GD&TĐ
- Có lẽ, không có câu chuyện nào làm tôi xúc động đến thế. Không chỉ vì
đối tượng chính của câu chuyện là GS. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và phu
nhân mà bởi nó được “kể” từ những tư liệu hiện vật còn nguyên dấu ấn
lịch sử dẫu đã qua gần thế kỷ...
Câu chuyện còn được kể bởi tấm lòng của
những người con yêu kính và tự hào về cha mẹ mình; Và không thể không
bởi vì, câu chuyện ấy lại được “kể” bằng ngôn ngữ bảo tàng hiện đại.
Tác giả (bìa phải) tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên
Tâm huyết với di sản mẹ cha để lại
Sự thành công
của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên có căn cơ trên nền tảng văn hóa gia đình
vững chắc từ bao đời của cả họ Vi và họ Nguyễn, mà cô con gái xuất xứ
dòng dõi thượng lưu Vi Kim Ngọc đã cùng chồng “góp từng viên gạch….
Sự thành công của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên có căn cơ trên nền tảng
văn hóa gia đình vững chắc từ bao đời của cả họ Vi và họ Nguyễn, mà cô
con gái xuất xứ dòng dõi thượng lưu Vi Kim Ngọc đã cùng chồng “góp từng
viên gạch….”, để hôm nay, các con cháu của ông bà lại tiếp nối truyền
thống ấy, phát huy di sản tinh thần mà thế hệ trước để lại.
Tôi có may mắn được tiếp cận với cuốn
sách “Tiếp bước chân cha” do trưởng nữ của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên
– bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh - chấp bút, từ khi còn là bản thảo, cùng rất
nhiều tư liệu để bà làm nên một cuốn “gia sử” có thể nói là có một không
hai ấy.
Càng đọc, càng thấy bị cuốn hút vào
những sự kiện liên quan đến dòng họ Nguyễn ở làng Lai Xá, huyện Hoài
Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) và dòng họ Vi ở Lạng Sơn (gốc ở Diễn Châu –
Nghệ An), đặc biệt là gia đình Nguyễn Văn Huyên - Vi Thị Kim Ngọc.
Nhưng chỉ đến khi Bảo tàng Nguyễn Văn
Huyên được hình thành ở ngay cái làng nghề ảnh duy nhất cả nước ấy, thì
cuốn “gia sử Nguyễn - Vi” mới hiện lên thật sống động và có sức chinh
phục mãnh liệt.
Tôi gặp người con dâu duy nhất của ông
bà Huyên – Ngọc (theo cách dùng thân mật của chính Bộ trưởng Nguyễn Văn
Huyên) là bà Vũ Thị Kim. Bà tâm sự: Đến lúc này, nhiều khi cũng không
dám nghĩ là có thể làm được như vậy, mặc dù mọi “nguyên liệu” thì đã
được các cụ lưu giữ cẩn thận và con cháu cũng tiếp nối ý thức đó. Anh
chị em cũng trăn trở mãi rồi, nhưng đến năm 2010 mới đi đến quyết định.
Và quyết tâm bắt tay vào. Không quyết tâm thì không làm được.
Ông Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh thêm: Cụ
thể là sau chuyến đi Hà Lan của chúng tôi, và thăm Bảo tàng Anne Frank,
quyết tâm của anh chị em chúng tôi mới được khẳng định.
Tôi nghĩ rằng, chỉ từ cuốn nhật ký của
một cô gái Do Thái kể về cuộc sống của cô trong 4 năm sống dưới chế độ
phân biệt chủng tộc, bài Do Thái của Hitle và Đức quốc xã mà người ta
dựng lại được một bảo tàng sống động về tội ác diệt chủng trời không
dung đất không tha ấy. Câu chuyện của bố mẹ chúng tôi, nếu không được
“kể” lại bằng ngôn ngữ bảo tàng thì thật đáng tiếc, và cũng là chúng tôi
có tội với tiền nhân.
Rất may, ý nguyện chân thành của chúng
tôi nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ trực tiếp của rất nhiều bạn bè, đồng
nghiệp chí thiết của chúng tôi, nên Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên mới có
hình hài như hôm nay.
Vâng, đúng là thế. Chỉ là một căn nhà 4
tầng trên khuôn viên khoảng 250m2, họ đã tạo nên được một thiết chế văn
hóa có bản sắc riêng, một Bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng,
trên hết, sự thành công của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên có căn cơ trên
nền tảng văn hóa gia đình vững chắc từ bao đời của cả họ Vi và họ
Nguyễn, mà cô con gái xuất xứ dòng dõi thượng lưu Vi Kim Ngọc đã cùng
chồng “góp từng viên gạch….”, để hôm nay, các con cháu của ông bà lại
tiếp nối truyền thống ấy, phát huy di sản tinh thần mà thế hệ trước để
lại.
Giản dị, chân thành và hiện đại
Hãy nghe các con ông bà Huyên - Ngọc
nói về mẹ mình và cũng là về bảo tàng này: “Mẹ chăm chút từng kỷ vật của
bố: phong bì thư gửi “ông Nguyễn Văn Huyên, Trường Viễn Đông Bác cổ
Pháp”, hay gửi “Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên”, máy nghe nhạc,
thẻ thư viện, sổ ghi chép, các tác phẩm khoa học, các tài liệu hành
chính... Bà muốn giữ lại mọi thứ để con cháu biết và hiểu về bố, về ông
mình.
Khi mẹ về với bố ở thế giới bên kia, bà
để lại nhiều cuốn nhật ký về chồng, về các con, các cháu; mỗi cuốn là
một tác phẩm với các hình ảnh của chính bà. Bà cũng đã lưu giữ các tài
liệu, bản vẽ khi là kỹ thuật viên về Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội),
thư từ và cả những cuốn sổ chi tiêu hàng ngày... Tiếp bước cha mẹ, chúng
tôi giữ gìn cẩn thận tất cả những kỷ vật của ông bà».
Và "chúng tôi kể về bố mẹ chúng tôi".
Thật là chân thành và giản dị. Tuy
nhiên, họ không kể bằng lời trực tiếp (đại từ “chúng tôi” chỉ được sử
dụng ở các pano chính dẫn vào từng gian trưng bày), bởi người ta có thể
tìm hiểu thông tin theo cách đó qua rất nhiều tư liệu văn bản khác nhau
đã từng công bố trên sách, báo hoặc các chuyên khảo; hay gần gũi nhất là
cuốn sách“Tiếp bước chân cha” như đã đề cập ở trên.
Mà họ dùng ngôn ngữ bảo tàng hiện đại
để “kể” câu chuyện về cha mẹ mình, từ hoàn cảnh xuất thân đến học vấn,
nhân cách, rồi quá trình họ đến với nhau, và xây dựng mái ấm Huyên -
Ngọc.
Quan điểm tiếp cận đó thể hiện trong toàn bộ nội dung và hình thức trưng bày ở Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.
Những người con đã sử dụng lời kể
chuyện của bố, mẹ qua các câu trích thư, nhật ký; trích lời của những
người thân nói về bố mẹ, gia đình gắn liền với những hiện vật, nhóm hiện
vật hay những tấm ảnh. Bên cạnh đó là một hệ thống video, âm thanh giúp
người xem có thể nghe được những câu chuyện sinh động của người trong
cuộc.
Gần 400 hiện vật, chủ yếu là tài liệu
giấy, các bút tích và ảnh lưu giữ cẩn thận được đưa vào hệ thống trưng
bày. Có những tài liệu hiện vật vào cuối thế kỷ XIX, còn đa phần vào nửa
đầu và giữa thế kỷ XX. Đặc biệt, trong Bảo tàng có nhiều tấm ảnh quý
của gia đình phản ảnh sinh động một phần đời sống xã hội Việt Nam thời
hiện đại.
Trong nhiều bức ảnh không có người mà
chúng tôi quan tâm nhất: GS Nguyễn Văn Huyên, bởi chính ông là tác giả
các bức ảnh đó. Một số tài liệu có chữ ký "tươi" của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, còn rõ nét bút, nét mực.
Toàn bộ 250m2 được sử dụng rất đắc địa
cho ý tưởng thiết kế trưng bày. Không gian ngoài ngôi nhà là “Vườn ký
ức”, với hàng gạch rêu phong vốn là sân của ngôi nhà xưa của thân mẫu
Nguyễn Văn Huyên – cụ Phạm Thị Tý, với cây mác mật Lạng Sơn gợi nhớ quê
bà Vi Kim Ngọc cùng những cây vẫn trồng ở ngôi nhà số 2 Trần Hưng Đạo
như cây roi, khế, sấu, ổi, chanh, đu đủ.
Cuối vườn ký ức là nhà ngang theo cách
gọi truyền thống, dùng làm thư viện, nơi giao lưu của họ hàng, bạn bè,
khách thăm cũng là nơi tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh trong
tương lai. Ở đó có giới thiệu một số sách trong thư viện Nguyễn Văn
Huyên, một mảng sách nghiên cứu về dân tộc học, lịch sử từ khoảng 1930
đến 1945 và một mảng khác, là sách xuất bản bằng giấy bản và giấy dó
trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Còn bên trong ngôi nhà là sự đan xen
giữa trục ngang của 5 tầng nhà, kể về các chủ đề khác nhau trong gia
đình Nguyễn Văn Huyên-Vi Kim Ngọc; và trục dọc theo cầu thang là 36 sự
kiện xã hội chính trị trong nước và thế giới của một đời Nguyễn Văn
Huyên: từ năm 1905 khi ông sinh ra gắn với chiến tranh Nga - Nhật đến
năm 1975 ông tạ thế cũng là kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ
giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Không thể không kể đến vai trò của
thiết kế đồ họa tạo nên một phong cách rất riêng cho Bảo tàng Nguyễn Văn
Huyên. Mỗi phòng trưng bày được phân biệt với nhau bằng màu sắc nhẹ
nhàng; sự thay đổi này cũng được thể hiện ngay trong từng phòng trưng
bày. Đồ họa và màu sắc được xử lý hài hòa tạo cho bảo tàng Nguyễn Văn
Huyên một không gian vừa giản dị, vừa ấm cúng mà gần gũi, chan hòa như
không khí trong một gia đình.
Giữa không gian ấy, khách tham quan còn
được đắm hồn mình trong âm thanh du dương của những bài hát, bản nhạc
Việt Nam và Pháp rất quen thuộc một thời, để như được trở về với quá
khứ.
Vài lát cắt lịch sử đời người
...Tôi nhìn thấy
ông với nét mặt luôn luôn mơ màng và đăm chiêu, cặp mắt long lanh đầy
thông minh và nhạy cảm…Ông chẳng bao giờ làm "chính trị" cả thế mà hành
động xã hội của ông thuộc loại hữu ích nhất
(Trích "Nguyễn Văn Huyên toàn tập")
Tôi không có tham vọng và cũng là không cần thiết để nói về toàn bộ
thân thế và sự nghiệp của người đứng đầu ngành Giáo dục qua suốt hai
cuộc kháng chiến của dân tộc.(Trích "Nguyễn Văn Huyên toàn tập")
Điều đó đã được nói đến suốt gần một thế kỷ qua và được tái hiện sống động trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên hôm nay.
Nhưng, mỗi người đều có quyền có ấn
tượng riêng về một người hành động, một nhà bác học với 9 năm đèn sách ở
xứ sở của Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Và cũng chừng ngần ấy năm nghiên
cứu về văn minh, văn hóa dân gian và các vấn đề xã hội Việt Nam, 29 năm
làm Bộ trưởng giáo dục.
Sự uyên bác đầy tính nhân bản thể hiện
rõ trong những hành động cụ thể của GS Nguyễn Văn Huyên. Trong đề tài
nghiên cứu “Những vấn đề nông dân Bắc Kỳ” được công bố vào năm 1939 khi
ông làm việc tại Viễn Đông bác cổ học viện, ông nhấn mạnh: "Việc làm cơ
bản, nếu không thì sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc, chính là giáo
dục nông dân.
Cần phải tiếp nhận những đứa trẻ “quặt
quẹo và nghèo khổ” này và thử làm cho chúng trở thành những người có
hiểu biết khách quan hơn về lợi ích của mình, có một ý thức hiện đại hơn
về đời sống làng xã. Thì đó sẽ là một bước dài theo hướng thực hiện
một đời sống nông thôn tốt đẹp hơn.”
Đây là một tiếp cận xã hội học trong
phân tích xã hội đương đại. Bằng những tư liệu sống động của các cuộc
điền dã dân tộc học và điều tra xã hội, ông phân tích tình trạng cơ cực
của nông dân và chỉ rõ sự yếu kém của chính quyền.
Ngay cả trong những việc nhỏ khi điều
hành giáo dục nước nhà, cũng thể hiện sự uyên bác với tinh thần nhân bản
đó, khi ông đặc biệt quan tâm đến trí thức. Trong Công điện gửi Phó Thủ
tướng Phạm Văn Đồng vào ngày 25/1/1950 do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên tự
đánh máy và ký, xin điều động ông Lê Văn Thiêm, một Việt Kiều vừa từ
Pháp về đang ở miền Đông Nam Bộ ra Việt Bắc để góp phần xây dựng nền
đại học lúc đó rất thiếu các giáo sư.
Còn Công văn gửi Bộ Tài chính ngày
29/8/1950, ông đề nghị trợ cấp đặc biệt cho GS Đặng Thai Mai 10 vạn đồng
để chuyển từ Liên khu IV ra Việt Bắc, mang theo cả mấy bồ sách và đề
nghị cho cáng ra vì ông Mai rất yếu, không thể đi bộ được.
Khi gửi công điện cho Ủy ban Kháng
chiến hành chính Khu IV nhờ báo cho vợ bác sĩ Đặng Văn Ngữ ở trường
chuyên khoa Châu Phong (Đức Thọ - Hà Tĩnh) là ông Ngữ từ Nhật Bản mới
về nước, đã ra Việt Bắc an toàn để giảng dạy và lập phòng thí nghiệm
tại trường Đại học Y, mà không về đón vợ được.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cũng nhờ
thông báo cho bà Ngữ biết "Chính phủ sẽ tổ chức đón (bà - TG) ra , không
cần lo về sinh hoạt và tài chính, sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng vào
Chính phủ và các bạn ở Liên khu IV".
Làm sao có thể không tin một Bộ trưởng như thế, một Chính phủ như thế !
Sự uyên bác với tinh thần nhân bản đó,
GS Nguyễn Văn Huyên có được là nhờ được tiếp thu học vấn và văn hóa cũng
từ chính những người thầy uyên thâm, bác ái. Một trong những người thầy
đó là GS Lucien Lévy Bruhl.
Đặc biệt, GS Nguyễn Văn Huyên tâm đắc
với tác phẩm "Đạo đức và khoa học về các phong tục" (La morale et la
science des moeus) của Lucien Lévy Bruhl – đánh dấu một thời điểm quan
trọng trong sự nghiệp của tác giả cũng như trong lịch sử tư tưởng nhân
loại.
Khi Lévy Bruhl qua đời vào năm 1939,
Nguyễn Văn Huyên đã đau xót viết: "Không những ông (Lévy Bruhl –TG) đã
đưa đến cho nền triết học hiện đại một cách tư duy rất độc đáo và mạch
dạn, mà suốt đời ông, ông còn biết đem lòng nhân ái sẵn có của mình,
thái độ tận tụy, nhiệt tình không mệt mỏi của mình phụng sự cho loài
người…
Tôi nhìn thấy ông với nét mặt luôn luôn
mơ màng và đăm chiêu, cặp mắt long lanh đầy thông minh và nhạy cảm…Ông
chẳng bao giờ làm "chính trị" cả thế mà hành động xã hội của ông thuộc
loại hữu ích nhất" (trích trong "Nguyễn Văn Huyên toàn tập").
Sự uyên bác và nhân bản ấy cũng là tinh
thần Hồ Chí Minh mà những trí thức tràn đầy lòng yêu nước như Nguyễn
Văn Huyên đã một dạ tin, theo. Năm 2003, trong buổi các con của ông bà
Huyên - Ngọc đến thăm nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông đã nhận định:
"Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong suốt 30 năm (1946-1975), ông Nguyễn Văn
Huyên, đã làm được cho sự nghiệp giáo dục:
Thứ nhất là chống nạn mù chữ mà ông là người lãnh đạo, một chiến sĩ xung kích.
Thứ hai là lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục ...
Thứ ba là mặc dù kháng chiến nhưng vẫn
xây dựng, giữ vững và phát triển hệ thống các trường học, nhất là các
trường đại học trên chiến khu. Thứ tư là động viên, khuyến khích các em
học sinh đi học trong những hoàn cảnh rất khó khăn… ".
Trong 70 năm cuộc đời nhà bác học uyên
thâm, nhà hành động nhân bản Nguyễn Văn Huyên, có 39 năm song hành với
một người phụ nữ đàn hay, vẽ giỏi, nữ công gia chánh tài, và cần mẫn làm
khoa học. Hơn hết, bà còn là linh hồn của gia đình Huyên - Ngọc, như bà
viết trong bức thư gửi cháu ngoại Nguyễn Kim Hiền: "Biết bao người mong
ước trên đời này được sống trong hạnh phúc ấm cúng gia đình… Bà không
dám tự hào mãn nguyện, nhưng bà thấy có thể mỉm cười trước ngoài tuổi 70
này.
Suốt cuộc đời tâm tâm niệm niệm làm
điều tốt cho mình, cho người, trong tâm không có điều gì phải ân hận…
Với gia đình ta, bà đã xây đắp từng viên gạch nhỏ đầu tiên… Cứ thế cần
cù kiên trì tin tưởng, phấn khởi bằng mọi khả năng của mình xây đắp tổ
ấm hạnh phúc.
Suốt 50 năm trời trôi qua, bà không mệt
mỏi, bà đã thành công. Bà đã được phần thưởng vô giá, Hiền ạ. Bà có con
trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, ngoại mà bằng ấy trái tim đều
có một tâm hồn con người… biết vì lẽ phải, biết vì mọi người để mình
sống trọn vẹn. Đấy Hiền ngẫm xem bà có xứng đáng được một phần thưởng
quý đó không? …”.
Các thế hệ tiếp nối của mái ấm Huyên -
Ngọc đang gìn giữ và phát huy những di sản của ông bà để lại cho con
cháu muôn đời, không chỉ của dòng họ Nguyễn - Vi mà còn của cả xã hội.
Rời Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tọa lạc
trên chính quê ông – làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội,
tôi như thấy ông bà Huyên - Ngọc ở trên cao xanh hiện về, mỉm cười mãn
nguyện...
Nguyễn Thị Trâm
http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/bao-tang-nguyen-van-huyen-cau-chuyen-mot-doi-nguoi-482750-c.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét