Ngày 30 tháng 1 năm 2015, đoàn cán bộ đại diện cho Viện Dân tộc học,
gồm PGS.TS. Vương Xuân Tình – Viện trưởng và một số cán bộ đã đến thăm
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức,
Hà Nội. Đây là bảo tàng gia đình, trưng bày về thân thế, sự nghiệp của
GS.TS. Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975), nhà Sử học, Dân tộc học và Văn
hóa học tài danh; vị Bộ trưởng Giáo dục có công lao to lớn cho sự nghiệp
giáo dục nước nhà trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Khác với các bảo tàng do Nhà nước đầu tư, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên
được xây dựng hoàn toàn bằng kinh phí tư nhân, đặc biệt là tấm lòng rất
mực biết ơn và kính trọng của những người con đối với cha mẹ, dòng họ.
Bảo tàng là nơi lưu giữ những kỷ vật về gia thế cũng như nhiều công
trình nghiên cứu của một vị cựu Bộ trưởng Giáo dục. Nhưng trên hết, đó
là nơi những câu chuyện về tình yêu thương, những ký ức ngọt ngào về mái
ấm gia đình.Ngay ở khuôn viên sân là khu “vườn ký ức”, với hàng gạch rêu phong, vốn là sân ngôi nhà xưa của thân mẫu Nguyễn Văn Huyên - cụ Phạm Thị Tý, với cây mác mật Lạng Sơn gợi nhớ quê bà Vi Kim Ngọc, con gái Tổng đốc Vi Văn Định cùng những loại cây dân dã, quen thuộc được trồng ở ngôi nhà số 2 Trần Hưng Đạo.
Đến với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, có lẽ điều gây ấn tượng và bất ngờ nhất đối với du khách chính là cách bài trí và giới thiệu của Bảo tàng. Trong căn nhà 4 tầng, mỗi tầng lại được bài trí theo một chủ đề và một câu chuyện riêng. Tầng 1 của Bảo tàng dành để giới thiệu về nền tảng của gia đình. Bằng các hình ảnh trưng bày, người ta có thể hình dung ra một gia đình “trâm anh thế phiệt”, khoa bảng đỗ đạt, có nhiều đóng góp cho đất nước. Tầng 2 có chủ đề “Tuổi trẻ của bố mẹ”. Tầng 3 và tầng 4 dành riêng để giới thiệu về Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên với chủ đề “Bố chúng tôi, một nhà bác học”, “Bố chúng tôi, một người hành động”. Người xem sẽ bắt gặp ở đây nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật, hồi ký quý hiếm và giá trị mà gia đình kỳ công lưu giữ. Đó là các ghi chép khi ông làm luận án tiến sĩ ở Paris, các công trình nghiên cứu của ông ở Trường Viễn Đông Bác cổ, thư từ, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, các tài liệu hành chính thời kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến tranh chống Mỹ,...
Với cách bố trí, trưng bày sáng tạo theo tuyến thời gian để khách tiện hình dung và theo dõi, dọc theo trục cầu thang là 36 sự kiện xã hội - chính trị trong nước và thế giới gắn liền với suốt một đời công tác của cố GS. Nguyễn Văn Huyên. Vì thế, nghe kể chuyện về gia đình, về Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lại chính là nghe kể chuyện về lịch sử và xã hội của nước ta một thời anh dũng.
Không thể không kể đến vai trò của thiết kế đồ họa tạo nên một phong cách rất riêng cho Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Mỗi phòng trưng bày được phân biệt với nhau bằng màu sắc nhẹ nhàng; đồ họa và màu sắc được xử lý hài hòa tạo cho bảo tàng một không gian vừa giản dị, ấm cúng mà gần gũi, chan hòa như không khí trong một gia đình.
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai của cố giáo sư Nguyễn Văn Huyên cho biết, thông qua việc thành lập bảo tàng, gia đình ông muốn giúp các thế hệ trẻ xây dựng đạo đức lành mạnh và gắn kết tình cảm gia đình. Bên cạnh đó, việc giữ gìn, bảo tồn các tư liệu, hiện vật của mỗi cá nhân, mỗi gia đình sẽ tạo dựng di sản của dòng họ, của địa phương, của đất nước, giúp các thế hệ sau hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét