Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Tiến tới một cuộc Trưng bày về cuộc đời GS Nguyễn Văn Huyên

Cập nhật lúc: 08:51, Thứ Năm, 31/01/2013 (GMT+7)
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên – nhà Dân tộc học chuyên nghiệp đầu tiên của nước ta, một người đã gắn bó với ngành Giáo dục trong suốt 30 năm kháng chiến giành độc lập cho dân tộc trên cương vị Bộ trưởng. Trong năm 2013, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với gia đình Giáo sư tổ chức Trưng bày giới thiệu về Cuộc đời và Sự nghiệp của ông.
 Ý tưởng về Trưng bày này được ấp ủ từ rất lâu, do PGS.TS Nguyễn Văn Huy (con trai út của GS Nguyễn Văn Huyên) khởi xướng. Thông qua các tư liệu, hiện vật, hình ảnh, âm thanh,… Trưng bày sẽ giới thiệu với người xem về lịch sử cuộc đời của một con người như một tác nhân và đồng thời cũng là nhân chứng trong nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục và chính trị của đất nước trong bối cảnh xã hội Việt Nam ở thế kỷ XX. Điểm nổi bật của cuộc Trưng bày là triệt để sử dụng phương pháp tiếp cận nhân học, không những giới thiệu về cuộc sống đời thường của một nhà khoa học, một chính khách - Nguyễn Văn Huyên, mà còn đề cập về gia đình, bạn bè của ông, những người đã có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông. Trưng bày này với chủ ý như một câu chuyện kể về lịch sử cuộc đời GS Nguyễn Văn Huyên, có những điểm nhấn về cuộc đời của ông và phu nhân Vi Kim Ngọc, thông qua các bức ảnh kết hợp với những lời trích dẫn từ nhật ký, thư từ của những người trong cuộc, lời kể sống động của những người thân trong gia đình và đồng nghiệp, bạn bè qua băng ghi âm hay ghi hình. Từ Trưng bày hi vọng sẽ gợi mở để hiểu thêm về xã hội và văn hóa Việt Nam trong suốt 70 năm của thế kỷ XX.
Dự kiến, Trưng bày sẽ diễn ra tại quê nhà của GS Nguyễn Văn Huyên – làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Để chuẩn bị cho trưng bày, từ tháng 1-2013, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiến hành phỏng vấn một số đồng nghiệp, họ hàng gần gũi của GS Nguyễn Văn Huyên và phu nhân để ghi lại những ký ức, những câu chuyện, tình cảm của họ với ông bà Huyên ở những thời điểm khác nhau.  
Vừa qua, bước đầu chúng tôi đã phỏng vấn TS Susan Bayly (Giáo sư trường Đại học Cambrige, Anh), GS Phạm Huy Dũng (nguyên là nghiên cứu viên Viện Sốt rét - Kí sinh trùng và Côn trùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Thăng Long), PGS Hoàng Tân Dân (nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Kí sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội), bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (kĩ thuật viên, đồng nghiệp với bà Vi Kim Ngọc tại Bộ môn Kí sinh trùng). Kết quả các buổi phỏng vấn được đánh giá tốt. Dưới đây phản ánh nhanh một số hình ảnh trong các buổi phỏng vấn.

“GS Nguyễn Văn Huyên là một học giả đáng kính và nổi tiếng trong lĩnh vực
nghiên cứu nhân học và văn hóa đương đại. Các tác phẩm của ông hiện nay vẫn đang được
tiếp tục bàn luận và nghiên cứu, và bản thân ông hiện vẫn đang nhận được sự kính trọng
sâu sắc trong cộng đồng học thuật” – TS Susan Bayly, ngày 12-1-2013
PGS.TS Nguyễn Văn Huy trực tiếp tác nghiệp trong buổi phỏng vấn TS Susan Bayly
 “Lần đầu tiên tôi gặp bác Ngọc (phu nhân GS Nguyễn Văn Huyên) ở Bộ môn,
được bác hướng dẫn thực tập năm 1969. Ấn tượng để lại trong tôi, bác Ngọc
là người phúc hậu, tuy có tuổi nhưng rất xinh đẹp, da trắng, ăn mặc giản dị
nhưng vẫn toát lên sự trang trọng, gọn gàng, thanh lịch; âm sắc giọng nói có
nét rất đặc biệt, quý tộc” - PGS Hoàng Tân Dân, ngày 18-1-2013
 
 “Ở bà Ngọc tôi cảm nhận được sự hòa đồng, cách sống rất nhẹ nhàng
giản dị, luôn quan tâm chăm sóc đến mọi người xung quanh”- bà Nguyễn Thị Tuyết Mai
(thứ hai từ trái), ngày 23-1-2013

“Cách làm việc của bà Ngọc thể hiện sự nghiêm túc, cẩn thận,
đầy trí tuệ. Bà là người giúp chúng tôi kết nối giữa lý thuyết
trong sách vở và những tiêu bản thực hành” - GS Phạm Huy Dũng, ngày 27-1-2013

Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam 

http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/1317/seo/Tien-toi-mot-cuoc-Trung-bay-ve-cuoc-doi-GS-Nguyen-Van-Huyen/Default.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét