Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Diễn văn khai giảng trường Đại học đầu tiên của nước Việt Nam mới: Một tầm nhìn cho tiền đồ dân tộc

02/11/2014

 Lễ Khai giảng trường Đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Vũ Đình Hoè ngồi hàng đầu tiên, ở giữa 
(Ảnh trong kho tư liệu của Pháp)

Bài tường thuật trên Báo Cứu Quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) xác định tính xác thực của bản lưu trữ

Bài Diễn văn được viết bằng bút chì và được lưu giữ bản gốc tại Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp trong "Hồ sơ Nguyễn Văn Huyên”. Một nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam trong khi đi tìm tư liệu để nghiên cứu về lớp trí thức Việt Nam của đầu thế kỷ 20, đã sưu tầm được và chụp gửi về cho gia đình GS Nguyễn Văn Huyên. Bởi vậy mà khi xuất bản cuốn hồi ký "Tiếp bước chân cha”, bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh – trưởng nữ của GS Nguyễn Văn Huyên đã đăng trọn vẹn được bài Diễn văn này trong cuốn sách.

Lúc đó không có nhiều báo chí để đưa tin về sự kiện này. Bởi vậy các nhà sử học chỉ tìm thấy một bản tin tóm tắt trên báo Tiên Phong – cơ quan vận động văn hoá mới của Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam. Nhưng đặc biệt, buổi lễ đã được tường thuật chi tiết trên báo Cứu Quốc (tiền thân của Đại Đoàn Kết ngày nay) – cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh. Đón trước sự kiện này, Cứu Quốc số ra ngày 15-11-1945 đưa tin trong mục "Các giới hoạt động”: "Lễ khai giảng trường Việt Nam Đại học Hà Nội sẽ cử hành vào ngày 15-11-1945 hồi 9 giờ sáng do cụ Hồ Chí Minh chủ tọa”. Số báo Cứu Quốc ra ngày hôm sau, ngày 16-11, có một bài tường thuật rất kỹ về lễ khai giảng này dưới đầu đề:

"Lễ khai giảng trường Đại học
Một ngạch Giáo sư mới
Một lớp Cao đẳng chính trị xã hội thay cho trường Đại học Luật khoa
Hai nguyên tắc mới của nền học Việt Nam”

Theo GS Phan Huy Lê, chính bài tường thuật chi tiết trên báo Cứu Quốc với những trích đoạn bài Diễn văn của GS Nguyễn Văn Huyên là cơ sở để các nhà sử học khẳng định bản thảo viết tay đang lưu giữ tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp chính là bài diễn văn mà GS. Nguyễn Văn Huyên đã phát biểu tại lễ khai giảng ngày 15-11-1945. Bài tường thuật cũng cho biết rõ lễ khai giảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, tham dự có "nhiều bậc nhân sĩ Trung, Nam, Bắc” và khách "ngoại quốc”.

Có đủ nhân tài tham gia vào cuộc kiến thiết nền đại học mới

Theo báo cáo của Bộ trưởng Vũ Đình Hoè tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 21-11-1945, năm học đầu tiên tất cả các ban đại học có 1.149 sinh viên đăng ký chính thức và 270 sinh viên dự thính, riêng ban Văn khoa có 253 sinh viên và ban Chính trị xã hội có 529 sinh viên.

Còn trong bài diễn văn của GS Nguyễn Văn Huyên, ông đã đề cập đến một hình thức tổ chức hoạt động văn minh tương đương với các trường đại học hàng đầu thế giới hiện nay. "Muốn cho công cuộc xây đắp đại học có một cơ sở vững vàng, chúng tôi đã được phép Chính phủ cho lập một Hội đồng quản trị gồm các Giáo sư có kinh nghiệm và những bậc có quan tâm tới đại học. Hội đồng ấy có nhiệm vụ là tìm một phương sách thích hợp để mở mang nền đại học và để quản trị một ngân sách tự trị giống như các quỹ tự trị ở các trường đại học các nước tân tiến Âu - Mỹ. Quỹ này được Chính phủ trợ cấp hàng năm, và chúng tôi mong rằng nhiều bậc hảo tâm trong nước sẽ giúp sức hoặc bằng tiền mặt, hoặc bằng nhà cửa ruộng đất để nền đại học được phát triển nhanh chóng”.

Về đội ngũ giáo sư, nền đại học Việt Nam sẽ "lập một ngạch mới vì nền tảng của Pháp thuộc để lại quá mỏng yếu”. Tiêu chí lựa chọn giáo sư "căn cứ không những là chỉ về bằng cấp mà cả về kinh nghiệm” và gồm "có những bậc đã từng chiến đấu cho đất nước, có những vị nhiều kinh nghiệm trên đường đời, có những nhân sĩ đã từng du học lâu năm ở ngoại bang”. Tóm lại, GS Nguyễn Văn Huyên khẳng định: "có đủ nhân tài tham gia vào công cuộc kiến thiết: tân học có, cựu học có, lão thành có, tuổi trẻ có”. 

Giải thích vì sao lại bắt tay vào xây đắp nền đại học giữa những ngày cực kỳ khó khăn, bài Diễn văn của GS Nguyễn Văn Huyên gọi đó là "giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc”, để tỏ cho thế giới biết đó là thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc.

Những tư tưởng ấy gần 70 năm sau soi vào nền đại học Việt Nam, lại thấy những ngậm ngùi.

"Thưa Cụ Chủ tịch,
Thưa các ngài, 
Thưa các bạn,

Tôi rất lấy làm vui mừng và cảm động, được thấy cử hành ở đây buổi lễ long trọng mở đầu một kỷ nguyên mới cho nền Đại học nước Việt Nam ta. Vậy trước khi trình bày cùng các ngài những phương sách của trường Đại học, tôi xin thay mặt toàn Ban Đại học cảm ơn Cụ Chủ tịch đã không quản thời giờ vàng ngọc tới chủ tọa ngày lễ của chúng tôi. Tôi lại không quên cảm tạ liệt quý vị đại diện cho các phái bộ cường quốc Đồng minh ở Hà Nội và các anh em đồng bào các giới tới chứng minh lễ khai giảng đại học này.

Các ngài tới đây làm tăng vẻ long trọng của một buổi lễ mà thường ra chỉ là một buổi họp thân mật của các Giáo sư và các bạn sinh viên. Nhưng buổi lễ hôm nay, anh em Giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa của nhân loại. 

Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc, chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này”.

(Trích phần mở đầu bài Diễn văn 
của GS Nguyễn Văn Huyên)

Nguyễn Đức Thành Vĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét