Theo dì Vi Kim Quý, em gái của mẹ tôi, kể lại, thì Dì được đi cùng mẹ mua bộ bát đĩa giả cổ này vào khoảng năm 1942- 1943. Bộ bát có 4 chữ Hán: Vạn, Thọ, Vô, Cương, nghĩa là Sống lâu muôn tuổi. Rất may mắn bộ bát đĩa này trải qua 2 cuộc kháng chiến 30 năm vẫn giữ được nguyện vẹn.
Bố tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông mẹ tôi chỉ dùng bộ bát đĩa này khi tiếp khách đặc biệt trong thời gian kháng chiến chiến chống Mỹ cứu nước 1964-1975 như các vị ở Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra Bắc bí mật thời chiến tranh như vợ chồng ông bà Luật sư Trịnh Đình Thảo, chủ tịch Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tôc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, tiến sĩ dân tộc học Lê Văn Hảo, Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở Huế, Bộ trưởng Giáo dục Cộng hoà Miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Kiết...
Trong thời gian khổ ấy, thực phẩm rất khó khăn, mọi người, mọi gia đình đều dựa vào sự phân phối theo tiêu chuẩn khác nhau của cán bộ nhà nước hay nhân dân. Mặc dù là Bộ trưởng, việc tổ chức một bữa tiệc với khách đặc biệt cũng phải cân nhắc. Mẹ tôi hay bàn với bố thực đơn cho từng bữa tiệc cho phù hợp nhưng thường là mấy món sau. Khai vị là nem rán, chả nướng; món chủ lực có bún thang hay dấm ghém; món tráng miệng: chè sen. Các món này đặc trưng cho ẩm thực Hà Nội hay miền Bắc. Bát bún thang gồm bún, trứng tráng láng mỏng thái chỉ, giò thái chỉ, thịt gà xé hoặc thái nhỏ, củ cải khô thái chỉ, ít nấm hương, hành, mắm tôm chan nước dùng gà.
Dấm ghém là một món ăn đặc biệt, cách bày, cách ăn thật đặc sắc. Trên bàn ăn có một đĩa thịt ngan thái chỉ hoặc thái nhỏ, một đĩa thịt lợn luộc thái nhỏ, một đĩa gan lợn thái nhỏ, đĩa rau thân cây chuối thái mỏng, một đĩa hoa chuối thái nhỏ, một đĩa lá mơ long thái chỉ, bát giềng giã nhỏ, bát dấm, bát mắm tôm đánh chanh với ít đường, bát to nước dùng thịt ngan và thịt lợn luộc, bát to cơm trắng. Khi ăn lấy một thìa cơm vào bát rồi lần lượt gắp từng thứ trên đĩa, thường là gắp rau chuối, mơ lông, giềng, thịt lợn, thịt ngan, gan sau đó lấy một thìa mắm tôm, dấm cho vào bát (ít nhiều tùy theo khẩu vị) và chan nước dùng. Mỗi lần chỉ lấy đủ một hoặc hai và. Vị ngon của dấm ghém là tổng hợp của nhiều vị như ngọt của nước dùng, chua của dấm, mặm của nắm tôm, thơm của lá mơ long, bùi của thịt và gan…Cảm giác rau ráu của hoa chuối. Dấm ghém là một món ăn đặc biệt của gia đình Nguyễn Văn Huyên mà chắc là mẹ tôi, bà Vi Kim Ngọc, mang về Hà Nội từ quê hương Lạng Sơn. Bà đã truyền lại cảm hứng về món ăn đặc biệt này cho các thế hệ con cháu.
Câu chuyện của con trai kể về bố mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét