Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: "Không nên hiện thực hóa huyền tích"

KTĐT - Với một bản quy hoạch được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cùng nhiều giải pháp “dài hơi”, người ta kỳ vọng Khu di tích lịch sử Cổ Loa sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ của Hà Nội mà của cả nước trong một vài năm tới.
Thế nhưng, kỳ vọng ấy có thể trở thành hiện thực hay không, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Còn phụ thuộc vào cách chúng ta kể câu chuyện lịch sử hơn 2.000 năm bằng phương pháp gì.

Di tích không chỉ là bãi khảo cổ
Trong bản Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) mới được cống bố đã chọn cộng đồng dân cư là yếu tố cốt lõi để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Điều này cũng nảy sinh lo ngại dân cư sống trong lòng di tích sẽ hủy hoại đến di sản. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi ủng hộ quan điểm để người dân sống trong lòng di tích. Bởi vì, di tích xen kẽ với dân chính là một thực thể sống, tạo sự sinh động của di sản đó. Cũng có những ý nghĩ, di dời toàn bộ người dân ra khỏi di tích sẽ làm lộ diện giá trị về mặt lịch sử, các kiến trúc cũ, tạo điều kiện cho công tác khảo cổ. Nhưng đó là một quan niệm chưa hẳn đúng, cần phải nghiên cứu. Du khách đến với di tích, ngoài việc ngắm nhìn hiện vật của lịch sử, còn cần bao quát những gì diễn ra xung quanh nó. Tách con người ra khỏi di tích sẽ không còn cuộc sống gắn với nó cả ngàn năm, mà chỉ là bãi khảo cổ.


Cổ Loa đang sở hữu rất nhiều hiện vật, hệ thống đền thờ vua An Dương Vương, giếng Ngọc, am Bà Chúa, hoạt động lễ hội diễn ra hàng năm… PGS có cho rằng những giá trị vật thể và phi vật thể này đã đủ sức tạo nên sức hấp dẫn trong lòng di tích?
- Tôi không hy vọng ở đó trình diễn lễ hội sẽ có sức hút. Lễ hội Cổ Loa chỉ diễn ra vào đầu tháng Giêng hàng năm. Nếu bây giờ biến lễ hội thành sản phẩm trình diễn thường xuyên thì chắc không nên. Lễ hội Cổ Loa là cuộc sống, niềm tin và văn hóa của người dân, nó phải gắn với cộng đồng dân cư, vẫn giữ nhiều nét đẹp dân giã. Chúng ta không nên sân khấu hóa lễ hội này.


Theo ông, làm cách nào vẫn có thể duy trì cuộc sống của người dân trong lòng di tích mà không ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn?
- Ở Việt Nam đã có hai bài học. Bài học không thành công là Đường Lâm (Hà Nội), và bài học tốt là Hội An (Quảng Nam). Ngoài việc tăng cường nghiên cứu, trưng bày các hiện vật, các cơ quan chức năng cần thường xuyên cung cấp kiến thức, hiểu biết về thành Cổ Loa nói riêng và toàn bộ khu di tích nói chung. Những kinh nghiệm bảo vệ di tích trong nước và quốc tế đến cộng đồng dân cư ở đây. Tôi cho rằng đây là một hướng đi bền vững. Khi người dân hiểu về giá trị di tích thì họ sẽ chủ động tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Ngoài ra, trong quy hoạch cũng đã tính đến việc giới hạn số lượng người dân sống trong lòng di tích, giới hạn chiều cao của các ngôi để không phá hỏng không gian kiến trúc… Đó là những giải pháp nếu làm tốt sẽ bảo vệ được di tích.

Nhiều cách khai thác giá trị di tích
Hà Nội đang có rất nhiều điểm du lịch di sản còn chưa khai thác hiệu quả. Di tích Cổ Loa lại nằm xa trung tâm, điều kiện phục vụ du lịch chưa thuận lợi. Mong muốn biến nơi đây thành công viên sinh thái, lịch sử, nhân văn liệu có khả thi?
- Tôi cho rằng đây là địa điểm lịch sử thú vị vì gắn với di tích của thời An Dương Vương, vua Ngô Quyền và những truyền thuyết rất cảm xúc. Câu chuyện đấy đáng để khai thác, để bảo vệ. Hơn nữa, nơi đây là di tích thành cổ bậc nhất Đông Nam Á. Vấn đề là chúng ta thể hiện chất liệu ấy như thế nào để di tích Cổ Loa là nơi hấp dẫn.


Dưới con mắt của nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, theo ông, chúng ta nên thể hiện chất liệu ấy như thế nào để làm nổi bật giá trị di tích?
- Để làm nổi bật giá trị di tích cần thể hiện bằng phương pháp đa chiều, đa thanh. Trong đó có cả câu chuyện An Dương Vương xây thành, mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy… Nhưng chất liệu không thể sử dụng tư duy trình diễn như chúng ta quen gọi và thường thấy. Tôi từng thăm một thành cổ của Canada, nơi xưa kia xảy ra trận chiến rất ác liệt giữa quân Anh và quân Pháp hình thành đất nước Canada. Thành đó bị bỏ quên, đến những năm 1980, người ta mới sực nhớ và phục dựng lại. Ngay sau đó, di tích này được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thu hút rất đông du khách. Ở nơi ấy, câu chuyện của trận chiến được kể trong phòng bảo tàng bằng phương pháp 3D, vừa thực và vừa ảo. Công tác phục dựng cũng rất tôn trọng chất liệu hiện có, không mang tính hoành tráng – căn bệnh phục dựng của Việt Nam thường mắc phải. Câu chuyện thành cổ Hyderabad ở Ấn Độ cũng được kể bằng âm thanh và ánh sáng, thu hút rất đông khách hàng đêm.
Cổ Loa là huyền tích không nên hiện thực hóa. Những cái gì còn thì phải giữ để bảo lưu. Những chỗ nào bị phá, nếu còn nhiều cơ sở khoa học có thể phục hồi. Còn những cái quá xa vời như: Chỗ ở của vua, của quan, của cung tần mỹ nữ… không nên phục dựng. Bởi vì, ai có thể hình dung hiện thực diễn ra như thế nào khi lịch sử đã là mấy ngàn năm. Bởi vì, cái cốt lõi hấp dẫn di tích là thành đất cổ và các huyền thoại của nó.

Xin cảm ơn ông!
Linh Anh thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét