Cây phả hệ và chứng nhân của lịch sử
Bảo tàng cá nhân Nguyễn Văn Huyên nằm tại làng Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. Đây là nơi trưng bày cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giáo dục của GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1975). Tuy không quá rộng về không gian nhưng bảo tàng chứa đựng chiều sâu gắn kết lịch sử và bề dày truyền thống của một gia đình trí thức hàng đầu Việt Nam.
Không gian của bảo tàng được chia làm 4
tầng, theo thứ tự tham quan từ dưới lên trên, từ trái sang phải cùng
những trang nhật ký cuộc đời và những dòng tâm sự chất chứa của mỗi
thành viên trong gia đình. Kho tư liệu liên quan vô cùng quý giá được
đặt trang trọng ở khu trung tâm giúp người xem hiểu rõ hơn về những câu
chuyện của gia đình đồng thời có mối liên hệ tới những tiến trình, sự
kiện lịch sử đã qua. “Bố mẹ chúng tôi”, “Tuổi trẻ của bố mẹ”, “Bố chúng
tôi, một nhà bác học”, “Bố chúng tôi, một người hành động” là tên những
nội dung của các tầng tham quan.
Mở cửa bước vào gian trưng bày tầng 1,
tôi thấy ngay trước mắt mình là cây phả hệ trang trọng gồm 6 thế hệ của
gia đình được đặt chính giữa chiếm trọn bức tường. Từ những cụ tổ sinh
năm 1832 cho tới thế hệ những đứa cháu mới chào đời năm 2012. Dọc theo
chiều dài lịch sử của gia đình. Từ những tiếng súng đầu tiên Thực dân
pháp xâm lược nước ta năm 1858, trải qua những năm trường kỳ kháng chiến
gian khổ, đánh đổi máu xương chống lại những đế quốc xâm lược cho đến
tháng ngày tái thiết đất nước sau chiến tranh đầy thiếu thốn, khi nền
hoà bình được dựng xây bằng mồ hôi và nước mắt trĩu nặng để có những
tiếng cười an vui của ngày hôm nay.
Tất cả những con người của hai gia đình
nội ngoại dòng họ Vi – Nguyễn, những câu chuyện của họ đều là sợi dây
liên kết trong dòng chảy bất tận của lịch sử. “Chúng tôi tin rằng tư
liệu của gia đình phản ánh lịch sử, văn hoá của đất nước. Lịch sử đất
nước bắt đầu từ lịch sử của mỗi cá nhân” – trích “Lời giới thiệu Bảo
tàng Nguyễn Văn Huyên”
Cây phả hệ dòng 2 dòng họ Vi – Nguyễn, một gia đình trí thức hàng đầu Việt Nam
“Chuyện về cha mẹ chúng tôi”
“Mong muốn có một bảo tàng cá nhân thì
gia đình chúng tôi đã nung nấu ý tưởng từ lâu. Khối lượng hiện vật thì
gia đình đã thấy rất phong phú rồi. Nhưng quyết tâm phải củng cố dần dần
do một bảo tàng được xây dựng lên có đáp ứng được nhu cầu xã hội hay
không, đáp ứng được mong muốn người xem hay không lại là một câu hỏi
luôn phải đặt ra đối với những người làm bảo tàng.”, PGS.TS Nguyễn Văn
Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người con trai duy
nhất của cố GS. Nguyễn Văn Huyên chia sẻ.
Vào năm 2010, ông Huy có dịp sang Hà Lan
dự một cuộc bảo vệ luận án và được đi thăm bảo tàng Anne Frank House,
nơi nói về cuộc đời ngắn ngủi của cô gái người Đức gốc Do Thái bị chết ở
trong trại tập trung địa ngục Bergen-Belsen Đức. Từ câu chuyện đẫm nước
mắt của cô gái chết trong chế độ diệt chủng, phân biệt chủng tộc thời
Đức quốc xã đã khiến ông Huy và gia đình nghĩ đến cuộc đời của bố mẹ
cùng những thăng trầm đằng đẵng của đất nước, từ đó bắt tay thực hiện
trong gần 4 năm trời, kể lên câu chuyện của gia đình mình bằng ngôn ngữ
bảo tàng.
Muốn có câu chuyện kể cụ thể, trung
thực, sống động và hấp dẫn khách thăm quan. Ông Huy đã cùng các đồng sự
thân thiết, những chuyên gia về bảo tàng hàng đầu trong nước và các
chuyên gia uy tín nước ngoài tham gia xây dựng nội dung trưng bày cũng
như nội thất của bảo tàng Nguyễn Văn Huyên để bảo tàng đạt được những
chuẩn quốc tế, ngang với các bảo tàng có quy mô tương đương trên thế
giới.
“Bảo tàng này là nơi chúng tôi ngẫm câu
chuyện gia đình gắn với lịch sử đất nước. Hơn thế nữa, chúng tôi còn
phải tiếp tục lắng nghe, cầu thị để đáp ứng nhu cầu xã hội. Bởi bất cứ
bảo tàng nào không phải cũng có đông người xem ngay từ đầu mà là cả một
quá trình giúp xã hội nhận thức trước khi trở thành nơi tìm kiếm thông
tin hữu ích cho cộng đồng.”, ông Huy nói.
Bạn bè và quan khách trong đám cưới GS.Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, một đám cưới thượng lưu lúc bấy giờ
Hộp sắt đựng nhật ký của bà Vi Kim Ngọc và chiếc đồng hồ có in hình bức hoạ chân dung Hồ Chủ tịch do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng GS. Nguyễn Văn Huyên, một thành viên Chính phủ nhân dịp ký Hiệp định Giơnevơ
Những trang nhật ký xúc động của bà Vi Kim Ngọc, vợ GS. Nguyễn Văn Huyên
Tình yêu thương cất giữ trong từng câu chữ
Trong không gian trưng bày trên tầng 2 của bảo tàng, giai điệu “Ngọc Lan” của nhạc sỹ tài hoa thời kỳ đầu nền tân nhạc - Dương Thiệu Tước cất lên hoà quyện đưa khách thăm quan đắm mình vào câu chuyện ký ức. Bản ca gợi nhắc về mối tình đầu dang dở của bà Vi Kim Ngọc (vợ GS Nguyễn Văn Huyên), người đã dũng cảm đấu tranh vượt lên mọi định kiến để đi theo tiếng gọi tình yêu của con tim mình thay vì tình yêu do cha mẹ sắp đặt như lẽ thường vào thời điểm đấy. Đây chính là ca khúc mà nhạc sỹ Dương Thiệu Tước viết tặng mối tình đầu của mình là bà Ngọc.
Với thiết kế, đồ họa và màu sắc được xử
lý hài hòa tạo cho bảo tàng Nguyễn Văn Huyên một không gian gần gũi,
chan hòa như không khí trong chính một gia đình. Nơi đó có tình yêu
thương lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, có tình cảm vợ
chồng nồng nàn, và còn có cả tình yêu mãnh liệt dành cho đồng bào miền
Nam của lứa thanh niên lên đường nhập ngũ trong những tháng năm chia
cách đôi bờ.
Không gian ấm cúng bên trong bảo tàng Nguyễn Văn Huyên
PGS.TS Nguyễn Văn Huy say mê kể lại câu chuyện gia đình cho khách tới tham quan
“Ngày 13 tháng 4 năm 1951, Hiếu tập đi.
Những bước chân Hiếu tập đi sau khi tháo bột. Nhìn con run rẩy đi mẹ
sung sướng lệ đầy mắt, mẹ cũng run lên vì vui và như tim ngừng đập vì
sướng…Con đã đi được rồi ư ? Chân con lại nhảy như con sáo luồn cây ư ?
Chân con chạy, con múa được ư ? Ôi, ai đã trả lại hạnh phúc cho con tôi,
cho tôi ? Ôi, mẹ mừng, vui, bút nào tả đủ lời.” – trích nhật ký của bà
Vi Kim Ngọc viết cho người con thứ ba - Nguyễn Kim Nữ Hiếu.
“Chú Huy ra đời trong thời buổi tuy cái nguy đầy rẫy nhưng ánh sáng huy hoàng đã bắt đầu bao phủ cả một góc trời Nam. Chúng ta muốn ánh sáng ấy đầy hạnh phúc và hoà bình trong thế hệ tương lai này nên gọi chú Huy là Văn Huy. Bố là Văn Huyên một ánh sáng nhẹ nhàng, mẹ là Kim Ngọc, một vật quý không vết, con Văn Huy phải tiến một bước dài trong các nguồn hạnh phúc của các chị lớn.” – trích bức thư gửi gia đình của GS. Nguyễn Văn Huyên năm 1946.
Trong cuộc trò chuyện bên “Khu vườn ký
ước” đầy hoài niệm tại khu vực sân trước của bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn
Huy năm nay vừa tròn 70 tuổi, tâm huyết và sự chân thành của người gắn
bó với bảo tàng lâu năm khiến cho một người trẻ là tôi dường như thích
thú hơn với những câu chuyện lịch sử mà trước đây tôi như lãng quên phần
nào vì mặc định lên nó sự khô khan, nhàm chán.
Ấm áp. Đó có lẽ là miêu tả đơn giản nhất khi ai đó chưa nghĩ ra được từ ngữ nào thích hợp để nói về bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét