Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên – Một địa chỉ mới của du lịch Hà Nội


Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được xây dựng trong khuôn viên cũ của dòng Họ Nguyễn làng Lai Xá – xã Kim Chung – huyện Hoài Đức – TP. Hà Nội. Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, ghi hình, ghi hồi ký của nhiều nhân chứng về cuộc đời và sự nghiệp giáo dục của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Được sắp xếp, thể hiện theo tự sự của các con nói về bố mẹ. Tầng 1 của bảo tàng dành để giới thiệu về thân thế họ nội, họ ngoại của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên – một nhà khoa học trẻ và bà Vi Kim Ngọc – một người con gái xuất thân từ một gia đình quyền quý, một dòng HỌ VI trâm anh thế phiệt. Tầng 2 giới thiệu về tuổi trẻ của bố mẹ. Tầng 3 giới thiệu về bố mẹ chúng tôi – Một nhà bác học với kiến thức uyên bác, ông đã bao quát nhiều lĩnh vực như dân tộc, văn hóa dân gian, xã hội học, địa lý và lịch sử. Tầng 4 là chuyên đề “Bố chúng tôi – một người hành động” được thể hiện trong quá trình Cách mạng Tháng tám – 1945 nổ ra, cùng với giới trí thức ông tham gia vận động vua Bảo Đại thoái vị. Không chút do dự, ông tạm gác nghiên cứu khoa học để gánh vác công việc của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa non trẻ. Là giám đốc Đông phương Bác cổ viện (vốn là EFEO nơi ông làm việc), đồng thời là Tổng giám đốc Đại học vụ, ông đã khởi thảo sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam” tổ chức lại nền đại học để có thể khai giảng ngay trong năm học 1945-1946. Ông tham gia các phái đoàn của chính phủ Việt Nam đàm phán với Pháp về nền độc lập của đất nước…

Là Bộ trưởng Giáo dục từ năm 1946 – 1975, vượt qua kháng chiến chống Pháp, chiến tranh chống Mỹ, ông lãnh đạo tổ chức nền giáo dục mới trên nền tảng của tinh thần dân tộc, khoa học và đại chúng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định : “Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong suốt gần 30 năm, ông Nguyễn Văn Huyên đã làm được cho sự nghiệp giáo dục : Thứ nhất là chống nạn mù chữ mà ông là người lãnh đạo, một chiến sỹ xung kích. Thứ hai là lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục. Thứ ba là mặc dù kháng chiến nhưng vẫn xây dựng, giữ vững và phát triển hệ thống các trường học, nhất là các trường đại học trên chiến khu. Thứ tư là động viên, khuyến khích các em học sinh đi học trong những hoàn cảnh rất khó khăn…”

Trong khu vườn của ký ức của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên còn được trồng bởi nhiều loại cây như sấu, cây roi, cây bưởi, cây đào, đặc biệt là cây hoa loa kèn đỏ nở vào mùa hè mà bà Vi Kim Ngọc thường hay vẽ gợi cho ta nhớ đến nơi ông bà Nguyễn Văn Huyên sống và làm việc tại số 2 Trần Hưng Đạo – Hà Nội là những gì tự sự của các con nói về bố mẹ mình.

Đây thực sự là một điểm đến thú vị không chỉ dành cho những ai yêu thích văn hóa, lịch sử và quan tâm đến giáo dục nước nhà mà còn là điểm du lịch mới cho các khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.


Nguyễn Bích Nga
Facebook Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên
https://www.facebook.com/NguyenVanHuyenMuseum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét