Nhân ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), Bảo tàng xin gửi tới các bạn trích đoạn bài nghiên cứu về ngày Tết này của GS. Nguyễn Văn Huyên, đăng trên tạp chí Indochine số 95, 25/6/1942.
"Chính ở Bắc Kỳ, cái nôi của dân tộc Việt Nam, là nơi mà hầu hết các tết lễ dân tộc được tạo ra hoặc phát triển, trong đó Đoan Ngọ vẫn còn là một trong những ngày lễ quan trọng nhất và phổ biến nhất, bất chấp sự tiến công của thời gian và nền văn minh khoa học.
Ta biết rằng, phần lớn tết lễ của nước ta đều theo mùa. Các tết lễ đó theo nhịp điệu của thời gian mà lịch nước ta quy định cẩn thận. Vậy nhưng, nếu như mùa xuân được mọi lứa tuổi và mọi giai cấp trong dân tộc chào đón và ca ngợi một cách huy hoàng và nồng nhiệt, thì mùa hè được chờ đợi với một nỗi khiếp sợ nào đó. Đó là vì ở Bắc Kỳ, mùa xuân rất đẹp và rất dịu. Trong khi đó thì mùa hè tại đây lại thật sự là một mùa khủng khiếp. Người ta bị nắng chói chang thiêu đốt, và mệt lử vì sức nóng. Rất nhiều khi, kèm theo những hơi nóng ngột ngạt này là các trận dịch trầm trọng của thổ tả và sốt có thể gây ra đột tử.
Nhưng dân chúng, chẳng những không cho đó là tác hại của mùa hè, mà còn tin chắc rằng tất cả các bệnh tật này là do tác động của những thần linh gọi là ‘quan ôn’. Các ‘quan ôn’ gieo rắc chết chóc để bắt thêm lính mới cho các đạo quân của chúng. Bất cứ nơi nào chúng đi qua, dịch bệnh đều lan tràn. Chúng chỉ buông tha những ai được các thần đặc biệt che chở nhờ những việc thiện mà tổ tiên họ hay chính họ đã làm. Bởi thế, ai cũng cố gắng tăng thêm cái vốn những việc “làm phúc kín đáo” của mình bằng cách cho người khát uống nước, trồng cây dọc các đường đi hay trước cửa đền chùa để người qua đường có bóng mát.
Tuy nhiên, cách thiết thực nhất và dễ nhất là trực tiếp thưa với các thần và cầu xin sự can thiệp diệu kỳ của các thần. Ngoài việc góp tiền làm lễ lớn, người ta tìm cách làm các ‘quan ôn’ vừa ý bằng việc đốt cúng ‘quan ôn’ nhiều thoi vàng giấy và những hình nhân để thế mạng cho người sống ở âm phủ.
Chẳng phải ta đã nhìn thấy, trong nhiều tuần lễ của tháng Năm dương lịch vừa rồi, ở tất cả các quận ở Hà Nội, những đạo thiên binh được triển khai đẹp mắt, với bộ binh, kỵ binh, súng thần công, kèn trống, các đội chiến thuyền và máy bay bằng giấy đủ màu sắc? Người trần gian khốn khổ, tự thấy mình không đủ sức ngăn chặn lũ thiên binh, cho nên hàng năm, để đành đổi lấy một nền hòa bình mà không phải chiến trận, bèn tự nguyện đứng ra làm trẻ hóa khung cán bộ cho đối phương và đồng thời bắt chước những tiến bộ của loài người, đổi mới vũ khí đạn dược cho quân địch mà họ thừa nhận từ trước là những sinh vật thượng đẳng. Đấy, ở cái xứ sở “An Nam” tức “phương Nam thái bình” này, người ta theo truyền thống cứu vãn nền hòa bình giữa lũ hung thần với con người như thế đấy.
Đoan Ngọ, hay “điểm chính của sự kháng cự”, đánh dấu một trong những thời điểm của tháng thứ hai mùa hè này khi khi dương lên tới đỉnh cao nhất, khí âm cũng đồng thời bắt đầu xuất hiện. Đoan Ngọ được cử hành hàng năm vào mồng 5 tháng Năm ta, tức là khoảng hạ chí. Người ta còn gọi nói là tiết Địa lạp, vì ngày này, các thần trên trời ghi vào sổ ‘trường thọ’ địa vị xã hội và chính trị mỗi người, các quan hệ họ hàng, các lúc thịnh suy của người đó.
Người ta có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn bệnh tật, từ lấy thuốc từ cỏ cây cho đến đeo bùa cho trẻ nhỏ. Sau đó, người ta tiến hành việc giết toàn bộ sâu bọ sống trong ruột. Muốn giết sâu bọ, mọi người ăn mọi thứ hoa quả mình gặp: đào, mận, dưa, xoài, dưa hấu. Có người ăn rượu nếp, kê,…
Cũng như vậy, muốn giết mọi sâu bọ và các tà ma có nguy cơ làm nhiễm độc thức ăn, những người bán thực phẩm treo suốt ngày đó vào các gánh hàng hay quầy hàng của mình một gói ớt hoặc một bó xương rồng, hoặc lá dứa.
Tết Đoan Ngọ thực là lễ kỳ lạ nhất trong lịch sử của người Việt. Diễn ra ngay đúng giữa mùa kinh khủng nhất trong xứ này, nó được cử hành vì sự đe dọa thường xuyên của bệnh tật và chết chóc lởn vởn trên đầu mọi người. Nó tiếp tục củng cố thêm chuỗi lễ nghi được làm ngay từ khi mùa xuân kết thúc, để làm nguôi giận các thần trên trời.
Do đó, Đoan Ngọ có tầm quan trọng hàng đầu trong tôn giáo dân gian nước Việt Nam, và việc phân tích nó là cực kỳ bổ ích cho việc nghiên cứu tất cả các thực hành ma thuật ít nhiều bắt nguồn từ đạo Lão."
Bản dịch từ tiếng Pháp của ông Đỗ Trọng Quang, in trong cuốn "Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam", Nguyễn Văn Huyên, NXB Khoa học xã hội, 1996. Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000
Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015
Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015
Phóng sự về Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên trong chương trình "Kỷ vật thiêng liêng", Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN)
Phóng sự về Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên trong chương trình "Kỷ vật thiêng liêng", Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)