Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Không thể là “nhà dân tộc học ghế bành”



(30/03/2014)
Nói về Giáo sư, cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bảo rằng bài học lớn nhất ông nhận được từ người cha và đã thực hiện trong cuộc đời làm khoa học của mình là trí thức phải gắn với thực tiễn, không phải là làm khoa học trên sách vở.
 
Dù mái đầu đã bạc trắng, PGS. Nguyễn Văn Huy
vẫn "trên từng cây số” đến với bà con
 
Khi chúng tôi đặt vấn đề với PGS. Nguyễn Văn Huy về câu chuyện của trí thức thời đại ngày nay, ông nói ngay không chần chừ: "Người trí thức ở thời kỳ nào, nếu muốn có đóng góp đều phải bám vào thực tiễn một cách sâu sắc với mục tiêu rất rõ ràng. Thực tiễn giúp cho người trí thức bay cao, bay xa, có những phát hiện và làm được việc có ích cho xã hội. Cũng chỉ có thực tiễn mới giúp cho người trí thức có những đóng góp tốt nhất, tình cảm tốt nhất đối với con người, xã hội đương thời. Tình cảm đó chính là tình yêu quê hương đất nước”.
 
"Bộ trưởng ngồi xổm dự giờ”
 
GS. Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu nhất của Việt Nam là một minh chứng điển hình của người trí thức bám sát thực tiễn. Trong gần 30 năm làm Bộ trưởng, dù là trải qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ và ác liệt nhất, GS. Nguyễn Văn Huyên luôn đều đặn đến các Sở, Ty giáo dục không chỉ ở đồng bằng mà còn lên miền núi, xuống tận các trường học dự giờ giảng của các thầy cô giáo… Ông là vị bộ trưởng đầu tiên lên vùng Bảo Lạc (Cao Bằng) những năm 60.
 
Một câu chuyện thú vị về tiết dự giờ của GS. Nguyễn Văn Huyên diễn ra tại trường Mẫu giáo-Vỡ lòng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) (nay là trường Mầm non) vào cuối những năm 60 mà các thầy cô giáo ở đây luôn nhắc đến. Ông trực tiếp xuống thẳng lớp học để dự giờ, cô giáo và học sinh, ngay cả ban giám hiệu nhà trường cũng không được báo trước. Cô cứ dạy, trò cứ học, còn Bộ trưởng (mãi sau này cả lớp mới biết) và 3,4 cán bộ đi cùng ngồi xổm ngay ở  cửa ra vào của lớp học để theo dõi tiết học… 
 
"Nhìn lại cuộc đời cha tôi, tôi cho rằng những gì cụ làm được đều bắt nguồn từ việc nắm được bài học thực tiễn. Trí thức thời xưa cần và họ đã bám sát thực tiễn như thế nào thì với trí thức ngày nay, vai trò của thực tiễn cũng quan trọng như thế”, PGS. Nguyễn Văn Huy bày tỏ.
 
Là một nhà dân tộc học, PGS. Nguyễn Văn Huy cũng giống như cha mình chưa bao giờ là một nhà "dân tộc học ghế bành” (Một thuật ngữ chỉ những người không đi điền dã, chỉ ngồi nhà đọc tài liệu). Ông luôn đề cao vấn đề đi điền dã để hiểu và nắm bắt thực tiễn. Không chỉ trong những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, mà giờ đây khi mái đầu đã bạc trắng bạn bè vẫn thấy ông "trên từng cây số” khi thì trên một bản vùng cao, lúc thì ở một vùng biên cương của Tổ quốc…
 
"Con đường Hạnh phúc năm 1972 tôi đi thì từ năm 1964, 1965, cha tôi đã đặt chân đến. Ngày ấy, đi ô tô từ thị xã Hà Giang tới Đồng Văn, Mèo Vạc cũng phải mất 3 ngày. Rồi lại ba lô đi bộ đến các bản làng xa xôi. Chúng tôi đã ăn cùng, ở cùng với bà con dân bản hàng tháng trời. Trong ba lô của chúng tôi luôn mang theo từ võng đến gạo, đến lương khô. Khí hậu khắc nghiệt, lạnh buốt, bệnh sốt rét,… Tất cả những khó khăn ấy khó mà kể hết. Nhưng điều quan trọng và hạnh phúc ở mỗi chuyến đi ấy đã giúp tôi tiếp cận với cuộc sống, giúp nhận biết, phát hiện được những tri thức, kinh nghiệm mà người dân đã tích lũy từ bao đời rất cần cho lĩnh vực nghiên cứu của mình. Mỗi chuyến đi thực tế ấy giúp xây dựng tình cảm với những con người mình tiếp xúc và lớn hơn là tình yêu đất nước”, PGS. Nguyễn Văn Huy nhớ lại.
 
Đi… với sự nung nấu
 
PGS. Nguyễn Văn Huy đã từng đến nhiều bảo tàng nước ngoài ở Pháp, Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản… Với tâm niệm mỗi chuyến đi chính là cơ hội để nạp năng lượng, tri thức nên ông  đã tranh thủ đến mức tối đa. Hàng ngàn bức ảnh, các ghi chép bằng giấy bút, các băng ghi âm… được ông lưu giữ cẩn thận từ những năm 1990 đến nay là những tư liệu vô giá có thể sử dụng mãi không những giúp cho công việc của mình mà còn để truyền lại cho đồng nghiệp, cho thế hệ trẻ.
 
Hành trang ông mang theo trong mỗi chuyến công tác không thể thiếu máy ảnh, sau này là máy quay phim nhỏ, rồi máy ghi âm. Riêng những cuốn sổ và chiếc bút khi xưa nay đã được thay thế bằng chiếc ipad. Ông bảo, công cụ này giúp mình làm nhanh, tiện lắm nhưng tinh thần thì thời nào cũng thế. Phải luôn đặt câu hỏi đi để làm gì. Phải mang lại cái gì đó cho xã hội, cho ngành của mình, cho đơn vị mình. Nghĩa là phải có sự nung nấu về mục tiêu. Nếu không, những chuyến đi sẽ trở nên lãng phí mà tính hiệu quả lại ít.
 
"Mỗi người đều có đôi mắt và một cái đầu. Vấn đề là mối quan tâm của mình như thế nào. Mỗi chuyến đi thực tế có thể thu lượm được những tri thức hữu ích tuy chưa sử dụng ngay. Nhưng với thời gian tất cả những kinh nghiệm đó tích tụ dần lại, giúp chúng ta giải quyết vấn đề cuộc sống đặt ra”, PGS. Nguyễn Văn Huy chia sẻ. "Tiếc là bây giờ, khi việc đi lại trở nên dễ dàng hơn trước nhiều thì những chuyến đi của các bạn trẻ lại có phần bàng bạc. Kể cả nhiều nhà dân tộc học, nhà nhân học cùng lắm cũng chỉ điền dã trong vòng 1 tuần. Ít khi người ta ngủ trong bản, ở với dân mà chủ yếu làm việc với chính quyền…  Đó là một thiệt thòi, vì ít ai hiểu buổi tối cuộc sống ở đó diễn ra thế nào, những băn khoăn, trăn trở của họ ra sao. Nên nhiều nghiên cứu của chúng ta vẫn chỉ "chuồn chuồn đạp nước”, thiếu sự sâu lắng và tình cảm cũng hời hợt”.
 
"Nhà nước chúng ta bỏ ra rất nhiều tiền cho các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát nhưng kết quả của không ít các chuyến đi đó, tôi biết hầu như không đáng bao nhiêu. Ngay trong lĩnh vực bảo tàng, người ta tổ chức những chuyến đi ra nước ngoài. Họ đến thăm 1 bảo tàng nhưng có người lại không muốn vào trong bảo tàng, chỉ ngồi ngoài chờ đi siêu thị? Cũng có người làm chuyên môn họ quan tâm nhưng rồi người ta có đưa được các kinh nghiệm học được ở bên ngoài về đến đơn vị hay không, có áp dụng được hay không lại là vấn đề khác…”, PGS. Nguyễn Văn Huy trăn trở. 
 
Lam Nhi
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Style=1&ChiTiet=79026

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét