Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Người phụ nữ "lá ngọc cành vàng" trở thành kỹ thuật viên mổ muỗi

Cập nhật lúc: 09:55, Thứ Sáu, 22/03/2013 (GMT+7)
Bà Vi Kim Ngọc là con gái của nguyên Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định và là phu nhân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Xuất thân "Lá ngọc cành vàng", nhưng lại theo gia đình tham gia kháng chiến suốt 9 năm trường kỳ nên ở bà có những đức tính đặc biệt. Bà để lại nhiều kinh nghiệm, bài học quý với những người may mắn được gần gũi, làm việc với mình.
            Là lớp Kỹ thuật viên đầu tiên công tác tại Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội, bà Vi Kim Ngọc được các thế hệ học trò, đồng nghiệp biết đến như một hình ảnh mẫu mực cho thế hệ phụ nữ lúc bấy giờ. Bà từng được GS Đặng Văn Ngữ trực tiếp đào tạo, hướng dẫn các kỹ thuật thực hành về Ký sinh trùng, đặc biệt là thực hành về muỗi. Bà cũng là cán bộ được GS Đỗ Dương Thái đặc biệt quan tâm, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Trong hoạt động chuyên môn cũng như cuộc sống đời thường, bà Ngọc luôn để lại ấn tượng đẹp cho bất kỳ ai đã tiếp xúc với bà. Bà có đóng góp nhất định vào việc đào tạo các thế hệ học trò từng học tập tại Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội. GS.TS Phạm Huy Dũng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và PGS.TS Hoàng Tân Dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội là hai trong số những học trò có may mắn đó.

Cách làm việc khoa học
Có thể xem bà Vi Kim Ngọc là một kỹ thuật viên đặc biệt của Bộ môn. Bởi qua sự lựa chọn, đào tạo đặc biệt của GS Đặng Văn Ngữ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, bà được Bộ môn tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy cho các sinh viên chuyên khoa đến Bộ môn thực tập, thậm chí hướng dẫn cho các giảng viên mới nhận công tác.
Năm 1960, Phạm Huy Dũng gặp bà Vi Kim Ngọc lần đầu tiên là do GS Đặng Văn Ngữ trực tiếp giới thiệu. Với những hiểu biết trước đó về gia thế của bà Ngọc, Phạm Huy Dũng ngay từ đầu, rồi qua thực tế làm việc ông đã rất thiện cảm với bà. Ông rất khâm phục: bà Ngọc xuất thân trong một gia đình trí thức, lại là phu nhân của một Bộ trưởng, nhưng bà Ngọc không hề biểu hiện tầng lớp xã hội của mình, bà rất bình dân, giản dị. Những ấn tượng đẹp về bà Ngọc trong sinh viên Huy Dũng cứ nhân dần lên theo thời gian. Nhớ lại những buổi thực tập tại Bộ môn Ký sinh trùng, GS Phạm Huy Dũng nhớ lại: “bà Ngọc dạy làm công việc bình thường nhất, nhưng nghiêm túc nhất và trí tuệ nhất”. Ông vẫn nhớ cách bà Ngọc giảng cho các sinh viên thực tập về muỗi. Mới đầu phải đưa sinh viên đi bắt muỗi, mang về cắm vào kim thủy tinh, sau đó quan sát và tiến hành định loại và làm các tiêu bản; Một số muỗi được mổ để nghiên cứu tuổi sinh lý, tuổi thật của muỗi... Hay những lần đi lấy mẫu phân trẻ em, phải đãi phân để tìm trứng giun làm tiêu bản…bà vẫn không nề hà gì. Bà hướng dẫn sinh viên rất cẩn thận, tỉ mỉ từ cách chuẩn bị lam kính,cách cầm lam kính để kéo máu, đến cách kéo kim thủy tinh sao cho khéo léo, chính xác.
Bà Vi Kim Ngọc (giữa) đang cùng đồng nghiệp làm việc tại Bộ môn Ký sinh trùng,
trường Đại học Y Hà Nội, năm 1972
Có lần, Phạm Huy Dũng vốn tính đại khái, khi cắm kim thủy tinh vào muỗi, kéo kim không cẩn thận chưa đạt yêu cầu nhưng ông vẫn cho qua không tiếp tục làm lại. Bà Ngọc thấy vậy, đến ngồi cạnh và làm lại rất chậm động tác kéo kim thủy tinh, rồi bà nhẹ nhàng nói: “Em cứ làm theo hướng dẫn, nếu không làm được thì chị sẽ giúp”. Trong giờ thực hành, sinh viên gặp phải khó khăn gì, bà đều chỉ bảo tận tình. Bà thường làm mẫu các động tác thực hành để giúp sinh viên hình dung được mình phải làm gì. Hồi đó, sách và tài liệu thực hành về Ký sinh trùng bằng tiếng Việt không nhiều, chủ yếu là sách tiếng Pháp. Với những học trò không biết tiếng bà thường dành thời gian dịch cho sinh viên hiểu,  còn với những sinh viên có thể đọc hiểu tiếng Pháp để tránh mất thời gian bà thường cho mang về nhà tham khảo.
Theo GS Phạm Huy Dũng, một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao trong các buổi thực hành của bà Vi Kim Ngọc là bà luôn kết nối từ tiêu bản thực hành với những vấn đề lý thuyết và thực tiễn. Với những tiêu bản thực hành, bà Ngọc đã dẫn dắt sinh viên nhớ về lý thuyết mà thầy đã dạy trên lớp và những điều thầy đã giảng khi thực hành. Ông lấy ví dụ như khi làm tiêu bản con muỗi Anôphen, bình thường chỉ làm tiêu bản, định loại tên, phân loại râu, thân… Nhưng ngoài những công việc cơ bản đó, bà Ngọc thường trao đổi thêm nơi sống, cách sinh sản và tác hại của muỗi gây ra đối với đời sống con người.
PGS.TS Hoàng Tân Dân, một học trò cũng là người đồng nghiệp gắn bó nhiều năm với bà cũng có cảm nhận: Trong công việc, bác Ngọc là người rất khoa học. Khoa học từ tác phong làm việc, cách hướng dẫn sinh viên đến việc đưa ra các con số chính xác trong các nghiên cứu. Khi giảng bài cho học trò, bác Ngọc luôn liên hệ nội dung bài với các vấn đề thực tế để bài học thêm sinh động. Đó cũng là những bài học quý mà Hoàng Tân Dân học được ở bà. Sau này, ông vận dụng nó trong quá trình công tác, nghiên cứu. Đặc biệt là trong giảng dạy, ông  luôn truyền lại tâm huyết này cho các thế hệ học trò.
Giản dị trong cuộc sống đời thường
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, năm 1970 Hoàng Tân Dân được giữ lại giảng dạy tại Bộ môn Ký sinh trùng. Cùng làm việc với bà Ngọc, ông có nhiều cơ hội cảm nhận và học tập nhiều đức tính đáng quý của bà. Ngoài giờ làm việc, bà thường dành thời gian trò chuyện, hỏi thăm về gia đình ông. Biết hoàn cảnh gia đình ông khó khăn “mẹ góa con côi” bà đã ngỏ lời giúp đỡ. Mặc dù đã từ chối sự giúp đỡ của bà nhưng ông cũng cảm thấy ấm lòng.Theo ông, bà Vi Kim Ngọc là người phụ nữ toàn diện, ngoài nắm vững công tác chuyên môn bà còn là người khéo léo, tế nhị lại giỏi về nữ công gia chánh. Không gian làm việc của bà tuy nhỏ nhưng được sắp xếp khoa học gọn gàng, đẹp mắt.Trên bàn làm việc của bà lúc nào cũng có một lọ hoa tươi, mùa nào hoa ấy, được bà phối hợp hài hòa. Ông vẫn nhớ, khi chiến tranh phá hoại miền Bắc, các cửa kính đều phải dán giấy để tránh bom đạn rung động làm vỡ, bà đã cẩn thận cắt giấy thành nhiều họa tiết hoa văn dán lên các ô cửa vừa có hiệu quả giảm vỡ kính, lại rất nghệ thuật. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Nhà trường tổ chức cuộc thi làm bánh ngọt giữa các Bộ môn tại 13 Lê Thánh Tông, với vai trò là Tổ trưởng nữ công bà đã hướng dẫn một số kỹ thuật viên khác làm bánh ngọt và đoạt giải nhất. Điều đặc biệt là bà làm bánh không chỉ để thi mà còn làm đủ để các cán bộ trong Bộ môn ai cũng được thưởng thức.
Đối với đồng nghiệp Phạm Huy Dũng, bà Ngọc có sự chia sẻ về thành phần xã hội.Trong những câu chuyện, bà Ngọc thường bày tỏ những suy nghĩ tích cực, để Huy Dũng hòa đồng với cuộc sống thực tại. Bà Ngọc nói về những kinh nghiệm, khó khăn mà mình đã vượt qua và luôn hướng tới sự tốt đẹp trong cuộc sống. Với Phạm Huy Dũng, đó là những lời khuyên có ý nghĩa, ông nói: “Chị Ngọc là con người của thế hệ hết sức đẹp, tự mình đi theo Đảng, theo cách mạng. Câu chuyện chị Ngọc kể về việc vượt qua khó khăn như thế nào là những bài học cho tôi. Lời khuyên của chị Ngọc là những lời khuyên để tôi sống tốt… Tôi là một nhân chứng nói rằng chị Ngọc toàn nghĩ tốt, lương thiện, giải quyết mọi việc theo hướng tốt, hướng lương thiện”. Và qua những tâm sự, những trao đổi giữa hai chị em khiến ông không đi lạc đường, và để ông biết mình sẽ phải vượt qua những khó khăn nào.
Trong cuộc sống đời thường, bà Ngọc là người rất nhẹ nhàng, tế nhị. Khi có sự mâu thuẫn hoặc hiểu lầm giữa các đồng nghiệp, bà luôn là người chủ động dung hòa mặc dù bà biết mình không sai. “Trong cuộc sống hàng ngày, bác Ngọc luôn giản dị, chan hòa với mọi người. Nếu chú ý, sẽ thấy được sự am hiểu của bác Ngọc từ cách bắt tay, vốn ngoại ngữ phong phú, cách đi đứng đến cách ăn mặc. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp vừa thanh lịch vừa sang trọng quý phái. Chả thế mà khi có đoàn nào đến Bộ môn, đặc biệt là khách quốc tế, Bộ môn đều cử bà tiếp” PGS.TS Hoàng Tân Dân nhớ lại.

Từ ấn tượng ban đầu về "một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, tuy có tuổi nhưng rất xinh đẹp, với nước da trắng, phong cách ăn mặc giản dị nhưng vẫn toát lên sự trang trọng, gọn gàng, thanh lịch. Đặc biệt, âm sắc giọng nói của bác có nét gì đó rất quý phái" cho đến thời gian được học tập, công tác cùng bà Vi Kim Ngọc, biết xuất thân của bà, Hoàng Tân Dân ngày càng thấy nhiều điểm đáng quý ở người phụ nữ này. Ông nhớ, năm 1969, Bộ môn có buổi đi thực tế ở rừng Cúc Phương (Ninh Bình) để bắt muỗi phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu. Khi đó, bà Ngọc xung phong dẫn sinh viên đi. Chủ nhiệm Bộ môn lúc bấy giờ là GS Đỗ Dương Thái, thấy bà đã có tuổi, sức khỏe yếu nên đã khuyên bà ở nhà, sau khi học trò thu thập muỗi về có thể phân loại ở phòng thí nghiệm cũng được. Nhưng với một tinh thần đầy trách nhiệm trong công việc, bà đã trả lời GS Thái: Với điều kiện vận chuyển xa như thế muỗi có thể chết, nếu muỗi chết thì khi phân loại độ chính xác không cao. Hơn nữa, tôi cần muỗi sống để làm thành các tiêu bản phục vụ cho việc giảng dạy của Bộ môn và nó sẽ là các tư liệu cho sinh viên nghiên cứu sau này. Do vậy, tôi nhất định phải tham gia chuyến đi này. Vậy là bà đã góp mặt trong chuyến đi thực tế kéo dài vài ngày. Chính chuyến đi đã khiến các học trò được gần gũi, hiểu thêm về bà: một người rất bình dị, năng động, hòa đồng với sinh viên. Mặc dù là cán bộ hướng dẫn đoàn sinh viên nhưng bà ăn, ở cùng sinh viên không có sự phân biệt hay chế độ nào riêng. Hồi ấy đang chiến tranh phá hoại, đoàn sinh viên phải đợi ngày yên ắng mới về Hà Nội.Giao thông đi lại cũng khó khăn, đoàn phải lấy giấy giới thiệu của trường nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban tỉnh mới mua được vé tàu hỏa về Hà Nội. Hoàng Tân Dân vẫn nhớ, hình ảnh bà ngồi đợi tàu khá lâu cùng sinh viên ở bến tàu, và còn bị muỗi đốt nhiều. 
Sự tài hoa và sức sống đầy nghị lực
Khi nhắc đến bà Vi Kim Ngọc, không thể không nói đến những bức vẽ của bà. Bà Ngọc vẽ rất đẹp, bà thường vẽ  tĩnh vật như cây cỏ, hoa lá, chân dung.Đặc biệt là các bức vẽ về muỗi, rất chi tiết và sinh động phục vụ chủ yếu cho công tác giảng dạy của Bộ môn, một số khác được đưa vào xuất bản trong sách giáo khoa.
Không chỉ những người trực tiếp được bà hướng dẫn, giảng dạy, ngay cả thế hệ sau, những người chỉ được nghe về bà cũng có ấn tượng tốt đẹp về người phụ nữ tài hoa, đức độ. Th.S Trương Thị Kim Phượng, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng chia sẻ: Tôi không may mắn được gặp và làm việc với cụ Ngọc, nhưng tôi được nghe các đồng nghiệp kể lại rằng, cụ Ngọc thường ngồi nhìn mẫu muỗi trong kính hiển vi để vẽ lại, do vậy độ chính xác cao từ màu sắc đến các điểm chấm trong chân con muỗi được cụ vẽ rất chính xác và hài hòa. Hơn nữa, tôi nhận thấy các bức tranh về muỗi của cụ vẽ rất có hồn bởi cụ là người có chuyên môn, am hiểu về muỗi. Sau này, đến thời chúng tôi, Bộ môn phải thuê họa sĩ đến vẽ thêm tranh để phục vụ giảng dạy, họ thường nhìn tranh của cụ để phóng tác lại”.
Bà Vi Kim Ngọc bên giá vẽ, Hà Nội, năm 1975.
Hiện còn rất nhiều bức vẽ, hình vẽ của bà Vi Kim Ngọc được gia đình và Bộ môn Ký sinh trùng lưu giữ. Đặc biệt, các bản vẽ về muỗi vẫn được các cán bộ trong Bộ môn sử dụng trong các buổi lý thuyết thực hành.PGS.TS Nguyễn Văn Huy, con trai út của bà, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết, hiện gia đình còn lưu giữ  được nhiều tranh do bà vẽ qua các thời kỳ. Trong đó chủ yếu là các bức vẽ về chuyên môn gắn với quá trình công tác của bà. Đó là những tài sản quý đối với gia đình, và cả đối với xã hội.
Khi đã nghỉ hưu, giai đoạn bà Vi Kim Ngọc bị ốm phải nằm điều trị thời gian dài ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đồng nghiệp đến thăm bà, PGS Hoàng Tân Dân nhớ lại:“Dù ở hoàn cảnh như vậy, chúng tôi đến thăm biết bác bị ung thư không sống được bao lâu nữa, có người đã không cầm được nước mắt, nhưng bác Ngọc vẫn luôn nghị lực, lạc quan. Bởi tôi biết bác luôn quan niệm, mình phải mang niềm vui đến cho mọi người.Một người được sinh ra trong hoàn cảnh như thế, sống như thế hỏi ai có thể không ấn tượng, không yêu quý cho được”.

Cho đến tận bây giờ, đã hơn 40 năm, không còn được gặp người phụ nữ đặc biệt Vi Kim Ngọc, nhưng những hình ảnh đẹp về bà  vẫn in đậm trong tâm trí những người may mắn được bà hướng dẫn học tập và làm việc cùng bà. Với họ, bà Ngọc không chỉ là người thầy, người đồng nghiệp đáng kính, mà bà còn như một người bạn, người chị, người mẹ đáng tin cậy và thân thương. Bà là tấm gương sáng trong  làm việc, trong cuộc sống, là mẫu người để thế hệ đi sau ngưỡng mộ, học tập.

 
 Nguyễn Thị Loan
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=2468847090155477311#editor/target=post;postID=7412293469295772898

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét