Thứ hai, 29/12/2014 | 10:41 GMT+7
Cuộc đời Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên
Từ một "ông nghè Tây",
GS.TS Nguyễn Văn Huyên rời bỏ cuộc sống đầy đủ dưới chế độ thực dân
phong kiến để đi kháng chiến rồi trở thành bộ trưởng có nhiều đóng góp
cho nền giáo dục nước nhà.
GS.TS Nguyễn Văn Huyên quê làng Lai Xá, Kim Chung (Hoài Đức, Hà
Nội). Khi còn nhỏ, ông học trường Albert Sarraut ở Hà Nội. Ông học rất
giỏi, năm nào cũng được dự lễ phát thưởng của thành phố ở Nhà Hát lớn.
|
Năm 1926, ông cùng người em trai Nguyễn Văn Hưởng (bên trái) sang
Pháp học. Ông học đại học Văn chương ở Montpellier, sau đó lên Paris học
Luật và làm luận án tiến sĩ ở Sorbonne. Những dịp nghỉ hè, nghỉ lễ,
cuối tuần, ông thường cùng bạn bè về các vùng quê của Pháp, du ngoạn
khám phá châu Âu. Những chuyến đi đã giúp ông hiểu biết nhiều hơn về con
người và văn hóa của nhiều vùng đất khác nhau.
|
Ban đầu, ông dự định làm luận án về quan hệ Pháp - Đông Dương thời
kỳ 1800 - 1880 nhưng không được phép tra cứu lưu trữ của Bộ Thuộc địa về
giai đoạn này. Ông tìm đến lĩnh vực mới là dân tộc học. Luận án Hát đối
đáp của nam nữ thanh niên ở Việt Nam bảo vệ thành công năm 1934. Ông
trở thành tiến sĩ văn chương người Việt Nam đầu tiên của Đại học Paris. Song song với ngôn ngữ và nghiên cứu, ông còn là giảng viên trường Ngôn ngữ phương Đông vào năm 1931 - 1935.
|
Năm 1935, ông trở về nước. Với học
vấn và học vị cao bậc nhất lúc đó, ông khước từ lời mời làm quan và
những hứa hẹn của chính quyền thực dân mà chỉ chọn nghề dạy học. Ông trở
thành giáo sư Sử - Địa trường Trung học Bảo hộ, tức trường Bưởi (nay là
trường Chu Văn An, Hà Nội) cùng với nhiều nhà giáo như Nguyễn Mạnh
Tường (tiến sĩ Văn chương và Luật), Hoàng Xuân Hãn (thạc sĩ
Toán), Nguyễn Xiển (kỹ sư), Ngụy Như Kon Tum (thạc sĩ Lý-Hóa), một thế
hệ những nhân vật nổi tiếng được đào tạo ở Pháp. Các ông không chỉ
truyền đạt kiến thức mà truyền cả niềm đam mê khoa học, niềm tự hào dân
tộc, tinh thần yêu nước cho các thế hệ học sinh trường Bưởi. Ở
trường, giáo viên người bản xứ không được đối xử bình đẳng nên ông thôi
dạy, chuyển sang nghiên cứu với tư cách là biệt phái viên ở trường Viễn
Đông Bác Cổ vào năm 1938.
|
GS Huyên có một thư viện với hàng ngàn cuốn sách. Nhiều cuốn được
đóng bìa da, bìa gấm, nạm chữ kim nhũ ghi Nguyễn Văn Huyên. Nhà văn hóa
Hữu Ngọc, cựu học sinh trường Bưởi kể lại rằng, nhiều lần ông tâm sự với
học sinh "mỗi lần thấy bàn đầy sách là tôi rộn lên vui sướng. Cuộc đời
tôi là sách và nghiên cứu". Khi cách mạng tháng Tám nổ ra, ông cùng với
các ông Hồ Hữu Tường, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum đại diện cho trí
thức thủ đô gửi điện tín yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị.
|
Năm 1946, ông Huyên (thứ 2 từ trái sang) cùng phái đoàn chính phủ
Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu. Hội
nghị đàm phán giữa hai chính phủ Việt Nam và Pháp về nền độc lập của
Việt Nam. Từ Pháp, ông viết bức thư về cho vợ - bà Vi Kim Ngọc "...đây
là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao
nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay
ngoài hai chục năm thở vắn than dài, cố sức của mình để thoát khỏi vòng
áp chế...Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút lợi riêng
thì còn lúc nào nữa nhỉ?...Hai mươi năm lăn lộn sách đèn, một chục năm
phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh bay...". Từ đây,
ông hoàn toàn tin tưởng và đi theo cách mạng. Ông được Chủ tịch Hồ Chí
Minh giao giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng ông từ chối với
lý do “thiếu kinh nghiệm”. Trước sự tin cậy và dặn dò của Hồ Chủ tịch
"Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân", ông nhận nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 2
Quốc hội khóa I ngày 3/11/1946. Ông giữ cương vị "tư lệnh ngành" trong
suốt 29 năm cho đến khi qua đời vào năm 1975.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (bên phải) và bác sĩ Hồ Đắc Di - hiệu
trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa tại Văn phòng Bộ Giáo dục đóng ở Chiêm Hóa
(Tuyên Quang) năm 1948. Đất nước vừa kháng chiến vừa lao động, học
tập. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã tổ chức và chủ trì nhiều hội nghị
giáo dục với những nhà quản lý, trí thức và nhà giáo có uy tín để thảo
luận và định ra nhiều chủ trương giáo dục phù hợp với thực tiễn kháng
chiến.
|
Ngoài xóa mù chữ, tổ chức lớp học trong kháng chiến, đào tạo giáo
viên, ông còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ học đường, nâng cao
dân trí, phát triển sự nghiệp giáo dục miền núi, phát triển sử học và
quốc văn vì đó là những lợi khí rèn tinh thần, tư tưởng dân tộc. Năm
1948, dù chưa biết khi nào cách mạng sẽ thành công nhưng ông vẫn chỉ đạo
về các liên khu sưu tầm, lưu giữ tài liệu kháng chiến để làm tư liệu
cho thế hệ sau này biết đến lịch sử đánh giặc của ông cha. Ông
thường đạp xe đi khắp các trường để làm công tác giáo dục. Bộ trưởng
Huyên có tài hùng biện, nói chuyện lôi cuốn người nghe. Hình ảnh "ông
nghè Tây” rời bỏ cuộc sống đầy đủ dưới chế độ thực dân phong kiến để đi
kháng chiến với tấm long son sắt đủ sức thuyết phục, lôi cuốn giáo viên,
học trò, khẳng định con đường họ đã lựa chọn là đúng đắn.
|
Ông dẫn đoàn giáo dục Việt Nam tới thăm Tổng thống Mali năm
1964. Vì Việt Nam có kinh nghiệm trong việc xóa mù chữ và phổ cập giáo
dục nên những năm sau này, ông thường giữ nhiệm vụ phát triển quan hệ
với các nước châu Phi, chủ yếu đưa chuyên gia sang giúp đỡ họ phát triển
giáo dục.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và vợ Vi Kim Ngọc. Tấm ảnh chụp tháng
8/1975 ở Liên Xô trước khi sang Đức làm phẫu thuật. Ông ra đi vào ngày
19/10/1975 khi vẫn còn đang tại vị Bộ trưởng Bộ giáo dục. Trong mắt vợ
con, dù bận rộn công việc của ngành, nhưng ông vẫn là người chồng, người
cha mẫu mực, "cả đời không trách mắng vợ con, không nói điều gì nặng
lời to tiếng với đồng nghiệp. Không tính thiệt hơn. Ai nói gì cũng cười
xòa".
|
Chiếc đồng hồ Movado do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng các thành viên
chính phủ sau Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Mặt đồng hồ có vẽ chân dung
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỷ vật Bộ trưởng Huyên yêu quý nhất. Ông đeo nó từ khi được tặng đến khi qua đời. Sau
khi ông mất, những tư liệu, kỷ vật liên quan đến cuộc đời, hoạt động
của ông đều được gia đình lưu giữ cẩn thận và trưng bày tại bảo tàng
Nguyễn Văn Huyên.
|
Bảo tàng mở cửa vào hai ngày cuối tuần đón khách tham quan. Ông
Nguyễn Văn Huy, con trai út của ông, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc
học Việt Nam chia sẻ: "Bảo tàng xây dựng ở làng Lai Xá, nơi cội nguồn
của dòng họ Nguyễn chúng tôi, với mong muốn để mọi người, nhất là những
người trẻ biết đến một người con của quê hương. Chúng tôi tin rằng tư
liệu của gia đình phản ánh lịch sử, văn hóa của đất nước. Lịch sử đất
nước bắt nguồn từ lịch sử của mỗi cá nhân".
|
Hoàng Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét