Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Tích Nghiềm quân tại Hội Giá làng Yên Sở (2015)


Tích Nghiềm quân diễn tả trận chiến của tướng quân Lý Phục Man với giặc Lương, giúp Lý Nam Đế thành lập nước Vạn Xuân năm 544. Nghiềm quân có 2 lực lượng: 1. Hàng kiệu: gồm 168 thanh niên tuổi 20-49. 2. Tổng cờ: gồm 84 trẻ em nam. Theo hiệu trống thúc Tướng dẫn đầu, cả đội hình hàng kiệu, tổng cờ đi thành 1 hàng vòng qua tam quan, qua sân giữa ra sân ngoài. Đội hình quân nghiềm đi vòng tròn từ ngoài vào trong tạo thành nhiều vòng xoáy trôn ốc vào đến giữa sân. Càng vào vòng trong, quân đi chuyển dần sang chạy tốc độ ngày càng cao, rồi đồng thanh hô "hô, hô, hô...hô...”, tạo nên âm thanh hùng tráng và vang vọng cả một vùng rộng lớn. Từ tâm của những vòng xoáy (giữa sân), Tướng quân di chuyển dẫn cả đoàn quân thoát ra ngoài. Khi hoàn thành tích nghiềm quân, đội quân hàng kiệu, tổng cờ trở lại sân trong. Tích nghiềm quân được diễn 2 lần, một vào lúc trước khi rước kiệu đến Văn chỉ, và lần hai sau khi rước sớ từ Văn chỉ về lại quán Giá.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Trích đoạn đám rước Hội Giá làng Yên Sở từ quán Giá đến Văn chỉ

 (Hội Giá ngày 10 tháng 3 năm Ất Mùi - 28/4/2015)

Năm 1938, GS Nguyễn Văn Huyên đã viết: "Ngày 10 tháng 3, làng Đắc Sở rước đồ cúng đến đình Yên Sở. Hai giờ chiều, hai làng kéo đến lấy sớ ở văn chỉ, tại địa phận Yên Sở. Ngày nào cũng vậy, từ  ngày 10 đến 26 tháng 3, đều có rước và tế tại đình Yên Sở. Những đám rước này chẳng phải là rước bài vị thần. Các thần không được khiêng tới đình. Đây là những đám rước văn, tức là rước bài sớ. Trong đám rước, có những đứa trẻ bảy tám tuổi đi thành hai hàng bên cạnh bát bửu. Các đứa trẻ đó được gọi là "tổng cờ". Chúng ở dưới quyền chỉ huy của một người trạc 40 tuổi, gọi là thủ hiệu. Khi ông ta đánh chiêng thì hai tuần đinh cùng với lũ trẻ đồng thanh hô: "Lai ré hè ré" và phất cờ. Dân làng gọi đấy là hèm của thần Lý Phục Man. (Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng, 1938).

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Góp phần nghiên cứu Hội Giá làng Yên Sở

Hàng năm, hai làng Yên Sở và Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, tổ chức thờ cúng chung vị thành hoàng Lý Phục Man vào ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch). Nhân dịp ngày hội sắp tới, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về nghiên cứu của GS. Nguyễn Văn Huyên và mong gặp quý vị tại Hội Giá của làng Yên Sở vào tuần tới (thứ Ba ngày 28 tháng 4 năm 2015).

Tháng 4 năm 1937, GS. Nguyễn Văn Huyên đã tiến hành nghiên cứu điền dã hội Lý Phục Man kéo dài 17 ngày tại Yên Sở trong tư cách nghiên cứu viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Nghiên cứu của ông không chỉ giới thiệu về tục thờ Lý Phục Man mà còn tận tường về hai cấu trúc xã hội khác nhau của hai làng trong việc thờ cúng chung, và mô tả chi tiết hội hàng năm.


GS. Nguyễn Văn Huyên cho rằng chỉ nửa sau thế kỷ VI, đất nước ta đã xuất hiện bảy vị thần lớn và khoảng hai trăm làng ở đồng bằng Bắc Kỳ lập đình thờ các vị này: Lý Bí, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử, Nhã Lang, Lý Phục Man, Trương Hống và Trương Hát. Ông chỉ ra rằng mặc dầu Bộ Lễ của nhà Hậu Lê khi công bố tiểu sử các vị thần đã phần lớn làm cho các truyền thuyết trở nên đồng nhất, nhưng chắc chắn rằng các làng có cùng thành hoàng đều không hoàn toàn xuất hiện phép lạ giống nhau. Ông nhận xét việc điều tra rộng rãi các vị thần thời Tiền Lý là cần thiết bởi đây là “thời kỳ chìm trong bóng tối khó hiểu nhất của lịch sử Việt Nam, và do đấy, là thời kỳ dễ làm chất liệu nhất cho những sáng tạo huyền thoại dân gian, thời kỳ đã khá lùi xa trong dĩ vãng để có đủ thời gian cho những triển khai rộng rãi trong ý thức của làng xã Việt Nam”. Vì vậy, nghiên cứu của ông quan tâm tới việc thờ cúng các vị thần Tiền Lý với các thần khác tại làng xã; và việc thờ chung đã diễn ra như thế nào trong bối cảnh lịch sử các tôn giáo của người Việt cũng như lịch sử định cư ở châu thổ Bắc Kỳ. Và ông bắt đầu với việc thờ Lý Phục Man.

Theo truyền thuyết dân gian, Lý Phục Man là một vị tướng của Lý Nam Đế, có công bình định quân man ở quận Đường Lâm nên được phong làm Phục Man và mang họ Lý của hoàng tộc. Tục thờ Phục Man không ngừng phát triển tại hai làng Yên Sở và Đắc Sở từ nhiều thế kỷ trước. Hai làng tuy thuộc hai tổng khác nhau, có cơ cấu tổ chức khác nhau, nhưng lại thờ chung một vị thành hoàng và cùng trông nom việc thờ cúng.

Ông viết: “Như vậy ta thấy hai làng Yên Sở và Đắc Sở được tổ chức khác nhau. Ngay về mặt lễ nghi, họ cũng chỉ đến với nhau trong hội hàng năm. Họ làm các lễ khác tại đình riêng, tách biệt nhau và tùy theo khả năng ngân sách của họ. (...) Bấy giờ là một giờ chiều; Dân Đắc Sở đã khiêng về đền của họ những đồ thờ thuộc về họ. Hành lang phía đông chẳng còn ai. Kỳ mục Đắc Sở đã chia nhau đồ cúng và đã về nhà. Kỳ mục Yên Sở họp tại hành lang phía tây, ăn uống phần của mình trên các chiếu, và lát nữa sẽ đem những thứ còn lại về. (...) Lũy tre của hai làng đóng lại: Yên Sở và Đắc Sở đã cảm thông với nhau theo một nghi thức nghiêm ngặt, có lẽ được đặt ra từ nhiều thế kỷ, trước thần Lý Phục Man, trong 17 ngày, từ 10 đến 26 tháng 3, bây giờ mỗi làng lui về địa phận của mình và sẽ sống riêng rẽ trong một thời gian còn lại của năm” (Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng, EFEO, 1938).

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên trong chương trình "Người Việt bốn phương" của VTV4


Người Việt bốn phương của VTV4 phát sóng ngày 24 tháng 4 năm 2015

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Tết Thanh minh

Hôm nay là Tết Thanh minh. Cách đây 73 năm, GS Nguyễn Văn Huyên đã có một bài nghiên cứu rất hay về tiết Thanh minh đăng trên tạp chí Indochine, 3/1942. Đây là nhận xét tinh tế của ông về Tết này:

"Như vậy, ở khắp đất nước Việt Nam, nhất trí trong một niềm hiếu thảo sâu sắc, người ta năm nào cũng làm lễ Thanh minh. Bằng cách cử hành những lễ nghi mà tôi đã tả vắn tắt trên đây, người sống tăng cường mối liên hệ ràng buộc họ với những người thân của mình đã khuất. Trong khi tới mộ xới đất để cho cỏ mọc mềm và rậm hơn, họ khẳng định ý muốn giữ gìn mồ mả mãi mãi trước ý muốn của người chủ đất tìm cách làm những ngôi mộ đó biến khỏi mặt đất, vì khát khao muốn lấy lại những khoảnh ruộng đã trở nên vô sinh."
(Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, 1996, NXB Khoa học xã hội, tr. 102)

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Giới thiệu về đường Nguyễn Văn Huyên, Q. Cầu Giấy, Hà Nội


Giới thiệu về đường Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên trong chương trình “Hà Nội của chúng ta” phát sóng ngày 19/4/2015 trên kênh 1 của Đài PTTH Hà Nội.

“Hà Nội của chúng ta” ngày 19/4/2015
http://www.nguyenvanhuyen.org.vn/

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Giấy khai giá thú của ông Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc

"Giấy khai giá thú của bố mẹ, ngày nay gọi là giấy đăng ký kết hôn, được làm trên loại giấy khổ dài, các mục được in sẵn bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán, loại chữ thông dụng thời đó. Giấy khai giá thú khi đó có cả người làm chứng, người làm chứng cho bố là bác Phan Kế Toại, anh rể của bố, lúc đó làm Tuần phủ Phúc Yên, 44 tuổi. Người làm chứng cho mẹ là ông Nguyễn Đình Quỳ, Hiệp tá đại học sỹ, nguyên là Tổng đốc Hà Đông. Ông Quỳ có 2 con gái là cô Nga và cô Thái là bạn thân của mẹ. Giấy kết hôn thời nay không có mục người làm chứng như vậy. Giấy khai giá thú có đóng dấu, ký tên của chính quyền xã Đệ Tam, huyện Vũ Tiên, Thái Bình. Ngày cưới của bố mẹ là ngày 12/4/1936. Sau này vợ chồng chúng tôi, Nguyễn Kim Nữ Hạnh – Nguyễn Hiền Nhân, cũng chọn ngày cưới của mình vào đúng ngày 12/4. Cùng với ngày kỷ niệm đó, cháu Trương Huyền Chi, con gái của 2 em Hà – Cầu, cũng chào đời vào ngày 12/4. Thế là có 3 sự kiện trọng đại của gia đình có chung mốc thời gian này." (Nguyễn Hiền Nhân)

 Cô dâu Vi Kim Ngọc và chú rể Nguyễn Văn Huyên trong trang phục truyền thống (1936)

 12/4/1936 tại Dinh Tổng đốc Thái Bình

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - Bảo tàng của ký ức gia đình (VTC14)



Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - Bảo tàng của ký ức gia đình (VTC14)

Diễn văn khai giảng trường Đại học đầu tiên của nước Việt Nam mới: Một tầm nhìn cho tiền đồ dân tộc

02/11/2014

 Lễ Khai giảng trường Đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Vũ Đình Hoè ngồi hàng đầu tiên, ở giữa 
(Ảnh trong kho tư liệu của Pháp)

Bài tường thuật trên Báo Cứu Quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) xác định tính xác thực của bản lưu trữ

Bài Diễn văn được viết bằng bút chì và được lưu giữ bản gốc tại Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp trong "Hồ sơ Nguyễn Văn Huyên”. Một nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam trong khi đi tìm tư liệu để nghiên cứu về lớp trí thức Việt Nam của đầu thế kỷ 20, đã sưu tầm được và chụp gửi về cho gia đình GS Nguyễn Văn Huyên. Bởi vậy mà khi xuất bản cuốn hồi ký "Tiếp bước chân cha”, bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh – trưởng nữ của GS Nguyễn Văn Huyên đã đăng trọn vẹn được bài Diễn văn này trong cuốn sách.

Lúc đó không có nhiều báo chí để đưa tin về sự kiện này. Bởi vậy các nhà sử học chỉ tìm thấy một bản tin tóm tắt trên báo Tiên Phong – cơ quan vận động văn hoá mới của Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam. Nhưng đặc biệt, buổi lễ đã được tường thuật chi tiết trên báo Cứu Quốc (tiền thân của Đại Đoàn Kết ngày nay) – cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh. Đón trước sự kiện này, Cứu Quốc số ra ngày 15-11-1945 đưa tin trong mục "Các giới hoạt động”: "Lễ khai giảng trường Việt Nam Đại học Hà Nội sẽ cử hành vào ngày 15-11-1945 hồi 9 giờ sáng do cụ Hồ Chí Minh chủ tọa”. Số báo Cứu Quốc ra ngày hôm sau, ngày 16-11, có một bài tường thuật rất kỹ về lễ khai giảng này dưới đầu đề:

"Lễ khai giảng trường Đại học
Một ngạch Giáo sư mới
Một lớp Cao đẳng chính trị xã hội thay cho trường Đại học Luật khoa
Hai nguyên tắc mới của nền học Việt Nam”

Theo GS Phan Huy Lê, chính bài tường thuật chi tiết trên báo Cứu Quốc với những trích đoạn bài Diễn văn của GS Nguyễn Văn Huyên là cơ sở để các nhà sử học khẳng định bản thảo viết tay đang lưu giữ tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp chính là bài diễn văn mà GS. Nguyễn Văn Huyên đã phát biểu tại lễ khai giảng ngày 15-11-1945. Bài tường thuật cũng cho biết rõ lễ khai giảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, tham dự có "nhiều bậc nhân sĩ Trung, Nam, Bắc” và khách "ngoại quốc”.

Có đủ nhân tài tham gia vào cuộc kiến thiết nền đại học mới

Theo báo cáo của Bộ trưởng Vũ Đình Hoè tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 21-11-1945, năm học đầu tiên tất cả các ban đại học có 1.149 sinh viên đăng ký chính thức và 270 sinh viên dự thính, riêng ban Văn khoa có 253 sinh viên và ban Chính trị xã hội có 529 sinh viên.

Còn trong bài diễn văn của GS Nguyễn Văn Huyên, ông đã đề cập đến một hình thức tổ chức hoạt động văn minh tương đương với các trường đại học hàng đầu thế giới hiện nay. "Muốn cho công cuộc xây đắp đại học có một cơ sở vững vàng, chúng tôi đã được phép Chính phủ cho lập một Hội đồng quản trị gồm các Giáo sư có kinh nghiệm và những bậc có quan tâm tới đại học. Hội đồng ấy có nhiệm vụ là tìm một phương sách thích hợp để mở mang nền đại học và để quản trị một ngân sách tự trị giống như các quỹ tự trị ở các trường đại học các nước tân tiến Âu - Mỹ. Quỹ này được Chính phủ trợ cấp hàng năm, và chúng tôi mong rằng nhiều bậc hảo tâm trong nước sẽ giúp sức hoặc bằng tiền mặt, hoặc bằng nhà cửa ruộng đất để nền đại học được phát triển nhanh chóng”.

Về đội ngũ giáo sư, nền đại học Việt Nam sẽ "lập một ngạch mới vì nền tảng của Pháp thuộc để lại quá mỏng yếu”. Tiêu chí lựa chọn giáo sư "căn cứ không những là chỉ về bằng cấp mà cả về kinh nghiệm” và gồm "có những bậc đã từng chiến đấu cho đất nước, có những vị nhiều kinh nghiệm trên đường đời, có những nhân sĩ đã từng du học lâu năm ở ngoại bang”. Tóm lại, GS Nguyễn Văn Huyên khẳng định: "có đủ nhân tài tham gia vào công cuộc kiến thiết: tân học có, cựu học có, lão thành có, tuổi trẻ có”. 

Giải thích vì sao lại bắt tay vào xây đắp nền đại học giữa những ngày cực kỳ khó khăn, bài Diễn văn của GS Nguyễn Văn Huyên gọi đó là "giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc”, để tỏ cho thế giới biết đó là thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc.

Những tư tưởng ấy gần 70 năm sau soi vào nền đại học Việt Nam, lại thấy những ngậm ngùi.

"Thưa Cụ Chủ tịch,
Thưa các ngài, 
Thưa các bạn,

Tôi rất lấy làm vui mừng và cảm động, được thấy cử hành ở đây buổi lễ long trọng mở đầu một kỷ nguyên mới cho nền Đại học nước Việt Nam ta. Vậy trước khi trình bày cùng các ngài những phương sách của trường Đại học, tôi xin thay mặt toàn Ban Đại học cảm ơn Cụ Chủ tịch đã không quản thời giờ vàng ngọc tới chủ tọa ngày lễ của chúng tôi. Tôi lại không quên cảm tạ liệt quý vị đại diện cho các phái bộ cường quốc Đồng minh ở Hà Nội và các anh em đồng bào các giới tới chứng minh lễ khai giảng đại học này.

Các ngài tới đây làm tăng vẻ long trọng của một buổi lễ mà thường ra chỉ là một buổi họp thân mật của các Giáo sư và các bạn sinh viên. Nhưng buổi lễ hôm nay, anh em Giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa của nhân loại. 

Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc, chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này”.

(Trích phần mở đầu bài Diễn văn 
của GS Nguyễn Văn Huyên)

Nguyễn Đức Thành Vĩnh

Đoàn cán bộ Viện Dân tộc học thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Ngày 30 tháng 1 năm 2015, đoàn cán bộ đại diện cho Viện Dân tộc học, gồm PGS.TS. Vương Xuân Tình – Viện trưởng và một số cán bộ đã đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây là bảo tàng gia đình, trưng bày về thân thế, sự nghiệp của GS.TS. Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975), nhà Sử học, Dân tộc học và Văn hóa học tài danh; vị Bộ trưởng Giáo dục có công lao to lớn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Khác với các bảo tàng do Nhà nước đầu tư, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được xây dựng hoàn toàn bằng kinh phí tư nhân, đặc biệt là tấm lòng rất mực biết ơn và kính trọng của những người con đối với cha mẹ, dòng họ. Bảo tàng là nơi lưu giữ những kỷ vật về gia thế cũng như nhiều công trình nghiên cứu của một vị cựu Bộ trưởng Giáo dục. Nhưng trên hết, đó là nơi những câu chuyện về tình yêu thương, những ký ức ngọt ngào về mái ấm gia đình.

 Ngay ở khuôn viên sân là khu “vườn ký ức”, với hàng gạch rêu phong, vốn là sân ngôi nhà xưa của thân mẫu Nguyễn Văn Huyên - cụ Phạm Thị Tý, với cây mác mật Lạng Sơn gợi nhớ quê bà Vi Kim Ngọc, con gái Tổng đốc Vi Văn Định cùng những loại cây dân dã, quen thuộc được trồng ở ngôi nhà số 2 Trần Hưng Đạo.

Đến với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, có lẽ điều gây ấn tượng và bất ngờ nhất đối với du khách chính là cách bài trí và giới thiệu của Bảo tàng. Trong căn nhà 4 tầng, mỗi tầng lại được bài trí theo một chủ đề và một câu chuyện riêng. Tầng 1 của Bảo tàng dành để giới thiệu về nền tảng của gia đình. Bằng các hình ảnh trưng bày, người ta có thể hình dung ra một gia đình “trâm anh thế phiệt”, khoa bảng đỗ đạt, có nhiều đóng góp cho đất nước. Tầng 2 có chủ đề “Tuổi trẻ của bố mẹ”. Tầng 3 và tầng 4 dành riêng để giới thiệu về Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên với chủ đề “Bố chúng tôi, một nhà bác học”, “Bố chúng tôi, một người hành động”. Người  xem sẽ bắt gặp ở đây nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật, hồi ký quý hiếm và giá trị mà gia đình kỳ công lưu giữ. Đó là các ghi chép khi ông làm luận án tiến sĩ ở Paris, các công trình nghiên cứu của ông ở Trường Viễn Đông Bác cổ, thư từ, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, các tài liệu hành chính thời kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến tranh chống Mỹ,...

Với cách bố trí, trưng bày sáng tạo theo tuyến thời gian để khách tiện hình dung và theo dõi, dọc theo trục cầu thang là 36 sự kiện xã hội - chính trị trong nước và thế giới gắn liền với suốt một đời công tác của cố GS. Nguyễn Văn Huyên. Vì thế, nghe kể chuyện về gia đình, về Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lại chính là nghe kể chuyện về lịch sử và xã hội của nước ta một thời anh dũng.

Không thể không kể đến vai trò của thiết kế đồ họa tạo nên một phong cách rất riêng cho Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Mỗi phòng trưng bày được phân biệt với nhau bằng màu sắc nhẹ nhàng; đồ họa và màu sắc được xử lý hài hòa tạo cho bảo tàng một không gian vừa giản dị, ấm cúng mà gần gũi, chan hòa như không khí trong một gia đình.

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai của cố giáo sư Nguyễn Văn Huyên cho biết, thông qua việc thành lập bảo tàng, gia đình ông muốn giúp các thế hệ trẻ xây dựng đạo đức lành mạnh và gắn kết tình cảm gia đình. Bên cạnh đó, việc giữ gìn, bảo tồn các tư liệu, hiện vật của mỗi cá nhân, mỗi gia đình sẽ tạo dựng di sản của dòng họ, của địa phương, của đất nước, giúp các thế hệ sau hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử.

Thu Hà 

Đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là Giáo sư, Tiến sỹ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam và là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất: 28 năm.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về khoa học xã hội và nhân văn, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tên của ông cũng được đặt cho một tuyến phố chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội. Bảo tàng giới thiệu về cố Giáo sư - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên được toàn thể con cháu thành lập trên chính quê hương của ông, tại làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội, theo Quyết định số 6015/QĐ-UBND ngày 18/11/2014 của UBND Thành phố Hà Nội. Giám đốc Bảo tàng là PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai duy nhất của cố Giáo sư. Đây là một Bảo tàng ngoài công lập về một nhân vật lịch sử - cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - GS Nguyễn Văn Huyên. Theo quyết định trên, Bảo tàng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch và hoạt động theo quy định của pháp luật. Mô hình bảo tàng như thế này ở nước ta hầu như còn hiếm, vì vậy chúng tôi đã cất công đến thăm và tìm hiểu, có thêm những trải nghiệm thú vị ở Bảo tàng có tính chất gia đình, tuy nho nhỏ, nhưng ấm cúng và đầy ắp những kỷ niệm, những ký ức về cố GS - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Hòa theo đoàn khách gồm nhiều gia đình đến thăm Bảo tàng, chúng tôi lặng lẽ nghe PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể lại những câu chuyện về cuộc đời hoạt động của cố GS - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên qua tư liệu, hình ảnh, hiện vật, các thước phim ngắn được trưng bày ở Bảo tàng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận
đến tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên
Trên diện tích khoảng 150m2, Bảo tàng giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc của GS. Nguyễn Văn Huyên cùng nhiều bút tích của các nhân vật khác nhau thời kỳ đó, một số bản gốc tài liệu có chữ ký còn rõ nét bút, nét mực của Bác Hồ đã được gia đình lưu giữ một cách cẩn thận. Đó là các bản ghi chép khi Giáo sư làm luận án ở Paris, các công trình nghiên cứu của ông ở Trường Viễn Đông Bác cổ (Pháp), thư từ, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, các tài liệu hành chính thời kháng chiến chống thc dân Pháp, chiến tranh chống đế quốc Mỹ... Cùng với các kỷ vật của ông là những kỷ vật của bà Vi Kim Ngọc: nhật ký bà viết về chồng, về các con, các cháu, những bản vẽ, tài liệu khi bà làm kỹ thuật viên ở Đại học Y Hà Nội, thư từ và cả những cuốn sổ chi tiêu hàng ngày, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, sổ ghi chép, các tác phẩm khoa học, các tài liệu hành chính, các ghi chép điền dã của Giáo sư.... Phần lớn tư liệu có niên đại từ nửa đầu thế kỷ 20, một số từ cuối thế kỷ 19, nhưng cũng có cả các hiện vật của những năm 1970-1980.
Ông Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc trong ngày cưới.
Nhiều câu chuyện chân thực, xúc động được thể hiện qua các bức ảnh, những trích dẫn thư, nhật ký và video, với chính giọng nói của những người con kể về bố mẹ, về gia đình, cũng như lời của nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông bà. Ở bảo tàng này, con cháu GS Huyên đã sử dụng ngôn ngữ bảo tàng hiện đại để “kể” câu chuyện về cha mẹ mình, từ hoàn cảnh xuất thân đến học vấn, nhân cách, rồi quá trình họ đến với nhau, xây dựng mái ấm Huyên - Ngọc và đi theo cách mạng; vượt qua nhiều gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh rồi trưởng thành ..v.v...
Nội dung trưng bày:
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được thể hiện theo 4 chủ đề chính trên 4 tầng của tòa nhà: Nền tảng gia đình (tầng 1), Tuổi trẻ của bố mẹ (tầng 2), Bố chúng tôi - một nhà bác học (tầng 3)  và Bố chúng tôi - một người hành động (tầng 4). Từ tầng thượng, khách tham quan sẽ nhìn được toàn cảnh về làng Lai Xá và sự kết nối giữa Bảo tàng với các di tích, điểm văn hoá của ngôi làng. Bước vào từng tầng, mỗi chủ đề có 1 tấm ảnh lớn, gợi mở vào chủ đề. Tầng 1 là tấm phả hệ với 6 thế hệ, 56 nhân vật có ảnh, 17 người không có ảnh nên làm ảnh bóng. Tầng 2 và 4 là ảnh cưới của bố mẹ và ảnh cả gia đình trong kháng chiến chống Pháp. Tầng 3 là tấm panô lớn gợi mở những nghiên cứu khoa học của GS Huyên.
 Panô chủ đề trưng bày “9 năm đèn sách ở Pháp” giới thiệu thời gian  học tập của GS Huyên tại Pháp.
Lên cầu thang, chúng ta bắt gặp trục thời gian thể hiện qua những tấm pano nhỏ treo dọc cầu thang, gợi nhớ đến một số bối cảnh chính trị, xã hội, khoa học trong nước và trên thế giới để dẫn dắt người xem đến chủ đề tiếp theo.
Panô chủ đề trưng bày “Bố chúng tôi một nhà bác học”.
Băng ảnh trên tường là phương tiện kể những câu chuyện về bối cảnh gia đình, xã hội của những nhân vật chính trong chủ đề. Ở giữa, trung tâm của phòng trưng bày là hệ thống tủ trưng bày giới thiệu công việc nghiên cứu khoa học và hoạt động nghề nghiệp, xã hội của Giáo sư và vợ qua các hiện vật, tài liệu còn lưu giữ lại. Mỗi tủ giới thiệu một chủ đề trưng bày riêng và các thông tin bổ sung được cung cấp thêm qua 3 ngăn kéo từng tủ. Thông tin trong bảo tàng được phân cấp bằng các cấp độ khác nhau.
Panô giới thiệu về bà Vi Kim Ngọc - vợ GS Huyên thời con gái.
Các bài viết được biên tập cô đọng, ngắn gọn, đủ để người xem hiểu được câu chuyện. Bảo tàng sử dụng 3 ngữ, chủ yếu là tiếng Việt và một phần tiếng Anh, Pháp đến cấp độ tiểu chủ đề. (chưa được chuyển sang tiếng Anh, tiếng Pháp ở tất cả các cấp độ thông tin). Đặc biệt, khách tham quan bảo tàng còn được thưởng thức những nhạc phẩm nổi tiếng đầu thế kỷ XX của các nhạc sĩ nổi tiếng như Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn ..v.v... Đó là những tác giả sống cùng thời với cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Đến với bảo tàng, chúng ta sẽ có những khoảnh khắc sống lại trong không gian đậm đặc ký ức về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước.
Về thiết kế trưng bày:
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được thiết kế theo một phong cách đồ họa riêng, khá ấn tượng. Mỗi phòng trưng bày được phân biệt bằng những tông màu nhẹ nhàng; sự thay đổi màu sắc còn được thể hiện ngay trong từng phòng trưng bày. Đồ họa và cách xử lý màu sắc hài hòa tạo cho Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên phong cách giản dị, vừa ấm cúng mà gần gũi, chan hòa như không khí trong một gia đình. Thiết kế trưng bày Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên do kiến trúc sư Véronique DOLLFUS (Pháp) đảm trách cùng các nhà thiết kế đồ họa Patrick HOARAU (Pháp), Phạm Đam Ca tạo một phong cách rất riêng. Mỗi chủ đề được thể hiện bằng một màu sắc riêng. Mỗi phòng trưng bày là một chuỗi các gam màu được bố trí theo nhịp điệu sống động. Đồ họa và màu sắc (của các thiết bị trưng bày, của bài viết, ảnh lớn, băng ảnh...) được xử lý một cách tinh tế, tạo nên một bảo tàng vừa sinh động, ấm cúng. Đặc biệt, tất cả các bức ảnh được trưng bày ở đây đều là ảnh nguyên gốc. Tính chân thực của những bức ảnh này cho thấy sự nghiêm túc, cầu kỳ trong cách trưng bày của bảo tàng.
Điều thú vị nữa: toàn bộ toà nhà Bảo tàng được thiết kế nằm trong "vườn  ký ức", ở đó có các loài cây gợi nhớ đến GS Huyên, bà Ngọc như: khế, sấu, roi, chanh, đu đủ… là những cây quen thuộc trong vườn của gia đình trước đây. Một lối đi bằng gạch lấy từ ngôi nhà xưa của bà Phạm Thị Tý - người mẹ tần tảo của GS Huyên.
Bảo tàng còn có thư viện với nhiều loại sách quý, bằng tiếng Hán, Pháp, Việt được xuất bản nửa đầu thế kỷ 20 về nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau: dân tộc học, lịch sử, địa lý.v.v.. Thư viện cũng là nơi giao lưu của họ hàng, bạn bè, khách tham quan, nơi học sinh tham gia các hoạt động giáo dục.
Bàn làm việc của cố GS - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.
Trong hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã xem, đã nghe ông Huy kể chuyện, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của cố GS - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và cảm nhận nhiều điều sâu sắc. Thông qua trưng bày về cuộc đời sự nghiệp của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên tại bảo tàng, người xem có thể hiểu thêm được một giai đoạn lịch sử của đất nước, về đời sống chính trị-văn hóa xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng như trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, là đời sống và tấm lòng của những nhân sĩ trí thức trẻ Việt Nam xuất thân từ tầng lớp trung lưu nhưng yêu nước; vì sao họ từ bỏ cuộc sống nhung lụa để đi theo cách mạng, phục vụ đất nước; trong đó GS Nguyễn Văn Huyên một trong những cánh chim đầu đàn tiêu biểu.
Sau khi tham quan bảo tàng, chúng tôi và đoàn khách được mời ngồi dưới vườn “ký ức”, được uống nước vối và chè xanh để có thể chiêm nghiệm thêm những điều vừa được biết, được cảm nhận.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy đang hướng dẫn và thuyết minh
cho khách tham quan bảo tàng..
Để có được một bảo tàng sinh động, hấp dẫn, thân thiện và hết sức có ý nghĩa như thế này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc bảo tàng chia sẻ: “Thông qua trưng bày, con cháu ông Huyên bà Ngọc mong muốn kể câu chuyện về bố mẹ, ông bà mình. Xây dựng bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, gia đình cũng mong muốn công chúng hiểu rằng cuộc đời cùng với những tư liệu và ký ức về một con người, một gia đình, góp phần tăng thêm hiểu biết về lịch sử, xã hội và văn hoá trong một thời kỳ của đất nước. Việc giữ gìn, bảo tồn các tư liệu, hiện vật của mỗi cá nhân, mỗi gia đình sẽ tạo dựng di sản của địa phương, của đất nước. Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - một bảo tàng nhỏ nhưng được làm với chất lượng cao, chắc chắn Bảo tàng sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt cho xã hội”.
Trong lễ khai trương Bảo tàng (ngày 19-12-2014), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đến thăm và trao tặng gia đình một số tư liệu, hiện vật quý về GS Nguyễn Văn Huyên. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: Tôi đến đây để học hỏi, rút kinh nghiệm trong công việc của mình từ những bài học, tư liệu lịch sử trong bảo tàng. Việc lập nên bảo tàng này không chỉ là công việc làm riêng cho gia đình, quê hương mà cho cả ngành giáo dục, cho sự nghiệp phát triển và bảo tồn văn hóa, lịch sử của đất nước, của cách mạng”. 
Vâng. Chúng tôi đã thấy đúng là như thế sau khi đến thăm  Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên!
Bài và ảnh: Minh Vượng - Lệ Hằng

http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Nhung-nguoi-ban-bao-tang/2015/02/3A92452D/