Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Thư ngỏ - Hợp tác giáo dục


Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2015

            Kính gửi: Ban Giám hiệu các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục

            Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên trân trọng kính mời ông/bà và quý cơ quan tới tham quan, trao đổi và hợp tác trong hoạt động giáo dục dành cho các học sinh tiểu học (từ lớp 4 đến lớp 5), học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
            Sau 10 tháng thử nghiệm, đến nay Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên chính thức mở cửa đón học sinh các trường học đến tham quan và trải nghiệm. Bảo tàng giới thiệu về cuộc đời của nhà khoa học, nhà giáo, cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Qua Bảo tàng này, học sinh không những học hỏi nhiều điều về nhân cách và phẩm chất của một con người mà còn có cơ hội hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của đất nước trong suốt thế kỷ 20. Tìm hiểu về cuộc đời của ông Nguyễn Văn Huyên, thế hệ trẻ có thêm niềm tự hào về quê hương.
            Bảo tàng đã thiết lập một chương trình giáo dục tại bảo tàng theo cách tiếp cận mới nhất nhằm giúp thầy cô giáo tổ chức cho học sinh chủ động và tích cực tham quan và khám phá bảo tàng. Các chuyến tham quan là cơ hội để kết hợp với các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Chắc chắn rằng, mỗi chuyến thăm Bảo tàng sẽ đưa lại những hiệu quả tích cực cho học sinh.
           Bảo tàng sẵn sàng cử chuyên gia đến các trường, trao đổi với các thầy giáo cô giáo để hiểu thêm và ứng dụng về phương pháp giáo dục ở bảo tàng, khai thác bảo tàng một cách hiệu quả nhất.
           Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên mở cửa thường xuyên vào thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần. Bảo tàng có chương trình đặc biệt dành cho các trường đưa học sinh đến thăm Bảo tàng vào các ngày trong tuần theo hẹn trước.
          Mọi thông tin liên quan có thể tham khảo trên trang web của Bảo tàng.

                                                                                                                 GIÁM ĐỐC

                                                                                                                     (đã ký)

                                                                                                     PGS. TS. Nguyễn Văn Huy
Ấn vào đây để tải thư ngỏ
Chương trình giáo dục (tại đây

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham quan Bảo tàng nhân dịp 20/11

Ngày 17/11/2015, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền và 9 trường đại học trên địa bàn Hà Nội tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

On November 17, 2015, students from 10 universities in Hanoi led by the Academy of Journalism and Communication visited the Nguyen Van Huyen Museum. This is also an activity in celebrating the Educators' Day in Vietnam. It was first celebrated in 1958 as the Day of the International Manifest of Educators; in 1982 the day was renamed Vietnamese Educators' Day.


Bản tin 23h ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội


Video clip cho chính các bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Phủ Tổng đốc Vi Văn Định

Lời dẫn: Cụ Vi Văn Định là thân phụ của bà Vi Kim Ngọc, phu nhân của GS. Nguyễn Văn Huyên.
 
Tàn tích biệt phủ tổng đốc Vi Văn Định - VNExpress
 
Xuất thân trong gia đình quý tộc Tày gốc Việt lâu đời, luôn trấn ải vùng biên giới, Tổng đốc Vi Văn Định nổi tiếng vì nghiêm minh, chính trực. Biệt phủ của ông ở Lạng Sơn rộng hơn một ha, nay chỉ còn lại tàn tích.
 
Ông Vi Văn Định (1878-1975) tự Ngọc Khuê, thuộc đời thứ 13 của họ Vi, một dòng họ lớn người Tày được triều đình giao trọng trách trấn giữ biên cương tại Lạng Sơn. Ông từng được triều đình cử đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tri châu Lộc Bình, trợ tá tỉnh vụ Lạng Sơn, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên, Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, Tổng đốc tỉnh Thái Bình, Tổng đốc tỉnh Hà Đông, được tấn phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu Bảo rồi nghỉ hưu năm 1942. Ông nổi tiếng là vị Tổng đốc nghiêm minh, chính trực. Sau này, ông đi theo Cách mạng, là Ủy viên Trung ương Hội Liên Việt. Kháng chiến thành công, ông Vi Văn Định về sống ở Hà Nội, làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là nhạc phụ của 2 trí thức nổi tiếng thời bấy giờ là giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Đại Y Hà Nội; tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giáo dục.
 
 
Dòng họ Vi làm thổ ty Lạng Sơn 13 đời, đến đời thứ 8 mới dời đến Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, lập thái ấp. Trong ảnh là biệt phủ Tổng đốc Vi Văn Định ở thôn Bản Chu.
 
 
Tổng đốc Vi Văn Định xây dựng biệt phủ từ đầu thế kỷ XX. Trải qua thăng trầm, hiện nay khu biệt phủ chỉ còn lại hai cổng cách nhau khoảng 30 m.
 
 
Cổng chính biệt phủ họ Vi được xây bằng gạch nung, vôi, cát. Theo ông Lộc Văn Chú (nguyên Chủ tịch xã Khuất Xá), sau khi Tổng đốc Vi Văn Định rời khỏi Lạng Sơn, nơi đây không ai coi sóc, từng trở thành căn cứ của bộ đội. Năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, biệt phủ bị san lấp hoàn toàn bởi đạn pháo đối phương. 
 
 
Mạch tường làm bằng hỗn hợp tro, đường phên và nhựa dây tơ hồng bền chắc, khó bong tróc theo thời gian.
 
 
Cửa gỗ đã bị tàn phá nay còn trơ lại trụ sắt.
 
 
Kiến trúc mái vòm của cổng chính biệt phủ.
 
 
Cổng ngoài của biệt phủ. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, hiện tỉnh đã xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ dấu tích khu biệt phủ.
 
 
Giếng nước cổ Bó Lài nằm cạnh nhánh sông Kỳ Cùng được Tổng đốc Vi Văn Định xây năm 1910 với 42 bậc lên xuống bằng đá cuội.
 
 
Thành giếng cao khoảng 2 m, xây bằng gạch nung không có họa tiết cầu kỳ. Giếng mang hình dáng chiếc trống đồng với “đai trống” là 2 vòng tròn đắp nổi.
 
 
Theo ông Lộc Văn Chú, nước giếng Bó Lài trăm năm nay chưa bao giờ cạn. Ngày nay, người dân bản Chu vẫn sử dụng nước giếng cho ăn uống, sinh hoạt. Người từ phương xa cũng đến làng mang theo can, thùng xin nước giếng đem về.
 
Hồng Vân

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Phim tài liệu "Điều còn mãi"


Phim tài liệu "Điều còn mãi" được thực hiện nhân dịp kỉ niệm 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

This documentary film is produced for the 70th anniversary of the educational tradition and the 20th anniversary of the University of Social Sciences and Humanities.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Huyên tại buổi lễ Khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam (15-11-1945)

Speech of Professor Nguyen Van Huyen at the opening ceremony of the Vietnam National University on November 15, 1945, just more than 2 months after the Declaration of Independence of the Democratic Republic of Vietnam on September 2, 1945.


70 năm đã trôi qua kể từ buổi lễ Khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam (15-11-1945). Để nhìn nhận lại sự kiện trọng đại này trong nền giáo dục Việt Nam và chào mừng ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam (20-11), Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên xin trích đăng lại lời phát biểu của GS. Nguyễn Văn Huyên với tư cách là Tổng Giám đốc Đại học vụ, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xác lập những nhiệm vụ và đường hướng phát triển nền đại học lúc bấy giờ.

"Thưa Cụ Chủ tịch,
Thưa các ngài,
Thưa các bạn,

Tôi rất lấy làm vui mừng và cảm động, được thấy cử hành ở đây buổi lễ long trọng mở đầu một kỷ nguyên mới cho nền Đại học nước Việt Nam ta.
(...)
Nhưng buổi lễ hôm nay anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kì kháng chiến, phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc ven bể Thái Bình Dương này.
(...)
Và cũng vì tin tưởng rằng nền Đại học là một trong những nền tảng của công cuộc kiến thiết quốc gia, anh em chúng tôi cùng hội họp ở đây hôm nay, trước sự khuyến khích long trọng của liệt vị quý khách, chúng tôi cảm thấy cùng có một trách nhiệm luyện tập tinh thần cho một số khả quan đại chúng chọn ở một tầng lớp dân chúng, không kì là trai hay gái, là quý hay tiện, là giàu hay nghèo để giúp vào công cuộc xây dựng nền văn hóa mới cho nước Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy cùng có trách nhiệm đào tạo một số đông những người có đủ đức tính và khả năng để lãnh đạo cho quần chúng, những bậc quân tử, nếu các ngài cho phép tôi dùng một chữ cổ, trong nghĩa cổ, của một nền văn minh Đông phương, những người vừa biết trau dồi về kiến thức để có thể tự biết phẩm bình mọi lực lượng văn minh, vừa biết xử sự về thực tế để có thể đem áp dụng ngay trong đời sống những điều hiểu biết của mình, để cùng anh chị em đồng bào các giới nêu cao ngọn quốc kì trong mọi cơn giông tố, và trong mọi cuộc hội họp quốc tế về văn hóa trên nền hòa bình, công lí, tự do, hạnh phúc, bác ái xán lạn của nhân loại mai sau.

Vì thế chúng tôi sẽ hành lễ khai giảng đại học này một cách giản dị và trang nghiêm để tất cả anh chị em hiểu rõ nhiệm vụ và cùng cố gắng."

(Lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Huyên tại buổi lễ Khai giảng trường Đại học quốc gia Việt Nam, 15-11-1945; Hồ sơ lưu trữ của Trường Viễn đông bác cổ Pháp, hồ sơ Nguyễn Văn Huyên, cặp P14, bản thảo viết bút máy và bút chì, 10 trang)

Đăng lại trong Nguyễn Văn Huyên toàn tập - Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, tập 3, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005.

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: "Không nên hiện thực hóa huyền tích"

KTĐT - Với một bản quy hoạch được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cùng nhiều giải pháp “dài hơi”, người ta kỳ vọng Khu di tích lịch sử Cổ Loa sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ của Hà Nội mà của cả nước trong một vài năm tới.
Thế nhưng, kỳ vọng ấy có thể trở thành hiện thực hay không, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Còn phụ thuộc vào cách chúng ta kể câu chuyện lịch sử hơn 2.000 năm bằng phương pháp gì.

Di tích không chỉ là bãi khảo cổ
Trong bản Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) mới được cống bố đã chọn cộng đồng dân cư là yếu tố cốt lõi để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Điều này cũng nảy sinh lo ngại dân cư sống trong lòng di tích sẽ hủy hoại đến di sản. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi ủng hộ quan điểm để người dân sống trong lòng di tích. Bởi vì, di tích xen kẽ với dân chính là một thực thể sống, tạo sự sinh động của di sản đó. Cũng có những ý nghĩ, di dời toàn bộ người dân ra khỏi di tích sẽ làm lộ diện giá trị về mặt lịch sử, các kiến trúc cũ, tạo điều kiện cho công tác khảo cổ. Nhưng đó là một quan niệm chưa hẳn đúng, cần phải nghiên cứu. Du khách đến với di tích, ngoài việc ngắm nhìn hiện vật của lịch sử, còn cần bao quát những gì diễn ra xung quanh nó. Tách con người ra khỏi di tích sẽ không còn cuộc sống gắn với nó cả ngàn năm, mà chỉ là bãi khảo cổ.


Cổ Loa đang sở hữu rất nhiều hiện vật, hệ thống đền thờ vua An Dương Vương, giếng Ngọc, am Bà Chúa, hoạt động lễ hội diễn ra hàng năm… PGS có cho rằng những giá trị vật thể và phi vật thể này đã đủ sức tạo nên sức hấp dẫn trong lòng di tích?
- Tôi không hy vọng ở đó trình diễn lễ hội sẽ có sức hút. Lễ hội Cổ Loa chỉ diễn ra vào đầu tháng Giêng hàng năm. Nếu bây giờ biến lễ hội thành sản phẩm trình diễn thường xuyên thì chắc không nên. Lễ hội Cổ Loa là cuộc sống, niềm tin và văn hóa của người dân, nó phải gắn với cộng đồng dân cư, vẫn giữ nhiều nét đẹp dân giã. Chúng ta không nên sân khấu hóa lễ hội này.


Theo ông, làm cách nào vẫn có thể duy trì cuộc sống của người dân trong lòng di tích mà không ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn?
- Ở Việt Nam đã có hai bài học. Bài học không thành công là Đường Lâm (Hà Nội), và bài học tốt là Hội An (Quảng Nam). Ngoài việc tăng cường nghiên cứu, trưng bày các hiện vật, các cơ quan chức năng cần thường xuyên cung cấp kiến thức, hiểu biết về thành Cổ Loa nói riêng và toàn bộ khu di tích nói chung. Những kinh nghiệm bảo vệ di tích trong nước và quốc tế đến cộng đồng dân cư ở đây. Tôi cho rằng đây là một hướng đi bền vững. Khi người dân hiểu về giá trị di tích thì họ sẽ chủ động tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Ngoài ra, trong quy hoạch cũng đã tính đến việc giới hạn số lượng người dân sống trong lòng di tích, giới hạn chiều cao của các ngôi để không phá hỏng không gian kiến trúc… Đó là những giải pháp nếu làm tốt sẽ bảo vệ được di tích.

Nhiều cách khai thác giá trị di tích
Hà Nội đang có rất nhiều điểm du lịch di sản còn chưa khai thác hiệu quả. Di tích Cổ Loa lại nằm xa trung tâm, điều kiện phục vụ du lịch chưa thuận lợi. Mong muốn biến nơi đây thành công viên sinh thái, lịch sử, nhân văn liệu có khả thi?
- Tôi cho rằng đây là địa điểm lịch sử thú vị vì gắn với di tích của thời An Dương Vương, vua Ngô Quyền và những truyền thuyết rất cảm xúc. Câu chuyện đấy đáng để khai thác, để bảo vệ. Hơn nữa, nơi đây là di tích thành cổ bậc nhất Đông Nam Á. Vấn đề là chúng ta thể hiện chất liệu ấy như thế nào để di tích Cổ Loa là nơi hấp dẫn.


Dưới con mắt của nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, theo ông, chúng ta nên thể hiện chất liệu ấy như thế nào để làm nổi bật giá trị di tích?
- Để làm nổi bật giá trị di tích cần thể hiện bằng phương pháp đa chiều, đa thanh. Trong đó có cả câu chuyện An Dương Vương xây thành, mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy… Nhưng chất liệu không thể sử dụng tư duy trình diễn như chúng ta quen gọi và thường thấy. Tôi từng thăm một thành cổ của Canada, nơi xưa kia xảy ra trận chiến rất ác liệt giữa quân Anh và quân Pháp hình thành đất nước Canada. Thành đó bị bỏ quên, đến những năm 1980, người ta mới sực nhớ và phục dựng lại. Ngay sau đó, di tích này được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thu hút rất đông du khách. Ở nơi ấy, câu chuyện của trận chiến được kể trong phòng bảo tàng bằng phương pháp 3D, vừa thực và vừa ảo. Công tác phục dựng cũng rất tôn trọng chất liệu hiện có, không mang tính hoành tráng – căn bệnh phục dựng của Việt Nam thường mắc phải. Câu chuyện thành cổ Hyderabad ở Ấn Độ cũng được kể bằng âm thanh và ánh sáng, thu hút rất đông khách hàng đêm.
Cổ Loa là huyền tích không nên hiện thực hóa. Những cái gì còn thì phải giữ để bảo lưu. Những chỗ nào bị phá, nếu còn nhiều cơ sở khoa học có thể phục hồi. Còn những cái quá xa vời như: Chỗ ở của vua, của quan, của cung tần mỹ nữ… không nên phục dựng. Bởi vì, ai có thể hình dung hiện thực diễn ra như thế nào khi lịch sử đã là mấy ngàn năm. Bởi vì, cái cốt lõi hấp dẫn di tích là thành đất cổ và các huyền thoại của nó.

Xin cảm ơn ông!
Linh Anh thực hiện