Không gian trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.
“Mẹ chăm chút từng kỷ vật của bố: Cuốn sổ ghi chép khi ông làm luận án ở
Sorbonne (Paris), phong bì thư gửi “ông Nguyễn Văn Huyên…”, máy nghe
nhạc, thẻ thư viện, các tác phẩm khoa học, các tài liệu kháng chiến
chống Pháp, chống Mỹ... Bà muốn giữ lại mọi thứ để con cháu biết và hiểu
về bố, về ông mình”. Đây là câu chuyện mà khách tham quan sẽ cảm nhận
khi bước vào khu trưng bày của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.
Kỷ vật của một đời người
Nằm trong khuôn viên ngôi biệt thự 4
tầng tại làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), Bảo tàng
Nguyễn Văn Huyên kể câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu khoa
học của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục
trong suốt 28 năm). Bảo tàng do con trai ông - PGS-TS Nguyễn Văn Huy -
và gia đình tạo lập, trước hết là để thỏa tâm nguyện kể câu chuyện bố mẹ
mình, sau đó là hướng đến nhu cầu giáo dục, kết nối con người.
Bảo tàng trưng bày gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc, với nhiều bút tích của các nhân vật nổi tiếng, có những văn bản có chữ “ký tươi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các kỷ vật của ông bà Huyên - Ngọc được gia đình lưu giữ một cách cẩn thận.
Nhà trưng bày được tổ chức theo 4 chủ đề chính, bố trí trên 4 tầng của tòa nhà: Nền tảng gia đình, tuổi trẻ của bố mẹ, bố chúng tôi - một nhà bác học, và bố chúng tôi - một người hành động. Dọc theo trục cầu thang là 36 sự kiện xã - hội chính trị trong nước và thế giới của một đời Nguyễn Văn Huyên: Từ năm 1905 khi ông sinh ra gắn với chiến tranh Nga - Nhật, đến năm 1975, khi ông qua đời cũng là khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng.
Giữa không gian đầy ký ức của bảo tàng, khách tham quan còn được đắm hồn mình trong âm thanh du dương của những bài hát, bản nhạc Việt Nam và Pháp rất quen thuộc một thời, để như được trở về với quá khứ.
Bảo tàng do kiến trúc sư Véronique Dollfus (Pháp) thiết kế, khu trưng bày của bảo tàng rất khác với các bảo tàng khác. Gia đình cũng cho biết, kiến trúc sư Véronique Dollfus là một người bạn của gia đình, nên ông đã thiết kế miễn phí cho bảo tàng, cũng là để tỏ lòng khâm phục với GS-TS Nguyễn Văn Huyên.
Bà Vũ Thị Kim - người con dâu duy nhất của ông bà - cho biết: “Gia đình có ý định xây dựng bảo tàng từ khá lâu rồi, vì kỷ vật các cụ để lại đã có đủ, một số cũng được sưu tầm thêm ở gia đình người thân. Nhưng nhiều lần cũng xin kinh phí xây dựng bên phía Nhà nước nhưng không có hồi âm, nên gia đình quyết định mua thêm phần đất của nhà thờ tổ để xây dựng bảo tàng. Đến nay, gia đình cũng không thể ngờ được đã làm thành công như thế này”.
Tình yêu thương trong từng dòng nhật ký
Không gian tầng 2 của bảo tàng đưa ta
đến với câu chuyện tình yêu thời trẻ của ông bà Huyên - Ngọc. Về câu
chuyện bà Ngọc sẵn sàng chiến đấu với gia đình để bảo vệ tình yêu của
mình, chứ không chịu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nhờ vậy mới có thể
nên duyên cùng ông Huyên, xây dựng một gia đình hạnh phúc như thế này.
Nơi đây thấm đẫm tình yêu thương của cha mẹ với con cái, của anh chị em
trong gia đình, của tình cảm vợ chồng, khiến chúng ta nhớ về gia đình
của chính mình.
“Khi mẹ về với bố ở thế giới bên kia, bà để lại nhiều cuốn nhật ký về chồng, về các con, các cháu. Mỗi cuốn là một tác phẩm với những hình ảnh của chính bà”.
“Những bước chân Hiếu tập đi sau khi tháo bột. Nhìn con đi run rẩy, mẹ sung sướng lệ đầy mắt. Mẹ cũng run lên vì vui và tim như ngừng đập vì sung sướng” (Trích nhật ký của mẹ).
“Mẹ tôi nhắc tôi nhớ đến tên mình, có chữ đầu của tên cha mẹ: N-H (Nữ Hạnh). Sau này, tôi nhìn thấy cha mẹ có bộ cốc bằng bạc khắc chữ N-H rất đẹp. Tôi cảm nhận được mối tình đằm thắm của cha mẹ, nên càng cố gắng giữ gìn hạnh phúc”.
“Hiện con đã chuyển ra ngoài, không ở MGU nữa, như vậy có khó khăn không, năm nay con đã học năm thứ hai rồi. Cố gắng học, sửa những cái bỡ ngỡ năm ngoái mà tiến (Thư bố gửi Bích Hà)”.
Anh Nguyễn Vũ Hoàng - cháu đích tôn của ông bà Huyên - Ngọc, hiện đang công tác tại Bảo tàng Dân tộc học - chia sẻ: “Bảo tàng cho tôi hiểu hơn về ông bà mình, về giá trị của những kỷ vật mà ông bà để lại, nó giúp tôi khơi dậy tình yêu với gia đình. Dù chưa một lần được nhìn thấy ông nội, nhưng qua những kỷ vật, tôi hiểu và khâm phục ông rất nhiều, tôi tự thấy ông là một tấm gương để tôi học tập và noi theo suốt đời”. Hiện nay, anh cũng đi theo con đường của ông, cha mình, nghiên cứu về dân tộc học. Sắp tới, anh sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ dân tộc học với đề tài “Văn hóa của người Việt ở Mỹ”.
Một bảo tàng một mình với không gian đầy hoài niệm về cuộc đời một con người vĩ đại, đó là nét hay, nét đẹp của bảo tàng gia đình đầu tiên của VN - Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.