"Chuyện về cha mẹ chúng tôi", GS. Nguyễn Văn Huyên với Văn hóa, Giáo dục và Gia đình
  • Trang chủ - Home
  • Trưng bày - Exhibitions
    • 1. Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - Câu chuyện một đời người
    • 2. Dấu ấn của Bộ trưởng
    • 3. Trưng bày thường xuyên - Permanent Exhibition
    • 4. Cảm tưởng của khách tham quan - Visitors' Comments
  • Hoạt động giáo dục - Education
    • 1. Chương trình giáo dục - Education Programs
    • 2. Xây dựng tình cảm gia đình
    • 3. Phát triển niềm đam mê khoa học
    • 4. Nâng cao tri thức về lịch sử đất nước
  • Nghiên cứu - Research
    • 1. Tầm nhìn và Triển vọng - Visions and Perspectives
    • 2. Nghiên cứu nhân học - Anthropology Research
    • 3. Nghiên cứu lưu trữ - Archival Studies
    • 4. Phóng sự về Bảo tàng - Videos about Us
  • Tài trợ - Support
    • 1. Những người bạn - Our Friends
    • 2. Tài trợ cho Bảo tàng - Support Us
    • 3. Học bổng Nguyễn Văn Huyên - Scholarship
    • 4. Tình nguyện viên - Volunteers
  • Giới thiệu - About Us
    • 1. Giới thiệu
    • 2. About Us
    • 3. Cơ cấu tổ chức - Liên hệ - Organization - Contacts

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Bí quyết dạy con, giữ nếp nhà của phu nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên

PNTĐ-Ngày 14/2/2016, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Vi Kim Ngọc, những người con của cụ có tâm nguyện được chia sẻ kỷ niệm về mẹ mình trên báo PNTĐ... 
Cụ Vi Kim Ngọc là phu nhân của Bộ trưởng Bộ GD (giai đoạn 1946-1975) Nguyễn Văn Huyên (báo PNTĐ đã có bài viết về đại gia đình GS Nguyễn  Văn Huyên một lòng đi theo Đảng). Ngày 14/2/2016, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Vi Kim Ngọc, những người con của cụ có tâm nguyện được chia sẻ kỷ niệm về mẹ mình trên báo PNTĐ, coi đây như nén tâm nhang dâng tặng người mẹ đã đi xa. Thấu hiểu đạo hiếu của con cháu với bậc sinh thành, báo PNTĐ tiếp tục có bài viết về cụ Vi Kim Ngọc và phương pháp dạy con, giữ nếp nhà rất quý báu… 
 
Giữ con bằng… thư tay
 
Cụ Vi Kim Ngọc là con gái của quan Tổng đốc Vi Văn Định. Năm 1936, tiểu thư gia đình quyền quý ấy đã kết duyên cùng chàng Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, người sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục gần tròn 30 năm. 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai út của cụ Vi Kim Ngọc hồi tưởng lại, thì mẹ ông có thói quen viết thư. Khi cần gửi gắm tâm sự với chồng, con, họ hàng hay khi muốn giáo dục con điều gì, mẹ ông đều viết thư. Những lá thư của cụ viết rất tình cảm, nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn chỉ ra nhược điểm mà cụ mong các con cần sửa chữa. “Bây giờ, tôi thấy điều kiện liên lạc rất phát triển, internet, điện thoại đều sẵn có nhưng cha mẹ và con cái lại có phần xa cách nhau. Ngày trước, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn, mất phương hướng chính là nhờ những lá thư của mẹ”.
 
Khi thì cụ Ngọc viết thư tâm sự mong các con thấu hiểu công sức bố mẹ mà học hành tiến bộ: “Chỉ có rèn luyện đạo đức, chăm chỉ học tập để trở thành con người hữu ích thì xã hội sẽ không bỏ qua các con ạ”. Có khi những lá thư lại nhẹ nhàng dặn con về cách ứng xử, kính trên nhường dưới. Khi con gái lớn Nguyễn Kim Nữ Hạnh du học ở Trung Quốc và đang là đối tượng được kết nạp vào Đảng, cụ Ngọc đã viết thư kể chuyện gia đình, sự tiến bộ của các em, họ hàng để con có nghị lực phấn đấu. Sợ con gái gặp khó khăn sẽ nản, trong một lá thư khác, cụ lại phân tích về sự vươn lên của mình. Cụ viết sau khi các con đủ lớn, cụ đã đi làm để theo kịp sự tiến bộ chung của xã hội. Cụ đã học bổ túc văn hóa hết lớp 5, lớp 7 rồi lớp 10 để nâng cao trình độ, rồi học tiếp trung cấp y sĩ, học ngoại ngữ tiếng Nga, Pháp…
 
Cụ Vi Kim Ngọc rất chú ý đến việc phát triển tâm sinh lý của con gái vì cụ có 3 người con gái. Năm 1961, cụ viết thư cho con gái Nữ Hạnh dặn dò: “Con người ta nhất định đến tuổi nào phải nảy nở tình yêu… Trong vấn đề này mẹ không ngăn cấm vì mẹ luôn mong ước hạnh phúc của từng con... Nếu các con lựa chọn được bạn tốt là tán thành thôi”. Khi con gái thứ Bích Hà bắt đầu vấn vương tình yêu, lo con còn ít tuổi chưa suy nghĩ thấu đáo, nhưng lại không muốn trực tiếp can thiệp, cụ tế nhị viết thư cho con gái lớn và dặn: “Vì mẹ ở xa quá, nếu chỉ lý thuyết suông không sát thực tế thì sẽ ra sao. Vậy con lựa lời căn dặn em, mẹ không ngăn cấm tìm hiểu nhưng người con gái phải giữ gìn không vì nể nang, không vì bồng bột mà quên mình…”.
 
Cụ Vi Kim Ngọc thời trẻ và các con
 
Những lá thư của cụ Ngọc, không chỉ gửi cho con lúc nhỏ, mà ngay cả khi con đã đủ lông đủ cánh bay xa, thậm chí bước vào tuổi trung niên. Năm 1986, con gái Bích Hà đã ở tuổi 46, cụ vẫn viết thư căn dặn: “Con luôn nhớ ý của mẹ để những lúc va vấp gặp phải những việc gập ghềnh là phải suy nghĩ cẩn thận, hành động thận trọng. Bản chất của con là con người chân thật, cởi mở, tính tình đó thực là quý nhưng ở đời muôn vàn khó khăn cho nên không thể dễ dàng với bản thân”.
 
Những lá thư viết tay của người mẹ đã trở thành chất keo gắn bó tình cảm mẹ con. Đến lượt các con cụ Ngọc, cũng đều dùng thư, nhật ký để giãi bày tâm tư cùng cha mẹ, lời lẽ thư viết rất tình cảm. Như lá thư của PGS Huy viết cho mẹ từ năm 1966: “Mẹ yêu quý của con, chỉ còn 3 giờ nữa là con lại phải trở lên khu sơ tán, phải xa Cậu và Hà Nội rồi.... Theo thói quen con chờ đón mẹ nhưng lại thất vọng cả, con sực nhớ mẹ đi sơ tán rồi. Vắng tiếng mẹ ở nhà con buồn quá, như vắng một cái gì lớn nhất trong lòng con...”.  
 
Giáo dục tình cảm gia đình-theo PGS.TS Huy, đã được mẹ ông truyền cho các con bằng một cách rất nhẹ nhàng như vậy.
 
Dạy các con gái biết thu vén gia đình
 
Đi lấy chồng, nhưng cụ Vi Kim Ngọc lại không ở bên nhà chồng. Dẫu vậy, cụ luôn biết  ứng xử, thân thiết gia đình nhà chồng bằng cái tâm hiếu thuận của mình. Trong một trang nhật ký, cụ từng tâm sự với bản thân và với chồng: “Tôi sẽ ăn ở hết bổn phận làm dâu con, làm em, làm chị. Tôi mong niềm vui hạnh phúc đó đẹp đẽ như tôi hằng mong. Đối với mẹ chồng, tôi yêu chồng tôi tất nhiên kính yêu mẹ…”. Cụ Ngọc đã trở thành mối dây gắn kết giữa các anh chị em trong nhà chồng.
 
Đó cũng là lý do vì sao, cụ Ngọc luôn dạy các con gái, ngoài sự nghiệp, còn phải biết chăm lo, vun vén nhà cửa. Với cụ, phụ nữ chính là ngọn lửa ấm làm nên hạnh phúc gia đình. Sau khi du học xa nhà hơn 10  năm, bà Kim Hạnh trở về với mẹ. Lúc đó, cụ nhìn thấy ở con gái có một số điểm “chưa được”. Phong cách bà Kim Hạnh hồi đó có phần xuề xòa, thiếu chăm chút bản thân ở thời kháng chiến chống chiến tranh phá hoại hay thời bao cấp. Ngay lập tức, cụ nhắc con: “Hạnh phải giữ gìn cho đẹp trước mặt cả chồng con. Ngay cả khi ở trong nhà cũng phải đẹp như lúc ra đường”. “Mẹ tôi thường giải thích: “Không phải mẹ chuộng hình thức nhưng thực chất qua cách ăn mặc cũng toát lên tư cách và trí tuệ của mình. Mẹ tôi rất ít áo quần nhưng bà biết giữ quần áo lúc nào cũng chỉnh tề lịch thiệp. Bà thường dặn con mình và các bạn nữ đồng nghiệp là đi làm dù áo quần thế nào cũng phải cho tươm tất, chỉ những đường gấp, nét vuốt phẳng cũng làm cho người ta tôn trọng mình. Điều này trong thời chiến không phải ai cũng như mẹ tôi gìn giữ phong cách thanh lịch ấy cả những lúc khó khăn nhất” - TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Quân y viện 108, con gái thứ của cụ Ngọc nhớ lại.
 
Cụ Ngọc chăm chút, giữ gìn nhà cửa rất sạch sẽ, gọn gàng. Khi đi tản cư, cả nhà chỉ ở trong một căn phòng nhỏ nhưng cụ vẫn sắp xếp kê bàn học cho con, rồi có bồ thúng đựng đồ chơi… Cụ chú tâm trong mọi việc, từ nấu cơm đến sắp cơm đầy đủ để khi mọi người vào mâm không phải đứng lên lấy thêm đồ dùng. Cụ dặn con gái phải sắp đặt món ăn trên mâm có màu sắc ngon miệng dù bữa cơm không có nhiều chả, giò.
 
Là phu nhân Bộ trưởng, cụ Ngọc còn có thêm trọng trách giúp chồng đối ngoại, nhất là khi hòa bình lập lại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp đón tại nhà riêng nhiều đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra Bắc hay các đoàn khách quốc tế. Vì thế, cụ cũng rất chú ý dạy con lễ nghi ngoại giao, cách ứng xử với khách. Mỗi lần tiếp khách, cụ thường gọi các con ra tiếp chuyện và giới thiệu con học và tốt nghiệp ở đâu, nay đang đảm đương nhiệm vụ gì. “Đó là cách cha mẹ chúng tôi giới thiệu để khách từ phương xa hiểu hơn về cuộc sống và xã hội ở miền Bắc qua đời sống một gia đình. Tôi hiểu rằng, nhà nước dành cho bộ - thứ trưởng được ở rộng hơn, có tiêu chuẩn chút ít bát đĩa tiện nghi là để làm đẹp Nhà nước. Cha mẹ tôi đã làm đúng những gì mà nhà nước đã giao phó chứ không phải coi đó là mục đích  hưởng thụ về vật chất cho cá nhân” - TS Nữ Hiếu tâm sự. 

Tôn trọng con dâu con rể
 
Có một điều mà các con cụ Ngọc luôn cảm kích chính là việc cụ luôn tôn trọng các con, nhất là trong lựa chọn hạnh phúc riêng. Là phu nhân Bộ trưởng nhưng cụ không có quan niệm môn đăng hộ đối, không nhìn về thành phần, giai cấp, địa vị xã hội hay hoàn cảnh kinh tế để chọn dâu, rể mà chỉ quan tâm đến tính cách, tư cách, phẩm chất, đạo đức người bạn đời tương lai của con.
 
Cụ Ngọc rất hiểu, con dâu, con rể chính là người sẽ gắn bó, đem lại hạnh phúc cho con mình nên mình cũng phải đối xử tốt và thương yêu dâu rể như con ruột. “Đó cũng là lý do vì sao, các con dâu, rể đều cảm phục mẹ và một lòng chăm lo cho gia đình chung, hiếu thuận với mẹ”- PGS.TS Huy chia sẻ.
 
Khi nghe tin con gái lớn Nữ Hạnh có người yêu là Hiền Nhân, cụ nhẹ nhàng tâm sự với chàng rể tương lai: “Mẹ thương các con của mẹ lắm Hiền Nhân ạ. Mẹ mong cuộc đời của các con mẹ đều được hạnh phúc, mà những chàng rể của mẹ đóng một vai trò quan trọng vào cuộc đời của các con gái mẹ”. Sau đó, đến lượt con gái thứ Bích Hà yêu người con trai Trương Văn Cầu, cụ lại khéo léo chia sẻ với chàng rể thứ hai: “Mẹ mong Cầu-Hà sống với nhau bình đẳng tôn trọng nhau, chung thủy với nhau, nâng niu giữ gìn tình yêu của hai con. Mẹ mong các con xây dựng gia đình hưởng hạnh phúc tuyệt vời”.
 
Đám cưới của TS Nữ Hiếu với GS Nguyễn Lân Dũng, cụ Ngọc vui  mừng gửi gắm: “Mẹ vui mừng thấy hai con yêu nhau, xây dựng cho nhau một tình yêu cao đẹp. Mẹ chúc tình yêu của hai con mãi mãi như những ngày đầu...”. Đối với con dâu út, cụ Ngọc lại căn dặn: “Nhà có phúc lấy được dâu hiền. Niềm tin của mẹ, vợ Huy sẽ là người vợ hiền dâu thảo của mẹ. Có mỗi một con trai, có một con dâu cho nên xấu tốt chỉ có một người. Cảnh già có con hiền dâu thảo bên cạnh là niềm hạnh phúc mẹ chờ đợi”. Trong cuốn nhật ký, cụ Ngọc còn cẩn thận ghi những ngày cưới của từng con và cả  những điều nhắc, những nhược điểm của từng đôi lứa để đảm bảo hạnh phúc cho từng cặp vợ chồng trẻ.
 
Khi cụ Ngọc qua đời, cháu  ngoại của cụ là anh Nguyễn Kim Hiền (nay là TS nghiên cứu về Thần học) đang ở bộ đội, đã trở về, đọc cho cả nhà nghe bức thư cụ gửi cho anh năm 1987. Trong thư, cụ thanh thản viết: “Bà không dám tự hào mãn nguyện, nhưng bà thấy có thể mỉm cười trước tuổi ngoài 70 này. Suốt cuộc đời bà tâm tâm niêm niệm làm điều tốt cho mình, cho người, trong tâm không có điều gì phải ân hận. Với gia đình, bà đã xây đắp từng viên gạch nhỏ đầu tiên… Cứ thế bà cần cù kiên trì tin tưởng, phấn khởi bằng mọi khả năng của mình xây đắp tổ ấm hạnh phúc”.
Hoàng Lan
http://baophunuthudo.vn/sites/epaper/PNTD/Detail.aspx?ArtId=22768&CatId=190
Người đăng: Shark! vào lúc 22:59 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Đại gia đình trí thức một lòng theo Đảng

PNTĐ-Đó là đại gia đình GS Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong gần 30 năm, người đã có nhiều đóng góp rất tích cực vào thành tựu của nền giáo dục Việt Nam từ 1946-1975. 
GS Nguyễn Văn Huyên được Đảng và Nhà nước đánh giá là “một trong hai bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa xã hội chủ nghĩa”. Tiếp bước cha, 4 người con của GS Huyên đều trưởng thành, là những nhà trí thức hết lòng tin yêu Đảng, nỗ lực phục vụ đất nước và nhân dân. 
 
Không phải Đảng viên vẫn một lòng theo Đảng
 
Nguyễn Văn Huyên đỗ Tiến sĩ Văn khoa năm 1934 tại Pháp, sau đó là GS giảng dạy và nghiên cứu tại trường Bưởi, trường Viễn Đông Bác Cổ... GS đã có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc Cách mạng tháng 8/1945 khi cùng 3 nhà trí thức lớn gồm Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Xiển tạo thành một nhóm 4 trí thức chủ động đánh điện đề nghị vua Bảo Đại thoái vị, trao chính quyền cho Việt Minh. Năm 1946, GS Huyên được cử là thành viên phái đoàn đàm phán về nền độc lập của đất nước tại hội nghị Phông - ten - nơ - blô và vinh dự tham gia tháp tùng nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước Pháp để mưu cầu nền hòa bình giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Ông là 1 trong 14 vị Bộ trưởng trong Chính phủ Liên hiệp quốc dân (1946) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
 
Có một điều rất đặc biệt, dù có nhiều đóng góp cho đất nước được ghi nhận, bản thân GS Huyên cũng đã tự viết đơn xin vào Đảng nhưng cho đến cuối đời, GS vẫn… là người “ngoài Đảng”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai út của GS hồi tưởng: “Năm 1960, Đảng ủy Bộ Giáo dục (GD) đã làm mọi thủ tục để kết nạp cha tôi vào Đảng nhưng vì ông là một cán bộ cao cấp nên trước khi kết nạp đã hỏi ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị. Sau đó, Hồ Chủ tịch đã gặp riêng cha tôi và nói: “Chú đứng ngoài Đảng sẽ có lợi hơn cho cách mạng””.
 
GS Nguyễn Văn Huyên (thứ 2 từ trái sang) tháp tùng Bác Hồ đến
thăm 1 lớp học phổ thông ở HN
 
Theo PGS.TS Huy, trong hoàn cảnh đất nước ta bấy giờ còn chia cắt hai miền, Bộ Chính trị muốn tạo nên một mặt trận đoàn kết, thống nhất, bao gồm cả người trong Đảng, ngoài Đảng và các Đảng phái khác nhau. Tuân thủ quyết định của Bác Hồ và Bộ Chính trị, GS Huyên đã làm “một người ngoài Đảng” nhưng, trên thực tế, Đảng chưa bao giờ coi GS là “người ngoài”. GS vẫn tham dự sinh hoạt Đảng, được là đại biểu mời trong các Đại hội Đảng toàn quốc. Chỉ khác, GS không đóng Đảng phí và tham gia biểu quyết mà thôi.
 
PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, con gái thứ của GS Nguyễn Văn Huyên kể: “Dù không phải là Đảng viên nhưng cha tôi lúc nào cũng trung thành với Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bác Hồ. Tháng 7/1954, cha gửi thư cho tôi: “Nữ Hiếu yêu quý! Hôm nay bắt đầu ngừng bắn ở Đông Dương con ạ. Nhờ ơn Bác, hòa bình lại trở lại trên đất nước ta. Nước ta Độc lập, thống nhất từ đây”. Rồi cha dặn tôi phải cố gắng học tốt để xứng đáng với công ơn của Đảng”.
 
Năm 1958, trong một lá thư khác gửi các con, GS Huyên đã viết: “Cậu đối với Đảng hơn 10 năm công tác và được sự giáo dục rất nhiều nên trở thành người dính chặt với Đảng. Quanh cậu những người thân cận ngày nay đều là Đảng viên, là những người thành tâm vì Đảng, vì Tổ quốc, giúp cậu làm công tác lãnh đạo tốt, phục vụ Tổ quốc.
 
Cậu không cảm thấy mình có cái gì khác biệt giữa mình và Đảng”. Ngày 3/2/1975, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đảng, như linh cảm trước khi qua đời, GS Nguyễn Văn Huyên đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn: “Riêng cá nhân tôi, hôm nay vô cùng xúc động được tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Đảng đã giúp đỡ, giáo dục bản thân phát huy phần nhỏ bé của mình trong hàng ngũ nhà giáo đông đảo và ngày càng vững chắc. Từ một thanh niên, trước Cách mạng chỉ có tham vọng cho mình một vị trí trong một nền khoa học dân tộc, được Bác Hồ và Đảng tin cậy, thương yêu dìu dắt vào một con đường cách mạng vĩ đại của dân tộc, suốt 30 năm tôi được vinh dự phấn đấu trưởng thành trong ngành giáo dục, từ chỗ “Chia chữ” với đồng bào như Bác Hồ trìu mến dạy tôi cho đến lúc nhà trường phát triển vững mạnh như ngày nay dưới lá cờ vinh quang của Đảng”.

Góp công chấn hưng giáo dục nước nhà
 
Có thể nói, trong 30 năm, GS Huyên với tầm nhìn xa trông rộng, đã đưa ra nhiều quyết sách rất quan trọng để chấn hưng toàn diện GD nước nhà. GS đã có công rất lớn trong việc xây dựng nền quốc học nhân dân, xóa bỏ tình trạng 95% dân số mù chữ; tổ chức một mạng lưới trường học trên mọi vùng của miền Bắc. Thấu hiểu tầm quan trọng của GD, tại cuộc họp của Hội đồng giáo dục đặc biệt tháng 8/1949, GS đã nhấn mạnh: “Chính phủ nhận định trong năm vừa qua, mọi khả năng về nhân lực, vật lực và tài lực đã đặt vào các ngành khác nhiều hơn là cho giáo dục. Vì vậy giáo dục đã đi chậm nên cần phải định cho giáo dục một kế hoạch phát triển cho kịp thời”.
 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (người thứ 3, từ trái), tháp tùng Bác Hồ
đến thăm lớp học tiếng Nga đầu tiên sau hòa bình ở Hà Nội (năm 1955)
 
Cách đây hơn 50 năm, vị Bộ trưởng bộ GD đã quan tâm đến giáo dục tư thục, dân lập vì GS hiểu, Chính phủ còn khó khăn sẽ không đủ khả năng mở đủ trường cho người dân. Nhưng, muốn khuyến khích giáo dục tư  thục phát triển thì Nhà nước cần có chính sách ưu đãi. Trong tờ trình về vấn đề phổ cập cấp I cho thiếu nhi năm 1956, GS Huyên khẳng định “Hầu hết chi phí cho phổ cập giáo dục đều dựa vào lực lượng nhân dân... Nhà nước sẽ cộng trợ thêm để đảm bảo sinh hoạt phí của giáo viên dân lập được lĩnh đầy đủ và đều đặn”. Cũng không phải đến bây giờ, vấn đề lương giáo viên còn thấp mới được nhìn nhận mà ngay từ năm 1950, Bộ GD đã có văn bản trình lên Hồ Chủ tịch về những giải pháp “Nâng đỡ cho cán bộ giáo dục về phương diện vật chất để gây cơ sở mới cho sự thực hiện chính sách GD”. Sau đó, Hồ Chủ tịch đã ban hành Sắc lệnh thi hành kể từ tháng 11/1950 về phụ cấp chuyên môn và phụ cấp chức vụ nhân viên giáo dục.
 
Tài năng của GS Huyên còn được thể hiện qua những quyết sách chiến lược mà tới nay vẫn đúng đắn. Năm 1949, Hội nghị GD đặc biệt đã nhất trí đặt tên ngành học Mẫu giáo, theo GS Huyên là để chuẩn bị cho các trẻ em từ 5 tuổi đến 7 tuổi vào tiểu học và giúp giảm vất vả cho người phụ nữ. GS Huyên cũng luôn khẳng định vai trò của GD Lịch sử và đã đề xuất lập Viện Sử học để biên soạn bộ Sử và khuyến khích những người yêu Sử học. Ngay từ những năm cuộc kháng chiến còn rất khó khăn trên Việt Bắc, trước khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc 4-5 năm, GS đã yêu cầu các cơ quan phải “sưu tầm và lưu giữ các tư liệu cho đến hết cuộc chiến tranh Việt - Pháp này vừa để viết sử vừa để sau này hậu thế bình phẩm”. GS còn quan tâm đến dạy ngoại ngữ và đề nghị Hội đồng Chính phủ quyết định dạy 4 thứ tiếng Nga, Hoa, Anh, Pháp trong chương trình phổ thông.
 
Khi phong trào xóa nạn mù chữ đã ít nhiều thành công, ngành GD do GS Huyên lãnh đạo đã tổ chức cải cách giáo dục lần thứ nhất. Hệ thống trường phổ thông 9 năm ra đời là một sáng tạo lớn. Bộ GD đã cho lập Ban tu thư để soạn SGK. Nhờ đó, các SGK từ lớp vỡ lòng, lớp 1 đến lớp 9 đã được biên soạn và xuất bản khá đầy đủ. Các giáo trình ĐH đều bằng tiếng Việt được phổ biến rộng rãi cho các SV và học hàm thụ. Nhờ thế mà một đội ngũ trí thức mới, lực lượng nòng cốt của các ngành, các lĩnh vực mau chóng được hình thành và phát triển.

Tiếp nối tâm nguyện của cha
 
Tiếp nối cha, những người con của GS Huyên khi lớn lên cũng đều nỗ lực học tập để mong được phụng sự đất nước. PGS.TS Nữ Hiếu đã trở thành người đầu tiên là con gái Bộ trưởng tình nguyện vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Khi đang học năm cuối của  ĐH Y Hà Nội bà đã xung phong nhập ngũ phục vụ quân đội. Năm 1971, bà kết hôn với giảng viên trẻ Nguyễn Lân Dũng, sau này là GS.TS, NGND, đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa X, XI, XII… Năm 1972, mặc dù đang mang thai con đầu lòng nhưng bà lại xung phong tham gia Đoàn 730B vào chiến trường Quảng Trị.
 
Có một giai đoạn, vì GS Huyên là người ngoài Đảng nên những người con của GS cũng gặp trở ngại khi kết nạp Đảng. GS Huyên đã khuyên các con càng phải cố gắng. Năm 1972, UB Khoa học xã hội Việt Nam nơi ông Huy công tác đã kết nạp ông vào Đảng. Sau đó, hai chị gái của ông cũng lần lượt trở thành Đảng viên. Không chỉ vậy, họ còn khẳng định được sự nghiệp vững chắc.
 
Trưởng nữ Nguyễn Kim Nữ Hạnh là kỹ sư Thông tin hữu tuyến đường sắt góp phần đảm bảo an toàn đường sắt trong thời chống chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ. Không ham danh lợi, khi đang làm trưởng phòng kế hoạch trong một Ban thuộc Tổng cục Đường sắt, bà Hạnh đã tự nguyện xin về làm việc như một người thợ ở một trạm thông tin đường dài trong bối cảnh đổi mới khoa học kỹ thuật của ngành từ điện tử sang bán dẫn. Sau đó, bà trở thành trạm trưởng, rồi đội trưởng chỉ đạo thi công, quản lý chuyển đổi thiết bị mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ phụ trách 12 đơn vị sản xuất phục vụ ngành đường sắt điều hành sản xuất và chỉ huy chạy tàu trên 5 tuyến đường sắt Bắc Nam và các tuyến phía Bắc.
 
Thứ nữ Nguyễn Bích Hà là người đầu tiên trong số 4 chị em được nhận bằng Phó Tiến sĩ Hóa học tại Liên Xô năm 1972. Bà Nữ Hiếu nhận Tiến sĩ Y học năm 1995, sau đó là Phó Giám đốc Quân y viện 108, được nhận quân hàm Đại tá (1995), Uỷ viên Hội đồng Y học quân sự Bộ Quốc phòng. Thứ nam Nguyễn Văn Huy trở thành Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Năm 2000, Hội đồng văn hóa châu Á (Mỹ) đã trao giải thưởng John D.Rockerfeller III cho ông Huy vì những đóng góp phát triển giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nước trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.  
 
Bà Nữ Hiếu tâm sự: Trọn cuộc đời, cha tôi đã sống thanh liêm, chỉ biết phụng sự vì việc chung với tâm thế như của một Đảng viên Cộng sản luôn đau đáu trăn trở về nền độc lập của đất nước và dân trí của nhân dân. Anh chị em chúng tôi nay đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy” luôn noi theo cha, một lòng vì nước, vì dân.

Hoàng Lan
http://baophunuthudo.vn/sites/epaper/PNTD/Detail.aspx?ArtId=22669&CatId=169
Người đăng: Shark! vào lúc 23:12 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên: Nét phác họa cuộc đời vị bộ trưởng và một gia đình trí thức tiêu biểu

Tọa lạc trên diện tích 250m² ở làng Lai Xá (xã Hoài Đức, Hà Nội), Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - bảo tàng về nhà trí thức tiêu biểu trong Chính phủ cách mạng ngay sau Cách mạng Tháng Tám, một vị Bộ trưởng Giáo dục tài đức vẹn toàn, là một địa chỉ hữu ích với nhiều người, nhất là với các em học sinh.
  • Thành lập “Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên”
  • Nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên (16-11-1908 - 19-10-1975): Đạo lý làm đầu
  • Nguyễn Văn Huyên - Một tấm gương về nhân cách
Đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, chúng ta cảm nhận tầm vóc của một người trí thức suốt đời phụng sự Tổ quốc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu văn hóa…

Khi đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, khách tham quan sẽ được những hậu duệ của ông tiếp đón và kiêm luôn hướng dẫn viên. Người tham quan sẽ cảm nhận rõ hơn, gần gũi hơn về một nhân sỹ, trí thức tiêu biểu được Bác Hồ lựa chọn làm Bộ trưởng Giáo dục nhiều năm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Buổi chiều ấy chúng tôi đến, từ cảnh vật đến hiện vật đều gợi nhớ đến ông, đến truyền thống của một gia đình hiếu học.
                  
                 Bảng phả hệ gia đình Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên
Tại khuôn viên khu vườn nhỏ xinh đẹp, yên tĩnh và xanh mướt mát cây lá, bà Vũ Thị Kim – con dâu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thân mật tiếp đón và thuyết minh. Đó là khu vườn nhỏ được trồng những loại cây gợi nhớ về khu vườn của bố mẹ và 4 chị em bên nhà chồng bà đã từng sống, có tên Vườn ký ức. Cây sấu, cành roi, chùm khế trĩu quả hay những đóa loa kèn rực rỡ... Khi thấy lại những cảnh vật xưa cũ được tái hiện, bao kỷ niệm như ùa về và cả gia đình như sống lại trong ngôi nhà đầm ấm một thời. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là một tríthức Tây học, ông cùng người em trai được sang Pháp từ đầu thế kỷ XX du học và làm luận án tiến sĩ tại đây. Khi về nước, ông không ra làm quan mà chuyên tâm với nghề dạy học và gắn bó trọn đời với sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu văn hóa. Khi du học bên Pháp, ông và người em trai được chị gái, một giáo viên dạy Toán đầu tiên của Trường Đồng Khánh, cũng chính là phu nhân Khâm sai đại thần (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) Phan Kế Toại nuôi ăn học. Em ruột ông, ông Nguyễn Văn Hưởng, sau này là Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

                    
                  Bảo tàng thu hút rất đông các em học sinh đến tham quan và học hỏi

Người bạn đời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là bà Vi Kim Ngọc, ái nữ của Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định nức tiếng một thời bởi truyền thống của một đại gia tộc từng được trọng dụng từ đầu triều Lê. Bà Vi Kim Ngọc là một người phụ nữ xinh đẹp, rất có cá tính và am hiểu cầm, kỳ, thi, họa.
Trong phần trưng bày phả hệ gia tộc họ Nguyễn và họ Vi, người xem có thể cảm nhận họ Vi bên nhà bà Kim Ngọc là một gia tộc khá đặc biệt, “danh gia vọng tộc”.

Phần trưng bày các tư liệu, hình ảnh thời trẻ của ông bà Nguyễn Văn Huyên -  Vi Kim Ngọc gắn với một chuyện tình đẹp và lãng mạn của cặp trai tài – gái sắc và những công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Huyên, những cuộc đi điền dã và những ghi chép, (bản nháp, những số liệu, đo đạc của các công trình nghiên cứu dân tộc học, văn hóa học và cả những phác thảo hình ảnh…). Những quyển sổ chữ nhỏ li ti, được ông ghi chép trong mỗi chuyến đi, giấy đã ngả màu vàng nhưng nét chữ và mép giấy vẫn còn như tươi rói. Đó là các công trình: "Hát đối của thanh niên nam nữ ở Việt Nam", "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á", "Những khúc ca đám cưới Tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng"... “Tết Nguyên đán ở Việt Nam”, “Tết Thanh Minh về việc tảo mộ của Việt Nam”...

Phần tuổi trẻ của bà Vi Kim Ngọc lại tươi rói ở những bức hình. Một tiểu thư con quan Tổng đốc không những nổi tiếng bởi tên tuổi của người cha mà còn nổi tiếng bởi sự thông minh, xinh đẹp, hiền thục. Ở bức hình nào, bà cũng luôn nổi bật. Bên cạnh đó là những bức họa, những bông hồng nhung bằng lụa đẹp do chính tiểu thư một thời và phu nhân bộ trưởng sau này thể hiện. 

Tình yêu còn làm đầy thêm với những bản nhạc được cất lên. Đó là những bài hát ông bà thường nghe, giờ đây lại vang lên trong chính căn phòng mang đầy kỷ vật và kỷ niệm. Chiếc máy ảnh cũ ông thường chụp những bức ảnh của vợ con mình. Trong đó có nhiều bức ảnh những đứa trẻ trong kháng chiến chống Pháp, là con, cháu của ông bà và những người thân trong gia đình như bác sĩ Hồ Đắc Di, bác sĩ Tôn Thất Tùng luôn ở bên nhau. Họ là những cái tên mà khi nhắc đến, nhân sỹ, trí thức Hà thành đều ngưỡng mộ và trân trọng: Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Hồ Thể Lan, Hồ Đắc Thuyên, Tôn Thất Bách, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hạnh... 

Đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, chúng ta cảm nhận sự độc đáo và càng trân trọng một gia tộc đã nhiều đời dày công “trồng cây ĐỨC” để, chẳng những được phúc đẳng hà sa mà còn làm rạng danh trí thức nước Việt Nam.

Ngô Chuyên

Liên kết: http://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Bao-tang-Nguyen-Van-Huyen-Net-phac-hoa-cuoc-doi-vi-bo-truong-va-mot-gia-dinh-tri-thuc-tieu-bieu-381795/
Người đăng: Shark! vào lúc 08:30 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Bài đăng mới hơn Bài đăng cũ hơn Trang chủ
Đăng ký: Bài đăng (Atom)

Số lượt xem trang

Bài đã đăng

  • ►  2020 (3)
    • ►  tháng 5 (1)
    • ►  tháng 2 (2)
  • ►  2019 (14)
    • ►  tháng 12 (2)
    • ►  tháng 11 (1)
    • ►  tháng 10 (1)
    • ►  tháng 3 (7)
    • ►  tháng 2 (3)
  • ►  2018 (3)
    • ►  tháng 11 (3)
  • ►  2017 (24)
    • ►  tháng 11 (9)
    • ►  tháng 10 (1)
    • ►  tháng 8 (1)
    • ►  tháng 7 (2)
    • ►  tháng 6 (4)
    • ►  tháng 5 (1)
    • ►  tháng 2 (1)
    • ►  tháng 1 (5)
  • ▼  2016 (12)
    • ►  tháng 12 (1)
    • ►  tháng 6 (1)
    • ►  tháng 5 (2)
    • ►  tháng 4 (2)
    • ►  tháng 3 (1)
    • ▼  tháng 2 (3)
      • Bí quyết dạy con, giữ nếp nhà của phu nhân Bộ trưở...
      • Đại gia đình trí thức một lòng theo Đảng
      • Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên: Nét phác họa cuộc đời v...
    • ►  tháng 1 (2)
  • ►  2015 (61)
    • ►  tháng 12 (2)
    • ►  tháng 11 (7)
    • ►  tháng 10 (5)
    • ►  tháng 9 (5)
    • ►  tháng 8 (9)
    • ►  tháng 7 (3)
    • ►  tháng 6 (2)
    • ►  tháng 5 (2)
    • ►  tháng 4 (11)
    • ►  tháng 3 (3)
    • ►  tháng 2 (3)
    • ►  tháng 1 (9)
  • ►  2014 (26)
    • ►  tháng 12 (6)
    • ►  tháng 11 (10)
    • ►  tháng 2 (2)
    • ►  tháng 1 (8)
  • ►  2013 (9)
    • ►  tháng 7 (9)
Locations of Site Visitors

Đến với Bảo tàng - Directions

Đến với Bảo tàng - Directions

Người đóng góp cho blog

  • Shark!
  • hadoantu

Đánh giá trên TripAdvisor

Facebook

Museum of Nguyen Van Huyen

Promote Your Page Too

Liên lạc

  • Contact us
The Nguyen Van Huyen Museum © 2015, Email: museum(at)nguyenvanhuyen.org.vn. Chủ đề Đơn giản. Được tạo bởi Blogger.