Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng bày

Cập nhật lúc: 11:12, Thứ Tư, 17/04/2013 (GMT+7)
Cùng với các cuộc gặp gỡ, phỏng vấn nhằm ghi lại những ký ức của học trò, đồng nghiệp nhớ về Giáo sư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, vừa qua Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành khảo sát thực địa nơi sẽ trưng bày tư liệu hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư tại quê hương ông - làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (Nguồn: baotintuc.vn)
Ngôi nhà 4 tầng, tổng diện tích gần 150m2 còn tươi màu sơn mới đã gây ấn tượng với chúng tôi bởi một màu trắng sáng bao phủ toàn bộ tòa nhà, từ tường đến các cửa sổ, cửa ra vào cả trong nhà và ngoài trời.  Bà Vũ Thị Kim, con dâu Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, chia sẻ: Chúng tôi chọn màu trắng làm nền trước hết vì nó tạo cảm giác tinh khiết, giản dị, mặt khác cũng dễ bài trí trong trưng bày…Trước kia đây là ngôi nhà 2 tầng lợp mái tôn với tổng diện tích khoảng 37m2, là nơi quây quần, họp mặt các thành viên trong gia đình mỗi dịp về quê cúng giỗ, lễ tết tại nhà thờ họ. Nay, khi việc chuẩn bị nội dung trưng bày về cuộc đời của cha mẹ chúng tôi đã gần chín muồi, gia đình quyết định sang sửa ngôi nhà này làm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.
Nhóm thực hiện khảo sát đã đo đạc tỉ mỉ từng phòng để có những thông số cần thiết phục vụ cho công việc tính toán thiết kế trưng bày, thiết kế hệ thống giá, tủ, kệ và hệ thống ánh sáng. Gia đình bày tỏ hy vọng rằng công trình sẽ đưa vào sử dụng trưng bày đúng dịp Kỷ niệm 108 năm ngày sinh của cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên trong tháng 11 tới đây.
Một số hình ảnh về khu trưng bày:
Toàn cảnh tòa nhà sẽ trưng bày về cuộc đời
 cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên
Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu đo đạc
mặt bằng toàn bộ khu nhà
Một góc vườn trong khuôn viên tòa nhà trưng bày


Lục Tiến Mạnh
                                                                                                 Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam

http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/1480/seo/Chuan-bi-to-chuc-mot-cuoc-trung-bay/Default.aspx

Người phụ nữ "lá ngọc cành vàng" trở thành kỹ thuật viên mổ muỗi

Cập nhật lúc: 09:55, Thứ Sáu, 22/03/2013 (GMT+7)
Bà Vi Kim Ngọc là con gái của nguyên Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định và là phu nhân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Xuất thân "Lá ngọc cành vàng", nhưng lại theo gia đình tham gia kháng chiến suốt 9 năm trường kỳ nên ở bà có những đức tính đặc biệt. Bà để lại nhiều kinh nghiệm, bài học quý với những người may mắn được gần gũi, làm việc với mình.
            Là lớp Kỹ thuật viên đầu tiên công tác tại Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội, bà Vi Kim Ngọc được các thế hệ học trò, đồng nghiệp biết đến như một hình ảnh mẫu mực cho thế hệ phụ nữ lúc bấy giờ. Bà từng được GS Đặng Văn Ngữ trực tiếp đào tạo, hướng dẫn các kỹ thuật thực hành về Ký sinh trùng, đặc biệt là thực hành về muỗi. Bà cũng là cán bộ được GS Đỗ Dương Thái đặc biệt quan tâm, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Trong hoạt động chuyên môn cũng như cuộc sống đời thường, bà Ngọc luôn để lại ấn tượng đẹp cho bất kỳ ai đã tiếp xúc với bà. Bà có đóng góp nhất định vào việc đào tạo các thế hệ học trò từng học tập tại Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội. GS.TS Phạm Huy Dũng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và PGS.TS Hoàng Tân Dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội là hai trong số những học trò có may mắn đó.

Cách làm việc khoa học
Có thể xem bà Vi Kim Ngọc là một kỹ thuật viên đặc biệt của Bộ môn. Bởi qua sự lựa chọn, đào tạo đặc biệt của GS Đặng Văn Ngữ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, bà được Bộ môn tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy cho các sinh viên chuyên khoa đến Bộ môn thực tập, thậm chí hướng dẫn cho các giảng viên mới nhận công tác.
Năm 1960, Phạm Huy Dũng gặp bà Vi Kim Ngọc lần đầu tiên là do GS Đặng Văn Ngữ trực tiếp giới thiệu. Với những hiểu biết trước đó về gia thế của bà Ngọc, Phạm Huy Dũng ngay từ đầu, rồi qua thực tế làm việc ông đã rất thiện cảm với bà. Ông rất khâm phục: bà Ngọc xuất thân trong một gia đình trí thức, lại là phu nhân của một Bộ trưởng, nhưng bà Ngọc không hề biểu hiện tầng lớp xã hội của mình, bà rất bình dân, giản dị. Những ấn tượng đẹp về bà Ngọc trong sinh viên Huy Dũng cứ nhân dần lên theo thời gian. Nhớ lại những buổi thực tập tại Bộ môn Ký sinh trùng, GS Phạm Huy Dũng nhớ lại: “bà Ngọc dạy làm công việc bình thường nhất, nhưng nghiêm túc nhất và trí tuệ nhất”. Ông vẫn nhớ cách bà Ngọc giảng cho các sinh viên thực tập về muỗi. Mới đầu phải đưa sinh viên đi bắt muỗi, mang về cắm vào kim thủy tinh, sau đó quan sát và tiến hành định loại và làm các tiêu bản; Một số muỗi được mổ để nghiên cứu tuổi sinh lý, tuổi thật của muỗi... Hay những lần đi lấy mẫu phân trẻ em, phải đãi phân để tìm trứng giun làm tiêu bản…bà vẫn không nề hà gì. Bà hướng dẫn sinh viên rất cẩn thận, tỉ mỉ từ cách chuẩn bị lam kính,cách cầm lam kính để kéo máu, đến cách kéo kim thủy tinh sao cho khéo léo, chính xác.
Bà Vi Kim Ngọc (giữa) đang cùng đồng nghiệp làm việc tại Bộ môn Ký sinh trùng,
trường Đại học Y Hà Nội, năm 1972
Có lần, Phạm Huy Dũng vốn tính đại khái, khi cắm kim thủy tinh vào muỗi, kéo kim không cẩn thận chưa đạt yêu cầu nhưng ông vẫn cho qua không tiếp tục làm lại. Bà Ngọc thấy vậy, đến ngồi cạnh và làm lại rất chậm động tác kéo kim thủy tinh, rồi bà nhẹ nhàng nói: “Em cứ làm theo hướng dẫn, nếu không làm được thì chị sẽ giúp”. Trong giờ thực hành, sinh viên gặp phải khó khăn gì, bà đều chỉ bảo tận tình. Bà thường làm mẫu các động tác thực hành để giúp sinh viên hình dung được mình phải làm gì. Hồi đó, sách và tài liệu thực hành về Ký sinh trùng bằng tiếng Việt không nhiều, chủ yếu là sách tiếng Pháp. Với những học trò không biết tiếng bà thường dành thời gian dịch cho sinh viên hiểu,  còn với những sinh viên có thể đọc hiểu tiếng Pháp để tránh mất thời gian bà thường cho mang về nhà tham khảo.
Theo GS Phạm Huy Dũng, một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao trong các buổi thực hành của bà Vi Kim Ngọc là bà luôn kết nối từ tiêu bản thực hành với những vấn đề lý thuyết và thực tiễn. Với những tiêu bản thực hành, bà Ngọc đã dẫn dắt sinh viên nhớ về lý thuyết mà thầy đã dạy trên lớp và những điều thầy đã giảng khi thực hành. Ông lấy ví dụ như khi làm tiêu bản con muỗi Anôphen, bình thường chỉ làm tiêu bản, định loại tên, phân loại râu, thân… Nhưng ngoài những công việc cơ bản đó, bà Ngọc thường trao đổi thêm nơi sống, cách sinh sản và tác hại của muỗi gây ra đối với đời sống con người.
PGS.TS Hoàng Tân Dân, một học trò cũng là người đồng nghiệp gắn bó nhiều năm với bà cũng có cảm nhận: Trong công việc, bác Ngọc là người rất khoa học. Khoa học từ tác phong làm việc, cách hướng dẫn sinh viên đến việc đưa ra các con số chính xác trong các nghiên cứu. Khi giảng bài cho học trò, bác Ngọc luôn liên hệ nội dung bài với các vấn đề thực tế để bài học thêm sinh động. Đó cũng là những bài học quý mà Hoàng Tân Dân học được ở bà. Sau này, ông vận dụng nó trong quá trình công tác, nghiên cứu. Đặc biệt là trong giảng dạy, ông  luôn truyền lại tâm huyết này cho các thế hệ học trò.
Giản dị trong cuộc sống đời thường
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, năm 1970 Hoàng Tân Dân được giữ lại giảng dạy tại Bộ môn Ký sinh trùng. Cùng làm việc với bà Ngọc, ông có nhiều cơ hội cảm nhận và học tập nhiều đức tính đáng quý của bà. Ngoài giờ làm việc, bà thường dành thời gian trò chuyện, hỏi thăm về gia đình ông. Biết hoàn cảnh gia đình ông khó khăn “mẹ góa con côi” bà đã ngỏ lời giúp đỡ. Mặc dù đã từ chối sự giúp đỡ của bà nhưng ông cũng cảm thấy ấm lòng.Theo ông, bà Vi Kim Ngọc là người phụ nữ toàn diện, ngoài nắm vững công tác chuyên môn bà còn là người khéo léo, tế nhị lại giỏi về nữ công gia chánh. Không gian làm việc của bà tuy nhỏ nhưng được sắp xếp khoa học gọn gàng, đẹp mắt.Trên bàn làm việc của bà lúc nào cũng có một lọ hoa tươi, mùa nào hoa ấy, được bà phối hợp hài hòa. Ông vẫn nhớ, khi chiến tranh phá hoại miền Bắc, các cửa kính đều phải dán giấy để tránh bom đạn rung động làm vỡ, bà đã cẩn thận cắt giấy thành nhiều họa tiết hoa văn dán lên các ô cửa vừa có hiệu quả giảm vỡ kính, lại rất nghệ thuật. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Nhà trường tổ chức cuộc thi làm bánh ngọt giữa các Bộ môn tại 13 Lê Thánh Tông, với vai trò là Tổ trưởng nữ công bà đã hướng dẫn một số kỹ thuật viên khác làm bánh ngọt và đoạt giải nhất. Điều đặc biệt là bà làm bánh không chỉ để thi mà còn làm đủ để các cán bộ trong Bộ môn ai cũng được thưởng thức.
Đối với đồng nghiệp Phạm Huy Dũng, bà Ngọc có sự chia sẻ về thành phần xã hội.Trong những câu chuyện, bà Ngọc thường bày tỏ những suy nghĩ tích cực, để Huy Dũng hòa đồng với cuộc sống thực tại. Bà Ngọc nói về những kinh nghiệm, khó khăn mà mình đã vượt qua và luôn hướng tới sự tốt đẹp trong cuộc sống. Với Phạm Huy Dũng, đó là những lời khuyên có ý nghĩa, ông nói: “Chị Ngọc là con người của thế hệ hết sức đẹp, tự mình đi theo Đảng, theo cách mạng. Câu chuyện chị Ngọc kể về việc vượt qua khó khăn như thế nào là những bài học cho tôi. Lời khuyên của chị Ngọc là những lời khuyên để tôi sống tốt… Tôi là một nhân chứng nói rằng chị Ngọc toàn nghĩ tốt, lương thiện, giải quyết mọi việc theo hướng tốt, hướng lương thiện”. Và qua những tâm sự, những trao đổi giữa hai chị em khiến ông không đi lạc đường, và để ông biết mình sẽ phải vượt qua những khó khăn nào.
Trong cuộc sống đời thường, bà Ngọc là người rất nhẹ nhàng, tế nhị. Khi có sự mâu thuẫn hoặc hiểu lầm giữa các đồng nghiệp, bà luôn là người chủ động dung hòa mặc dù bà biết mình không sai. “Trong cuộc sống hàng ngày, bác Ngọc luôn giản dị, chan hòa với mọi người. Nếu chú ý, sẽ thấy được sự am hiểu của bác Ngọc từ cách bắt tay, vốn ngoại ngữ phong phú, cách đi đứng đến cách ăn mặc. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp vừa thanh lịch vừa sang trọng quý phái. Chả thế mà khi có đoàn nào đến Bộ môn, đặc biệt là khách quốc tế, Bộ môn đều cử bà tiếp” PGS.TS Hoàng Tân Dân nhớ lại.

Từ ấn tượng ban đầu về "một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, tuy có tuổi nhưng rất xinh đẹp, với nước da trắng, phong cách ăn mặc giản dị nhưng vẫn toát lên sự trang trọng, gọn gàng, thanh lịch. Đặc biệt, âm sắc giọng nói của bác có nét gì đó rất quý phái" cho đến thời gian được học tập, công tác cùng bà Vi Kim Ngọc, biết xuất thân của bà, Hoàng Tân Dân ngày càng thấy nhiều điểm đáng quý ở người phụ nữ này. Ông nhớ, năm 1969, Bộ môn có buổi đi thực tế ở rừng Cúc Phương (Ninh Bình) để bắt muỗi phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu. Khi đó, bà Ngọc xung phong dẫn sinh viên đi. Chủ nhiệm Bộ môn lúc bấy giờ là GS Đỗ Dương Thái, thấy bà đã có tuổi, sức khỏe yếu nên đã khuyên bà ở nhà, sau khi học trò thu thập muỗi về có thể phân loại ở phòng thí nghiệm cũng được. Nhưng với một tinh thần đầy trách nhiệm trong công việc, bà đã trả lời GS Thái: Với điều kiện vận chuyển xa như thế muỗi có thể chết, nếu muỗi chết thì khi phân loại độ chính xác không cao. Hơn nữa, tôi cần muỗi sống để làm thành các tiêu bản phục vụ cho việc giảng dạy của Bộ môn và nó sẽ là các tư liệu cho sinh viên nghiên cứu sau này. Do vậy, tôi nhất định phải tham gia chuyến đi này. Vậy là bà đã góp mặt trong chuyến đi thực tế kéo dài vài ngày. Chính chuyến đi đã khiến các học trò được gần gũi, hiểu thêm về bà: một người rất bình dị, năng động, hòa đồng với sinh viên. Mặc dù là cán bộ hướng dẫn đoàn sinh viên nhưng bà ăn, ở cùng sinh viên không có sự phân biệt hay chế độ nào riêng. Hồi ấy đang chiến tranh phá hoại, đoàn sinh viên phải đợi ngày yên ắng mới về Hà Nội.Giao thông đi lại cũng khó khăn, đoàn phải lấy giấy giới thiệu của trường nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban tỉnh mới mua được vé tàu hỏa về Hà Nội. Hoàng Tân Dân vẫn nhớ, hình ảnh bà ngồi đợi tàu khá lâu cùng sinh viên ở bến tàu, và còn bị muỗi đốt nhiều. 
Sự tài hoa và sức sống đầy nghị lực
Khi nhắc đến bà Vi Kim Ngọc, không thể không nói đến những bức vẽ của bà. Bà Ngọc vẽ rất đẹp, bà thường vẽ  tĩnh vật như cây cỏ, hoa lá, chân dung.Đặc biệt là các bức vẽ về muỗi, rất chi tiết và sinh động phục vụ chủ yếu cho công tác giảng dạy của Bộ môn, một số khác được đưa vào xuất bản trong sách giáo khoa.
Không chỉ những người trực tiếp được bà hướng dẫn, giảng dạy, ngay cả thế hệ sau, những người chỉ được nghe về bà cũng có ấn tượng tốt đẹp về người phụ nữ tài hoa, đức độ. Th.S Trương Thị Kim Phượng, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng chia sẻ: Tôi không may mắn được gặp và làm việc với cụ Ngọc, nhưng tôi được nghe các đồng nghiệp kể lại rằng, cụ Ngọc thường ngồi nhìn mẫu muỗi trong kính hiển vi để vẽ lại, do vậy độ chính xác cao từ màu sắc đến các điểm chấm trong chân con muỗi được cụ vẽ rất chính xác và hài hòa. Hơn nữa, tôi nhận thấy các bức tranh về muỗi của cụ vẽ rất có hồn bởi cụ là người có chuyên môn, am hiểu về muỗi. Sau này, đến thời chúng tôi, Bộ môn phải thuê họa sĩ đến vẽ thêm tranh để phục vụ giảng dạy, họ thường nhìn tranh của cụ để phóng tác lại”.
Bà Vi Kim Ngọc bên giá vẽ, Hà Nội, năm 1975.
Hiện còn rất nhiều bức vẽ, hình vẽ của bà Vi Kim Ngọc được gia đình và Bộ môn Ký sinh trùng lưu giữ. Đặc biệt, các bản vẽ về muỗi vẫn được các cán bộ trong Bộ môn sử dụng trong các buổi lý thuyết thực hành.PGS.TS Nguyễn Văn Huy, con trai út của bà, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết, hiện gia đình còn lưu giữ  được nhiều tranh do bà vẽ qua các thời kỳ. Trong đó chủ yếu là các bức vẽ về chuyên môn gắn với quá trình công tác của bà. Đó là những tài sản quý đối với gia đình, và cả đối với xã hội.
Khi đã nghỉ hưu, giai đoạn bà Vi Kim Ngọc bị ốm phải nằm điều trị thời gian dài ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đồng nghiệp đến thăm bà, PGS Hoàng Tân Dân nhớ lại:“Dù ở hoàn cảnh như vậy, chúng tôi đến thăm biết bác bị ung thư không sống được bao lâu nữa, có người đã không cầm được nước mắt, nhưng bác Ngọc vẫn luôn nghị lực, lạc quan. Bởi tôi biết bác luôn quan niệm, mình phải mang niềm vui đến cho mọi người.Một người được sinh ra trong hoàn cảnh như thế, sống như thế hỏi ai có thể không ấn tượng, không yêu quý cho được”.

Cho đến tận bây giờ, đã hơn 40 năm, không còn được gặp người phụ nữ đặc biệt Vi Kim Ngọc, nhưng những hình ảnh đẹp về bà  vẫn in đậm trong tâm trí những người may mắn được bà hướng dẫn học tập và làm việc cùng bà. Với họ, bà Ngọc không chỉ là người thầy, người đồng nghiệp đáng kính, mà bà còn như một người bạn, người chị, người mẹ đáng tin cậy và thân thương. Bà là tấm gương sáng trong  làm việc, trong cuộc sống, là mẫu người để thế hệ đi sau ngưỡng mộ, học tập.

 
 Nguyễn Thị Loan
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=2468847090155477311#editor/target=post;postID=7412293469295772898

Tiến tới một cuộc Trưng bày về cuộc đời GS Nguyễn Văn Huyên

Cập nhật lúc: 08:51, Thứ Năm, 31/01/2013 (GMT+7)
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên – nhà Dân tộc học chuyên nghiệp đầu tiên của nước ta, một người đã gắn bó với ngành Giáo dục trong suốt 30 năm kháng chiến giành độc lập cho dân tộc trên cương vị Bộ trưởng. Trong năm 2013, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với gia đình Giáo sư tổ chức Trưng bày giới thiệu về Cuộc đời và Sự nghiệp của ông.
 Ý tưởng về Trưng bày này được ấp ủ từ rất lâu, do PGS.TS Nguyễn Văn Huy (con trai út của GS Nguyễn Văn Huyên) khởi xướng. Thông qua các tư liệu, hiện vật, hình ảnh, âm thanh,… Trưng bày sẽ giới thiệu với người xem về lịch sử cuộc đời của một con người như một tác nhân và đồng thời cũng là nhân chứng trong nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục và chính trị của đất nước trong bối cảnh xã hội Việt Nam ở thế kỷ XX. Điểm nổi bật của cuộc Trưng bày là triệt để sử dụng phương pháp tiếp cận nhân học, không những giới thiệu về cuộc sống đời thường của một nhà khoa học, một chính khách - Nguyễn Văn Huyên, mà còn đề cập về gia đình, bạn bè của ông, những người đã có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông. Trưng bày này với chủ ý như một câu chuyện kể về lịch sử cuộc đời GS Nguyễn Văn Huyên, có những điểm nhấn về cuộc đời của ông và phu nhân Vi Kim Ngọc, thông qua các bức ảnh kết hợp với những lời trích dẫn từ nhật ký, thư từ của những người trong cuộc, lời kể sống động của những người thân trong gia đình và đồng nghiệp, bạn bè qua băng ghi âm hay ghi hình. Từ Trưng bày hi vọng sẽ gợi mở để hiểu thêm về xã hội và văn hóa Việt Nam trong suốt 70 năm của thế kỷ XX.
Dự kiến, Trưng bày sẽ diễn ra tại quê nhà của GS Nguyễn Văn Huyên – làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Để chuẩn bị cho trưng bày, từ tháng 1-2013, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiến hành phỏng vấn một số đồng nghiệp, họ hàng gần gũi của GS Nguyễn Văn Huyên và phu nhân để ghi lại những ký ức, những câu chuyện, tình cảm của họ với ông bà Huyên ở những thời điểm khác nhau.  
Vừa qua, bước đầu chúng tôi đã phỏng vấn TS Susan Bayly (Giáo sư trường Đại học Cambrige, Anh), GS Phạm Huy Dũng (nguyên là nghiên cứu viên Viện Sốt rét - Kí sinh trùng và Côn trùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Thăng Long), PGS Hoàng Tân Dân (nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Kí sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội), bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (kĩ thuật viên, đồng nghiệp với bà Vi Kim Ngọc tại Bộ môn Kí sinh trùng). Kết quả các buổi phỏng vấn được đánh giá tốt. Dưới đây phản ánh nhanh một số hình ảnh trong các buổi phỏng vấn.

“GS Nguyễn Văn Huyên là một học giả đáng kính và nổi tiếng trong lĩnh vực
nghiên cứu nhân học và văn hóa đương đại. Các tác phẩm của ông hiện nay vẫn đang được
tiếp tục bàn luận và nghiên cứu, và bản thân ông hiện vẫn đang nhận được sự kính trọng
sâu sắc trong cộng đồng học thuật” – TS Susan Bayly, ngày 12-1-2013
PGS.TS Nguyễn Văn Huy trực tiếp tác nghiệp trong buổi phỏng vấn TS Susan Bayly
 “Lần đầu tiên tôi gặp bác Ngọc (phu nhân GS Nguyễn Văn Huyên) ở Bộ môn,
được bác hướng dẫn thực tập năm 1969. Ấn tượng để lại trong tôi, bác Ngọc
là người phúc hậu, tuy có tuổi nhưng rất xinh đẹp, da trắng, ăn mặc giản dị
nhưng vẫn toát lên sự trang trọng, gọn gàng, thanh lịch; âm sắc giọng nói có
nét rất đặc biệt, quý tộc” - PGS Hoàng Tân Dân, ngày 18-1-2013
 
 “Ở bà Ngọc tôi cảm nhận được sự hòa đồng, cách sống rất nhẹ nhàng
giản dị, luôn quan tâm chăm sóc đến mọi người xung quanh”- bà Nguyễn Thị Tuyết Mai
(thứ hai từ trái), ngày 23-1-2013

“Cách làm việc của bà Ngọc thể hiện sự nghiêm túc, cẩn thận,
đầy trí tuệ. Bà là người giúp chúng tôi kết nối giữa lý thuyết
trong sách vở và những tiêu bản thực hành” - GS Phạm Huy Dũng, ngày 27-1-2013

Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam 

http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/1317/seo/Tien-toi-mot-cuoc-Trung-bay-ve-cuoc-doi-GS-Nguyen-Van-Huyen/Default.aspx

Những nét bút có hồn

Khối tài liệu hiện vật của Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã sưu tầm vừa qua là những tài liệu có giá trị khoa học, trong đó phải kể đến bộ sưu tập các bức vẽ về loài muỗi – công cụ phục vụ công tác giảng dạy của Bộ môn trong suốt nhiều thập kỷ qua.
          Dành hết tâm huyết cho sự phát triển của ngành Ký sinh trùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ rất chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ cho Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội kể cả cán bộ giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành. Giai đoạn sau hòa bình lập lại, các thế hệ học trò (nay đã là những nhà Y học có uy tín), như GS Đỗ Dương Thái, GS Vũ Thị Phan, PGS.TS Phạm Hoàng Thế, PGS Nguyễn Thị Minh Tâm, PGS.TS Phạm Văn Thân, PGS.TS Phạm Trí Tuệ, PGS.TS Hoàng Tân Dân… đều là những cán bộ được GS Ngữ trực tiếp lựa chọn, đào tạo.
          Bộ môn Ký sinh trùng được chia thành nhiều phân môn, (giun sán; nấm; các loại đơn bào; sốt rét; côn trùng – tiết túc), trong đó phân môn côn trùng – tiết túc được đánh giá là khó nhất, bởi nó yêu cầu sự quan sát tỉ mỉ, chi tiết và thể hiện độ chính xác cao. Để gắn kết giữa lý thuyết với thực hành, GS Đặng Văn Ngữ rất quan tâm tới việc lựa chọn các kỹ thuật viên có chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Các kỹ thuật viên được lựa chọn các cán bộ từ thời Pháp (như kỹ thuật viên Nguyễn Quang Nhất, Nguyễn Văn Kim…) và cán bộ từ trường Đại học Y khoa kháng chiến trở về, trong đó có kỹ thuật viên Vi Kim Ngọc. Bà Ngọc được GS Đặng Văn Ngữ giao đảm nhiệm hoàn toàn mảng kỹ thuật của nhóm côn trùng – tiết túc.
          Nhắc đến kỹ thuật viên Vi Kim Ngọc, người ta nghĩ ngay đến một tiểu thư "lá ngọc cành vàng" từng theo gia đình đi kháng chiến trên Chiến khu Việt Bắc. Ngoài công việc hướng dẫn thực hành tại Bộ môn Ký sinh trùng, bà còn là người phụ nữ khéo léo tài hoa. Nhiều bức vẽ về ký sinh trùng, trong đó tiêu biểu nhất là các bức vẽ về muỗi thể hiện rõ điều đó. Trong quá trình công tác, việc vẽ các loại muỗi làm công cụ minh họa cho bài giảng là một trong những công việc chính của bà Ngọc. Bởi lẽ, trước hết bà là người có khả năng vẽ và vẽ đẹp, lại am hiểu kiến thức, những yêu cầu về chuyên môn, nên các bức vẽ của bà vừa đảm bảo chính xác về mặt chuyên môn, vừa mang tính nghệ thuật hội họa. Một số hình vẽ đã được sử dụng trong Sách giáo khoa.
 

Muỗi Culese số 109 (muỗi đực) bắt ở Hữu Lũng, Lạng Sơn   
được Kỹ thuật viên Vi Kim Ngọc vẽ tháng 7-1963
          Để hoàn thành nhiệm vụ phụ trách mảng kỹ thuật nhóm côn trùng – tiết túc, bà Ngọc phải có kế hoạch bắt muỗi để tiến hành làm các tiêu bản và vẽ phóng to các loại côn trùng. Hoàn thiện một bức vẽ về muỗi, bà Ngọc phải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chuẩn bị như xây dựng kế hoạch nghiên cứu, xác định đối tượng, tìm hiểu về đặc điểm, hình dáng, cũng như đời sống sinh hoạt của loại muỗi cần bắt. Tiếp đến là việc bắt muỗi tại các địa phương khác nhau. Bộ môn phải tổ chức thành kíp bắt muỗi, có thể bà đi cùng sinh viên, cũng có thể đi cùng cán bộ kỹ thuật khác. Mỗi kíp sẽ có một người ở vị trí làm mồi cho muỗi đốt, còn một người làm nhiệm vụ bắt muỗi. Người làm mồi phải chịu thiệt thòi để muỗi đốt sâu, rất ngứa nhưng không dám cử động vì sợ muỗi bay mất. Thậm chí, có những loại côn trùng sống trong chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn… bà cũng phải tự đi bắt.
          Việc định loại muỗi phải được tiến hành trong vòng 24h. Để đảm bảo vẽ chính xác, bà Ngọc phải  sử dụng kính hiển vi trong quá trình vẽ, giấy vẽ được bà chia ô bằng bút chì. Các loại bút vẽ, bút chì phải là loại có ngòi nhỏ, thanh. Màu sắc cũng được bà chú ý lựa chọn để vừa chính xác về mặt khoa học vừa đảm bảo đẹp về mặt hình thức.
          Thông thường, để hoàn thiện một bức vẽ, bà Ngọc tập trung mất khoảng 1-2 tuần. Quan sát kỹ các bức vẽ sẽ thấy sự cẩn thận, tỉ mỉ của từng nét bút, với sự thể hiện rất sống động giống như chụp lại. Có lẽ, công đoạn mất nhiều thời gian nhất là việc tô màu cho từng chi tiết nhỏ trên mỗi bức vẽ. Mỗi loại muỗi như muỗi Aedes, Culese, Mansonia, Anophen… được bà Ngọc hoàn thiện, bộ sưu tập giống như một cuốn từ điển hình ảnh. Mỗi khi muỗi được bắt về, có thể soi muỗi trên kính hiển vi và so sánh với các bức vẽ để định loại muỗi. PGS.TS Phạm Văn Thân  nhớ lại: Ngày xưa bác Ngọc vẽ Muỗi cầu kỳ lắm chứ không đơn giản như bây giờ. Do phải  hoàn thiện bức vẽ trong thời gian dài, cuộn lại nhiều lần nên khâu chuẩn bị phải cẩn thận. Đặc biêt là các bức vẽ trên khổ A0, bác Ngọc thường dán giấy lên tấm vải màn đã được quét hồ, làm như vậy bức vẽ sẽ không bị nhàu nát, sử dụng được lâu hơn. Có những bức vẽ được di chuyển nhiều trong các chuyến công tác, thậm chí sử dụng giảng dạy trong những lần đi sơ tán nhưng vẫn không bị rách1.
          Thời kỳ đó, giáo viên thường sử dụng các bức vẽ của bà chia theo nhóm cho các sinh viên lần lượt quan sát và thảo luận. Hoặc các bức vẽ được phóng to để treo lên bảng minh họa cho bài giảng. Hầu như các buổi thực hành về muỗi đều phải sử dụng đến những bức vẽ này. PGS.TS Phạm Văn Thân đã từng được bà Vi Kim Ngọc hướng dẫn cách vẽ tranh, cách chia tỉ lệ trên giấy vẽ, cách phối màu sao cho chính xác. Ông Thân cho biết: Các bức vẽ của bác Ngọc tỉ mẩn đến mức chúng tôi sốt ruột không thể làm được. Chúng tôi chỉ vẽ mô tả chung về con muỗi chứ không vẽ tỉ mẩn chi tiết như bác Ngọc được2.
          Để vẽ được ra những hình ảnh đầy sinh động đó, không phải người nào cũng làm được. Nó đòi hỏi người vẽ cần am hiểu chuyên môn, có đôi tay họa sĩ và sự kiên trì. Các bức vẽ phải đảm bảo độ chính xác đến từng đốm đen trên lưng muỗi, độ dài của chân, màu sắc từng bộ phận... Theo PGS.TS Phạm Văn Thân thì các bản vẽ của bà Ngọc không chỉ là những bức vẽ đơn thuần mà còn ẩn chứa tâm hồn của một nhà chuyên môn đầy tâm huyết. Đó cũng lý do để những bức vẽ luôn được trân trọng và lưu giữ suốt thời gian qua. Đây còn là những tài liệu chuyên môn, được ông và cán bộ Bộ môn sử dụng liên tục trong suốt quá trình công tác.
 

Kỹ thuật viên Vi Kim Ngọc (tóc ngắn) bên kính hiển vi, năm 1967
          Mỗi bức vẽ hoàn chỉnh Kỹ thuật viên Vi Kim Ngọc đều ghi phụ đề chi tiết: tên loại muỗi, giới tính, địa điểm và thời gian bắt muỗi, thời gian vẽ muỗi. Theo PGS.TS Phạm Văn Thân, việc dùng các bức vẽ minh họa sẽ khiến bài học sinh động, giúp sinh viên trực quan sinh động hơn trong các giờ thực hành, đồng thời bảo quản được thời gian lâu dài. 
          Nói về những bức vẽ côn trùng, đặc biệt là loài muỗi do bà Vi Kim Ngọc thể hiện, những thế hệ đi sau như PGS.TS Hoàng Tân Dân, Th.S Trương Thị Kim Phượng, TS Phạm Ngọc Minh cũng có chung những cảm nhận như thế. Trao gửi Trung tâm các bức vẽ về loài muỗi mà bà Vi Kim Ngọc vẽ từ năm 1963, PGS.TS Phạm Văn Thân – người học trò thân cận với bà trong suốt quá trình công tác, mong muốn số tài liệu  này được lưu giữ, bảo quản ở điều kiện tốt và phát huy được giá trị khoa học của nó. Đến nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các bức vẽ của bà Vi Kim Ngọc tuy không được sinh viên sử dụng trong các giờ thực hành nữa nhưng đó là những tài sản quý mang dấu ấn một giai đoạn lịch sử trong công tác đào tạo, giảng dạy của trường Đại học Y Hà Nội, của ngành Y tế nước nhà.
          Sưu tập các bức vẽ về muỗi của bà Vi Kim Ngọc gồm 44 bức vẽ muỗi, kèm theo 3 bản chép tay về đặc điểm, cấu trúc của từng loại muỗi. Các bức vẽ được kỹ thuật viên Vi Kim Ngọc vẽ trên chất liệu giấy bìa cứng và được cắt thành khổ A4. Mỗi bức vẽ được bọc cẩn thận bởi một tờ giấy A3  gập đôi. Tất cả được kẹp trong bìa màu xanh, mặt bìa có dòng chữ "Hình thể bên ngoài" do bà Vi Kim Ngọc viết. Trải 50 năm, những tấm bìa đã bị rách rìa, quăn góc; các bức vẽ đã ngả màu nhưng vẫn giữ nguyên được độ sắc nét, tinh tế.
          Cùng với những tư liệu được lưu giữ tại gia đình, những bức vẽ trên của bà Vi Kim Ngọc sẽ là một sự điểm tô không thể thiếu cho Trưng bày về Cuộc đời và sự nghiệp của GS Nguyễn Văn Huyên, dự kiến diễn ra tại quê nhà – làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, vào cuối năm 2013.


Nguyễn Thị Loan
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
http://cpd.vn/Default.aspx?tabid=742&storyid=122
 
---------------------------------------------------
1, 2: Theo lời kể của PGS.TS Phạm Văn Thân trong buổi làm việc với Trung tâm, ngày 07-6-2013.

Người “đứng sau” 2 bảo tàng VN ấn tượng châu Á

Người “đứng sau” 2 bảo tàng Việt Nam lọt Top 25 bảo tàng ấn tượng nhất châu Á cho rằng, không cứ bảo tàng to mới đông khách.

Ông Huy trong căn phòng lưu giữ những kỷ vật gia đình
Ông Huy trong căn phòng lưu giữ những kỷ vật gia đình
Ba bảo tàng của Việt Nam đã được lọt vào danh sách Top 25 Bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2013 do du khách trên khắp thế giới đã đến thăm VN bình chọn. Đó là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học VN.
Điều đáng chú ý, cả 3 bảo tàng này đều không có nhiều hiện vật có “giá trị” (xét về mặt thương mại hay cách nhìn cổ điển của người trong nghề). Một điểm chung nữa, hai trong các bảo tàng này đều có dấu ấn bàn tay của "người được biết mặt biết tên” trong" giới bảo tàng PGS.TS Nguyễn Văn Huy.
Trong nhà không có “món” đồ cổ đáng giá
Bảo tàng Dân tộc học VN luôn được nhắc đến như một bảo tàng có tính cách mạng về trưng bày. Đây cũng là một trong những bảo tàng cố số lượng khách đông nhất cả nước. Đứng sau cuộc “cách mạng” đó là PGS.TS Nguyễn Văn Huy, vị giám đốc thành lập Bảo tàng.
Ông Huy luôn tự nhận mình may mắn, được theo đúng nghề của cha – ông Nguyễn Văn Huyên – nghiên cứu về dân tộc học, văn hóa Việt Nam. Tên ông Nguyễn Văn Huyên được đặt cho con đường chạy ngang Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nơi người con út của ông làm giám đốc đầu tiên.
Ông Huy cho rằng, ông học được từ cha phong cách làm việc, tư duy về lưu giữ, sưu tầm và thái độ trân trọng những gì của quá khứ.
“Cha tôi đã sưu tầm và thuê chép lại rất nhiều sách Hán Nôm cổ. Ông trân trọng từng bức tranh dân gian khắc gỗ. Có lẽ vì vậy, tôi mang tình yêu, sự thiết tha với công việc giữ gìn những di sản của quá khứ”, ông Huy nói. Ông Huy cũng luôn trân trọng phong cách làm việc tỷ mỉ, chu đáo, tận tâm trong công việc và luôn đòi hỏi chất lượng rất cao của cha.
Căn phòng nhỏ tầng hai, ngôi nhà ông Huy đang ở trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội - nơi ông đặt những kỷ vật gia đình.
 - 2
Bộ chén cũ như lưu niệm về tình bạn quý mến thời trẻ của mẹ ông
Hỏi ông: “Nói đến sưu tầm, người ta nghĩ đến sưu tầm đồ cổ. Ông có một người cha như vậy, trong nhà chắc có nhiều đồ cổ quý giá lắm?”.
“Chắc chắn nhiều người cũng nghĩ, tôi làm bảo tàng, hẳn phải say mê với cổ vật. Nhà tôi không có món đồ cổ nào, hẳn là chuyện lạ. Tôi là người không đam mê đồ cổ. Hơn nữa đạo đức làm bảo tàng không cho phép mình trở thành nhà sưu tầm đồ cổ cho riêng mình”, ông Huy đáp.
Trong căn phòng nhỏ, bình thường như bao căn phòng khác, là cả một kho tàng kỷ vật về gia đình ông. Đó là những thứ đơn giản, thường ngày như bộ ấm chén quà tặng ngày cưới của bố mẹ, một vài sợi dây với nút thắt, một cuốn từ điển, những tập tài liệu viết tay từ 1929-1931, bản thảo viết tay hay đánh máy của ông Nguyễn Văn Huyên...
Mở một chiếc hộp nhỏ, trong đó có những sợi dây bằng chất liệu, mầu sắc khác nhau được xếp lại và thắt nút ở giữa. Ông Huy lấy từ trong hộp một mảnh giấy nhỏ có dòng chữ: “Những nút buộc do tay ông (Nguyễn Văn Huyên) làm, 1975”. Hóa ra, thứ ông Huy lưu giữ không chỉ là những sợi dây dù vô tri vô giác (một thứ hiếm hoi trong thời kháng chiến chống Mỹ), ông đang lưu giữ kỷ niệm về người cha của ông qua những nút buộc.
 - 3
Lưu giữ kỷ niệm về người cha của ông qua những nút buộc
Tiếp tục mở chiếc hộp khác, lần này là “bộ chén cưới 1936”. Ông Huy kể, đó là bộ chén mẹ ông đã tặng cho một người bạn thân tên là bà Nguyễn thị Hiển, luật sư, nghệ sĩ piano, nhân ngày cưới. Gần 40 năm sau, trong điều kiện chiến tranh ác liệt năm 1971 bà Hiển tặng lại bộ chén này nhân ngày cưới của chị gái ông. Bộ chén kể câu chuyện về một tình bạn thật hiếm hoi.
“Gia đình tôi lưu lại bộ chén cũ như lưu niệm về tình bạn quý mến thời trẻ của mẹ”, ông Huy cho biết.
 - 2
Bộ chén cũ như lưu niệm về tình bạn quý mến thời trẻ của mẹ ông
Từ những kỷ vật nho nhỏ đó ông Huy đã nhìn thấy ẩn sâu bên trong những giá trị lớn lao của hiện vật tưởng như rất tầm thường nhưng lại quan trọng với những người trong gia đình mình...
“Nhỏ mà chất lượng cao thì vẫn đông”
Bảo tàng Dân tộc học VN có lẽ cũng phảng phất “phong cách” sưu tầm của vị Giám đốc sáng lập Nguyễn Văn Huy. Những hiện vật của bảo tàng đông khách bậc nhất Hà Nội không mấy đặc biệt, nhưng luôn cuốn hút người xem.
Ngay cả ông Huy cũng thừa nhận, Bảo tàng Dân tộc học VN “toàn những hiện vật đời thường”. Ông Huy cho biết, ngay từ ngày đầu thành lập, Bảo tàng này đã không theo hướng đi tìm cổ vật mà đặt trọng tâm là giới thiệu về văn hóa và cuộc sống đời thường của nhân dân các dân tộc. Đó là một tư tưởng mới, khác lạ lúc bấy giờ.
Từ những hiện vật rất đời thường, nhưng ông đã biết cách thổi linh hồn vào hiện vật, để mỗi hiện vật có thể truyền tải một câu chuyện sâu sắc, ấn tượng, ý nghĩa.
Trước đây, Bảo tàng Dân tộc học VN có cuộc trưng bày về cuộc sống Hà Nội thời bao cấp. Trưng bày đã thu hút đông người đến xem và người ta cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm về thời bao cấp qua các hiện vật được trưng bày. Trưng bày đó gây nhiều cảm xúc cho người xem về một giai đoạn lịch sử vừa đi qua 20 năm.
“Người ta nghĩ đến bảo tàng như một tháp ngà, nơi linh thiêng như một ngôi đền, cao siêu... nhưng không phải vậy. Bảo tàng là nơi rất đời thường. Tôi không muốn bảo tàng trở thành một nơi thờ tự. Bảo tàng là nơi giao lưu của cộng đồng”, ông Huy cho biết.
Ông Huy cũng cho biết, khi làm Bảo tàng Dân tộc học VN, ông gạt đi khái niệm tuyên truyền. Theo ông, bảo tàng không làm chức năng tuyên truyền, nhưng tuyệt đối không đứng ngoài xã hội.
“Bảo tàng không nói một chiều, mà tiệm cận đến sự khách quan; tôn trọng sự trung thực. Bảo tàng cần khuyến khích đa dạng giọng nói, đa dạng cách nhìn, và nhất là cần tham gia vào phản biện xã hội, nói về đời sống xã hội nhiều hơn...”, vị nguyên Giám đốc sáng lập bảo tàng này cho hay.
Ví dụ, trưng bày về thời bao cấp, không chỉ nói “màu hồng” mà còn nói “màu xám”, bên cạnh những sục sôi, hy sinh, dũng cảm, sáng tạo, còn phải nói đến cả những thứ dằn vặt ở trong lòng mỗi người, những gì làm con người nhỏ nhen, ích kỷ... Người ta tìm thấy cả sự hoài niệm lẫn phê phán, điều đó đã mang lại sự thành công của trưng bày này.
Chia sẻ thêm về tính cách mạng trong trưng bày, ông Huy cho biết, các bảo tàng có những cách làm khác nhau. Bảo tàng Dân tộc học VN có những cuộc trưng bày mang tính đương đại như trưng bày cuộc sống của những sinh viên làm “Gia sư”, của những người bán đồng nát, hay nhóm thanh niên thích nhảy “Hip hốp”; Gần đây, có trưng bày chủ đề từ làng đến phố, nói về câu chuyện khi người dân hết đất làm nông nghiệp thì làng Lai Xá (Hà Nội) trở thành phố như thế nào, người dân phải đối mặt với những thách thức gì và họ giải quyết chúng như thế nào.
Ông Huy nhớ, năm 2000, khi Bảo tàng Dân tộc học VN lần đầu tổ chức hoạt động tết Trung thu tại bảo tàng. Nhiều nhà bảo tàng học lắc đầu bảo “đèn trung thu” không phải là hiện vật bảo tàng, vì nó mỏng manh, rẻ tiền... Thực tế đã chứng minh quan niệm mới và cách làm mới này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Từ đó đến nay năm nào Bảo tàng cũng liên tục tổ chức hoạt động nhân tết Trung thu, rồi cả tết nguyên đán. Mỗi năm môt vẻ, khách ngày càng đông.
Ông Huy cho biết, nhiều người cho rằng, Bảo tàng Dân tộc học VN đông khách là do có khuôn viên rộng, và cách làm dễ dàng, dễ tổ chức những hoạt động.
“Gần đây, nhiều bảo tàng có xu hướng xây to, rộng... Tôi nghĩ rằng, bảo tàng đông khách, không cứ là bảo tàng có quy mô lớn. Bảo tàng nhỏ nhưng chất lượng cao mới quan trọng. Trong điều kiện hiện nay nên khuyến khích những bảo tàng như vậy”, ông Huy nói.
Ông Huy là Giám đốc sáng lập Bảo tàng Dân tộc học VN, khi về hưu ông làm cố vấn cho Bảo tàng Phụ nữ. Trước khi nghỉ hưu, ông là một trong những người thiết kế chính dự án Đổi mới các bảo tàng VN với sự tài trợ của Quỹ đoàn kết ưu tiên của Pháp. Có 5 bảo tàng được thụ hưởng dự án này để thay đổi cách trưng bày, quan niệm về bảo tàng... trong đó có Bảo tàng Dân tộc học VN, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: "Người hùng" của giới bảo tàng

TP - Đã nghỉ hưu nhiều năm nay nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Huy chưa lúc nào thôi bận bịu. Sau câu chuyện về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đầy hấp dẫn ông lại tiếp tục ấp ủ và thai nghén những câu chuyện mới mà nhiệt huyết, sự say mê, sức lan toả không kém tác phẩm đầu tay.
Bài học từ những ô cửa sổ
Chẳng phải nghi ngờ khi xếp Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một trong những địa chỉ thú vị cần khám phá khi du khách đặt chân đến thủ đô. (Hiện nay Bảo tàng này cũng là một trong những địa điểm đắt khách hàng đầu về chụp hình cưới của những bạn trẻ).
Sức sống và sự hấp dẫn ấy có công không nhỏ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, vị giám đốc thành lập của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ông nhớ lại: “Bước ban đầu xây dựng Bảo tàng khó khăn vô vàn. Bắt đầu từ số không: Không nhà, không cửa, không người, không hiện vật… Đầu tiên nó chỉ là phòng bảo tàng của Viện Dân tộc học”.
Chỉ riêng câu chuyện xin đất (diện tích 4,2 héc ta) và tìm kinh phí xây dựng đã là một bài toán khó mà Nguyễn Văn Huy và đồng nghiệp tốn không ít thời gian, sức lực mới tìm ra lời giải.
Vốn làm khoa học xã hội nên Nguyễn Văn Huy không khỏi bỡ ngỡ khi nhận “vai” trưởng ban quản lý công trình xây dựng bảo tàng: “Nhiều khi cầm bản vẽ tôi không đọc ra được. Đến khi họ lập giàn giáo chuẩn bị xây dựng, tôi mới mường tượng ra hình hài và cảm thấy không ổn. Ngay lúc đó phải có quyết tâm điều chỉnh sao cho phù hợp”.
 “Giới bảo tàng của ta trì trệ nhiều năm nhưng nếu có tác nhân tốt, tầm nhìn tốt, định hướng tốt có thể vươn lên chứ không phải lình xình, lì xì như hiện nay”. 
Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy
Bí quyết của “thuyền trưởng” Nguyễn Văn Huy là tin tưởng đồng nghiệp và mở cửa ra thế giới. Vào những năm 1985, 1986, các nhà thiết kế xây dựng của ta còn lạ lẫm với việc thiết kế bảo tàng.
Chính sự lạ lẫm ấy đã khiến họ cho ra đời tác phẩm bộc lộ nhiều hạn chế: “ Có lẽ người được giao vẽ bảo tàng cũng chưa bao giờ vẽ bảo tàng, chỉ biết vẽ toà nhà để ở hay trụ sở làm việc của cơ quan, thế thôi.
Khi bắt đầu xây dựng mới lộ rõ khiếm khuyết, chúng tôi phải tranh thủ tối đa chuyên gia bảo tàng ở nước ngoài, nhất là những chuyên gia của Mỹ, của Pháp, Nhật, Hà Lan… Họ đã giúp tạo ra bộ mặt của Bảo tàng Dân tộc học hôm nay”.
Một bài học đáng nhớ của ông trong quá trình làm tổng chỉ huy công trình xây dựng bảo tàng chính là việc khép cửa sổ. Vì chưa có kinh nghiệm nên các nhà thiết kế của ta tạo ra một bảo tàng với nhiều cửa sổ (ông nhớ hình như có tới 20, 30 cửa sổ, ngay cả kho bảo quản hiện vật cũng có nhiều cửa sổ).
Trong khi nguyên tắc làm bảo tàng về cơ bản trong phòng trưng bày không nên tạo cửa sổ; còn kho bảo quản thì tuyệt đối không có cửa sổ. Ý kiến tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng không đồng nhất, ông đau đầu để đưa ra quyết định cuối cùng .
Sau rất nhiều năm nhìn lại ông vẫn thấy các phán quyết trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đều chính xác: “Không cái nào sai lầm về kiến thức và nhận thức”. Nhất là với quyết định đóng các cửa sổ ở bảo tàng: “Chúng tôi đã đóng tất cả các cửa sổ trong bảo tàng và chỉ tạo cho bảo tàng duy nhất một lối đi. Lộ trình đi vào, đi ra, đi thăm chỉ có duy nhất một cửa, trước kia mở tới 8, 9 cửa khác nhau.
Tư tưởng của người thiết kế là muốn tạo thành dải quạt để khách tham quan có thể vừa đi thăm trưng bày trong nhà, vừa đi ra ngoài vườn, vừa có thể trở lại phòng trưng bày bằng bất cứ lối nào, dễ dàng, thuận tiện nhất. Nhưng điều đó là sai lầm”.
Ông thấm thía: “Đó là bài học rất quí với tôi, tôi đã truyền thụ bài học đó suốt 15 năm nay”. Tuy nhiên, không phải ở nơi đâu bài học của ông cũng được hồ hởi tiếp thu: “Đa phần người ta không hiểu và không thực hiện. Ngay cả bây giờ nhiều bảo tàng mới khánh thành đều mắc sai lầm là mở quá nhiều cửa, ánh sáng tự nhiên quá nhiều trong phòng trưng bày”.
Ông lý giải: “Mở nhiều cửa sổ sẽ tốn diện tích trưng bày, đồng thời cũng tạo ra nhiều ánh sáng tự nhiên sẽ làm hỏng hiện vật. Với bảo tàng hiện đại, phải cân nhắc dùng ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo, dùng đèn neon hay đèn chiếu rọi. Chúng tôi đã quyết định sử dụng ánh sáng nhân tạo kết hợp từng phần một hạn chế với ánh sáng tự nhiên. Chúng tôi sử dụng ánh sáng rọi ngay từ khi khai trương bảo tàng”.
Người Việt Nam vốn thích ngắm nghía hiện vật trong ánh sáng nhân tạo nhưng Nguyễn Văn Huy lại buộc họ làm điều ngược lại: Không gian trưng bày thường tối để tôn vinh hiện vật trong khoảng sáng tập trung, chẳng hạn người ta ngắm bức tranh với ánh sáng chỉ rọi vào một điểm cần nhấn mạnh. Riêng chuyện này đã thấy sự quyết liệt của giáo sư và các cộng sự: Định hình “gu” thưởng thức cho khán giả, nâng tầm người xem, không chiều theo thị hiếu.
Ngay cả những lời giới thiệu ở Bảo tàng Dân tộc học cũng được người đứng đầu quan tâm, chăm chút kỹ càng. Thay vì lối dùng người thuyết minh, Bảo tàng tạo ra thói quen tự khám phá cho khách tham quan bằng cách đọc. Tại đây lời giới thiệu ngoài bản tiếng mẹ đẻ, còn có bản tiếng Anh, tiếng Pháp - những bản dịch hoàn hảo có sự góp sức của những nhà khoa học, những chuyên gia uy tín người bản ngữ.
Tham gia công việc của Bảo tàng Dân tộc học từ năm 1981, khi đang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, năm 1995 Nguyễn Văn Huy được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng. Suốt từ năm 1981 cho đến khi về hưu ông đã dành toàn bộ thời gian và sức lực cho bảo tàng. Ngay cả khi về hưu câu chuyện ấy vẫn chưa kết thúc.
Chưa có một ngày nghỉ
Để có cuộc gặp với ông tôi đã hẹn trước nửa tháng. Ông vẫn bận như khi còn đương chức. “Về hưu nhưng tôi chưa có một ngày nghỉ”, ông cười. “Người hùng” của giới bảo tàng có niềm tin: “Giới bảo tàng của ta trì trệ nhiều năm nhưng nếu có tác nhân tốt, tầm nhìn tốt, định hướng tốt có thể vươn lên chứ không phải lình xình, lì xì như hiện nay”.
Ông kể cho tôi ba câu chuyện ông đã và đang viết từ ngày về hưu. Câu chuyện đầu tiên liên quan đến Bảo tàng Phụ nữ: “Nằm ngay phố Lý Thường Kiệt, gần trung tâm thủ đô mà Bảo tàng vẫn hiu hắt, buồn tẻ. Đầu năm 2008, bắt đầu nghỉ hưu, tôi đến đây đặt vấn đề: Có cần đổi mới không, tôi đang rỗi”. Đúng lúc này lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Phụ nữ cũng đang trăn trở câu chuyện lối đi của đổi mới.
Nguyễn Văn Huy đã góp phần thay đổi chiến lược của Bảo tàng Phụ Nữ, từ phục vụ tuyên truyền đơn thuần, nâng tầm thành một bảo tàng nhân học, nói về giới.
Cùng với những người bạn ở Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Văn hoá và Nghệ thuật (A&C), Nguyễn Văn Huy bắt đầu công cuộc phù phép biến bảo tàng ngủ quên thức dậy. Ông và những người bạn đã giúp Bảo tàng xin tài trợ, tổ chức tập huấn, mời chuyên gia nước ngoài đến tổ chức lại hệ thống trưng bày trong vòng hơn hai năm.
Năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai trương mới, thay đổi hoàn toàn về chất: “Bảo tàng Phụ nữ là một thành quả tôi gặt hái khi về hưu, tôi tự hào về câu chuyện ấy”.
Câu chuyện thứ hai của ông liên quan tới Bảo tàng Mỹ Thuật. Ông thấy hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật rất phong phú nhưng lại chưa lôi kéo khách tham quan. Với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy các giá trị văn hoá (CCH), Nguyễn Văn Huy cùng với các cộng sự đã giúp xây dựng thành công phòng khám phá cho trẻ em tại Bảo tàng Mỹ Thuật. Một khi lôi kéo được “thượng đế” nhí tới Bảo tàng thì rất có tiềm năng sẽ chinh phục được nhiều đối tượng khách tham quan khác, trước hết là cha mẹ và gia đình của các em nhỏ.
Hiện nay Phó Giáo sư Huy đang dồn tâm sức viết câu chuyện thứ ba: “Tôi muốn gắn bó bảo tàng, cả di sản văn hoá nữa, với nhà trường. Lâu nay nhà trường đưa học sinh đến thăm di tích hoặc thăm bảo tàng cơ ban chỉ để có cảm quan thôi, không có mục tiêu để học sinh học tập. Tôi muốn những người làm giáo dục phải thay đổi tư duy, câu chuyện này vô cùng khó khăn…”.
Ông cùng đồng nghiệp ở Trung tâm CCH, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã tổ chức một số thử nghiệm ở Hà Nội, Đắc Nông, Thái Nguyên và đã thu được kết quả. Kết quả đó đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của bản Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên vừa được Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ VHTT & DL ban hành vào tháng 1 vừa qua.
Còn một câu chuyện thuộc về riêng tư cũng đang chiếm không ít thời gian của phó giáo sư Nguyễn Văn Huy: “Tôi muốn làm một trưng bày kể câu chuyện về cuộc đời, nhất là cuộc sống đời thường của bố mẹ mình ở quê hương Lai Xá.
Tôi muốn qua câu chuyện cụ thể này để nói về những thay đổi của xã hội Việt Nam trong khoảng 80 năm của thế kỷ 20. Hiện tại tôi đang hình thành ý tưởng cho nội dung trưng bày và tuyển chọn các tư liệu, ảnh, hiện vật cho trưng bày”.
Cha ông chính là GS.Nguyễn Văn Huyên, cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Cái tên Nguyễn Văn Huyên cũng được đặt cho con đường chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học, nơi con trai út Nguyễn Văn Huy đã đặt viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của một Bảo tàng đầy sức sống.
Giới trẻ học tôi và tôi cũng học họ
 
Trên bàn làm việc của giáo sư Nguyễn Văn Huy có cuốn sách của một tác giả từng gây sốt với giới trẻ, Huyền Chíp: “Tôi rất hay đi và khám phá nên muốn xem thế hệ trẻ đi và khám phá thế nào. Mỗi người, mỗi thế hệ đều có cách làm riêng, kiểu du lịch ba lô của người trẻ thật dũng cảm và xông pha”.
Ở tuổi này, ông vẫn vi vu, lúc vì công việc, lúc vì thoả mãn sở thích khám phá. Ông cũng là người thích đi bộ. Mỗi ngày ông đi bộ chừng sáu cây số để rèn luyện sức khoẻ. Phó giáo sư tiết lộ: “Để rèn luyện trí tuệ tôi chọn đọc sách, giao lưu với người trẻ.
Các đồng nghiệp trẻ học tôi rất nhiều nhưng tôi cũng học họ rất nhiều, nhờ họ tôi cập nhật được những vấn đề nóng mà giới bảo tàng quan tâm. Tôi cũng quan hệ tốt với đồng nghiệp quốc tế, họ giúp cho đầu óc mình luôn phải mở”. Ông cũng cho biết, đã lâu không dùng đến bút, ipad trở thành vật bất li thân của ông trong công việc.
Nông Hồng Diệu 
http://www.tienphong.vn/van-nghe/613012/Nguoi-hung-cua-gioi-bao-tang-tpp.html

PGS – TS Nguyễn Văn Huy: “Gia đình là trường học lớn của tôi”




Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, trong cuộc sống, cha mẹ ông, GS.TS Nguyễn Văn Huyên và họa sĩ Vi Kim Ngọc luôn hài hòa trong việc dạy dỗ các con. Họ khuyến khích con cái tham gia các hoạt động đoàn thể ngoài xã hội nhưng cũng không quên dạy các con gắn bó chặt chẽ với gia đình, biết yêu thương và thông cảm với những người thân.
Ông là một người bận rộn. Cứ miên man những cuộc điện thoại làm ngắt quãng buổi nói chuyện của chúng tôi. Tưởng ông đã thôi làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì ông sẽ thư nhàn hơn đôi chút. “Chưa nghỉ ngơi được, vẫn còn bề bộn công việc phải làm lắm”- Ông nói. Và câu chuyện về gia đình có người cha từng 29 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và người mẹ là một họa sĩ nổi tiếng có lúc làm cho không khí như chùng xuống vì những rưng rưng kỷ niệm... .
Thật khó có thể hình dung rằng vị PGS.TS ta đang trò chuyện trong bài viết này ngày nhỏ lại từng là học sinh học kém, thậm chí từng bị “đúp” hồi lớp 5. Ông kể: “Ngày nhỏ tôi ham chơi vô cùng. Tôi có thú chơi tem, chơi cờ người và mải mê đến nỗi học hành sa sút. Cha tôi, khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, mặc dù rất bận rộn, nhưng ông vẫn dành thời gian các ngày thứ bảy và chủ nhật để kèm tôi học thêm. Nhờ có cha, tôi mới thoát khỏi tình trạng học kém”.
Tên của người cha, GS. TS Nguyễn Văn Huyên nay đã thành tên con đường chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nơi người con trai út của ông, cậu học trò nghịch ngợm, ham chơi năm nào đang dốc tâm sức, tài năng và nhiệt huyết của mình với mong muốn nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa đẹp đẽ mời gọi nhân dân trong nước và khách quốc tế đến tìm hiểu về tinh hoa Việt Nam.
Gia đình GS.TS Nguyễn Văn Huyên (ảnh chụp năm 1957). PGS.TS Nguyễn Văn Huy ngồi ngoài cùng bên phải.
GS. TS Nguyễn Văn Huyên là một nhà trí thức lớn, từng tốt nghiệp đại học Sorbone (Pháp) môn Văn chương và môn Luật năm 1931 và trở thành tiến sĩ ít lâu sau đó. 29 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã có nhiều đóng góp vào việc chấn hưng và phát triển nền giáo dục nước nhà. Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng danh giá dành cho những người đã có những tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật. PGS. TS Nguyễn Văn Huy kể lại một kỷ niệm về người cha yêu quý: “Khoảng năm 1949-1950 gia đình tôi đi tản cư ở vùng Chiêm Hóa. Ở đấy có trụ sở  Trường đại học Y. Gia đình tôi ở cùng với mấy gia đình trí thức lớn của Việt Nam bấy giờ như gia đình GS. Tôn Thất Tùng, GS. Hồ Đắc Di... Người Pháp rất muốn mua chuộc các gia đình trí thức nên thường lái “máy bay bà già” rồi chĩa loa từ trên cao xuống kêu gọi gia đình chúng tôi “theo chính phủ”. Nhiều lần họ cho quân thả dù, lùng bắt trí thức. Chúng tôi phải chạy vào rừng sâu. Một lần chạy Tây tôi đã bị cha tát cho một cái rất đau. Vì cả mấy gia đình đang nín thở trốn sự lùng bắt của lính Tây thì tôi bỗng... khóc òa. Sợ bị lộ, cha tôi tát cho tôi một cái thật mạnh, khiến tôi sợ hãi nín bặt. Sau vụ “thoát nạn” ấy, mọi người đều gọi cú tát mà ông cụ dành cho tôi là “cú tát lịch sử”. Bởi vì nó đã cứu cả mấy gia đình chúng tôi thoát khỏi hiểm nguy kề cận, để được tiếp tục ở lại vùng kháng chiến, tham gia đóng góp cho cách mạng”.
Kể từ sau “cái tát lịch sử ấy”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy chưa từng được nhận thêm một cái tát nào khác của cha mình. “Cha tôi yêu thương các con vô cùng. Ông không bao giờ đánh chúng tôi mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, dạy dỗ. Ông rất nghiêm khắc nhưng cũng ân cần. Ông làm gì cũng rất cẩn trọng. Trên bàn ông luôn luôn có một cái kéo để cắt thư, ông không xé thư bằng tay bao giờ. Tất cả thư từ, thắc mắc của nhân dân gửi đến ông đều đọc trực tiếp và xử lý. Biết cậu con trai nhỏ thích chơi tem, bao giờ bóc thư xong ông cũng lột lấy tem mang về cho tôi”.
Những câu chuyện về người cha có lúc làm cho đôi mắt của ông Huy như dâng đầy nước. Ông cũng không quên nhắc về người mẹ. Theo ông, để có được sự trưởng thành như ngày hôm nay, ngoài cái bóng lớn của cha đổ xuống cuộc đời mình, ông còn được học những bài học quý từ mẹ, bà Vi Kim Ngọc. Bà vốn là con gái cưng của cụ Vi Văn Định, nguyên là Tổng đốc tỉnh Thái Bình. Lớn lên trong nhung lụa, nhưng khi gặp GS.TS Nguyễn Văn Huyên và trở thành vợ ông, bà bỏ tất cả để đi theo kháng chiến.
Cũng phải nói thêm một chi tiết rằng, chị gái và cháu gái của bà đều là vợ của các nhà khoa học, trí thức tên tuổi  như GS. Hồ Đắc Di, GS. Tôn Thất Tùng,... Giống như nhiều phụ nữ Việt Nam tảo tần chung thủy, bà Vi Kim Ngọc đã suốt đời đứng sau sự nghiệp của chồng, giữ lửa cho mái ấm gia đình, nuôi dạy các con chu toàn để chồng yên tâm với sự nghiệp mà ông đang theo đuổi. Các anh chị em trong gia đình PGS. TS Nguyễn Văn Huy đều xem mẹ mình như một tấm gương sáng về sự nỗ lực vươn lên...
Như nhiều phụ nữ sống trong thời kỳ phong kiến, việc học hành bị giới hạn, bà Vi Kim Ngọc đã không ngừng nâng cao trình độ kiến thức trong suốt cuộc đời. Vừa lo lắng cho gia đình bà vừa đi học bổ túc văn hóa, rồi học trung cấp y và trở thành người kỹ thuật viên đứng đầu phòng nghiên cứu của GS. Đặng Văn Ngữ. Bà học tiếng Pháp và học vẽ tranh. Sau này bà đã trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tranh của họa sĩ Vi Kim Ngọc hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. --PageBreak--
PGS. TS Nguyễn Văn Huy thường nhớ lời dạy của mẹ rằng, trên đời này không có việc gì là không làm được. Hãy nhìn các nghệ sĩ biểu diễn xiếc. Họ có thể làm được những động tác khiến chúng ta thót tim. Những người khuyết tật vẫn có thể tạo ra những kỳ tích. Tại sao người lành lặn lại thấy khó khăn, ngại ngần? Những lời vàng ngọc của mẹ, ông Huy đã mang theo suốt cả cuộc đời, như là kim chỉ nam cho những hành động sống và ứng xử với con người, công việc.
Không bao giờ được phép nói “không” với mọi khó khăn thử thách. TS Nguyễn Văn Huy nhớ lại, khi ông tổ chức các hoạt động tại Bảo tàng dành cho người khuyết tật, nhìn những con người khiếm khuyết về thân thể ấy đang nỗ lực không ngừng để tìm đường đi, ông rất xúc động. Và hình ảnh người mẹ dịu hiền với những lời khuyên ân cần lại trở về, thôi thúc ông hãy làm việc cho đời nhiều hơn nữa.
Trong cuốn hồi ký viết về gia đình do người con cả của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh chủ biên, người đọc rưng rưng cảm động vì tình cảm của những người con trong gia đình thương nhớ mẹ, khi bà đã vĩnh viễn ra đi: “Con xin mượn lời của nhà văn Mácxim Goócky để nói lòng mình với mẹ: “Hỡi bạn của tôi, hãy tự kiểm điểm lại mình như tôi và hãy nói: bạn đã làm buồn phiền ai hơn Mẹ mình trong cuộc đời bạn? Có phải vì tôi, vì bạn, vì những thất bại, những lỗi lầm, những đau khổ của chúng ta mà mẹ của chúng ta bạc đầu? Nhưng sẽ đến lúc tất cả những điều đó quay lại trách cứ trái tim mình bên nấm mồ của Mẹ. Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ hãy tha lỗi cho con, vì chỉ có một mình Mẹ, một mình Mẹ trên trái đất này có thể tha lỗi được thôi”.
Trong cuộc sống PGS. TS Nguyễn Văn Huy nhận thấy rằng cha mẹ ông đã rất hài hòa trong việc dạy dỗ các con. Họ thường khuyến khích con cái tham gia các hoạt động đoàn thể ngoài xã hội nhưng cũng không quên dạy các con gắn bó chặt chẽ với gia đình, biết yêu thương và thông cảm với những người thân yêu máu mủ ruột rà.
Theo bước chân cha, TS Nguyễn Văn Huy đã miệt mài con đường nghiên cứu dân tộc học, một ngành khoa học mà người cha kính yêu của ông đã khởi xướng những bước đầu tiên. Ngày hôm nay, ông Huy miệt mài công sức với Bảo tàng dân tộc học, nơi ấp ủ biết bao ý tưởng, dự định và cả những mong muốn riêng là nối dài con đường của người cha đã đi. Được làm việc tại một địa chỉ văn hóa trên con đường mang tên người cha yêu dấu là niềm tự hào và trách nhiệm lớn. Đối với ông, làm tốt vai trò của một nhà khoa học chưa đủ mà đó còn là tình cảm thiêng liêng hướng về cha mình...
Với những nỗ lực của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cùng các cộng sự đã xây dựng được một “thương hiệu” cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Với rất nhiều hoạt động cụ thể và sống động, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một địa chỉ văn hóa tin cậy cho những ai muốn biết nhiều hơn về tinh thần Việt Nam. Dũng cảm quyết đáp những vấn đề mình tin là đúng, cộng với việc không ngừng học hỏi tìm ra lối đi riêng, PGS. TS Nguyễn Văn Huy đã góp phần làm thay đổi quan niệm của mọi người về hoạt động bảo tàng, biến các hoạt động của bảo tàng từ trạng thái “tĩnh” sang “động”, thu hút ngày một nhiều hơn sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Những cuộc trưng bày như: “Việt Nam, cuộc hành trình của những linh hồn”, “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp”, “Từ di sản văn hóa đến tương lai”... đã trở thành những hoạt động quan trọng gây tiếng vang trong đời sống văn hóa xã hội.
PGS. TS  Nguyễn Văn Huy được giới làm bảo tàng không chỉ trong nước, trong khu vực mà cả trên thế giới đánh giá cao vì những tìm tòi mới mẻ trong phương thức hoạt động ở Bảo tàng Dân tộc học, nơi ông đóng vai trò như một người chèo lái đầu tiên. Ông Huy hoàn toàn có thể tự hào về những gì ông đã và đang làm, để tiếp bước truyền thống gia đình mà cha mẹ ông đã dày công tạo dựng, trở thành một nhà khoa học có những đóng góp thiết thực cho đời sống của nhân dân và đất nước
                                                                                                                   Bình Nguyên Trang
http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhanvat/2007/9/51721.cand

   

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: "Tắm mình" trong thư viện của cha

(Kienthuc.net.vn) - PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) có một người cha rất nổi tiếng: GS.TS Nguyễn Văn Huyên. 
Nối tiếp cha, ông cũng nghiên cứu về dân tộc học, về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động về bảo tàng... 

Người mê sách

Trong trí nhớ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bố rất bận và thường hay đi công tác các địa phương cả trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp lẫn thời chống đế quốc Mỹ. Nhưng ông luôn quan tâm, chăm sóc con cái. Đặc biệt, ông cùng bà rất quan tâm không chỉ việc việc học hành mà cả tư cách đạo đức của con cái.

Nói về cha, ánh mắt PGS.TS Nguyễn Văn Huy ánh lên vẻ tự hào: Ông là người mê sách. Từ trước năm 1945, trong thư viện của riêng ông đã có cả vạn cuốn sách, chủ yếu là chữ Pháp, chữ Hán. Các sách trong thư viện của ông được đóng gáy bìa da, bìa cứng, bọc gấm, ở gáy sách luôn mạ chữ "Nguyễn Văn Huyên" để "khẳng định chủ quyền". Thư viện này đã bị đốt cháy khi toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội năm 1946. Sau này ông xây dựng lại thư viện của mình.

Mỗi khi mua sách về ông đều tự bọc sách bằng giấy bóng kính hay giấy tốt từ các tờ họa báo nước ngoài, khi không có điều kiện thì bọc bằng giấy báo thường. Sách của ông không bao giờ để quăn mép hay gấp trang. Cứ đến cuối tuần, ông cụ lại cởi trần dọn từng giá sách, lau chùi, nâng niu xếp đặt lại... Ông cụ còn dạy các con cách bọc sách, cách rọc trang giấy nếu chẳng may 2 trang bị dính... Kẻ thù của ông là mối và con đuôi dài chuyên ăn sách, đục thủng bên trong nhiều khi cả cuốn sách.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: "Từ bé, được "tắm" mình trong thư viện của cha, tôi cũng mê sách, quý sách, mê công việc sưu tầm tỉ mỉ lúc nào không biết".

GS.TS Nguyễn Văn Huyên thời trẻ. Ảnh gia đình cung cấp. 

Những lá thư

Trong gia đình GS.TS Nguyễn Văn Huyên, các con được giáo dục phải quan tâm đến nhau, người lớn hơn phải quan tâm đến người bé hơn... Vì thế, tuy sau này các chị học ở xa (2 chị học ở Trung Quốc, 1 chị học ở Liên Xô), PGS.TS Nguyễn Văn Huy vẫn thường xuyên nhận được thư của các chị động viên, thăm hỏi. PGS.TS Nguyễn Văn Huy rất cảm động khi sau này đọc được nhiều thư bố mẹ viết cho các chị, nhắc các chị phải quan tâm, có trách nhiệm với các em.

Năm 1966, khi còn sơ tán, anh sinh viên Nguyễn Văn Huy có viết cho bố xin lời khuyên nên chọn ngành nào: Sử hiện đại, dân tộc học hay khảo cổ học... Trong thư trả lời, ông cụ viết: Ngành nào cũng có ích cho xã hội. Nhưng nó chỉ thực sự có ích khi mình thực sự say mê. Để say mê, con phải chịu khó nghiên cứu sâu, như thế thì con mới đóng góp được nhiều cho xã hội... Bức thư trả lời không khuyên cụ thể con nên chọn ngành nào, ông cụ để con tự quyết định. Đó là cách cụ giáo dục trong sự tôn trọng con cái. Ngẫm lời cha, cậu sinh viên Nguyễn Văn Huy đã quyết định chọn ngành theo ý mình.

Và giờ, càng ngẫm ông càng thấy cha mình đúng: trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hay bất cứ ngành nào, để thành công phải có sự say mê. Điều cha dạy cũng đã được PGS.TS Nguyễn Văn Huy truyền lại cho thế hệ sau, coi như kim chỉ nam để thành công. GS.TS Nguyễn Văn Huyên mất khi PGS.TS Nguyễn Văn Huy vẫn là một thanh niên sôi nổi, chưa có gia đình, đang đi thực tập ở Liên Xô và theo đuổi lĩnh vực mới: Xã hội học dân tộc. Khi GS.TS Nguyễn Văn Huyên sang Đức, các bác sĩ bên đó phát hiện ra bệnh thận của cụ, đề nghị mổ. Tuy nhiên, sau khi mổ, cụ lại bị biến chứng chảy máu dạ dày và không qua khỏi.

GS.TS Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975) là một nhà sử học, dân tộc học, một giáo viên. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (bây giờ gọi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo) trong 29 năm, từ năm 1946 đến 1975. Vợ ông là bà Vi Kim Ngọc - con của nguyên Tổng đốc Thái Bình, Hà Đông Vi Văn Định. Con gái đầu của ông bà là Nguyễn Kim Nữ Hạnh - kỹ sư thông tin (đã mất năm 2010), con thứ 2 là PGS.TS Nguyễn Kim Bích Hà - hiệu trưởng một trường học, con thứ 3: PGS.TS  Nguyễn Kim Nữ Hiếu, công tác ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (vợ GS Nguyễn Lân Dũng). PGS.TS Nguyễn Văn Huy là con trai út.

http://kienthuc.net.vn/mo-cua/pgsts-nguyen-van-huy-tam-minh-trong-thu-vien-cua-cha-222470.html

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Bảo tàng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giáo dục của giáo sư Nguyễn Văn Huyên, nhà dân tộc học, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1975)

Xin mời ghé thăm trang Facebook tại địa chỉ: 
https://www.facebook.com/NguyenVanHuyenMuseum