyên đán vừa qua. Là ngày tết của lớp tuổi trẻ học trò, nó mang lại cho mọi người hy vọng rằng, trong những ngày sắp đến, họ có thể thờ vua giúp nước, và họ sẽ xứng đáng với lòng tin cậy của các bậc huynh trưởng cũng như của các cô vợ xinh đẹp và đức hạnh đang trông mong trong sự im lặng và tần tảo, được theo sau chàng trong đám rước vinh quy trên những chiếc võng điều.
  
Nguyễn Văn Huyên toàn tập, Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, tập 2, NXB Giáo dục, 2001, tr. 953-969.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Xuất hiện trên Google Maps

Từ hôm nay, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên chính thức xuất hiện trên bản đồ của Google (Google Maps). Du khách tới Hà Nội có thể tìm vị trí Bảo tàng trên bản đồ và được dẫn đường bởi các thiết bị di động như điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng...




Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

'Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng'

 - Một gia đình gồm hai vợ chồng già cùng con trai đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Họ xem rất kỹ từng hiện vật, không bỏ sót các dòng giới thiệu. Trước khi ra về, người chồng ghi lại những dòng lưu niệm trong căn “vườn ký ức” của Bảo tàng. Người vợ kể cho chúng tôi một kỷ niệm với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. 

>> Kỳ 2: Thuật dùng người độc đáo của Bộ trưởng Giáo dục

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Chuyện lọt tên một nữ sinh 
“Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Nam Định. Sau khi học xong phổ thông, tôi học khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội, rồi trở thành cô giáo trong suốt 35 năm và đã nghỉ hưu năm 2005. Có một câu chuyện tôi nhớ mãi không bao giờ quên.

Năm 1963 tôi tốt nghiệp cấp 2 (trường Trần Đăng Ninh). Tôi học giỏi, điểm thi tốt nghiệp xuất sắc nên thuộc diện được tuyển thẳng vào cấp 3, lại được vào thẳng trường Lê Hồng Phong, hồi đó chưa phải là trường chuyên nhưng cũng có danh tiếng. Cả nhà phấn khởi, còn tôi sung sướng chờ ngày khai giảng năm học mới.

Nhưng rồi có một chuyện bất ngờ…
Đến ngày trường cấp 3 niêm yết danh sách thí sinh dự thi, bố tôi, vốn tính cẩn thận, giục con gái lên trường xem. Bố tôi, sinh năm 1897, là giáo viên tiểu học lão thành của Nam Định.


Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Bà Nguyễn Thị Vinh Quy. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Khi đọc danh sách thí sinh được tuyển thẳng, tôi  chẳng thấy tên mình đâu. Trống ngực đập mạnh, tôi vội vàng len sang phía danh sách thí sinh dự thi. Đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn chẳng thấy tên Nguyễn Thị Vinh Quy đâu cả. Tôi bắt đầu hoảng.

Mấy người bạn thân kéo tôi vào văn phòng nhà trường hỏi xem sao và được giải thích là tôi không đủ tuổi vào học năm nay, về học lại lớp 7 hoặc chờ sang năm vào học. Cả lũ tròn xoe mắt ngạc nhiên: tôi sinh năm 1949, bằng tuổi các bạn, sao lại không đủ tuổi? Thì ra hồi đó người ta tính tuổi cho học sinh thi vào cấp 3 theo ngày khai giảng năm học, tức là từ tháng 9 năm này đến tháng 9 năm sau. Tôi sinh đầu tháng 12, thiếu mất mấy tháng.

Và lá thư gửi Bộ trưởng Giáo dục

Bố tôi buồn lắm. Cụ đi khắp nơi trình bày, lên Ty Giáo dục Nam Định, đến trường cấp 3 Lê Hồng Phong, quay về trường cấp 2 Trần Đăng Ninh, hy vọng được xem xét chiếu cố vì tôi là con của một nhà giáo đã cống hiến cho ngành hơn 40 năm, và nhất là với học lực như thế mà phải lưu ban thì oan uổng quá. Nhưng đến đâu cũng chỉ một câu trả lời: “Đã là quy định rồi, không thay đổi được”.

Bố tôi vô cùng thất vọng, nhưng cụ không chịu bó tay. Cụ đọc cho tôi viết một bức thư để gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Lời lẽ là của cụ, còn chữ viết là của tôi. Phần địa chỉ người gửi thì ghi đầy đủ, rõ ràng nhưng phần người nhận thì vẻn vẹn có mấy chữ:

Kính gửi: Ông Nguyễn Văn Huyên
Bộ trưởng Bộ Giáo dục
Hà Nội

Bố tôi bảo: “Chẳng biết thư có đến tay Bộ trưởng hay không với những dòng địa chỉ như thế (vì chúng tôi không được biết điều gì cụ thể hơn); vả lại nếu nhận được thư thì Bộ trưởng có giải quyết cái việc cỏn con của bố con mình không vì chắc ông còn bận trăm công nghìn việc”.

Chỉ mấy ngày sau, chúng tôi nhận được thư trả lời, góc trái phía trên của bì thư có đóng dấu của Văn phòng Bộ Giáo dục. Bóc thư ra, bố tôi thoáng thất vọng vì đó vẫn là lá thư mà bố con tôi gửi đi hôm trước.

Nhưng thật bất ngờ, bên lề của trang đầu lá thư có chữ viết tay của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và chữ ký của ông. Nội dung ngắn gọn: “Chuyển Văn phòng xem xét và giải quyết trường hợp này”. Bố tôi thốt lên: “Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng”. 

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thăm trường Đại học Vinh năm 1959 

Tôi vội cầm lá thư lên trường và nhà trường cũng cho biết là Ty Giáo dục đã gửi công văn về nói đã nhận được ý kiến của Bộ trưởng, Ty chấp nhận trường hợp của tôi nhưng với điều kiện tôi phải dự thi chứ không được tuyển thẳng.

Cũng chiều hôm đó tôi nhận được giấy báo thi. Chỉ còn một ngày nữa là thi. Mọi người lo cho tôi. Ngay cả tôi cũng vậy, vừa mừng lại vừa lo. Và tôi đã thi tốt: Toán 9,5; Văn 7 điểm.

Mỗi lần có bạn bè thân đến chơi, nhất là những đồng nghiệp đã nghỉ hưu như mình, bố tôi lại kể: “Cháu Quy nhà tôi được vào trường Lê Hồng Phong rồi đấy. May nhờ ông Huyên chứ không thì lỡ dở hết cả chuyện học hành. Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng”…


Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Bút tích cảm nhận của gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy khi thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Gia đình chúng tôi vẫn giữ mãi bức thư và chữ viết của Bộ trưởng trên đó. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng đối với tôi, đây là một kỷ niệm không bao giờ quên về một vị bộ trưởng đáng kính mà tôi chưa một lần được gặp mặt”.

Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Vinh Quy

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/259455/-bo-truong-the-moi-la-bo-truong-.html 

Phong trào diệt giặc dốt 70 năm trước

Để học chữ, người dân mang theo đèn dầu hoặc đốt đuốc đi học ban đêm, học viên là những em bé, cụ già râu tóc bạc phơ hay người phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú.

Sau ngày 2/9/1945, chính quyền nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đối mặt với nhiều khó khăn, nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm bủa vây tứ phía. Đặc biệt, có đến 95% dân số không biết chữ. Cứ trong 100 người dân thì có 3 trẻ em từ 8 đến 16 tuổi được đi học và 2 người lớn biết chữ, còn 95 người không được đi học. Nếu đi sâu vào các làng mạc, các thôn xóm xa thành thị và nhất là vùng núi thì có nơi không một người biết chữ.

Một ngày sau khi giành được độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Hồ Chủ tịch nói "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và nhấn mạnh "Dốt là dại, dại thì hèn. Vì vậy, không chịu dại, không chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới".

IMG-0890-7128-1440825295.jpg
Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ. Ảnh tư liệu.

​Ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ ra đời, nằm trong Bộ Quốc gia giáo dục. Cùng ngày, Sắc lệnh số 19 - SL hạn trong 6 tháng làng nào, thị trấn nào cũng phải có ít nhất một lớp học bình dân và Sắc lệnh số 20 – SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ trong toàn quốc được ban hành.

Một ngày sau khi thành lập, để xác định cách tổ chức và hoạt động cho phong trào, Nha Bình dân học vụ liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện ở Hà Nội và các miền. Lớp học đầu tiên dành cho cán bộ phụ trách ở các tỉnh mang tên "khóa Hồ Chí Minh" khai giảng ở Hà Nội, có sự tham dự của Hồ Chủ tịch và lãnh đạo các bộ. Những người đầu tiên dự lớp học này chính là nguồn cán bộ nền móng cho phong trào xóa mù chữ. Riêng ở miền Nam, ngay sau khi Bình dân học vụ thành lập được nửa tháng thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm. Dù Nha có cử một số cán bộ vào để gây dựng cơ sở, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phong trào ở đây không được duy trì đều đặn, mạnh mẽ như ở Bắc, Trung Bộ.

Bình dân học vụ đã dấy lên tinh thần say mê học chữ từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Trước đó, hoạt động của Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã để lại cho phong trào nhiều kinh nghiệm cũng như lực lượng trí thức tình nguyện tham gia dạy học cho nhân dân. Công nhân học trong xưởng thợ, thương binh học ở an dưỡng đường, ngư dân học ngay trên thuyền chài, nông dân học trên cánh đồng, sân đình chùa, gốc đa, bến nước, trẻ nhỏ học trên lưng trâu. Người dân ban ngày đi làm, ban đêm thắp đèn dầu, đốt đuốc đến lớp.

Giáo viên bình dân học vụ thuộc đủ các giới, lứa tuổi, không có lương bổng, hễ biết chữ là tham gia. Họ dạy học, dựng trường, tạo lớp, tìm kiếm học phẩm, cổ động học viên. Có lớp có giáo viên, nhưng có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em. Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành tiếng, chữ cái, vần được tạo thành câu thơ lục bát, so sánh để dễ nhớ: I, tờ ( i, t) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu.

Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên; phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy; còn mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu.
IMG-0881-5410-1440825295.jpg
Ông Nguyễn Thìn Xuân, nguyên cán bộ Nha Bình dân học vụ. Ảnh: H.P.
"Bàn không có, người ta còn úp ngược thúng lên làm bàn học. Vở ghi không có, người dân rải cát ra sân, cầm que tập viết chữ, viết xong rồi xóa lại học viết chữ khác", ông Nguyễn Thìn Xuân (90 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chiến sĩ diệt dốt, cán bộ của Nha Bình dân học vụ kể lại kỷ niệm những ngày toàn dân đi học.

Ông Xuân nhớ rõ một kỷ niệm vui mà nhiều người vẫn truyền cho nhau nghe. Để kiểm tra việc học chữ của người đi học, ban kiểm tra thường đứng ở đầu làng, bến phà, nơi đông người qua lại. Ai đọc được chữ thì mới được đi qua. Có lần, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đi xem tình hình các lớp bình dân học vụ. Người của đội kiểm tra không biết bộ trưởng, kiên quyết giữ ông lại hỏi xem thuộc chữ hay chưa. Cần vụ định nhắc nhở người thanh niên kia, nhưng Bộ trưởng Huyên chỉ cười ngăn lại, trả lời trôi chảy rồi mới đi qua.

Ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước, Bình dân học vụ lại có những nhiệm vụ khác nhau. Sau ngày độc lập, Bình dân học vụ có nhiệm vụ xây dựng và phát triển phong trào, dạy cho nhân dân biết chữ. Chỉ trong một năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, Bình dân học vụ đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học.

Tháng 12/1946, cả nước bước vào kháng chiến chống Pháp, Chính phủ chuyển lên Việt Bắc. Theo chủ trương kháng chiến, Bình dân học vụ cũng phải ấn định kế hoạch làm việc mới, sửa đổi cho phù hợp với tình hình. Các lớp học đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, theo các đoàn dân công tiếp vận. Những lớp học kháng chiến đã đi vào trong thơ của Tố Hữu một cách tự nhiên Nhớ sao lớp học i tờ/ Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan...(Việt Bắc).

Ở vùng tạm chiếm, các lớp học được tổ chức khác so với vùng tự do, thường là những lớp học tư gia, không có bàn ghế, bảng, phấn. Thầy trò ngồi xung quanh cái phản hay chiếu, mỗi người có một ống tre để đựng sách. Ở ngoài có tự vệ canh gác, hễ có báo động thì sách vở cuộn bỏ vào ống tre đem giấu ở ngoài bờ tre rồi thầy trò quay ra làm như trong một xưởng thủ công nghiệp nhỏ. Cứ như vậy, Bình dân học vụ vẫn giữ được ở nhiều vùng bị địch tạm chiếm, mạnh nhất là Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…

1-6095-1440825295.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác Bình dân học vụ tại Thái Bình, Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.

Là người khai sinh ra ngành học bình dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo từng bước đi của phong trào. Người luôn động viên, thăm hỏi kịp thời giáo viên, những cụ già, em bé chăm chỉ đến lớp. Trong sự nghiệp giáo dục nói chung, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của việc dạy và học để sau này tổng kết thành câu nói "Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người".

Theo ông Nguyễn Thìn Xuân, Bình dân học vụ đã để lại cho nền giáo dục nước nhà nhiều bài học quý báu. Phong trào phát triển rộng khắp, có sức sống lâu bền cả trong suốt thời kỳ kháng chiến vì được "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Bình dân học vụ do Chính phủ lãnh đạo nhưng cách tổ chức và hoạt động của phải dựa vào sức của nhân dân để phát triển.

"Bình dân học vụ không chỉ xóa nạn mù chữ trong nhân dân, còn giúp người dân có ý thức về quyền lợi và bổn phận của công dân một nước động lập, đó là ngoài được tự do thì còn phải được học hành, mở mang kiến thức. Phong trào góp thành tích lớn, là cơ sở để nâng cao dân trí nước nhà, cùng với nhiều yếu tố khác làm nên sức mạnh đưa dân tộc bước qua hai cuộc trường chinh kháng chiến", ông Xuân nói.

Hoàng Phương

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Thuật dùng người độc đáo của Bộ trưởng Giáo dục

 - "Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân" - lời khuyên và tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ông vào nghiệp giáo dục kéo dài suốt từ 3/11/1946 cho đến khi qua đời năm 1975.


Trong các nghiên cứu của cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên, phải kể đến công trình Những vấn đề của nông dân ở Bắc Kỳ (1939). Từ tư liệu sống động thu thập trong các cuộc điền dã dân tộc học và điều tra xã hội học, ông phân tích tình trạng cơ cực của nông dân và chỉ rõ những yếu kém của chính quyền đương thời.

Trong đó ông nhấn mạnh nếu không có giáo dục, nông dân sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc. “Cần phải tiếp nhận những đứa trẻ quặt quẹo, nghèo khổ này và thử làm cho chúng trở thành những người có hiểu biết khách quan hơn về lợi ích của mình, có một ý thức hiện đại hơn về đời sống làng xã. Thì đó sẽ là một bước dài theo hướng thực hiện một đời sống nông thôn tốt đẹp hơn” - ông viết.
Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, một sự thực nổi lên, đó là 95% người dân mù chữ. Làm thế nào để ngành giáo dục vượt qua bức tường thành quá lớn như vậy?

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
PGS.TS Nguyễn Văn Huy luôn tâm đắc về cách giáo dục dục sáng tạo và dụng người tài từ tâm của cha mình

PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều anh bộ đội không đọc được thư của gia đình, nhiều vị tướng lĩnh cũng học hết cấp 1, ít người học cao. Ngày hòa bình lập lại, cán bộ cũng chỉ học đến lớp 3, 4. Giáo dục khi ấy chủ yếu tập trung xóa mù rồi bổ túc văn hóa để phục vụ kháng chiến, xây dựng miền Bắc.

"Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân" - lời khuyên và tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho mình khiến GS.TS Nguyễn Văn Huyên trăn trở trước bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Ông quyết định kiến tạo một nền giáo dục không cầu toàn, đào tạo theo nhu cầu xã hội để nâng cao dần dân trí toàn dân, đặc biệt nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nông dân, công nhân. Có thời còn tổ chức các trường sư phạm 7+1, 7+2, 10+2 … để sớm có đội ngũ giáo viên, nâng cao dân trí toàn dân. Thậm chí sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường liền quay lại giảng cho năm sau.

Với cách làm đó, ngành giáo dục thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có những nhà lãnh đạo sau này từng học bổ túc công nông một năm hai, ba lớp. "Đó là sự sáng tạo và là bài học cho ngành giáo dục ngày nay. Muốn làm gì trước hết phải đáp ứng nhu cầu xã hội", ông Huy chia sẻ.

Nghệ thuật dùng người độc đáo

Trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên vẫn còn lưu giữ bút tích, công điện đích thân Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Liên khu 4 từ năm 1950 đề nghị những chính sách đãi ngộ lương bổng, sắp xếp công việc cho những trí thức lúc bấy giờ.

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Tờ trình và công điện Bộ trưởng Huyên gửi các cơ quan mời GS  Đặng Văn Ngữ về làm việc
Năm 1950, GS Đặng Văn Ngữ là Việt kiều từ Nhật sang Bangkok, Thái Lan, rồi đi bộ qua về Lào để trở lại Nghệ An. Hay tin, GS Nguyễn Văn Huyên mời ngay về làm việc tại trường Đại học Y khoa.
Trong phiếu gửi Bộ trưởng Nội vụ ngày 18/7/1950, ông ghi: “Dự nghị định bổ dụng và tạm xếp ngạch bác sỹ Đặng Văn Ngữ làm giáo sư Trường Đại học Y khoa. Để quý Bộ ý hiệp, chuyển Bộ Tài chính thỏa thuận rồi gửi bản Bộ. Bác sỹ Đặng Văn Ngữ trước khi đi Nhật đã làm tại Trường ĐH Y khoa từ năm 1937-1943 và phụ trách thêm phòng thí nghiệm Vi trùng học trường ấy”.


Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,

Công điện số 74 của Bộ Giáo dục gửi Liên khu 4 cũng ghi rõ: “Yêu cầu báo bà Đặng Văn Ngữ, ở trường chuyên khoa Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh biết là bác sỹ Đặng Văn Ngữ bận công việc quan trọng không thể vào đón được. Rồi Chính phủ sẽ tổ chức đưa ra, không cần lo. Về sinh hoạt và tài chính sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng vào Chính phủ và các bạn ở Liên khu 4”.

“Đây là công điện của ông Huyên với tư cách Bộ trưởng Giáo dục gửi Liên khu 4 với đề nghị tạo mọi điều kiện để đưa ông Đặng Văn Ngữ từ Nghệ An ra Tuyên Quang”, ông Huy chỉ vào tờ công điện nói và bồi hồi: “Cách ứng xử với trí thức của cụ Huyên rất độc đáo”.

Có hai điều quan trọng liên quan cách ứng xử với trí thức. Thứ nhất là đề nghị cấp tiền để GS Đặng Văn Ngữ mang đầy đủ phòng thí nghiệm đi cùng. Thứ hai là điện cho vợ ông Ngữ biết việc đưa chồng bà an toàn ra miền Bắc làm việc, đồng thời để bà yên tâm “không phải lo về kinh tế, mọi thứ Chính phủ lo”.

Với GS Đặng Thai Mai, Bộ trưởng cũng gửi công điện cho Bộ Tài chính xin tiền đưa ông từ Thanh Hóa lên Việt Bắc, trong đó có cả việc vận chuyển nguyên thư viện của GS Mai đi cùng cũng như lo kinh phí để thuê người đưa cụ ra vì đã có tuổi.

“Sau này con gái GS Đặng Thai Mai, chị Đặng Xuyến Như viết hồi ký kể lại lúc đi từ Thanh Hóa ra Tuyên Quang, gia đình cụ thuê 13 người để toàn bộ sách vở của cụ ra đến tận Chiêm Hóa. Còn cụ Mai thì đi bộ cùng gia đình", ông Huy kể.

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Các tư liệu thể hiện cái tâm dùng người tài của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được con trai út lưu trữ cẩn thận

Trường hợp của Tiến sĩ  toán học Lê Văn Thiêm cũng quyết liệt không kém. Khi hay tin ông Thiêm từ Pháp sang Bangkok, qua Campuchia về đến chiến khu ở Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi ngay công điện cho ông Phạm Văn Đồng đề nghị điều động ông Thiêm ra Tuyên Quang giúp phát triển nền đại học kháng chiến.

Bài học từ Hồ Chủ tịch

PGS Nguyễn Văn Huy khâm phục sự tinh tế của cha mình trong cách trọng dùng người tài. Với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, điều họ cần là phòng thí nghiệm, là thư viện.
Cách đối đãi với người tài GS Nguyễn Văn Huyên không học đâu xa, chính từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, học ngay từ cách Người đã đối đãi với chính ông từ những việc nhỏ nhất không chỉ của ông mà cả gia đình.

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Gia đình Bộ trưởng Huyên tiễn ông đi Pháp dự hội nghị Fontainebleau năm 1946

Ông Huy nhớ, năm 1946, khi cha đi Pháp dự hội nghị Fontainebleau, được mẹ bế sang sân bay Gia Lâm tiễn cha. Bác Hồ đến động viên rồi tặng con trẻ một chiếc khăn mùi xoa bằng lụa rất đẹp. "Mẹ tôi giữ mãi kỷ vật này đến hết kháng chiến chống Mỹ, khi chúng tôi chuyển nhà, chiếc khăn này đã bị thất lạc".

"Nhớ có lần chị Hiếu (chị gái PGS Nguyễn Văn Huy) bị bó bột chân hai năm do lao xương, Bác Hồ còn gửi cao hổ cốt để chị trị bệnh. Sau này khi chị tôi gặp Bác ở một hội nghị vừa nói là con ông Huyên, Bác nhớ ngay tên chị là Hiếu. Những hành động quan tâm nho nhỏ nhưng tự tâm ấy đã góp phần không nhỏ khích lệ đội ngũ trí thức lúc bấy giờ. Tôi tin chắc cụ Huyên là một trong những người học Bác thật sự, học từ thực tiễn, rất thực tiễn", ông Huy chia sẻ.

Bài và ảnh: Thu Hằng

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/256947/thuat-dung-nguoi-doc-dao-cua-bo-truong-giao-duc.html
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/256947/-chu-phai-chia-bot-chu-cho-dan-.html