Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Thuật dùng người độc đáo của Bộ trưởng Giáo dục

 - "Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân" - lời khuyên và tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ông vào nghiệp giáo dục kéo dài suốt từ 3/11/1946 cho đến khi qua đời năm 1975.


Trong các nghiên cứu của cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên, phải kể đến công trình Những vấn đề của nông dân ở Bắc Kỳ (1939). Từ tư liệu sống động thu thập trong các cuộc điền dã dân tộc học và điều tra xã hội học, ông phân tích tình trạng cơ cực của nông dân và chỉ rõ những yếu kém của chính quyền đương thời.

Trong đó ông nhấn mạnh nếu không có giáo dục, nông dân sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc. “Cần phải tiếp nhận những đứa trẻ quặt quẹo, nghèo khổ này và thử làm cho chúng trở thành những người có hiểu biết khách quan hơn về lợi ích của mình, có một ý thức hiện đại hơn về đời sống làng xã. Thì đó sẽ là một bước dài theo hướng thực hiện một đời sống nông thôn tốt đẹp hơn” - ông viết.
Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, một sự thực nổi lên, đó là 95% người dân mù chữ. Làm thế nào để ngành giáo dục vượt qua bức tường thành quá lớn như vậy?

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
PGS.TS Nguyễn Văn Huy luôn tâm đắc về cách giáo dục dục sáng tạo và dụng người tài từ tâm của cha mình

PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều anh bộ đội không đọc được thư của gia đình, nhiều vị tướng lĩnh cũng học hết cấp 1, ít người học cao. Ngày hòa bình lập lại, cán bộ cũng chỉ học đến lớp 3, 4. Giáo dục khi ấy chủ yếu tập trung xóa mù rồi bổ túc văn hóa để phục vụ kháng chiến, xây dựng miền Bắc.

"Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân" - lời khuyên và tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho mình khiến GS.TS Nguyễn Văn Huyên trăn trở trước bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Ông quyết định kiến tạo một nền giáo dục không cầu toàn, đào tạo theo nhu cầu xã hội để nâng cao dần dân trí toàn dân, đặc biệt nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nông dân, công nhân. Có thời còn tổ chức các trường sư phạm 7+1, 7+2, 10+2 … để sớm có đội ngũ giáo viên, nâng cao dân trí toàn dân. Thậm chí sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường liền quay lại giảng cho năm sau.

Với cách làm đó, ngành giáo dục thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có những nhà lãnh đạo sau này từng học bổ túc công nông một năm hai, ba lớp. "Đó là sự sáng tạo và là bài học cho ngành giáo dục ngày nay. Muốn làm gì trước hết phải đáp ứng nhu cầu xã hội", ông Huy chia sẻ.

Nghệ thuật dùng người độc đáo

Trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên vẫn còn lưu giữ bút tích, công điện đích thân Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Liên khu 4 từ năm 1950 đề nghị những chính sách đãi ngộ lương bổng, sắp xếp công việc cho những trí thức lúc bấy giờ.

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Tờ trình và công điện Bộ trưởng Huyên gửi các cơ quan mời GS  Đặng Văn Ngữ về làm việc
Năm 1950, GS Đặng Văn Ngữ là Việt kiều từ Nhật sang Bangkok, Thái Lan, rồi đi bộ qua về Lào để trở lại Nghệ An. Hay tin, GS Nguyễn Văn Huyên mời ngay về làm việc tại trường Đại học Y khoa.
Trong phiếu gửi Bộ trưởng Nội vụ ngày 18/7/1950, ông ghi: “Dự nghị định bổ dụng và tạm xếp ngạch bác sỹ Đặng Văn Ngữ làm giáo sư Trường Đại học Y khoa. Để quý Bộ ý hiệp, chuyển Bộ Tài chính thỏa thuận rồi gửi bản Bộ. Bác sỹ Đặng Văn Ngữ trước khi đi Nhật đã làm tại Trường ĐH Y khoa từ năm 1937-1943 và phụ trách thêm phòng thí nghiệm Vi trùng học trường ấy”.


Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,

Công điện số 74 của Bộ Giáo dục gửi Liên khu 4 cũng ghi rõ: “Yêu cầu báo bà Đặng Văn Ngữ, ở trường chuyên khoa Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh biết là bác sỹ Đặng Văn Ngữ bận công việc quan trọng không thể vào đón được. Rồi Chính phủ sẽ tổ chức đưa ra, không cần lo. Về sinh hoạt và tài chính sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng vào Chính phủ và các bạn ở Liên khu 4”.

“Đây là công điện của ông Huyên với tư cách Bộ trưởng Giáo dục gửi Liên khu 4 với đề nghị tạo mọi điều kiện để đưa ông Đặng Văn Ngữ từ Nghệ An ra Tuyên Quang”, ông Huy chỉ vào tờ công điện nói và bồi hồi: “Cách ứng xử với trí thức của cụ Huyên rất độc đáo”.

Có hai điều quan trọng liên quan cách ứng xử với trí thức. Thứ nhất là đề nghị cấp tiền để GS Đặng Văn Ngữ mang đầy đủ phòng thí nghiệm đi cùng. Thứ hai là điện cho vợ ông Ngữ biết việc đưa chồng bà an toàn ra miền Bắc làm việc, đồng thời để bà yên tâm “không phải lo về kinh tế, mọi thứ Chính phủ lo”.

Với GS Đặng Thai Mai, Bộ trưởng cũng gửi công điện cho Bộ Tài chính xin tiền đưa ông từ Thanh Hóa lên Việt Bắc, trong đó có cả việc vận chuyển nguyên thư viện của GS Mai đi cùng cũng như lo kinh phí để thuê người đưa cụ ra vì đã có tuổi.

“Sau này con gái GS Đặng Thai Mai, chị Đặng Xuyến Như viết hồi ký kể lại lúc đi từ Thanh Hóa ra Tuyên Quang, gia đình cụ thuê 13 người để toàn bộ sách vở của cụ ra đến tận Chiêm Hóa. Còn cụ Mai thì đi bộ cùng gia đình", ông Huy kể.

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Các tư liệu thể hiện cái tâm dùng người tài của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được con trai út lưu trữ cẩn thận

Trường hợp của Tiến sĩ  toán học Lê Văn Thiêm cũng quyết liệt không kém. Khi hay tin ông Thiêm từ Pháp sang Bangkok, qua Campuchia về đến chiến khu ở Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi ngay công điện cho ông Phạm Văn Đồng đề nghị điều động ông Thiêm ra Tuyên Quang giúp phát triển nền đại học kháng chiến.

Bài học từ Hồ Chủ tịch

PGS Nguyễn Văn Huy khâm phục sự tinh tế của cha mình trong cách trọng dùng người tài. Với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, điều họ cần là phòng thí nghiệm, là thư viện.
Cách đối đãi với người tài GS Nguyễn Văn Huyên không học đâu xa, chính từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, học ngay từ cách Người đã đối đãi với chính ông từ những việc nhỏ nhất không chỉ của ông mà cả gia đình.

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Gia đình Bộ trưởng Huyên tiễn ông đi Pháp dự hội nghị Fontainebleau năm 1946

Ông Huy nhớ, năm 1946, khi cha đi Pháp dự hội nghị Fontainebleau, được mẹ bế sang sân bay Gia Lâm tiễn cha. Bác Hồ đến động viên rồi tặng con trẻ một chiếc khăn mùi xoa bằng lụa rất đẹp. "Mẹ tôi giữ mãi kỷ vật này đến hết kháng chiến chống Mỹ, khi chúng tôi chuyển nhà, chiếc khăn này đã bị thất lạc".

"Nhớ có lần chị Hiếu (chị gái PGS Nguyễn Văn Huy) bị bó bột chân hai năm do lao xương, Bác Hồ còn gửi cao hổ cốt để chị trị bệnh. Sau này khi chị tôi gặp Bác ở một hội nghị vừa nói là con ông Huyên, Bác nhớ ngay tên chị là Hiếu. Những hành động quan tâm nho nhỏ nhưng tự tâm ấy đã góp phần không nhỏ khích lệ đội ngũ trí thức lúc bấy giờ. Tôi tin chắc cụ Huyên là một trong những người học Bác thật sự, học từ thực tiễn, rất thực tiễn", ông Huy chia sẻ.

Bài và ảnh: Thu Hằng

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/256947/thuat-dung-nguoi-doc-dao-cua-bo-truong-giao-duc.html
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/256947/-chu-phai-chia-bot-chu-cho-dan-.html

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Công cuộc tìm người tài đức kiến thiết quốc gia

"Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức", chiếu cầu tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 viết.

Khi mới giành độc lập, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp muôn vàn khó khăn. Hậu quả của nạn đói năm 1945 kéo dài dai dẳng, gần 95% dân số không biết chữ. Các thế lực thù địch lăm le phá hoại nhà nước non trẻ. Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được tổ chức trên toàn quốc. Quốc hội khóa I ra đời đã tiến hành kỳ họp thứ nhất tại Hà Nội, bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Chính phủ Liên hiệp kháng chiến có 15 thành viên, đến từ các đảng phái như Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội hoặc không đảng phái. Chính phủ có nhiệm vụ "thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền, hành chính, tư pháp", tổng động viên nhân lực và tài sản quốc gia theo nhu cầu của tình thế để đưa kháng chiến đến thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn.

huynhthuckhang-3439-1440328911.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (người mặc áo dài đứng bên phải) và nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sau là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Công cuộc kiến thiết đất nước xác định những nhiệm vụ trọng tâm là "Kiến thiết ngoại giao. Kiến thiết kinh tế. Kiến thiết quân sự. Kiến thiết giáo dục". Nhận định muốn kiến thiết thì phải có người tài đức cùng đứng ra gánh vác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì hai lần gửi điện mời nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng từ Huế ra Hà Nội làm Bộ trưởng Nội vụ. 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng được biết đến là người "giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan, không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan". Cụ cùng các nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh mưu nghiệp cứu nước nhưng không thành và bị đày ra Côn Đảo 13 năm. Sau khi ra tù, cụ lập báo Tiếng Dân, uy tín và tài đức vang xa, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội.

Vào cuối năm 1945, cụ Huỳnh Thúc Kháng đang ở Huế đã nhận được bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội tham gia Chính phủ. Ông cụ hơn 70 tuổi điện trả lời "Thời tiết xấu tôi chưa đi được và không thể nhận chức bộ trưởng. Nhưng trước sau tôi cũng ra gặp cụ". Vài hôm sau, cụ lại nhận tiếp được bức điện thứ hai có ký tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp gửi với nội dung "Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Nội vụ". Cụ Huỳnh Thúc Kháng đồng ý ra thủ đô nhưng từ chối lời mời làm bộ trưởng và nói "Tôi chỉ muốn ra để bày tỏ một vài ý kiến. Còn việc khác thì tôi không thể nhận".

Ngày 24/2/1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được đón ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai tư tưởng yêu nước gặp nhau, trao đổi nhiều chuyện. Trong cuốn Những năm tháng không thể nào quên, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại "Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác và cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều bước vội tới ôm lấy nhau. Bác và cụ Huỳnh bỗng dưng đều ứa nước mắt…".
Lúc đầu, cụ Huỳnh lấy cớ tuổi già, sức yếu mà từ chối, nhưng cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thuyết phục được. Ngày 2/3/1946, khóa họp đầu tiên của Quốc hội thông qua danh sách Chính phủ mới, cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Khi giới thiệu danh sách Chính phủ liên hiệp để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng "Bộ trưởng Nội vụ, một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng".

Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Pháp và đã ủy nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước, với lời dặn "Dĩ bất biến ứng vạn biến" để ứng phó với tình hình trong nước.
Ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục rất nhiều chí sĩ yêu nước, nhân sĩ trí thức của xã hội cũ góp phần vào sự nghiệp củng cố nền độc lập của nước nhà. Tư tưởng ấy được thể hiện ở việc tập hợp đoàn kết toàn dân với sự ra đời của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) vào ngày 29/5/1946. Đây là một trong những tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
botruonghuyen-2645-1440328911.jpg
Bộ trưởng Quốc gia giáo dục Nguyễn Văn Huyên và vợ Vi Kim Ngọc. Ảnh tư liệu.
Kiến thiết giáo dục là nhiệm vụ quan trọng của công cuộc kiến thiết quốc gia. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ông Nguyễn Văn Huyên đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc gia giáo dục. Ông Huyên du học nhiều năm ở Pháp về, từ chối lời mời ra làm quan của chính quyền thực dân để làm một thầy giáo bình thường. Sau ngày độc lập, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm thành viên của Ủy ban Kiến thiết quốc gia. Khi được giao giữ trọng trách Bộ trưởng Giáo dục, ông từ chối với lý do "thiếu kinh nghiệm". Trước sự tin cậy và dặn dò của Hồ Chủ tịch "Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân", ông nhận nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I và giữ cương vị "tư lệnh ngành" trong suốt 29 năm cho đến khi qua đời vào năm 1975.

Từ việc xóa nạn mù chữ cho nhân dân những năm đầu độc lập đến hai cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (năm 1950) và lần thứ hai (năm 1956) sau này, xây dựng nền giáo dục phát triển qua hai cuộc kháng chiến đều mang đậm "dấu ấn Nguyễn Văn Huyên". Bộ trưởng Huyên đã tổ chức và chủ trì nhiều hội nghị giáo dục với những nhà quản lý, trí thức và nhà giáo có uy tín để thảo luận và định ra nhiều chủ trương giáo dục phù hợp với thực tiễn kháng chiến.

Ngoài xóa mù chữ, tổ chức lớp học trong kháng chiến, đào tạo giáo viên, ông còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ học đường, nâng cao dân trí, phát triển sự nghiệp giáo dục miền núi, phát triển sử học và quốc văn vì đó là những lợi khí rèn tinh thần, tư tưởng dân tộc. Bộ trưởng Huyên có tài hùng biện, nói chuyện lôi cuốn người nghe. Hình ảnh "ông nghè Tây” rời bỏ cuộc sống đầy đủ dưới chế độ thực dân phong kiến để đi kháng chiến với tấm lòng son sắt đủ sức thuyết phục, lôi cuốn giáo viên, học trò, khẳng định con đường họ đã lựa chọn là đúng đắn.

Nhận thấy rõ vai trò của những trí thức yêu nước đang du học nước ngoài, Chủ tịch đã kêu gọi họ về kiến thiết quốc gia. Trong lớp thanh niên tài đức thời ấy, có 3 trí thức Việt kiều nổi bật là kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức "vua vũ khí" Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quý Huân và bác sĩ Trần Hữu Tước.

Năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã có 5 bằng đại học và kinh nghiệm làm việc trong các nhà máy chế tạo vũ khí của Pháp, Đức. Ông trở thành kỹ sư trưởng của nhà máy chế tạo máy bay ở Pháp, nhận mức lương tương tương 22 lượng vàng mỗi tháng thời bấy giờ. Kỹ sư Võ Quý Huân sang Pháp năm 25 tuổi, theo học 3 trường đại học một lúc với các chuyên ngành đúc, luyện kim, kỹ nghệ thực hành. Bác sĩ Trần Hữu Tước đỗ loại xuất sắc để vào làm việc tại Bệnh viện nhi đồng Necker, trung tâm y khoa danh tiếng của Pháp và cả châu Âu. Với tài năng của mình, bác sĩ Tước có khả năng nhận được nhiều cơ hội thăng tiến. 

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau đã tìm gặp những thanh niên trên và thuyết phục họ trở về Việt Nam. Chuyến tàu rời ga Lyon sáng 16/9/1946 chở theo 3 nhân tài về nước. Trong đó, việc trở về với kỹ sư Võ Quý Huân là quyết định khó khăn bởi ông đã có gia đình, một người vợ xinh đẹp cùng cô con gái 2 tuổi.
voquyhuan-5753-1440328911.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh bế con gái kỹ sư Võ Quý Huân ở Paris tháng 7/1946. Ông Huân sau này từ biệt gia đình nhỏ để về xây dựng đất nước thời kỳ khó khăn. Ảnh tư liệu.

Trở về khi đất nước còn nhiều khó khăn, sau này lại dấn dân vào cuộc kháng chiến, 3 thanh niên ấy đều đảm nhận những trọng trách quan trọng. Hồi ký của giáo sư Tạ Quang Bửu ghi lại: "Sớm muộn gì chiến tranh Việt - Pháp sẽ không tránh khỏi. Chú Trần Đại Nghĩa, chú Võ Quý Huân sẽ chế tạo được vũ khí đánh giặc, chú Trần Hữu Tước bào chế thuốc men. Đó là yêu cầu khẩn thiết lúc này".
Bằng tài năng, đức độ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa trở thành nhà khoa học lớn, cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Ông từng đảm nhận chức Cục trưởng Quân giới (nay là Tổng cục công nghiệp Bộ Quốc phòng). Kỹ sư Võ Quý Huân trở thành chuyên gia hàng đầu trong ngành đúc luyện kim và công nghiệp Việt Nam. Khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ, đã nghiên cứu sản xuất những mẻ thép đầu tiên phục vụ kháng chiến, đặt nền móng cho ngành đúc - luyện kim của Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Trần Hữu Tước giảng dạy tại Đại học Y dược ở chiến khu, đào tạo hơn 500 y bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Hòa bình lập lại, ông trở thành Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam. 

Để đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền móng đất nước, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra văn bản Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc số 411. Văn bản nêu rõ "Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận".

Hồ Chủ tịch cũng đề xuất sửa đổi khuyết điểm bằng cách chiêu mộ người tài. "Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó".

Chính sự cầu thị đã khiến nhiều trí thức yêu nước hướng về cách mạng, gạt bỏ nhiều vướng mắc để cùng gánh vác trọng trách quốc gia. Từ các nhà nho uy tín trong xã hội như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn đến các quan chức cấp cao của chế độ cũ như cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại. Một lực lượng lớn trí thức tài giỏi như luật sư Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám... hay các trí thức đang ở nước ngoài đều trở về.

Những nhân tài ấy đã góp phần xây dựng chính quyền, tạo nền móng quốc gia, tạo nên thế và lực cùng với khối đại đoàn kết toàn dân đưa đất nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, bảo vệ thành quả là nền độc lập mà cách mạng Tháng Tám giành được năm 1945.
Hoàng Phương

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cong-cuoc-tim-nguoi-tai-duc-kien-thiet-quoc-gia-3267584.html

Bí mật của vị Bộ trưởng gần 30 năm 'ngoài Đảng'

 - Trong các kỷ vật của cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên, vẫn còn lá đơn xin vào Đảng cùng bản lý lịch tự thuật úa màu thời gian.

Danh phận ở ngoài Đảng của cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên, nhà giáo dục, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa lớn của VN, vị Bộ trưởng Giáo dục trong 28 năm 350 ngày, từng là điều bí ẩn lạ lùng.
Đóng góp quan trọng của tầng lớp trí thức trong cuộc Cách mạng tháng 8/1945, trong đó có Nguyễn Văn Huyên từng tham gia “Nhóm bốn người đánh điện” đề nghị vua Bảo Đại thoái vị, trao chính quyền cho Việt Minh, có thể khiến bất cứ ai giở lại sử liệu đều phải đặt câu hỏi về điều bí ẩn này.

Thành phần đặc biệt
Con trai út của ông, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhắc lại một giai đoạn lịch sử quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của cha.

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, Nguyễn Văn Huy, cách mạng tháng Tám, trí  thức, giáo dục
Phòng trưng bày tư liệu về GS.TS Nguyễn Văn Huyên thời kỳ 1945 - 1975 tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Năm 1960, khi đó tròn 30 năm thành lập Đảng Lao động VN, Đảng có chủ trương kết nạp “lớp đảng viên 6 tháng Giêng", Đảng ủy Bộ Giáo dục muốn giới thiệu GS Huyên vào Đảng. Giữa lúc đất nước đang bị chia cắt thành 2 miền, công cuộc đấu tranh thống nhất còn khó khăn, trong một động thái cân nhắc thận trọng, Đảng ủy Bộ Giáo dục đem quyết định hỏi ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị.
Trong một bữa trưa mời riêng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Bác Hồ thẳng thắn gợi ý: "Chú ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn". Nhìn lại việc này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đánh giá quyết định của Cụ Hồ có ý nghĩa rất quan trọng.
“Đất nước chia cắt hai miền, rất cần người trong Đảng, ngoài Đảng, các đảng phái khác cùng tham gia chính quyền để thành một mặt trận thống nhất, đoàn kết cả nước”, phân tích của ông Huy.
Và mãi gần đây, ông Huy và một số ít người mới được biết vào thời điểm đó, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết 10 về việc này. Trong đó có quyết định không kết nạp một số trí thức cao cấp không thuộc đảng phái nào, để "ở ngoài có lợi hơn".
Mang danh phận ở ngoài Đảng nhưng mọi sinh hoạt của Đảng, chi bộ, Đảng ủy Bộ,  Đảng Đoàn, ông đều được mời tham dự. Đại hội Đảng toàn quốc ông là đại biểu mời. Có nghĩa ông chẳng khác nào đảng viên của Đảng, chỉ khác biệt không đóng đảng phí và tham gia biểu quyết. Chính do sự “bí ẩn” này, nhiều năm về sau các con của ông dù đi bộ đội, phấn đấu nhiều năm nhưng chưa thể vào Đảng.
“Vì họ thấy trong gia đình tôi không có ai là đảng viên, thành phần giai cấp lại rất đặc biệt”, ông Huy lý giải.
Nhưng đó cũng không phải chuyện bất biến. Năm 1972, ông Huy công tác tại Ủy ban Khoa học xã hội VN. Khi cân nhắc quyết định kết nạp ông vào Đảng, tổ chức đã cẩn thận đến Bộ Giáo dục hỏi rõ chuyện “Bộ trưởng ngoài Đảng” của cha ông và được giải thích rõ việc này.
Hai chị gái của ông sau đó cũng lần lượt trở thành đảng viên Đảng Cộng sản VN.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, Nguyễn Văn Huy, cách mạng tháng Tám, trí  thức, giáo dục
Lý lịch tự khai và đơn xin vào Đảng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên

Hiện lá đơn xin vào Đảng và bản lý lịch tự thuật của GS Nguyễn Văn Huyên vẫn được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên do chính ông Huy lập ra.
Lá thư từ Fontainebleau
Trở lại lịch sử. Năm 1935, trở về từ Pháp sau nhiều năm dùi mài kinh sử từ cấp cử nhân đến tiến sĩ, Nguyễn Văn Huyên bắt đầu sự nghiệp là một anh giáo ở trường Bưởi, rồi làm nghiên cứu khoa học, giáo dục.
Ông dấn thân vào con đường chính trị với hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ - tổ chức do Đảng Cộng sản Đông Dương sáng lập, từ năm 1938, cùng với Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai…

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, Nguyễn Văn Huy, cách mạng tháng Tám, trí  thức, giáo dục
GS.TS Nguyễn Văn Huyên (người thắt cà vạt đen ở giữa) cùng với các trí thức trẻ người Việt học tại Pháp năm 1928

Trong cuộc mít tinh ngày 23/8/1945 của trí thức và sinh viên ở VN học xá Hà Nội  (nay là Đại học Bách khoa), Nguyễn Văn Huyên đã kêu gọi sinh viên ủng hộ Việt Minh.
Ông cùng Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường, đại diện trí thức ba miền gửi điện đề nghị vua Bảo Đại thoái vị, trao chính quyền cho Việt Minh. “Nhóm bốn người đánh điện” đã tạo nên một sự kiện lịch sử của cuộc cách mạng.
Tháng 12/1945, Chính phủ lâm thời quyết định thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (tiền thân của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) nhằm soạn thảo các đề án kiến thiết quốc gia. Nguyễn Văn Huyên cùng hơn 40 bộ trưởng, thứ trưởng, nhân sỹ, trí thức trở thành ủy viên ủy ban này.
Cho đến tháng 9/1946 ở Pháp, sự trải nghiệm cách mạng đã mang đầy những cảm xúc trưởng thành hơn với nhân sĩ trí thức yêu nước. Kể từ sau hội nghị Đà Lạt với vai trò cố vấn, Nguyễn Văn Huyên trở lại Pháp trên cương vị thành viên đoàn đại biểu VN Dân chủ Cộng hòa đàm phán tại hội nghị Fontainebleau. Từ Fontainebleau, ông viết thư cho vợ, bà Vi Kim Ngọc.
Thư viết: “Đây là dịp để Huyên thay mặt cả nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài 20 năm thở vắn than dài, cố sức sửa mình để thoát khỏi vòng áp chế... Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ? Ngọc hiểu biết lắm nên Huyên mới nhảy vào vòng mà gỡ mối tơ vương. 20 năm lăn lộn sách đèn, một chục năm phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh tay”.

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, Nguyễn Văn Huy, cách mạng tháng Tám, trí  thức, giáo dục
Con trai út, PGS.TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu về các công trình nghiên cứu khoa học của Bộ trưởng Huyên trong những năm 1930

Bức cũng thư nhắc lại sự ra đời của người con trai út Nguyễn Văn Huy vào những ngày cận kề Cách mạng Tháng 8 (3/8/1945) như một luồng ánh sáng mới bắt đầu.
“Huy ra đời trong thời buổi tuy cái nguy đầy rẫy nhưng ánh sáng huy hoàng đã bắt đầu bao phủ cả một góc trời Nam. Chúng ta muốn ánh sáng ấy đầy hạnh phúc và hòa bình trong thế hệ tương lai này nên gọi chú Huy là Văn Huy. Bố là Văn Huyên một ánh sáng nhẹ nhàng, mẹ là Kim Ngọc một vật quý không vết, con Văn Huy phải tiến một bước dài trong các nguồn hạnh phúc của các chị lớn”, thư gửi từ Paris.

Bài và ảnh: Thu Hằng
Tiếp: Từ Bộ trưởng chia chữ cho dân đến nghệ thuật dùng người tài

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/256916/bi-mat-cua-vi-bo-truong-gan-30-nam--ngoai-dang-.html

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Sự đầu thai của các linh hồn và lễ xá tội vong nhân của người Việt

Trong những ngày tháng Bảy âm lịch này, khi các gia đình người Việt theo tín ngưỡng Phật giáo đang chuẩn bị đồ cúng Rằm, Bảo tàng chúng tôi xin trích giới thiệu bài nghiên cứu của GS. Nguyễn Văn Huyên về lễ xá tội vong nhân của người Việt, đăng bằng tiếng Pháp trên tạp chí Indochine năm 1941, để cùng tìm hiểu về một ngày lễ quan trọng trong đời sống tâm linh.

Nguyễn Văn Huyên
Indochine, Hebdomadaire Illustré, số 52, 8-1941
Người dịch: Đỗ Trọng Quang

(…) Nhưng trong thế giới huyền bí, có những hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc, hay chẳng có thân thích và bạn bè. Đấy là hồn của những người bất hạnh chết vì tai nạn hoặc nghèo khổ trên các nẻo đường, mà xác không được mai táng, và chẳng có ai trông nom. Những hồn này lang thang theo sau các đám mây đen, những màn mưa phùn lâm tâm, hay nằm trên các cành cây. Đấy còn là hồn của những người chết đuối ở sông ngòi, ở biển, lởn vởn những nơi họ đã chết, để đợi có kẻ khác chết thay. (…) Để làm nguôi ngoai tất cả những linh hồn khốn khổ đó, thỉnh thoảng, nhất là vao ngày mồng một và ngày rằm, người ta cúng hương và giấy vàng, giấy bạc.

Nhưng cái chết không phải là một sự kết thúc hẳn: nó chỉ là điểm cuối cùng của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của những kiếp luân hồi đạo Phật. Sự có mặt của chúng ta trên thế gian này chỉ là một chặng của vòng quay muôn thuở sự sinh ra đời, sự sống với chuỗi dài sướng và khổ của nó, sự già nua, cái chết, và sự trở lại cuộc đời trên mặt đất sau một thời gian hoặc ngắn hoặc dài ở trong những đáy sâu thẳm của tối tăm.
(…)

Rằm tháng Bảy: Đó là ngày lễ của người đã chết, một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo. Vừa lúc mặt trời lặn, các cửa địa ngục mở toang, và hồn những kẻ bị đày đọa ùa ra các nẻo đường, trần trụi và đói khát. Nếu muốn cung ứng cho các nhu cầu cấp thiết nhất của họ, thì vào ngày đó người ta phải bày lên bàn thờ họ những đĩa thức ăn, người ta cúng hồn quần áo, đồ đạc, những thoi vàng và bạc bằng giấy.

Ngoài ra, muốn được các thần thương xót, tối hôm đó, sau khi cúng gia tiên, người ta cúng cho tất cả các hồn bị bỏ rơi một mâm cơm. Vì thế, ta thấy ở các phố, lúc sẩm tối, ai cũng đặt trước nhà mình những bàn đầy những bát cơm, bát cháo, bánh, hoa quả, quần áo cắt bằng giấy nhiều màu, rất nhiều vàng mã.

Rằm tháng Bảy ngày nay trở thành ngày từ thiện lớn: người giàu cho người nghèo và những người hành khất rất hào phóng; các hội từ thiện đi quyên để chia của bố thí trong các nhà tế bần và bệnh viện.

Ở các chùa lớn, người ta làm lễ bằng những khoản quyên góp của các thiện nam tín nữ. Hôm đó, người ta dựng một đàn lớn bằng gỗ hoặc tre dài từ bàn thờ Phật đến tận giữa sân chính của chùa. Khoảng cuối buổi chiều, trên chiếc bàn lớn này chồng đủ thứ kẹo, bánh, hoa quả mà tín đồ mang đến hay do nhà chùa mua.

Mọi người vứt lung tung vào đấy rất nhiều đồ vàng mã như tiền, quần áo, mũ, giày,…

Trời sẩm tối, chùa đã đầy người đứng đợi lúc giải thoát cho linh hồn những người thân thích của mình. Người ta đốt rất nhiều hương, và thắp hết cây nến lên. Hòa thượng chủ trì nhà chùa, theo sau là tất cả các sư sãi trong chùa, đôi khi có những sư các chùa nhỏ quanh vùng đến nhập hội, đứng trước đàn này. Hòa thượng tụng kinh và niệm thần chú để cho những đồ cúng hiện có ở trên đàn tăng lên thật nhiều.

Lễ này kéo dài đến rất khuya. Cuối cùng, sau khi đã giải thoát linh hồn của những kẻ bị đày ở địa ngục, hòa thượng cúng hồn một mâm cơm bố thí và đọc cho tín đồ nghe những lời răn của Phật để khuyến khích họ làm điều thiện nếu muốn chuẩn bị vào cõi Niết bàn.

Hôm đó, từ những người quyền quý nhất đến kẻ nghèo khó nhất, ai cũng mong cho cha mẹ và người thân của mình đã khuất được nhập Niết bàn mà được dân chúng quan niệm là cõi thiên đường. (…)

Đấy là tóm tắt trong vài dòng ngày lễ lớn xá tội vong nhân của người Việt Nam. Như ta thấy, nó có một tầm luân lý lớn. Nó hướng tới khuyến khích mọi người ăn ở tốt trong cuộc đời ngắn ngủi trên trái đất của mình, và an ủi tất cả các hồn trong cuộc đấu tranh gay go giành sự sống. Tất cả trong cái xứ sở có thiên nhiên nghiệt ngã này, nhất là những thời kỳ khắc nghiệt này của mùa hè, đều phải nâng cách quan niệm của mình mọi khổ ải trên thế gian này lên quy mô những chuỗi luân hồi dài vô tận, nhằm khiến linh hồn phải hoàn thiện, phải làm tinh tế bản thể của mình bằng cách thực hành những đức nhân từ và từ bỏ cuộc đời phàm tục. Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn cả về thể chất cũng như tinh thần và trí tuệ.

Nguyễn Văn Huyên toàn tập, Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, tập 2, NXB Giáo dục, 2001, tr. 989-997

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Bình luận - giới thiệu của GS. Lương Văn Hy, Đại học Toronto, về Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

































Bình luận - giới thiệu của GS. Lương Văn Hy, Đại học Toronto, về Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Lắp đặt hiện vật Rối bóng Indonesia

Nhân vật rối bóng có tên gọi Kresna trong sử thi Mahabharata do Tổng thống Sukarno của Indonesia tặng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên nhân chuyến công tác trao đổi giáo dục năm 1959. Sau một thời gian nghiên cứu tìm cách thể hiện, hiện vật này đã được trưng bày từ chiều ngày 22/8/2015.

 Họa sĩ Phạm Đam Ca và Giám đốc Nguyễn Văn Huy



Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Bức điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị

Nhân kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945) sắp tới, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên xin giới thiệu trích đoạn hồi ký của GS. Nguyễn Xiển với những trí thức Việt Nam trong những ngày Cách mạng tháng Tám bùng nổ:

"Tôi (Nguyễn Xiển) đi ra tìm xe đạp về nhà, trong lòng rất phấn khởi trước khí thế cách mạng của nhân dân, vui mừng còn có phần vì đã quyết định theo tình cảm tự nhiên của mình, ngả về phía quần chúng, không chần chừ ngay trong giây phút vừa qua, giây phút mà sau này được coi là lịch sử.

Ngày 21 tháng Tám, các sinh viên cứu quốc Phan Mỹ, Lê Văn Giạng đến mời các anh Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum và tôi đến khu nhà Đông Dương học xá nói chuyện với sinh viên. Chúng tôi đến hô hào các bạn trẻ ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh, được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng.

Ngày 22 tháng Tám, bốn trí thức có tên một cách áp đặt và bất đắc dĩ trong danh sách Hội đồng tư vấn của chính phủ Trần Trọng Kim là Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum, Hồ Hữu Tường và tôi bàn với nhau nên đánh điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị, giao cho Việt Minh thành lập chính phủ để tránh nội chiến. Bức điện ấy do Hồ Hữu Tường và tôi thảo ra và đích thân ra bưu điện Bờ Hồ gửi đi; có sự đồng ý và tán thưởng của hai anh Nguyễn Văn Huyên và Ngụy Như Kontum.

Xin nói thêm, chúng tôi tự động gửi bức điện trên coi như phản ánh nguyện vọng của đại bộ phận trí thức Trung, Nam Bắc (Nguyễn Văn Huyên là người Bắc, Hồ Hữu Tường quê trong Nam, Ngụy Như Kontum và tôi ở Trung Kỳ). Chúng tôi được ghi nhận là “Nhóm bốn người đánh điện” (les quatre télégraphistes) nhưng hiểu rằng Cách mạng tháng Tám là sự nghiệp của toàn dân vùng lên giành chính quyền từ tay Nhật và đánh đổ triều đình phong kiến nhà Nguyên, cử chỉ của chúng tôi chỉ là góp thêm một tác động nhỏ về chính trị tinh thần vào một cao trào đã lớn mạnh ở một tình thế đã chín muồi."

Giáo sư Nguyễn Xiển – Cuộc đời & Sự nghiệp, NXB Hội nhà văn, 2007

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Bảo tàng của tình yêu - Báo Văn nghệ ngày 08/08/2015

Hồ Anh Hải

"Khu nhà Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên khuất trong một ngõ hẹp ở làng Lai Xá, ngoại thành Hà Nội. Cổng vào không có bất kỳ trang trí hoặc màu sắc nào gây chú ý, chỉ có một biển tên nhỏ gắn trên tường. Từ trong đến ngoài, tất cả đều giản dị, khiêm tốn. Nhưng khi nghe giới thiệu mới biết cách bài trí ở đây rất công phu và đầy ý tưởng. Từ mỗi gốc cây được trồng, mỗi viên gạch cổ lát lối đi trong mảnh vườn xinh xinh có cái tên đầy thi vị "Vườn Ký ức", cho tới sự bố trí các kỷ vật nói lên truyền thống gia đình của ông bà Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc trong bốn tầng nhà nhỏ, tất cả đều thể hiện tình cảm sâu sắc của con cháu nhớ và nghĩ đến tiền nhân. Đây là điều đầu tiên người xem cảm nhận được khi đi vào khoảnh sân và mảnh vườn khu Bảo tàng." (Liên kết đến file bài báo)


Link đến file PDF

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Bác sỹ Nguyễn Huy Phan - Người bắc cầu nối quan hệ Việt - Mỹ

Khi bước lên tầng 4 của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, khách tham quan bắt gặp một bức ảnh lớn của gia đình GS. Nguyễn Văn Huyên. Tuy nhiên, so với phả hệ bên dưới tầng 1 thì có thêm một người đàn ông cao lớn, khỏe mạnh chụp cùng gia đình. Người đó là bác sỹ Nguyễn Huy Phan, một người con nuôi của ông bà Huyên và sau này là người bắc những nhịp cầu đầu tiên kết nối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Cũng chính vì công việc tuyệt mật này mà ông bị kỷ luật do bị nghi ngờ là gián điệp cho Mỹ. Và người giải oan cho ông chính là Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Câu chuyện này vừa được báo Tuần VietnamNet đăng tải và Bảo tàng chúng tôi xin trích đăng lại như dưới đây:


Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, Việt Nam (VN) lại bước vào một giai đoạn mới vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khôi phục kinh tế, phát triển đất nước. Bối cảnh lịch sử ấy đặt lên vai một vị tướng một trọng trách lớn lao: Thực thi sứ mệnh ngoại giao- một nhiệm vụ quan trọng và cơ mật. Và với phẩm chất, trí tuệ và bản lĩnh, ông đã hoàn thành xuất sắc. Vị tướng ấy là Đại tướng Lê Đức Anh - người lặng thầm khai mở quan hệ Việt- Mỹ.

Qua nghiên cứu, tìm tòi, Đại tướng Lê Đức Anh đã bật ra suy nghĩ “sẽ mở cửa thăm dò bằng hướng khoa học kỹ thuật”. Lúc ấy, có một sự kiện tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa, đó là: Thiếu tướng, Giáo sư, Bác sỹ Nguyễn Huy Phan đang công tác tại Bệnh viện 108 (Bộ Quốc phòng) là một bác sỹ rất giỏi về phẫu thuật chỉnh hình, vừa tham dự một hội nghị về phẫu thuật chỉnh hình quốc tế và được các bác sỹ quốc tế, trong đó có nhóm bác sỹ người Mỹ rất ngưỡng mộ, ngợi khen. 

Vài ngày sau, phía Mỹ mời ông Phan tiếp tục dự một hội nghị quốc tế về y khoa tổ chức tại Mỹ. Vì vậy, Đại tướng mới gọi bác Phan vào giao nhiệm vụ: Khi sang bên đó, đồng chí chỉ tập trung báo cáo thật tốt thành tựu của mình về y khoa chỉnh hình, đừng có nói gì về chính trị. Việc này tuyệt đối cơ mật, chỉ có Bộ Chính trị và người được giao nhiệm vụ biết. Bác Lê Đức Anh cũng căn dặn, nếu những bác sỹ người Mỹ có ý định giúp nhân dân VN một điều gì đó thì cứ mời họ sang. 

Khi sang tới đất Mỹ, bà con Việt Kiều, trong đó có nhiều người là bác sỹ, nghe tin có một bác sỹ người Việt nổi tiếng thế giới về phẫu thuật chỉnh hình tới thăm thì rất ngưỡng mộ, đón tiếp nồng nhiệt. Tranh thủ sự ủng hộ ấy, ông Nguyễn Huy Phan đã làm theo lời dặn của Đại tướng, đặt vấn đề với nhóm bác sỹ của Mỹ để họ cử những đoàn “Phẫu thuật nụ cười” qua VN.


Giáo sư Nguyễn Huy Phan báo cáo phương pháp tạo hình nhân một trường hợp thương binh nặng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Tôn Đức Thắng, ngày 27-7-1974. Ảnh TL/ Toquoc.vn

Ông Nguyễn Huy Phan đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao. Và đúng theo dự kiến của tướng Lê Đức Anh, chỉ một thời gian ngắn, phía Mỹ đã cử một đoàn bác sỹ sang phẫu thuật miễn phí cho những trẻ em bị khuyết tật sứt môi hở hàm ếch tại VN. Đó là khâu mở đầu rất quan trọng, khẳng định từ việc giao lưu y tế đã giúp VN thăm dò được thiện chí của Mỹ.

Sau một hai đợt các tốp bác sỹ của Mỹ và VN giao lưu, hỗ trợ qua lại trên tinh thần cởi mở, thân thiện, theo đề nghị của tướng Lê Đức Anh, Trung ương đã cử ông Nguyễn Huy Phan làm Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, là cầu nối liên lạc giữa hai bên. Thế nhưng, một tình thế hết sức khó khăn là do ông Phan được giao nhiệm vụ tuyệt mật nên Tổng Cục Hậu cần (quản lý toàn bộ ngành y của Quân đội) đã kỷ luật ông Phan vì cho rằng ông là gián điệp của Mỹ.

Chính sự hiểu lầm ấy đã dẫn tới số phận một con người bị đẩy sang một hướng rẽ khác, mà mãi tới sau này khi quá trình bình thường hóa thắng lợi, mọi việc có thể công khai thì ông Nguyễn Huy Phan mới được minh oan, được tuyên dương công trạng và được thưởng Huân chương Lao động. Người “giải oan” cho ông Phan không ai khác chính là Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Đại tá Khuất Biên Hòa - Nguyên trợ lý của Đại tướng Lê Đức Anh