Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Để môi trường lễ hội truyền thống không bị méo mó

(Moitruong.net.vn) – Mùa xuân là mùa của các lễ hội được tổ chức khắp nơi trên cả nước với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, môi trường lễ hội chính là nơi giúp các cộng đồng bảo tồn và phát huy những truyền thống văn hóa một cách tốt nhất. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng “thương mại hóa” kéo theo không ít những hiện tượng thiếu lành mạnh khiến nhiều lễ hội đang mất dần bản sắc. Trước thực tế này, việc khôi phục, bảo tồn và tổ chức tốt các hoạt động lễ hội đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để tìm hiểu những giá trị văn hóa của các lễ hội, tạp chí Môi trường & Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng di sản văn hoá Quốc gia, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam. 
MT&CS: Xin chào PGS.TS Nguyễn Văn Huy, xin được hỏi ông, mùa lễ hội xuân năm nay ông có tham gia lễ hội nào chưa? Và ông nhận định thế nào về việc khôi phục lễ hội truyền thống hiện nay? 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Rất may mắn trong đầu xuân năm nay tôi đi được rất nhiều lễ hội. Có thể kể như lễ hội đình Lưu Xá, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Ở đây, không khí lễ hội rất nhộn nhịp, tôi thấy các tầng lớp nhân dân từ già đến trẻ, không phân biệt nam hay nữ, từ người dân bình thường đến cán bộ lãnh đạo ở địa phương đều rất hồ hởi, phẩn khởi tham gia lễ hội. Và mọi người rất có niềm tin và sự kính trọng vị thành hoàng làng của mình cho nên họ tổ chức rất quy củ. Hay lễ hội kéo song ở Hương Canh, Vĩnh Phúc. Lễ hội này có tính thi đấu, đối kháng rất căng thẳng nhưng câu chuyện lễ hội rất bình yên, người dân phấn khởi. Thông qua những lễ hội đó, có thể nói rằng lễ hội là một nét sinh hoạt văn hóa rất đẹp ở nông thôn Việt Nam và được giữ từ xưa cho đến hiện nay. Một số lễ hội truyền thống tốt đẹp đó đã được cộng đồng gìn giữ và được nhà nước công nhận là di sản văn hóa quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Ủy viên Hội đồng di sản văn hoá Quốc gia,
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & phát huy giá trị di sản văn hóa 
Về việc khôi phục lễ hội, chúng ta biết rằng, trước đây, có một thời gian dài do chiến tranh, do nhận thức đơn giản, nông cạn, đã có thời người ta cho lễ hội hay hội làng là lạc hậu, lãng phí thời gian, mê tín dị đoan nên bỏ, không cho tổ chức. Nhưng nhờ tư duy đổi mới 30 năm vừa qua mà các hội làng từ “bị lãng quên”  và “không phải là một di sản văn hóa”  thì nay được khôi phục lại. Theo tôi, việc khôi phục lại hội làng chính là một thành quả to lớn của công cuộc 30 năm đổi mới đất nước ta. 
MT&CS: Được biết ông là người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân tộc, vậy xin ông cho biết ý nghĩa của các lễ hội cũng như là các di sản văn hóa phi vật thể? 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tôi muốn trở lại dùng từ “HỘI LÀNG” như trước đây thay cho từ lễ hội mới xuất hiện khoảng 30 năm gần đây. Gọi là hội làng sẽ gần gũi, thân thiết hơn khái niệm lễ hội nhiều. Khái niệm lễ hội bây giờ bị lạm dụng quá, cái gì cũng lễ hội cả, thành ra nhận thức lẫn lộn. Chúng ta biết rằng, hội làng có từ rất lâu và đâu đâu cũng có hội từ làng xóm của người Kinh ở đồng bằng cho đến các làng bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người ta có thể gọi là hội làng, hội đình hay lễ cúng bản, lễ cúng bến nước nhưng tất cả đều nằm trong phạm trù hội làng. Và với phạm trù này, niềm tin của con người, của cộng đồng thể hiện rất rõ, đó là một niềm tin tâm linh thành kính với các vị thánh, vị thần bảo hộ cho làng.  Khi tổ chức và thực hành hội làng thì những phong tục tập quán, những nghi lễ, tập tục từ xưa để lại chính là một phương thức củng cố cách tổ chức xã hội, làm cho xã hội đi vào nền nếp, kỷ luật, kỷ cương; từ kính trọng vị thành hoàng đến tôn trọng các quan hệ trên dưới trong làng, trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, làng xóm, bạn hữu… Ở một phương hiện nào đó, hội làng chính là một trường học để rèn luyện những con người biết cách chung sống với nhau trong một cộng đồng. Thế hệ trước rèn dũa thế hệ sau vì chính mình, vì cộng đồng của mình và vì con cháu trong tương lai. Đó chính là giá trị của hội làng, của những lễ hội truyền thống cũng như là các di sản văn hóa phi vật thể. 
MT&CS: Thưa ông thời gian gần đây, chúng ta thấy rất nhiều lễ hội đang bị thương mại hóa và những hành vi không đẹp diễn ra nhiều hơn trong lễ hội. Trước tình trạng một địa phương đã tổ chức thêm nhiều phiên bản lễ hội dân gian đã được công nhận để kinh doanh kiếm lời, ví dụ như lễ hội chọi trâu hiện có 10 hội chọi trâu ở các nơi, vậy theo ông chúng ta nên ứng xử với vấn đề này như thế nào? 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có thông tư không cho phép tổ chức những lễ hội mới như lễ hội chọi trâu ở một số địa phương: Phúc Thọ (Hà Nội), Bảo Thắng (Lao Cai), Phú Sơn (Bắc Ninh). Những lễ hội này được cho là có tính thương mại, cờ bạc, bán thịt giá cao… Đây đúng là những lễ hội “nhái lại” hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Hai loại lễ hội này khác hẳn nhau. Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, vốn là một hội làng truyền thống có từ lâu đời. Không thể đánh đồng chúng với nhau, cứ thấy lễ hội là giống nhau, là cho vào một rọ. Việc truyên truyền ý nghĩa của các lễ hội này như nhau, như một lễ hội truyền thống là không đúng. Cho nên việc dừng không cho phép tổ chức những lễ hội mới này trong thời điểm hiện nay là hợp lý.
Lễ hội chọi trâu ở huyện Phúc Thọ – Hà Nội
Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng có những cách xử lý khác cần nghiên cứu cho thấu đáo. Chẳng hạn có thể coi thi chọi trâu là một hoạt động dịch vụ thể thao mới nhằm thu hút khách du lịch nội địa hay quốc tế. Ý nghĩa thuần túy thể thao, không gắn vào đó yếu tố tâm linh. Chọi trâu cũng giống như đua ngựa, đấu bò tót… Cách tổ chức phải mới, có kỷ cương, có luật chơi mới. Chẳng hạn:  một là tuyệt đối không được giết thịt dù là những con trâu thắng hay thua, phải biết yêu thương chúng, chăm sóc chúng cho mùa sau; hai là cách hạn chế cờ bạc, cá cược trong những cuộc đua này hoặc tổ chức như thế nào cho khoa học, hợp lý; ba là, đây là hoạt động thể thao, kinh doanh thì phải đóng thuế, các loại thuế… Tóm lại cần phải nghiên cứu kỹ câu chuyện này để ứng xử với những cái mới xuất hiện cho đúng, cho hợp lý. 
MT&CS: Dưới góc độ nhà nghiên cứu nhân học, theo ông cơ quan quản lý nhà nước làm thế nào để giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc? 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tôi nghĩ rằng các lễ hội đặc biệt là hội làng có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân ở làng quê cũng như miền núi. Cho nên, ngành văn hóa cũng như các ngành, các cấp làm thế nào để khuyến khích tổ chức cho thật tốt. Không vì con số thống kê 7000-8000 hội làng mà sợ, mà ngao ngán. 
Nhiều cộng đồng rất nghèo, nhà nước có thể giúp đỡ, khuyến khích, hỗ trợ cho dân làng các trang thiết bị cho phù hợp, trùng tu, tôn tạo các không gian tổ chức hội. Con người là yếu tố quan trọng nhất. Hãy để cho chủ thể văn hóa tự tổ chức hội làng của mình, đừng can thiệp sâu và quy định quá nhiều. 
Và điều quan trọng, hãy gắng giữ quy mô, mức độ các hội ở cấp độ  làng, cấp độ xã, đừng cố nâng cấp thành hội cấp huyện, tỉnh hay khu vực… để thu hút du lịch hay khuyếch trương chính trị. Chúng ta làm như thế sẽ làm mất đi bản chất của các hội đó, làm ảnh hưởng trực tiếp chủ thể tham gia lễ hội. Việc nâng cấp hội làng chỉ nên tính toán ở một vài điểm cần thiết không nên đại trà, phải giữ lại hội làng cho các chủ thể làm việc và sống ở làng. Làm như vậy, tôi nghĩ các hội làng không bị biến tướng, không bị méo mó và phản ánh đúng nhu cầu của người dân.
MT&CS: Xin được cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy