Trải qua chặng đường gần 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tạo nên một trang sử dày dặn với những thành tích sáng chói, xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà.
Là một trong những ngôi trường đầu tiên được thành lập sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội [...] ba lần vinh dự đón Bác về thăm đã trở thành những dấu son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Nhà trường.
Lần thứ nhất, Người đến thăm Trường vào ngày mồng Một Tết Nguyên đán năm 1958 mà không hề báo trước, giản dị như vị cha già đến thăm con cháu nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc. Sau khi chủ động đi thăm các nơi học tập và sinh hoạt của Trường, Người đã gặp gỡ, nói chuyện thân mật với cán bộ và sinh viên ngay tại nhà ở của sinh viên. Số người được gặp Bác không nhiều vì đa số đã về gia đình ăn Tết, chỉ còn lại những người không có điều kiện như sinh viên miền Nam, miền núi, vùng xa,.. phải ở lại ăn Tết tại Trường.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Hiệu trưởng Tạ Quang Bưu đón Hồ Chủ tịch và
Chủ tịch Hatsi Lzi , Anbani, thăm Đại học Bách Khoa
Với tình cảm ấm áp của vị cha già đối với con cháu, Người đã hỏi thăm tình hình công tác, sinh hoạt, học tập của cán bộ và sinh viên. Người động viên cán bộ, sinh viên phấn đấu khắc phục khó khăn, gian khổ, đoàn kết thân ái giúp đỡ nhau học tập và công tác. Người đã ân cần căn dặn: “Giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất, lý luận phải gắn với thực tiễn, học phải đi đôi với hành, nhà trường phải gắn liền với xã hội”.
Sau ngày Bác Hồ đến thăm, Đảng ủy và chính quyền Nhà trường đã khẩn trương tổ chức cho cán bộ và sinh viên học tập, quán triệt những lời dạy của Bác vì đó là những nguyên lý, phương châm đào tạo giáo dục của Nhà trường xã hội chủ nghĩa. Đồng thời Trường đã phát động một đợt thi đua thực hiện lời Bác dặn, đẩy mạnh các hoạt động giảng dạy, học tập và xây dựng Nhà trường. Khi sinh viên khóa 1 lên năm thứ 3, Trường đứng trước rất nhiều khó khăn: thiếu trang biết bị thí nghiệm; thiếu thày giáo dạy chuyên môn, chuyên ngành, hướng dẫn đồ án môn học và đồ án tốt nghiệp. Vận dụng lời dạy của Bác, lãnh đạo nhà trường đã mạnh dạn đưa sinh viên xuống nhà máy, xí nghiệp,công trường thực tế sản xuất, vừa học vừa làm, làm luận án tốt nghiệp tại chỗ với những đề tài lấy ngay từ thực tiễn sản xuất. Sau hơn 2 năm, 633 sinh viên đã quay trở lại trường nhận bằng tốt nghiệp, cùng khoảng 200 sinh viên khóa 1 khác được cử đi Liên Xô kịp thời bổ sung đội ngũ giáo viên còn thiếu, tạo ra bước phát triển vượt bậc của Nhà trường.
Ngày 17/6/1960, Trường Đại học Bách khoa lại có vinh dự lớn được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lần thứ hai cùng với Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Anbani do Chủ tịch Hatsi Lzi dẫn đầu. Bác bày tỏ niềm vui mừng khi thấy trường đã có những chuyển biến, tiến bộ rõ rệt, nhiều mặt hoạt động đã đi vào nề nếp.
Sau khi thăm hỏi tình hình học tập và công tác của cán bộ, sinh viên, Người đã căn dặn: “Học để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Thầy trò phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Theo lời Bác dặn, toàn trường lại bước vào đợt sinh hoạt chính trị mới với nội dung “rèn luyện đạo đức, phẩm chất, xây dựng động cơ học tập đúng đắn!” Sau khóa 1, trường lại tiếp tục làm lễ tốt nghiệp cho khóa 2, 3. Gần hai nghìn kỹ sư trẻ tràn đầy nhiệt huyết hăng hái lên đường đi bất kỳ đâu, làm bất kỳ việc gì khi đất nước cần đến. Nhiều kỹ sư Bách khoa đã có mặt ở địa bàn miền núi, đi mở rộng Trường Sơn, nhập ngũ vào quân đội. Nhiều cựu sinh viên Bách khoa đã trở thành anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quân, không ít người trong số đó đã ngã xuống, công hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của tổ quốc.
Ngày 11/3/1962, Trường Đại học Bách khoa lại có vinh dự lớn được đón Hồ Chủ tịch đến thăm trường lần thứ ba cùng với đoàn đại biểu Vương quốc Lào. Đông đảo cán bộ và sinh viên đã họp mặt trong Hội trường Bát giác để chào mừng Hồ Chủ tịch và đoàn đại biểu nước bạn đến thăm trường. Sau phần chào mừng trọng thể, Bác Hồ đã giành thời gian nói chuyện thân mật với cán bộ và sinh viên. Bác khen thầy trò Nhà trường trong mấy năm qua đã có nhiều cố gắng và tiến bộ. Bác nhắc nhở cán bộ và sinh viên toàn trường phải ra sức phấn đấu hơn nữa, phải làm cho Đại học Bách khoa thực sự vững mạnh, đào tạo thật nhiều cán bộ tốt, giỏi để kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, đi đầu trong công cuộc đấu tranh hoàn thành độc lập thống nhất là xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với đồng bào, chiến sĩ miền Nam anh hùng. Cuối cùng Bác căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa. Phải nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Phải có ý thức làm chủ, tinh thần tập thể, kỷ luật và ra sức học tập nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật”.
Những lời dặn của Bác đã trở thành phương châm chỉ đạo, giúp Đại học Bách khoa đi đúng hướng trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, vững vàng, tự tin trước mọi thử thách, giữ vững vai trò của một trong những con chim đầu đàn của ngành giáo dục Việt Nam.
Từ một mái trường mà giảng đường, phòng thí nghiệm ban đầu chỉ đơn sơ tranh tre, nứa lá, đội ngũ vỏn vẹn chỉ có 50 giáo viên và hơn 1000 sinh viên, hôm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Việt nam, một trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chật lượng cao được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, độ ngũ cán bộ của Nhà trường có 2121 người, với 1300 giảng viên, trong đó có 42 Nhà giáo giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú; 222 Giáo sư và Phó giáo sư; 655 Tiến sỹ. Đây là đội ngũ cán bộ có uy tín trong chuyên môn, kinh nghiệm, nhiệt huyết trong hoạt động đào tạo và quản lý, trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đào tạo cho Tổ quốc hơn 15 vạn kỹ sư, cử nhân, 8000 thạc sỹ và 700 tiến sỹ phục vụ trong Bộ Quốc phòng, công tác ở các ngành kinh tế, công nghiệp, bộ máy quản lý... Nhiều người đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý cao cấp, các tướng lĩnh, các chủ doanh nghiệp và cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước...
-Hai DV-
Hôm nay ngày 20 /10 /2017 . Ngày Hiến chương các Nhà Giáo . Tuy đã 83 tuổi đời tôi vẫn bồi hồi nhớ đến các Thầy cô giáo Trương Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhớ Thầy Hiệu trưởng Hoàng Xuân Tùy ; Thầy Hiệu trường Phạm Đồng Điện và biết bao thầy cô khác đã giúp đở giảng day, bày vẽ cho tôi như Thầy Phạm sỹ Liêm dạy kết cấu ; thầy Trương Tùng dạy Kiến trúc; Thầy Nguyễn Hùng Võ dạy thi công, thầy trịnh dạy toán , thầy Thanh dạy thực hành, cô giáo người Thái trắng dạy Hóa vvvv.
Trả lờiXóaTôi luôn ghi lòng tạc dạ công ơn Thầy cô thừ thuở học phổ thông cho đến kết thúc Đại học. Chiến tranh làm mai một thời gian, Hòa bính phải lận đận vì cuộc sống mưu sinh và dựng xây đất nước, nhưng không bao giờ quên ơn Thầy Cô. Nhân ngày 20/10/2017 xin kính chúc thầy cô mạnh khỏe sống lâu.
Phạm Minh Thông
sinh viên Lớp XDB2-
Khoa Xây dựng
Trường DHBK Hà Nội Khóa 7.