Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là Giáo sư, Tiến sỹ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam và là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất: 28 năm.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về khoa học xã hội và nhân văn, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tên của ông cũng được đặt cho một tuyến phố chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội. Bảo tàng giới thiệu về cố Giáo sư - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên được toàn thể con cháu thành lập trên chính quê hương của ông, tại làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội, theo Quyết định số 6015/QĐ-UBND ngày 18/11/2014 của UBND Thành phố Hà Nội. Giám đốc Bảo tàng là PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai duy nhất của cố Giáo sư. Đây là một Bảo tàng ngoài công lập về một nhân vật lịch sử - cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - GS Nguyễn Văn Huyên. Theo quyết định trên, Bảo tàng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch và hoạt động theo quy định của pháp luật. Mô hình bảo tàng như thế này ở nước ta hầu như còn hiếm, vì vậy chúng tôi đã cất công đến thăm và tìm hiểu, có thêm những trải nghiệm thú vị ở Bảo tàng có tính chất gia đình, tuy nho nhỏ, nhưng ấm cúng và đầy ắp những kỷ niệm, những ký ức về cố GS - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Hòa theo đoàn khách gồm nhiều gia đình đến thăm Bảo tàng, chúng tôi lặng lẽ nghe PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể lại những câu chuyện về cuộc đời hoạt động của cố GS - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên qua tư liệu, hình ảnh, hiện vật, các thước phim ngắn được trưng bày ở Bảo tàng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận
đến tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên
Trên diện tích khoảng 150m2, Bảo tàng giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc của GS. Nguyễn Văn Huyên cùng nhiều bút tích của các nhân vật khác nhau thời kỳ đó, một số bản gốc tài liệu có chữ ký còn rõ nét bút, nét mực của Bác Hồ đã được gia đình lưu giữ một cách cẩn thận. Đó là các bản ghi chép khi Giáo sư làm luận án ở Paris, các công trình nghiên cứu của ông ở Trường Viễn Đông Bác cổ (Pháp), thư từ, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, các tài liệu hành chính thời kháng chiến chống thc dân Pháp, chiến tranh chống đế quốc Mỹ... Cùng với các kỷ vật của ông là những kỷ vật của bà Vi Kim Ngọc: nhật ký bà viết về chồng, về các con, các cháu, những bản vẽ, tài liệu khi bà làm kỹ thuật viên ở Đại học Y Hà Nội, thư từ và cả những cuốn sổ chi tiêu hàng ngày, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, sổ ghi chép, các tác phẩm khoa học, các tài liệu hành chính, các ghi chép điền dã của Giáo sư.... Phần lớn tư liệu có niên đại từ nửa đầu thế kỷ 20, một số từ cuối thế kỷ 19, nhưng cũng có cả các hiện vật của những năm 1970-1980.
Ông Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc trong ngày cưới.
Nhiều câu chuyện chân thực, xúc động được thể hiện qua các bức ảnh, những trích dẫn thư, nhật ký và video, với chính giọng nói của những người con kể về bố mẹ, về gia đình, cũng như lời của nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông bà. Ở bảo tàng này, con cháu GS Huyên đã sử dụng ngôn ngữ bảo tàng hiện đại để “kể” câu chuyện về cha mẹ mình, từ hoàn cảnh xuất thân đến học vấn, nhân cách, rồi quá trình họ đến với nhau, xây dựng mái ấm Huyên - Ngọc và đi theo cách mạng; vượt qua nhiều gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh rồi trưởng thành ..v.v...
Nội dung trưng bày:
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được thể hiện theo 4 chủ đề chính trên 4 tầng của tòa nhà: Nền tảng gia đình (tầng 1), Tuổi trẻ của bố mẹ (tầng 2), Bố chúng tôi - một nhà bác học (tầng 3)  và Bố chúng tôi - một người hành động (tầng 4). Từ tầng thượng, khách tham quan sẽ nhìn được toàn cảnh về làng Lai Xá và sự kết nối giữa Bảo tàng với các di tích, điểm văn hoá của ngôi làng. Bước vào từng tầng, mỗi chủ đề có 1 tấm ảnh lớn, gợi mở vào chủ đề. Tầng 1 là tấm phả hệ với 6 thế hệ, 56 nhân vật có ảnh, 17 người không có ảnh nên làm ảnh bóng. Tầng 2 và 4 là ảnh cưới của bố mẹ và ảnh cả gia đình trong kháng chiến chống Pháp. Tầng 3 là tấm panô lớn gợi mở những nghiên cứu khoa học của GS Huyên.
 Panô chủ đề trưng bày “9 năm đèn sách ở Pháp” giới thiệu thời gian  học tập của GS Huyên tại Pháp.
Lên cầu thang, chúng ta bắt gặp trục thời gian thể hiện qua những tấm pano nhỏ treo dọc cầu thang, gợi nhớ đến một số bối cảnh chính trị, xã hội, khoa học trong nước và trên thế giới để dẫn dắt người xem đến chủ đề tiếp theo.
Panô chủ đề trưng bày “Bố chúng tôi một nhà bác học”.
Băng ảnh trên tường là phương tiện kể những câu chuyện về bối cảnh gia đình, xã hội của những nhân vật chính trong chủ đề. Ở giữa, trung tâm của phòng trưng bày là hệ thống tủ trưng bày giới thiệu công việc nghiên cứu khoa học và hoạt động nghề nghiệp, xã hội của Giáo sư và vợ qua các hiện vật, tài liệu còn lưu giữ lại. Mỗi tủ giới thiệu một chủ đề trưng bày riêng và các thông tin bổ sung được cung cấp thêm qua 3 ngăn kéo từng tủ. Thông tin trong bảo tàng được phân cấp bằng các cấp độ khác nhau.
Panô giới thiệu về bà Vi Kim Ngọc - vợ GS Huyên thời con gái.
Các bài viết được biên tập cô đọng, ngắn gọn, đủ để người xem hiểu được câu chuyện. Bảo tàng sử dụng 3 ngữ, chủ yếu là tiếng Việt và một phần tiếng Anh, Pháp đến cấp độ tiểu chủ đề. (chưa được chuyển sang tiếng Anh, tiếng Pháp ở tất cả các cấp độ thông tin). Đặc biệt, khách tham quan bảo tàng còn được thưởng thức những nhạc phẩm nổi tiếng đầu thế kỷ XX của các nhạc sĩ nổi tiếng như Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn ..v.v... Đó là những tác giả sống cùng thời với cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Đến với bảo tàng, chúng ta sẽ có những khoảnh khắc sống lại trong không gian đậm đặc ký ức về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước.
Về thiết kế trưng bày:
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được thiết kế theo một phong cách đồ họa riêng, khá ấn tượng. Mỗi phòng trưng bày được phân biệt bằng những tông màu nhẹ nhàng; sự thay đổi màu sắc còn được thể hiện ngay trong từng phòng trưng bày. Đồ họa và cách xử lý màu sắc hài hòa tạo cho Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên phong cách giản dị, vừa ấm cúng mà gần gũi, chan hòa như không khí trong một gia đình. Thiết kế trưng bày Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên do kiến trúc sư Véronique DOLLFUS (Pháp) đảm trách cùng các nhà thiết kế đồ họa Patrick HOARAU (Pháp), Phạm Đam Ca tạo một phong cách rất riêng. Mỗi chủ đề được thể hiện bằng một màu sắc riêng. Mỗi phòng trưng bày là một chuỗi các gam màu được bố trí theo nhịp điệu sống động. Đồ họa và màu sắc (của các thiết bị trưng bày, của bài viết, ảnh lớn, băng ảnh...) được xử lý một cách tinh tế, tạo nên một bảo tàng vừa sinh động, ấm cúng. Đặc biệt, tất cả các bức ảnh được trưng bày ở đây đều là ảnh nguyên gốc. Tính chân thực của những bức ảnh này cho thấy sự nghiêm túc, cầu kỳ trong cách trưng bày của bảo tàng.
Điều thú vị nữa: toàn bộ toà nhà Bảo tàng được thiết kế nằm trong "vườn  ký ức", ở đó có các loài cây gợi nhớ đến GS Huyên, bà Ngọc như: khế, sấu, roi, chanh, đu đủ… là những cây quen thuộc trong vườn của gia đình trước đây. Một lối đi bằng gạch lấy từ ngôi nhà xưa của bà Phạm Thị Tý - người mẹ tần tảo của GS Huyên.
Bảo tàng còn có thư viện với nhiều loại sách quý, bằng tiếng Hán, Pháp, Việt được xuất bản nửa đầu thế kỷ 20 về nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau: dân tộc học, lịch sử, địa lý.v.v.. Thư viện cũng là nơi giao lưu của họ hàng, bạn bè, khách tham quan, nơi học sinh tham gia các hoạt động giáo dục.
Bàn làm việc của cố GS - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.
Trong hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã xem, đã nghe ông Huy kể chuyện, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của cố GS - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và cảm nhận nhiều điều sâu sắc. Thông qua trưng bày về cuộc đời sự nghiệp của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên tại bảo tàng, người xem có thể hiểu thêm được một giai đoạn lịch sử của đất nước, về đời sống chính trị-văn hóa xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng như trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, là đời sống và tấm lòng của những nhân sĩ trí thức trẻ Việt Nam xuất thân từ tầng lớp trung lưu nhưng yêu nước; vì sao họ từ bỏ cuộc sống nhung lụa để đi theo cách mạng, phục vụ đất nước; trong đó GS Nguyễn Văn Huyên một trong những cánh chim đầu đàn tiêu biểu.
Sau khi tham quan bảo tàng, chúng tôi và đoàn khách được mời ngồi dưới vườn “ký ức”, được uống nước vối và chè xanh để có thể chiêm nghiệm thêm những điều vừa được biết, được cảm nhận.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy đang hướng dẫn và thuyết minh
cho khách tham quan bảo tàng..
Để có được một bảo tàng sinh động, hấp dẫn, thân thiện và hết sức có ý nghĩa như thế này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc bảo tàng chia sẻ: “Thông qua trưng bày, con cháu ông Huyên bà Ngọc mong muốn kể câu chuyện về bố mẹ, ông bà mình. Xây dựng bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, gia đình cũng mong muốn công chúng hiểu rằng cuộc đời cùng với những tư liệu và ký ức về một con người, một gia đình, góp phần tăng thêm hiểu biết về lịch sử, xã hội và văn hoá trong một thời kỳ của đất nước. Việc giữ gìn, bảo tồn các tư liệu, hiện vật của mỗi cá nhân, mỗi gia đình sẽ tạo dựng di sản của địa phương, của đất nước. Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - một bảo tàng nhỏ nhưng được làm với chất lượng cao, chắc chắn Bảo tàng sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt cho xã hội”.
Trong lễ khai trương Bảo tàng (ngày 19-12-2014), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đến thăm và trao tặng gia đình một số tư liệu, hiện vật quý về GS Nguyễn Văn Huyên. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: Tôi đến đây để học hỏi, rút kinh nghiệm trong công việc của mình từ những bài học, tư liệu lịch sử trong bảo tàng. Việc lập nên bảo tàng này không chỉ là công việc làm riêng cho gia đình, quê hương mà cho cả ngành giáo dục, cho sự nghiệp phát triển và bảo tồn văn hóa, lịch sử của đất nước, của cách mạng”. 
Vâng. Chúng tôi đã thấy đúng là như thế sau khi đến thăm  Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên!
Bài và ảnh: Minh Vượng - Lệ Hằng

http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Nhung-nguoi-ban-bao-tang/2015/02/3A92452D/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét