19:49 ngày 19 tháng 12 năm 2014
VOV.VN - Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên giới thiệu 400
hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc… giới thiệu về cuộc đời cố Giáo sư
Nguyễn Văn Huyên.
Chiều nay (19/12), gia đình cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức khánh thành và gắn biển công trình bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tại làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tới dự và trao một số tư liệu, hiện vật liên quan đến cố Giáo sư- Bộ trưởng cho bảo tàng.
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được công nhận theo quyết định số 6015/QĐ-UBND ngày 18/11/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và do toàn thể con, cháu của cố Giáo sư thành lập trên chính quê hương của ông.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao một số tư liệu, hiện vật cho gia đình
cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên
Khu trưng bày của bảo tàng Nguyễn Văn Huyên có diện tích khoảng 150m2, giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc với nhiều bút tích của các nhân vật khác nhau, được gia đình lưu giữ một cách cẩn thận. Đa số tư liệu có niên đại từ nửa đầu thế kỷ 20, một số từ cuối thế kỷ 19, nhưng cũng có các hiện vật của những năm 1970-1980. Nhiều câu chuyện chân thực, xúc động được thể hiện qua các bức ảnh, những trích dẫn thư, nhật ký và video với chính giọng nói của những người con kể về bố, mẹ, về gia đình, cũng như lời của nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông bà.
Các hiện vật được trưng bày theo 4 chủ đề chính, bố trí trên 4 tầng của tòa nhà gồm: Nền tảng gia đình; Tuổi trẻ của bố mẹ; Bố chúng tôi - một nhà bác học và Bố chúng tôi - một người hành động.
Giám đốc bảo tàng là Phó Giáo sư - Tiến
sỹ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con
trai của cố giáo sư Nguyễn Văn Huyên cho biết, thông qua trưng bày, gia
đình ông muốn kể câu chuyện về bố, mẹ, ông bà mình. Bên cạnh đó, việc
giữ gìn, bảo tồn các tư liệu, hiện vật của mỗi cá nhân, mỗi gia đình sẽ
tạo dựng di sản của địa phương, của đất nước, giúp các thế hệ sau hiểu
thêm về lịch sử, xã hội của một thời kỳ, một đất nước.
“Lịch sử của đất nước ta rất phong phú, rất đa dạng nên một bảo tàng nói về một cá nhân, nói về một gia đình sẽ góp phần làm cho chúng ta hiểu lịch sử của đất nước phong phú và đa dạng. Tôi cũng muốn làm bảo tàng ở quê hương của bố tôi để cho thế hệ trẻ của quê hương có thể học tập từ những nghị lực học tập, nghị lực làm việc, nghị lực cống hiến của bố mình. Và làm bảo tàng, chúng tôi muốn gửi gắm một tình cảm của những người con đối với bố mẹ” ông Nguyễn Văn Huy cho biết.
“Lịch sử của đất nước ta rất phong phú, rất đa dạng nên một bảo tàng nói về một cá nhân, nói về một gia đình sẽ góp phần làm cho chúng ta hiểu lịch sử của đất nước phong phú và đa dạng. Tôi cũng muốn làm bảo tàng ở quê hương của bố tôi để cho thế hệ trẻ của quê hương có thể học tập từ những nghị lực học tập, nghị lực làm việc, nghị lực cống hiến của bố mình. Và làm bảo tàng, chúng tôi muốn gửi gắm một tình cảm của những người con đối với bố mẹ” ông Nguyễn Văn Huy cho biết.
Sau lễ khai khánh thành, Bảo tàng Nguyễn
Văn Huyên sẽ đón khách tham quan tất cả các ngày thứ bảy và chủ nhật,
từ 9h đến 16h30./.
Minh Hường/VOV – Trung tâm Tin
http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/khanh-thanh-va-gan-bien-cong-trinh-bao-tang-nguyen-van-huyen-371928.vov
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét