Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Đại gia đình trí thức một lòng theo Đảng

PNTĐ-Đó là đại gia đình GS Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong gần 30 năm, người đã có nhiều đóng góp rất tích cực vào thành tựu của nền giáo dục Việt Nam từ 1946-1975. 
GS Nguyễn Văn Huyên được Đảng và Nhà nước đánh giá là “một trong hai bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa xã hội chủ nghĩa”. Tiếp bước cha, 4 người con của GS Huyên đều trưởng thành, là những nhà trí thức hết lòng tin yêu Đảng, nỗ lực phục vụ đất nước và nhân dân. 
 
Không phải Đảng viên vẫn một lòng theo Đảng
 
Nguyễn Văn Huyên đỗ Tiến sĩ Văn khoa năm 1934 tại Pháp, sau đó là GS giảng dạy và nghiên cứu tại trường Bưởi, trường Viễn Đông Bác Cổ... GS đã có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc Cách mạng tháng 8/1945 khi cùng 3 nhà trí thức lớn gồm Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Xiển tạo thành một nhóm 4 trí thức chủ động đánh điện đề nghị vua Bảo Đại thoái vị, trao chính quyền cho Việt Minh. Năm 1946, GS Huyên được cử là thành viên phái đoàn đàm phán về nền độc lập của đất nước tại hội nghị Phông - ten - nơ - blô và vinh dự tham gia tháp tùng nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước Pháp để mưu cầu nền hòa bình giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Ông là 1 trong 14 vị Bộ trưởng trong Chính phủ Liên hiệp quốc dân (1946) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
 
Có một điều rất đặc biệt, dù có nhiều đóng góp cho đất nước được ghi nhận, bản thân GS Huyên cũng đã tự viết đơn xin vào Đảng nhưng cho đến cuối đời, GS vẫn… là người “ngoài Đảng”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai út của GS hồi tưởng: “Năm 1960, Đảng ủy Bộ Giáo dục (GD) đã làm mọi thủ tục để kết nạp cha tôi vào Đảng nhưng vì ông là một cán bộ cao cấp nên trước khi kết nạp đã hỏi ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị. Sau đó, Hồ Chủ tịch đã gặp riêng cha tôi và nói: “Chú đứng ngoài Đảng sẽ có lợi hơn cho cách mạng””.
 
GS Nguyễn Văn Huyên (thứ 2 từ trái sang) tháp tùng Bác Hồ đến
thăm 1 lớp học phổ thông ở HN
 
Theo PGS.TS Huy, trong hoàn cảnh đất nước ta bấy giờ còn chia cắt hai miền, Bộ Chính trị muốn tạo nên một mặt trận đoàn kết, thống nhất, bao gồm cả người trong Đảng, ngoài Đảng và các Đảng phái khác nhau. Tuân thủ quyết định của Bác Hồ và Bộ Chính trị, GS Huyên đã làm “một người ngoài Đảng” nhưng, trên thực tế, Đảng chưa bao giờ coi GS là “người ngoài”. GS vẫn tham dự sinh hoạt Đảng, được là đại biểu mời trong các Đại hội Đảng toàn quốc. Chỉ khác, GS không đóng Đảng phí và tham gia biểu quyết mà thôi.
 
PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, con gái thứ của GS Nguyễn Văn Huyên kể: “Dù không phải là Đảng viên nhưng cha tôi lúc nào cũng trung thành với Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bác Hồ. Tháng 7/1954, cha gửi thư cho tôi: “Nữ Hiếu yêu quý! Hôm nay bắt đầu ngừng bắn ở Đông Dương con ạ. Nhờ ơn Bác, hòa bình lại trở lại trên đất nước ta. Nước ta Độc lập, thống nhất từ đây”. Rồi cha dặn tôi phải cố gắng học tốt để xứng đáng với công ơn của Đảng”.
 
Năm 1958, trong một lá thư khác gửi các con, GS Huyên đã viết: “Cậu đối với Đảng hơn 10 năm công tác và được sự giáo dục rất nhiều nên trở thành người dính chặt với Đảng. Quanh cậu những người thân cận ngày nay đều là Đảng viên, là những người thành tâm vì Đảng, vì Tổ quốc, giúp cậu làm công tác lãnh đạo tốt, phục vụ Tổ quốc.
 
Cậu không cảm thấy mình có cái gì khác biệt giữa mình và Đảng”. Ngày 3/2/1975, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đảng, như linh cảm trước khi qua đời, GS Nguyễn Văn Huyên đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn: “Riêng cá nhân tôi, hôm nay vô cùng xúc động được tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Đảng đã giúp đỡ, giáo dục bản thân phát huy phần nhỏ bé của mình trong hàng ngũ nhà giáo đông đảo và ngày càng vững chắc. Từ một thanh niên, trước Cách mạng chỉ có tham vọng cho mình một vị trí trong một nền khoa học dân tộc, được Bác Hồ và Đảng tin cậy, thương yêu dìu dắt vào một con đường cách mạng vĩ đại của dân tộc, suốt 30 năm tôi được vinh dự phấn đấu trưởng thành trong ngành giáo dục, từ chỗ “Chia chữ” với đồng bào như Bác Hồ trìu mến dạy tôi cho đến lúc nhà trường phát triển vững mạnh như ngày nay dưới lá cờ vinh quang của Đảng”.

Góp công chấn hưng giáo dục nước nhà
 
Có thể nói, trong 30 năm, GS Huyên với tầm nhìn xa trông rộng, đã đưa ra nhiều quyết sách rất quan trọng để chấn hưng toàn diện GD nước nhà. GS đã có công rất lớn trong việc xây dựng nền quốc học nhân dân, xóa bỏ tình trạng 95% dân số mù chữ; tổ chức một mạng lưới trường học trên mọi vùng của miền Bắc. Thấu hiểu tầm quan trọng của GD, tại cuộc họp của Hội đồng giáo dục đặc biệt tháng 8/1949, GS đã nhấn mạnh: “Chính phủ nhận định trong năm vừa qua, mọi khả năng về nhân lực, vật lực và tài lực đã đặt vào các ngành khác nhiều hơn là cho giáo dục. Vì vậy giáo dục đã đi chậm nên cần phải định cho giáo dục một kế hoạch phát triển cho kịp thời”.
 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (người thứ 3, từ trái), tháp tùng Bác Hồ
đến thăm lớp học tiếng Nga đầu tiên sau hòa bình ở Hà Nội (năm 1955)
 
Cách đây hơn 50 năm, vị Bộ trưởng bộ GD đã quan tâm đến giáo dục tư thục, dân lập vì GS hiểu, Chính phủ còn khó khăn sẽ không đủ khả năng mở đủ trường cho người dân. Nhưng, muốn khuyến khích giáo dục tư  thục phát triển thì Nhà nước cần có chính sách ưu đãi. Trong tờ trình về vấn đề phổ cập cấp I cho thiếu nhi năm 1956, GS Huyên khẳng định “Hầu hết chi phí cho phổ cập giáo dục đều dựa vào lực lượng nhân dân... Nhà nước sẽ cộng trợ thêm để đảm bảo sinh hoạt phí của giáo viên dân lập được lĩnh đầy đủ và đều đặn”. Cũng không phải đến bây giờ, vấn đề lương giáo viên còn thấp mới được nhìn nhận mà ngay từ năm 1950, Bộ GD đã có văn bản trình lên Hồ Chủ tịch về những giải pháp “Nâng đỡ cho cán bộ giáo dục về phương diện vật chất để gây cơ sở mới cho sự thực hiện chính sách GD”. Sau đó, Hồ Chủ tịch đã ban hành Sắc lệnh thi hành kể từ tháng 11/1950 về phụ cấp chuyên môn và phụ cấp chức vụ nhân viên giáo dục.
 
Tài năng của GS Huyên còn được thể hiện qua những quyết sách chiến lược mà tới nay vẫn đúng đắn. Năm 1949, Hội nghị GD đặc biệt đã nhất trí đặt tên ngành học Mẫu giáo, theo GS Huyên là để chuẩn bị cho các trẻ em từ 5 tuổi đến 7 tuổi vào tiểu học và giúp giảm vất vả cho người phụ nữ. GS Huyên cũng luôn khẳng định vai trò của GD Lịch sử và đã đề xuất lập Viện Sử học để biên soạn bộ Sử và khuyến khích những người yêu Sử học. Ngay từ những năm cuộc kháng chiến còn rất khó khăn trên Việt Bắc, trước khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc 4-5 năm, GS đã yêu cầu các cơ quan phải “sưu tầm và lưu giữ các tư liệu cho đến hết cuộc chiến tranh Việt - Pháp này vừa để viết sử vừa để sau này hậu thế bình phẩm”. GS còn quan tâm đến dạy ngoại ngữ và đề nghị Hội đồng Chính phủ quyết định dạy 4 thứ tiếng Nga, Hoa, Anh, Pháp trong chương trình phổ thông.
 
Khi phong trào xóa nạn mù chữ đã ít nhiều thành công, ngành GD do GS Huyên lãnh đạo đã tổ chức cải cách giáo dục lần thứ nhất. Hệ thống trường phổ thông 9 năm ra đời là một sáng tạo lớn. Bộ GD đã cho lập Ban tu thư để soạn SGK. Nhờ đó, các SGK từ lớp vỡ lòng, lớp 1 đến lớp 9 đã được biên soạn và xuất bản khá đầy đủ. Các giáo trình ĐH đều bằng tiếng Việt được phổ biến rộng rãi cho các SV và học hàm thụ. Nhờ thế mà một đội ngũ trí thức mới, lực lượng nòng cốt của các ngành, các lĩnh vực mau chóng được hình thành và phát triển.

Tiếp nối tâm nguyện của cha
 
Tiếp nối cha, những người con của GS Huyên khi lớn lên cũng đều nỗ lực học tập để mong được phụng sự đất nước. PGS.TS Nữ Hiếu đã trở thành người đầu tiên là con gái Bộ trưởng tình nguyện vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Khi đang học năm cuối của  ĐH Y Hà Nội bà đã xung phong nhập ngũ phục vụ quân đội. Năm 1971, bà kết hôn với giảng viên trẻ Nguyễn Lân Dũng, sau này là GS.TS, NGND, đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa X, XI, XII… Năm 1972, mặc dù đang mang thai con đầu lòng nhưng bà lại xung phong tham gia Đoàn 730B vào chiến trường Quảng Trị.
 
Có một giai đoạn, vì GS Huyên là người ngoài Đảng nên những người con của GS cũng gặp trở ngại khi kết nạp Đảng. GS Huyên đã khuyên các con càng phải cố gắng. Năm 1972, UB Khoa học xã hội Việt Nam nơi ông Huy công tác đã kết nạp ông vào Đảng. Sau đó, hai chị gái của ông cũng lần lượt trở thành Đảng viên. Không chỉ vậy, họ còn khẳng định được sự nghiệp vững chắc.
 
Trưởng nữ Nguyễn Kim Nữ Hạnh là kỹ sư Thông tin hữu tuyến đường sắt góp phần đảm bảo an toàn đường sắt trong thời chống chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ. Không ham danh lợi, khi đang làm trưởng phòng kế hoạch trong một Ban thuộc Tổng cục Đường sắt, bà Hạnh đã tự nguyện xin về làm việc như một người thợ ở một trạm thông tin đường dài trong bối cảnh đổi mới khoa học kỹ thuật của ngành từ điện tử sang bán dẫn. Sau đó, bà trở thành trạm trưởng, rồi đội trưởng chỉ đạo thi công, quản lý chuyển đổi thiết bị mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ phụ trách 12 đơn vị sản xuất phục vụ ngành đường sắt điều hành sản xuất và chỉ huy chạy tàu trên 5 tuyến đường sắt Bắc Nam và các tuyến phía Bắc.
 
Thứ nữ Nguyễn Bích Hà là người đầu tiên trong số 4 chị em được nhận bằng Phó Tiến sĩ Hóa học tại Liên Xô năm 1972. Bà Nữ Hiếu nhận Tiến sĩ Y học năm 1995, sau đó là Phó Giám đốc Quân y viện 108, được nhận quân hàm Đại tá (1995), Uỷ viên Hội đồng Y học quân sự Bộ Quốc phòng. Thứ nam Nguyễn Văn Huy trở thành Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Năm 2000, Hội đồng văn hóa châu Á (Mỹ) đã trao giải thưởng John D.Rockerfeller III cho ông Huy vì những đóng góp phát triển giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nước trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.  
 
Bà Nữ Hiếu tâm sự: Trọn cuộc đời, cha tôi đã sống thanh liêm, chỉ biết phụng sự vì việc chung với tâm thế như của một Đảng viên Cộng sản luôn đau đáu trăn trở về nền độc lập của đất nước và dân trí của nhân dân. Anh chị em chúng tôi nay đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy” luôn noi theo cha, một lòng vì nước, vì dân.

Hoàng Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét