Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Hội thảo khoa học "Nhân học ở Việt Nam: Lịch sử, Hiện trạng và Triển vọng"

Hội thảo dành một tiểu ban gồm các tham luận phân tích về những đóng góp khoa học và hoạt động giáo dục của GS. Nguyễn Văn Huyên trong việc xây dựng ngành dân tộc học/nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Tiểu ban: Nguyễn Văn Huyên và Nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Chủ trì:
GS.TS. Ngô Văn Lệ
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy

1. TS. Olivier TESSIER, Những bước đi đầu tiên của ngành Dân tộc học ở Việt Nam: Vai trò quan trọng của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp
2. GS.TS. Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Văn Huyên và việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam
3. PGS.TS. Đỗ Lai Thúy, Di sản Nguyễn Văn Huyên, hôm nay nhìn lại
4. TS. Đinh Hồng Hải, Những tri thức bác học của Nguyễn Văn Huyên (Một số dẫn liệu từ bộ sách Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam)
5. PGS.TS. Nguyễn Phương Ngọc, Nguyễn Văn Huyên với việc tổ chức nghiên cứu và đào tạo
cho ngành Nhân học trước năm 1945
6. Ths. Nguyễn Mạnh Tiến, Xác lập căn cước dân tộc - Trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX đối
diện với sự kiện Hát đối đáp, trường hợp Nguyễn Văn Huyên

Thời gian: 10h30-12h, phòng 506 nhà E, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội


Trên phạm vi quốc tế, nhân học là một ngành khoa học cơ bản, ra đời từ thế kỷ XIX, có vị trí học thuật quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt sâu sắc, đã và đang được triển khai đào tạo ở nhiều trường đại học trên thế giới. Với đối tượng nghiên cứu là con người, nhân học bao quát nhiều chủ đề, từ khía cạnh sinh học đến văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục, nghệ thuật, pháp luật, sức khỏe, v.v. ở các không gian và thời gian khác nhau.

Ở Việt Nam, truyền thống dân tộc học theo mô hình của Pháp đã được định hình từ đầu thế kỷ XX. Trong nửa sau thế kỷ XX, truyền thống dân tộc học theo mô hình Xô-viết từng bước được xây dựng, phát triển và có những đóng góp quan trọng cho nhà nước và xã hội. Từ đầu những năm 1990, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, xu thế đổi mới, mở rộng dân tộc học thành nhân học đã mở ra một chương mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của ngành học. Quá trình đổi mới, phát triển và mở rộng đối tượng nghiên cứu và đào tạo của ngành học trong những thập kỷ vừa qua vừa mang lại những cơ hội mới, song cũng chứa đựng những thách thức, cần được trao đổi, phân tích và phải có hướng giải quyết một cách hiệu quả.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) phối hợp với Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Viện Dân tộc học và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tổ chức hội thảo quốc tế nhằm mục đích: (i) Đánh giá về lịch sử, hiện trạng, thành tựu và thách thức của ngành, đề ra các giải pháp thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, xây dựng thể chế và phát triển ngành học; (ii) Công bố kết quả nghiên cứu mới về một số chủ đề cơ bản của ngành; và (iii) Tăng cường hợp tác giữa các nhà nhân học/dân tộc học, các đơn vị nghiên cứu và đào tạo nhân học/dân tộc học ở trong nước và nước ngoài, thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo, công bố khoa học, trao đổi tài liệu, v.v.

CÁC CHỦ ĐỀ CỦA HỘI THẢO
-         Lịch sử, thành tựu và thách thức trong công tác xây dựng thể chế ngành học (các bộ môn, khoa, viện nghiên cứu, tạp chí, hội, bảo tàng, v.v.), công tác đào tạo và nghiên cứu của ngành.
-         Vị trí, vai trò và đóng góp của một số nhà nhân học đầu đàn, đầu ngành trong quá trình xây dựng ngành học trong thế kỷ XX.
-         Kết quả nghiên cứu mới về các chủ đề: tộc người, đô thị hóa, sinh kế, các thể chế văn hóa và biến đổi xã hội.

THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM CỦA HỘI THẢO
-        Thời gian: 29 tháng 9 năm 2015
-        Địa điểm hội thảo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

CÁC MỐC THỜI GIAN QUAN TRỌNG
-         6/4/2015: Thông báo lần 1 mời nộp tóm tắt báo cáo tham gia hội thảo
-         31/5/2015: Hạn nộp tóm tắt báo cáo
-         8/6/2015: Thông báo lần 2 mời viết báo cáo tham gia hội thảo
-         31/8/2015: Hạn nộp toàn văn báo cáo
-         10/9/2015: Thông báo lần 3 về Chương trình hội thảo
-         29/9/2015: Hội thảo

THỂ LỆ BÁO CÁO
-         Báo cáo tóm tắt dài 200 - 350 từ.
-         Báo cáo toàn văn dài không quá 10.000 từ.

ĐỊA CHỈ NHẬN TÓM TẮT, BÁO CÁO TOÀN VĂN VÀ LIÊN HỆ HỘI THẢO

PGS.TS. Nguyễn Văn Sửu, Chủ nhiệm Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: nvsuu@yahoo.com.

WEBSITE CÁC ĐƠN VỊ TỔ CHỨC
Website Khoa Nhân học: http://nhanhoc.edu.vn
Website Viện Dân tộc học: http://viendantochoc.vass.gov.vn
Website Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên: www.nguyenvanhuyen.org.vn

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Tết Trung thu

Lời dẫn: Trung thu không chỉ là tết dành cho trẻ em như chúng ta thường thấy trong xã hội hiện đại. Từ xa xưa, nó được coi là ngày lễ của những người làm nông nghiệp và dần được gắn những quan niệm mới, ước vọng mới của xã hội khiến nó trở nên sinh động và gần gũi với mọi tầng lớp. Quan trọng hơn, mặt trăng, biểu tượng của khả năng sinh sản và người bảo trợ của đời sống vợ chồng, khiến cho Tết Trung thu cũng là dịp để nam nữ tìm hiểu nhau qua những câu hát đối, hoạt động vui chơi trong đêm trăng rằm. Nhân dịp Tết Trung thu sắp đến, chúng ta cùng đọc lại trích đoạn bài "Tết Trung thu" của GS. Nguyễn Văn Huyên đăng trên tạp chí Indochine năm 1942 để cùng thưởng thức sự phức tạp và thú vị của ngày Tết dân gian này.

Nguyễn Văn Huyên
Indochine, Hebdomadaire, Illustré, số 108, 24/7/1942
(bản dịch của  Đỗ Trọng Quang)

(…) Mặt trăng, được coi là biểu tượng của khả năng sinh sản, trở thành người bảo trợ của phụ nữ và đời sống vợ chồng. Trên mặt trăng có cung của ông Nguyệt lão và bà Nguyệt, cả hai đều quyết định việc hôn nhân của mọi người trên trái đất. (…) Chính bằng những sợi chỉ tơ hồng mà ông tơ rằng buộc các cặp vợ chồng tương lai. Ông tơ càng buộc chặt, họ càng xích gần nhau, càng yêu nhau. Trai gái chỉ chắc chắn về tình yêu của họ và được gắn bó với nhau trong tương lai bằng hôn nhân nếu sợi được se để thành chỉ. Họ còn ngập ngừng khi chỉ bị rối. Có trường hợp Nguyệt lão se sẵn chỉ trước, buộc cặp vợ chồng tương lai. Chính vì vậy mà một số cuộc cưới xin được dễ dàng: người ta không cần phải đợi cho đến khi chỉ được se xong.

Dù sao, Trung thu, tết của mặt trăng, đồng thời cũng là tết dạm hỏi, lúc cả nam và nữ đều tìm cách làm vừa ý người khác và tìm thấy trong đám đông người bạn đời tương lai của mình. Họ tụ tập từng nhóm từ sáu đến tám người, ngay lúc sẩm tối, trước cửa hay trong sân nhà mình. Họ đứng thành hai phe, một phe nữ, một phe nam. Và họ vừa hát đối vừa ngắm trăng. Người con trai (hay người con gái) có thể bị loại vì hát tồi, hay vì không tìm được câu thơ đáp lại đối phương. Cuộc thi hát đối đáp này chỉ kết thúc khi tất cả những người hát của một phe đều bị loại, chỉ trừ một. Lúc mỗi bên chỉ còn một người hát, thì ai thắng được giải nhất, còn người kia được giải nhì. Phần thưởng này là tiền, lụa, chè hay cái quạt.


Tiếp theo những cảnh hát đối đáp này thường là lễ dạm hỏi và cưới xin: người con gái vừa có sắc vừa có tài được đối phương mình lấy làm vợ, hoặc được một chàng trai đã dự hội dạm hỏi. Nếu những cuộc hát đối đáp này không được kết thúc bằng dạm hỏi thì ít nhất đây cũng là cơ hội để trai gái làm quen nhau.

Ở các gia đình giàu có và danh giá, con trai và con gái không được phép hát như thế. Tuy nhiên, những cô gái thuộc gia đình thượng lưu, để tỏ tài mình trước mắt các chàng trai và các bà mẹ chồng tương lai, đều nhân dịp tết tháng Tám, cũng gọi là tết trẻ em, để đua tài bằng cách làm đủ loại đồ vật với bột, giấy, hoa quả, v.v.

Đêm Trung thu, cả nhà tưng bừng. Cửa mở toang và tất cả những ai ăn mặc tươm tất đều có thể vào nhà. Cô gái có vai trò tích cực nhất trong việc chuẩn bị tết thì lui vào một căn phòng có mành che kín. Trẻ con nô đùa xung quanh bàn dưới sự chỉ dẫn của các anh trai và chị dâu. Khách có thể tự do đi xung quanh bàn. Họ bình phẩm, cười vui. Rồi sau khi khen ngợi và cảm ơn chủ nhà, họ đi ra và tới các gia đình khác. Các vị quý khách thì được cha mẹ tiếp. Và các cô gái chỉ ra khi bố mẹ gọi bưng nước mời khách.

Như vậy, tết Trung thu, trong một quá trình diễn biến lâu dài của tư tưởng và phong tục, đã trở thành ngày hội lớn của tuổi trẻ, trong đó trai gái gặp gỡ nhau và hát đối đáp giữa các đám đông và dưới ánh trăng. (…) Trong các cuộc hát đối đáp đó, họ tha hồ tìm hiểu nhau. Những lời thề thốt được trao đổi trịnh trọng trước ánh trăng rực rỡ xuất hiện uy nghi như một vị thần chứng giám. Và như vậy, ở cuộc đấu tao nhã này nảy nở một tình yêu và những giá trị. Có trường hợp những mối dây chắc chắn ràng buộc các lứa đôi này và những đám cưới được cử hành vào ngày lành tháng tốt của mùa xuân sau.

(…) Đêm đó, khi trăng đã lên ngự uy nghi ở điểm cao nhất của bầu trời, vào thời kỳ này thường rất quang và trong vắt, các nhà thơ tụ họp nhau để uống “rượu hoa vàng” dưới bóng những cây trúc, và nhắm những con ốc ở tháng này của mùa thu thường béo hơn ở những thời kỳ khác, và để cùng nhau ứng tác những vần thơ ca ngợi thiên nhiên vĩnh cửu và tuyệt đẹp. (…)

Trái lại, những thanh niên đã hoặc sắp sửa học hành thành tài lại vui tết Trung thu theo kiểu của họ. Đối với họ, đây là ngày tết của tương lai, ngày tết mở đầu cho các kỳ đỗ đạt sắp tới của họ. (…) Cây đa che cho chú Cuội của dân gian trở thành cây nguyệt quế có hoa nở về mùa thu và đôi khi rụng xuống mặt đất. Cái cây hiếm hoi này, với những cành nhanh oai vệ, là biểu tượng của sự đỗ đạt vinh quang. Đêm đó, ai cũng mong muốn lên cung trăng, qua giấc mộng, bằng một chiếc thang “mây”, mây đan hay mây trời, để hái một cành kỳ diệu của nó.

Vì thế, ở tết Trung thu này, người ta bày lên bàn dành cho trẻ em tất cả các hình trạng nguyên, tiến sĩ… của những khoa thi ngày xưa, hình bàn thờ gia tộc, các đình làng, là những nơi các vị tân khoa sẽ phải đến long trọng làm lễ khi vinh quy về làng.

Trung thu ở nước Việt Nam này đã trở thành một ngày tết mang tính chất phức tạp thú vị, đến nỗi cũng như tất cả các lễ hội có đặc tính dân gian khác, nó làm cho ai cũng quan tâm và sung sướng, bất kể họ thuộc giai tầng nào hay lứa tuổi nào trong nước. Thoạt tiên được coi là ngày lễ của người làm ruộng chỉ lo lắng đến vụ thu hoạch của mình, nó đã được những quan niệm mới và ước vọng mới của xã hội làm trẻ lại và trở nên sinh động. Là ngày tết của dạm hỏi, nó góp phần to lớn làm cho xích lại gần nhau các nhóm và các gia đình sống tách biệt hẳn nhau sâu sắc kể từ sau những ngày lễ hội của Tết Nguyên đán vừa qua. Là ngày tết của lớp tuổi trẻ học trò, nó mang lại cho mọi người hy vọng rằng, trong những ngày sắp đến, họ có thể thờ vua giúp nước, và họ sẽ xứng đáng với lòng tin cậy của các bậc huynh trưởng cũng như của các cô vợ xinh đẹp và đức hạnh đang trông mong trong sự im lặng và tần tảo, được theo sau chàng trong đám rước vinh quy trên những chiếc võng điều.
  
Nguyễn Văn Huyên toàn tập, Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, tập 2, NXB Giáo dục, 2001, tr. 953-969.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Xuất hiện trên Google Maps

Từ hôm nay, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên chính thức xuất hiện trên bản đồ của Google (Google Maps). Du khách tới Hà Nội có thể tìm vị trí Bảo tàng trên bản đồ và được dẫn đường bởi các thiết bị di động như điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng...




Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

'Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng'

 - Một gia đình gồm hai vợ chồng già cùng con trai đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Họ xem rất kỹ từng hiện vật, không bỏ sót các dòng giới thiệu. Trước khi ra về, người chồng ghi lại những dòng lưu niệm trong căn “vườn ký ức” của Bảo tàng. Người vợ kể cho chúng tôi một kỷ niệm với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. 

>> Kỳ 2: Thuật dùng người độc đáo của Bộ trưởng Giáo dục

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Chuyện lọt tên một nữ sinh 
“Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Nam Định. Sau khi học xong phổ thông, tôi học khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội, rồi trở thành cô giáo trong suốt 35 năm và đã nghỉ hưu năm 2005. Có một câu chuyện tôi nhớ mãi không bao giờ quên.

Năm 1963 tôi tốt nghiệp cấp 2 (trường Trần Đăng Ninh). Tôi học giỏi, điểm thi tốt nghiệp xuất sắc nên thuộc diện được tuyển thẳng vào cấp 3, lại được vào thẳng trường Lê Hồng Phong, hồi đó chưa phải là trường chuyên nhưng cũng có danh tiếng. Cả nhà phấn khởi, còn tôi sung sướng chờ ngày khai giảng năm học mới.

Nhưng rồi có một chuyện bất ngờ…
Đến ngày trường cấp 3 niêm yết danh sách thí sinh dự thi, bố tôi, vốn tính cẩn thận, giục con gái lên trường xem. Bố tôi, sinh năm 1897, là giáo viên tiểu học lão thành của Nam Định.


Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Bà Nguyễn Thị Vinh Quy. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Khi đọc danh sách thí sinh được tuyển thẳng, tôi  chẳng thấy tên mình đâu. Trống ngực đập mạnh, tôi vội vàng len sang phía danh sách thí sinh dự thi. Đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn chẳng thấy tên Nguyễn Thị Vinh Quy đâu cả. Tôi bắt đầu hoảng.

Mấy người bạn thân kéo tôi vào văn phòng nhà trường hỏi xem sao và được giải thích là tôi không đủ tuổi vào học năm nay, về học lại lớp 7 hoặc chờ sang năm vào học. Cả lũ tròn xoe mắt ngạc nhiên: tôi sinh năm 1949, bằng tuổi các bạn, sao lại không đủ tuổi? Thì ra hồi đó người ta tính tuổi cho học sinh thi vào cấp 3 theo ngày khai giảng năm học, tức là từ tháng 9 năm này đến tháng 9 năm sau. Tôi sinh đầu tháng 12, thiếu mất mấy tháng.

Và lá thư gửi Bộ trưởng Giáo dục

Bố tôi buồn lắm. Cụ đi khắp nơi trình bày, lên Ty Giáo dục Nam Định, đến trường cấp 3 Lê Hồng Phong, quay về trường cấp 2 Trần Đăng Ninh, hy vọng được xem xét chiếu cố vì tôi là con của một nhà giáo đã cống hiến cho ngành hơn 40 năm, và nhất là với học lực như thế mà phải lưu ban thì oan uổng quá. Nhưng đến đâu cũng chỉ một câu trả lời: “Đã là quy định rồi, không thay đổi được”.

Bố tôi vô cùng thất vọng, nhưng cụ không chịu bó tay. Cụ đọc cho tôi viết một bức thư để gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Lời lẽ là của cụ, còn chữ viết là của tôi. Phần địa chỉ người gửi thì ghi đầy đủ, rõ ràng nhưng phần người nhận thì vẻn vẹn có mấy chữ:

Kính gửi: Ông Nguyễn Văn Huyên
Bộ trưởng Bộ Giáo dục
Hà Nội

Bố tôi bảo: “Chẳng biết thư có đến tay Bộ trưởng hay không với những dòng địa chỉ như thế (vì chúng tôi không được biết điều gì cụ thể hơn); vả lại nếu nhận được thư thì Bộ trưởng có giải quyết cái việc cỏn con của bố con mình không vì chắc ông còn bận trăm công nghìn việc”.

Chỉ mấy ngày sau, chúng tôi nhận được thư trả lời, góc trái phía trên của bì thư có đóng dấu của Văn phòng Bộ Giáo dục. Bóc thư ra, bố tôi thoáng thất vọng vì đó vẫn là lá thư mà bố con tôi gửi đi hôm trước.

Nhưng thật bất ngờ, bên lề của trang đầu lá thư có chữ viết tay của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và chữ ký của ông. Nội dung ngắn gọn: “Chuyển Văn phòng xem xét và giải quyết trường hợp này”. Bố tôi thốt lên: “Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng”. 

Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thăm trường Đại học Vinh năm 1959 

Tôi vội cầm lá thư lên trường và nhà trường cũng cho biết là Ty Giáo dục đã gửi công văn về nói đã nhận được ý kiến của Bộ trưởng, Ty chấp nhận trường hợp của tôi nhưng với điều kiện tôi phải dự thi chứ không được tuyển thẳng.

Cũng chiều hôm đó tôi nhận được giấy báo thi. Chỉ còn một ngày nữa là thi. Mọi người lo cho tôi. Ngay cả tôi cũng vậy, vừa mừng lại vừa lo. Và tôi đã thi tốt: Toán 9,5; Văn 7 điểm.

Mỗi lần có bạn bè thân đến chơi, nhất là những đồng nghiệp đã nghỉ hưu như mình, bố tôi lại kể: “Cháu Quy nhà tôi được vào trường Lê Hồng Phong rồi đấy. May nhờ ông Huyên chứ không thì lỡ dở hết cả chuyện học hành. Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng”…


Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Bút tích cảm nhận của gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy khi thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Gia đình chúng tôi vẫn giữ mãi bức thư và chữ viết của Bộ trưởng trên đó. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng đối với tôi, đây là một kỷ niệm không bao giờ quên về một vị bộ trưởng đáng kính mà tôi chưa một lần được gặp mặt”.

Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Vinh Quy

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/259455/-bo-truong-the-moi-la-bo-truong-.html 

Phong trào diệt giặc dốt 70 năm trước

Để học chữ, người dân mang theo đèn dầu hoặc đốt đuốc đi học ban đêm, học viên là những em bé, cụ già râu tóc bạc phơ hay người phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú.

Sau ngày 2/9/1945, chính quyền nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đối mặt với nhiều khó khăn, nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm bủa vây tứ phía. Đặc biệt, có đến 95% dân số không biết chữ. Cứ trong 100 người dân thì có 3 trẻ em từ 8 đến 16 tuổi được đi học và 2 người lớn biết chữ, còn 95 người không được đi học. Nếu đi sâu vào các làng mạc, các thôn xóm xa thành thị và nhất là vùng núi thì có nơi không một người biết chữ.

Một ngày sau khi giành được độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Hồ Chủ tịch nói "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và nhấn mạnh "Dốt là dại, dại thì hèn. Vì vậy, không chịu dại, không chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới".

IMG-0890-7128-1440825295.jpg
Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ. Ảnh tư liệu.

​Ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ ra đời, nằm trong Bộ Quốc gia giáo dục. Cùng ngày, Sắc lệnh số 19 - SL hạn trong 6 tháng làng nào, thị trấn nào cũng phải có ít nhất một lớp học bình dân và Sắc lệnh số 20 – SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ trong toàn quốc được ban hành.

Một ngày sau khi thành lập, để xác định cách tổ chức và hoạt động cho phong trào, Nha Bình dân học vụ liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện ở Hà Nội và các miền. Lớp học đầu tiên dành cho cán bộ phụ trách ở các tỉnh mang tên "khóa Hồ Chí Minh" khai giảng ở Hà Nội, có sự tham dự của Hồ Chủ tịch và lãnh đạo các bộ. Những người đầu tiên dự lớp học này chính là nguồn cán bộ nền móng cho phong trào xóa mù chữ. Riêng ở miền Nam, ngay sau khi Bình dân học vụ thành lập được nửa tháng thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm. Dù Nha có cử một số cán bộ vào để gây dựng cơ sở, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phong trào ở đây không được duy trì đều đặn, mạnh mẽ như ở Bắc, Trung Bộ.

Bình dân học vụ đã dấy lên tinh thần say mê học chữ từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Trước đó, hoạt động của Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã để lại cho phong trào nhiều kinh nghiệm cũng như lực lượng trí thức tình nguyện tham gia dạy học cho nhân dân. Công nhân học trong xưởng thợ, thương binh học ở an dưỡng đường, ngư dân học ngay trên thuyền chài, nông dân học trên cánh đồng, sân đình chùa, gốc đa, bến nước, trẻ nhỏ học trên lưng trâu. Người dân ban ngày đi làm, ban đêm thắp đèn dầu, đốt đuốc đến lớp.

Giáo viên bình dân học vụ thuộc đủ các giới, lứa tuổi, không có lương bổng, hễ biết chữ là tham gia. Họ dạy học, dựng trường, tạo lớp, tìm kiếm học phẩm, cổ động học viên. Có lớp có giáo viên, nhưng có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em. Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành tiếng, chữ cái, vần được tạo thành câu thơ lục bát, so sánh để dễ nhớ: I, tờ ( i, t) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu.

Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên; phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy; còn mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu.
IMG-0881-5410-1440825295.jpg
Ông Nguyễn Thìn Xuân, nguyên cán bộ Nha Bình dân học vụ. Ảnh: H.P.
"Bàn không có, người ta còn úp ngược thúng lên làm bàn học. Vở ghi không có, người dân rải cát ra sân, cầm que tập viết chữ, viết xong rồi xóa lại học viết chữ khác", ông Nguyễn Thìn Xuân (90 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chiến sĩ diệt dốt, cán bộ của Nha Bình dân học vụ kể lại kỷ niệm những ngày toàn dân đi học.

Ông Xuân nhớ rõ một kỷ niệm vui mà nhiều người vẫn truyền cho nhau nghe. Để kiểm tra việc học chữ của người đi học, ban kiểm tra thường đứng ở đầu làng, bến phà, nơi đông người qua lại. Ai đọc được chữ thì mới được đi qua. Có lần, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đi xem tình hình các lớp bình dân học vụ. Người của đội kiểm tra không biết bộ trưởng, kiên quyết giữ ông lại hỏi xem thuộc chữ hay chưa. Cần vụ định nhắc nhở người thanh niên kia, nhưng Bộ trưởng Huyên chỉ cười ngăn lại, trả lời trôi chảy rồi mới đi qua.

Ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước, Bình dân học vụ lại có những nhiệm vụ khác nhau. Sau ngày độc lập, Bình dân học vụ có nhiệm vụ xây dựng và phát triển phong trào, dạy cho nhân dân biết chữ. Chỉ trong một năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, Bình dân học vụ đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học.

Tháng 12/1946, cả nước bước vào kháng chiến chống Pháp, Chính phủ chuyển lên Việt Bắc. Theo chủ trương kháng chiến, Bình dân học vụ cũng phải ấn định kế hoạch làm việc mới, sửa đổi cho phù hợp với tình hình. Các lớp học đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, theo các đoàn dân công tiếp vận. Những lớp học kháng chiến đã đi vào trong thơ của Tố Hữu một cách tự nhiên Nhớ sao lớp học i tờ/ Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan...(Việt Bắc).

Ở vùng tạm chiếm, các lớp học được tổ chức khác so với vùng tự do, thường là những lớp học tư gia, không có bàn ghế, bảng, phấn. Thầy trò ngồi xung quanh cái phản hay chiếu, mỗi người có một ống tre để đựng sách. Ở ngoài có tự vệ canh gác, hễ có báo động thì sách vở cuộn bỏ vào ống tre đem giấu ở ngoài bờ tre rồi thầy trò quay ra làm như trong một xưởng thủ công nghiệp nhỏ. Cứ như vậy, Bình dân học vụ vẫn giữ được ở nhiều vùng bị địch tạm chiếm, mạnh nhất là Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…

1-6095-1440825295.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác Bình dân học vụ tại Thái Bình, Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.

Là người khai sinh ra ngành học bình dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo từng bước đi của phong trào. Người luôn động viên, thăm hỏi kịp thời giáo viên, những cụ già, em bé chăm chỉ đến lớp. Trong sự nghiệp giáo dục nói chung, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của việc dạy và học để sau này tổng kết thành câu nói "Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người".

Theo ông Nguyễn Thìn Xuân, Bình dân học vụ đã để lại cho nền giáo dục nước nhà nhiều bài học quý báu. Phong trào phát triển rộng khắp, có sức sống lâu bền cả trong suốt thời kỳ kháng chiến vì được "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Bình dân học vụ do Chính phủ lãnh đạo nhưng cách tổ chức và hoạt động của phải dựa vào sức của nhân dân để phát triển.

"Bình dân học vụ không chỉ xóa nạn mù chữ trong nhân dân, còn giúp người dân có ý thức về quyền lợi và bổn phận của công dân một nước động lập, đó là ngoài được tự do thì còn phải được học hành, mở mang kiến thức. Phong trào góp thành tích lớn, là cơ sở để nâng cao dân trí nước nhà, cùng với nhiều yếu tố khác làm nên sức mạnh đưa dân tộc bước qua hai cuộc trường chinh kháng chiến", ông Xuân nói.

Hoàng Phương