Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Góp phần nghiên cứu Hội Giá làng Yên Sở

Hàng năm, hai làng Yên Sở và Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, tổ chức thờ cúng chung vị thành hoàng Lý Phục Man vào ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch). Nhân dịp ngày hội sắp tới, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về nghiên cứu của GS. Nguyễn Văn Huyên và mong gặp quý vị tại Hội Giá của làng Yên Sở vào tuần tới (thứ Ba ngày 28 tháng 4 năm 2015).

Tháng 4 năm 1937, GS. Nguyễn Văn Huyên đã tiến hành nghiên cứu điền dã hội Lý Phục Man kéo dài 17 ngày tại Yên Sở trong tư cách nghiên cứu viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Nghiên cứu của ông không chỉ giới thiệu về tục thờ Lý Phục Man mà còn tận tường về hai cấu trúc xã hội khác nhau của hai làng trong việc thờ cúng chung, và mô tả chi tiết hội hàng năm.


GS. Nguyễn Văn Huyên cho rằng chỉ nửa sau thế kỷ VI, đất nước ta đã xuất hiện bảy vị thần lớn và khoảng hai trăm làng ở đồng bằng Bắc Kỳ lập đình thờ các vị này: Lý Bí, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử, Nhã Lang, Lý Phục Man, Trương Hống và Trương Hát. Ông chỉ ra rằng mặc dầu Bộ Lễ của nhà Hậu Lê khi công bố tiểu sử các vị thần đã phần lớn làm cho các truyền thuyết trở nên đồng nhất, nhưng chắc chắn rằng các làng có cùng thành hoàng đều không hoàn toàn xuất hiện phép lạ giống nhau. Ông nhận xét việc điều tra rộng rãi các vị thần thời Tiền Lý là cần thiết bởi đây là “thời kỳ chìm trong bóng tối khó hiểu nhất của lịch sử Việt Nam, và do đấy, là thời kỳ dễ làm chất liệu nhất cho những sáng tạo huyền thoại dân gian, thời kỳ đã khá lùi xa trong dĩ vãng để có đủ thời gian cho những triển khai rộng rãi trong ý thức của làng xã Việt Nam”. Vì vậy, nghiên cứu của ông quan tâm tới việc thờ cúng các vị thần Tiền Lý với các thần khác tại làng xã; và việc thờ chung đã diễn ra như thế nào trong bối cảnh lịch sử các tôn giáo của người Việt cũng như lịch sử định cư ở châu thổ Bắc Kỳ. Và ông bắt đầu với việc thờ Lý Phục Man.

Theo truyền thuyết dân gian, Lý Phục Man là một vị tướng của Lý Nam Đế, có công bình định quân man ở quận Đường Lâm nên được phong làm Phục Man và mang họ Lý của hoàng tộc. Tục thờ Phục Man không ngừng phát triển tại hai làng Yên Sở và Đắc Sở từ nhiều thế kỷ trước. Hai làng tuy thuộc hai tổng khác nhau, có cơ cấu tổ chức khác nhau, nhưng lại thờ chung một vị thành hoàng và cùng trông nom việc thờ cúng.

Ông viết: “Như vậy ta thấy hai làng Yên Sở và Đắc Sở được tổ chức khác nhau. Ngay về mặt lễ nghi, họ cũng chỉ đến với nhau trong hội hàng năm. Họ làm các lễ khác tại đình riêng, tách biệt nhau và tùy theo khả năng ngân sách của họ. (...) Bấy giờ là một giờ chiều; Dân Đắc Sở đã khiêng về đền của họ những đồ thờ thuộc về họ. Hành lang phía đông chẳng còn ai. Kỳ mục Đắc Sở đã chia nhau đồ cúng và đã về nhà. Kỳ mục Yên Sở họp tại hành lang phía tây, ăn uống phần của mình trên các chiếu, và lát nữa sẽ đem những thứ còn lại về. (...) Lũy tre của hai làng đóng lại: Yên Sở và Đắc Sở đã cảm thông với nhau theo một nghi thức nghiêm ngặt, có lẽ được đặt ra từ nhiều thế kỷ, trước thần Lý Phục Man, trong 17 ngày, từ 10 đến 26 tháng 3, bây giờ mỗi làng lui về địa phận của mình và sẽ sống riêng rẽ trong một thời gian còn lại của năm” (Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng, EFEO, 1938).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét